Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Chuyện cải cách ruộng đất ở Liên Xô (phần tiếp theo)

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là một đề tài vốn nhạy cảm, và cũng đã được nhiều người tìm hiểu. Tuy nhiên chúng ta lại biết rất ít về CCRĐ ở Liên Xô. Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn trích trong tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô, do nhà xuất bản Tác phẩm mới phát hành năm 1990, để bạn đọc tham khảo.


Trích từ tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô


Êrughin ngọ nguậy cái chân gỗ trên sàn nhà.
_  Đồng chí hãy giảng cho tôi hiểu, thế nào là phú nông? 
_  Chà, thế mà cũng dám tự nhận là du kích đó! Phú nông là thế nào cậu cũng không biết nữa, - Tisa tìm cách lảng tránh câu hỏi.
_  Tôi biết chứ. Có điều muốn nghe xem anh nói thế nào.
_  Phú nông là kẻ bóc lột lao động của người khác, - Tisa miễn cưỡng đáp, trong khi ấy tai anh vẫn văng vẳng câu nói:”Hay chính cậu là dòng dõi phú nông? Phải kiểm tra cậu mới được …”
_  Nếu vậy thì ở cái làng Têtêrêpca này có ai bóc lột đâu? – Êrughin lắc đầu. – Từ xưa tới nay, ở đây chưa có ai thuê cố nông cả. Cũng có người giầu có, phong lưu, nhưng chỉ do họ làm ra thôi …

   Xpirin chậm rãi tham gia vào câu chuyện. Anh ta khó chịu với cái chân gỗ của Êrughin. Hắn là thương binh thật. Cái chân gỗ kia là bằng chứng rõ ràng. Còn mình thì vẫn có tiếng xì xào sau lưng bảo là mình tự bắn vào tay cho thành thương binh.
_  Êrughin, vậy đồng chí hãy trả lời tôi xem: đồng chí có ngựa không?
_  Không.
_  Đồng chí có bò không?
_  Không.
_  Vậy sao đồng chí lại mất cả ý thức giai cấp đến nỗi không còn thấy có kẻ có đến hai, thậm chí ba ngựa, ba bò? Như thế chẳng phải hắn bóc lột súc vật ư, đồng chí Êrughin? – Xpirin nói sấn sổ.
_  Vậy thì cậu, cậu cũng có cả ngựa lẫn bò. Vậy cậu cũng là kẻ bóc lột à? Êrughin hỏi.
_  Mình chỉ có mỗi một con ngựa! – Xpirin bực tức cố gấp ngón tay lại. – Bò cũng mỗi một con! – anh ta gấp thêm một ngón tay nữa, rồi duỗi cả hai ngón ra. – Nhà chín miệng ăn, nuôi như thế không phải bóc lột mà là cần thiết. Chứ còn chăn một lúc ba con ngựa như Dalôghin … - Xpirin đã gấp được ba ngón tay lại, - lại thêm ba con bò nữa! – Xpirin thở phào một cái, không biết do uất giận cái lão Dalôghin hay do bực bội vì những ngón tay bàn bên phải không gấp lại được, - đấy mới thực sự là bóc lột!

Cái tên Dalôghin từ miệng Xpirin thốt ra như cái xương hóc trong cổ họng bật ra làm Tisa lo lắng. Anh cảm thấy một cái gì đó trỗi dậy trong lòng và đẩy Đasa ra khỏi anh. “Liệu hắn có biết không nhỉ?” – Tisa hồi hộp nghĩ thầm.
_  Nhưng đấy là bóc lột súc vật chứ không phải bóc lột người, đồng chí Xpirin ạ, - Tisa dàn hòa. – Bóc lột súc vật không phải đối tượng của cuộc vận động thanh toán phú nông …
_  Nhà mình có hai con chó. Hai chứ không phải một đâu, Xpirin ạ,- Êrughin nhếch mép cười mỉa mai. – Nếu như nuôi một là cần thiết thì nuôi hai là bóc lột rồi còn gì? Và hai con chó, mình cũng phải là đối tượng chứ?

Nhưng cặp mắt của Xpirin đã hướng về phía Tisa xoáy vào anh như hai mũi kim.
         “Hắn biết”, - Tisa nghĩ
_  Lão Dalôghin bóc lột cả người nữa,- Xpirin vẫn một mực cãi.
_  Bóc lột ai? Cả nhà họ đều lao động hết, không thuê ai, Êrughin nhún vai.
_  Họ bóc lột lẫn nhau, cậu hiểu chưa? Nếu không làm sao họ có được những ba con bò, ba con ngựa? – Xpirin đắc thắng cao giọng.

 “Thằng cha này ngứa mắt vì ba con bò và ba con ngựa ấy”, - Tisa nghĩ trong bụng nhưng không nói ra.
_  Cậu cũng bóc lột vợ cậu đấy. Cô ấy chẳng vá quần cho cậu là gì?- Êrughin nói.
_  Lão Dalôghin lại nấu cả rượu lậu nữa chứ? – Xpirin vẫn không buông.
_  Nếu vậy thì cả làng mình đều là phú nông hết … - Êrughin phản đối.  

Xpirin hạ giọng, vội vã nói:
_  Ngoài tất cả những chuyện ấy, lão Dalôghin còn cho vay nợ rồi bắt con nợ phải lao động cho lão để trả nợ …
_  Nghĩa là sao? – Tisa hỏi, tai chăm chú lắng nghe. Nếu như thế này thì rõ ra phú nông rồi đấy.
_  Thế này nhé … Cách đây đã ba năm, bấy giờ là mùa đông, lương thực khan hiếm, lão cho mình vay một bao lúa mì. Hè năm sau, lão gặp mình và nhìn mình. Cái nhìn có vẻ soi mói. “Ông nhìn gì tôi thế? – tôi nói. – Ông nhắc tôi trả nợ chứ gì?”. Lão đá: "Chú đừng lo. Chỉ cần chú đi cắt cỏ với vợ tôi một buổi, tôi sẽ xóa nợ cho chú”.
_  Thế cậu có chịu không?
_  Không chịu thế nào được? Tôi cắt cỏ …
_  Và ông ta đã xóa nợ cho cậu?
_  Lão xóa nợ cho mình nhưng mình thì không bao giờ xóa mối thù này cho lão … Cho vay rồi bắt con nợ lao động để trả lại không phải là bóc lột à? – Xpirin giật lấy bản danh sách nhân khẩu, gí bàn tay bị tật vào, rồi trợn cặp mắt long sòng sọc lên nhìn Tisa: - Nhà lão ta mười hai nhân mạng, lão Dalôghin ấy. Xếp lão vào đối tượng, ta có được mười hai phú nông liền một lúc! Vừa vặn quá!
_  Làm thế có tội với Chúa Trời đấy! Trong nhà ông ấy, có ba khẩu còn là trẻ con, Êrughin nói.
_  Cha nào con ấy. Bây giờ trẻ con, sau này chúng cũng thành phú nông hết. Chúng sẽ chẳng có tương lai đâu. Mà sao lúc nào cậu cũng nhắc đến Chúa nhỉ? Ai chẳng biết không làm gì có Chúa. Cho nên chẳng có việc gì mà sợ. Mình đánh giá rất cao những thành tựu của cậu, Êrughin ạ. Nhưng lắm lúc mình rất ngạc nhiên, thấy cậu sao lắm chỗ yếu thế. Không thể lúc nào cũng vin vào thành tích cũ được đâu. Phải làm thế nào có được những thành tích mới đối với chính quyền Xô-Viết, - Xpirin nói giọng dọa dẫm.

Rồi hắn quay sang Tisa, giáng một đòn cuối cùng:
_  Hơn nữa trong công tác xã hội, phải biết gạt đi những tình cảm cá nhân, đồng chí Tisa ạ…

   Và thế là Tisa, mặc dù trong đáy lòng còn phân vân, vẫn kiên quyết gạt đi những “tình cảm cá nhân” ấy…
    Những đại biểu được cuộc họp nông dân cử ra đã đến nhà ông già Dalôghin. Với vẻ buồn bã của những kẻ có lỗi, họ giảng giải cho ông già hiểu rằng, thời đại này quá khắc nghiệt, cho nên khi biết cụ chẳng phú nông gì, nhưng phải có người đứng ra chịu tội thay cho dân làng, mà cụ lại giàu nhất, xin cụ đừng giận, chúng tôi đành phải chọn cụ làm vật hy sinh. Ít lâu nữa, tình hình sẽ thay đổi, cụ sẽ lại được trở về quê hương bản quán. Mấy người con trai lớn của cụ Xêvátchian định chạy đi lấy súng, nhưng cụ giơ tay ngăn các con lại: “Máu lại chỉ đẻ ra máu chứ xưa nay chẳng tạo nên được cái gì tốt đẹp đâu”. Cụ sai các con chọc tiết con bê, và trong ba ngày liền nhà cụ mở toang cửa, đón tất cả mọi người. Khắp làng kéo đến, uống rượu lậu, hát ca và khóc lóc tiễn gia đình Dalôghin đi phát vãng.

    Cụ Xêvátchian tính rộng rãi. Ngay đến lúc Xpirin vào nhà, cụ cũng không hề thay đổi sắc mặt. Với ai cụ cũng niềm nở mời ngồi. Chỉ thấy cụ cười khẩy cay đắng, lúc cặp mắt của thằng cha Xpirin soi mói nhìn khắp căn nhà, khi hắn sờ tay vào những bức tường gỗ vững chãi, và đặc biệt, khi hắn đụng vào chiếc tủ áo đồ sộ mà cụ mua ngoài thị trấn và chở về làng bằng thuyền. Chỉ có hai người không đến nhà cụ. Một là Êrughin, ngồi trong căn lều lụp xụp uống rượu một mình. Hai là Tisa. Anh tránh mặt Đasa bằng cách vào rừng Taiga săn vịt trời chỗ ven hồ. Định bụng muộn mới về, nhưng vô phúc, lúc anh vừa về đến nơi, thì sà - lan chở gia đình Dalôghin mới chỉ rời khỏi bờ. Chiếc sà – lan này mới từ hạ lưu ngược dòng lên, chở một gia đình phú nông khác đến đây, đến làng Têtêrêpca: cả gia đình họ có có khoảng mười lăm người. Bước lên bờ đầu tiên là một bà cụ già cao lớn, lưng còng, ôm một bức tượng Thánh trước ngực. Một tốp cả đàn ông đàn bà đeo tay nải, xách làn xách bị theo sau. Một chú lợn con nhét trong bị kêu eng éc. Rồi đến hai đứa trẻ, mỗi đứa xách một quai chiếc ấm Xamôva, vật duy nhất sáng loáng giữa cả một đám màu xám ảm đạm. Cuối cùng đến một ông già, trạc tuổi cụ Xêvátchian, một tay cầm chiếc đèn dầu hỏa, một tay ôm chồng ảnh gia đình lồng kính. Ông cụ già đặt chiếc đèn xuống đất, cẩn thận dựa chồng ảnh vào bắp chân. Những khuôn mặt xa lạ trong ảnh như ngước nhìn lên đám dân làng Têtêrêpca tụ tập trên bờ sông. Ông cụ vái chào mọi người.

_  Cụ ở làng nào đến thế? – cụ Xêvátchian hỏi người khách mới đến.
_  Tôi ở Vốttricôvô, - cụ già mới đến đáp, không hề có vẻ phàn nàn gì, coi mọi chuyện xảy ra tất yếu phải xảy ra.
_  Còn chúng tôi thì sẽ đến ở làng nào? – cụ Xêvátchian hỏi người đi áp giải, dáng còm cõi xấu xí và mang khẩu súng cũng còm cõi xấu xí như vậy.
_  Cũng đến làng ấy, làng Vốttricôvô. – người áp giải vừa đáp vừa khụt khịt mũi. – Kẻ ngược dòng lên, người xuôi dòng xuống. Cuộc đời các người và chúng tôi là như thế … Mà cụ đừng buồn. Dân dưới ấy cũng quý người lắm.

  Cụ Xêvátchian nhẩm tính, như thế cũng chẳng xa lắm, chỉ khoảng ba trăm cây số. Thế là cụ bàn với cụ già mới đến có chòm râu bạc: gia đình cụ này sẽ sống ở nhà của cụ Dalôghin, và gia đình Dalôghin sẽ sống ở nhà của họ. Làm như thế, cầu Chúa phù hộ, cuộc sống sẽ đỡ đảo lộn quá nhiều.

  Bà cụ quê ở Vốttricôvô bước đến cạnh cụ Xêvátchian, chìa bức tượng thánh:
_  Cụ cầm lấy giúp tôi … Bức tượng thánh này bao lâu nay vẫn ngự trong nhà của chúng tôi. Cụ xuống dưới ấy, xin hãy đem theo để Ngài được ngự tiếp ở nơi cũ …
_  Nếu vậy thì xin cụ cũng nhận bức tượng thánh của gia đình chúng tôi, cụ Xêvatchian nói. – Mong rằng sẽ có ngày chúng tôi được trở lại nơi này.
  Hai gia đình đổi tượng thánh cho nhau, mặc dù tượng thánh của gia đình quê ở Vốttricôvô có vẻ lộng lẫy hơn.

  Tisa đứng trên sườn dốc, dưới gốc cây tùng lá rụng. Anh đeo sau lưng chiếc túi vải nặng trĩu đựng những con vịt trời vô tích sự. Anh thấy Đasa, mắt không nhìn ai, bưng hai chiếc hũ, vốn để đựng kẹo cứng, nay đựng hai cây thiên trúc quỳ hoa màu hồng nhạt. Dáng điệu cô là dáng điệu của người vừa mới bị đánh đập, khác hẳn dáng điệu của những người khác trong gia đình, họ đều giữ được vẻ tự trọng đầy đau xót. Việc tịch thu tài sản mặc dù bị Xpirin cố tình làm nặng nề thêm để hành hạ những kẻ đã làm hắn ghen tức, nhưng đến khi diễn ra lại mang một vẻ thân tình, không có gì thù hằn hết, và chỉ đụng đến những bất động sản và gia súc lớn. Quang cảnh gia đình Dalôghin bước xuống sà – lan tất cả lặp lại chỉ có theo phương trái chiều mà thôi. Bà cụ Dalôghin tay ôm bức tượng thánh bước lên trước. Tiếp theo, đám con trai, con dâu xách làn, bị, trong một chiếc bị cũng có một chú lợn con thò mõm ra kêu eng éc. Cũng đến hai đứa bé khiêng chiếc ấm Xamôva. Cuối cùng là chủ gia đình, cụ Xêvátchian, cắp trong nách chồng ảnh gia đình lồng kính. Cụ đứng trên mũi sà – lan nói: “xin chào tất cả bà con”, - và sà – lan nhổ neo. Trong số người ra tiễn, cũng như những người trong gia đình Dalôghin không ai khóc. Người ta đã khóc cạn nước mắt bên hũ rượu lậu và con bê bị chọc tiết rồi. Tisa đứng trên bờ nhìn xuống sà – lan, thấy chiếc khăn trùm đầu của Đasa bay nhẹ theo chiều gió, và anh thấy không còn muốn sống ở trên đời nữa. Vài chiếc lông chim trong ruột gối của gia đình Dalôghin rơi ra vẫn còn bập bềnh một lúc lâu trên mặt nước. Cuối cùng chúng cũng bị dòng chảy cuốn đi mất hút.

  Gia đình từ Vốttricôvô đến, không được vào ở ngôi nhà của gia đình Dalôghin. Tên Xpirin đã tranh mất và đổi cho họ đến ở ngôi nhà cũ kỹ xiêu vẹo của hắn. Sau đấy ít lâu, chiếc sà – lan chuyên chở người đi phát vãng đem đến một lá thư của gia đình Dalôghin, cho biết họ đã được ở trong ngôi nhà của gia đình từ Vốttricôvô lên để lại, được dân dưới ấy đối xử nhân hậu. Tuy không có khó khăn gì nhưng họ rất buồn.

  Tisa quyết định không làm công tác xã hội nữa. Anh xin vào làm chân thả bè gỗ ở Xaian cốt tránh xa khỏi nơi này, cố quên đi những gì đã xảy ra ở Têtêrêpca, nhưng vẫn không làm sao gạt đi được cảm giác rằng mình đã có tội. Một lần giở một tờ báo trong số báo chí mà xí nghiệp thả bè nhận được anh thấy trên tranh nhất hai chữ “quá trớn”, hai chữ lần đầu tiên anh được đọc thấy và khiến anh suy nghĩ: “sao có hai chữ chính xác đến thế. Khốn nỗi điều gì ta đã làm quá, thì không thể sửa lại y nguyên như cũ được nữa. Một lần khác trong lúc nhảy từ cây gỗ này sang một cây khác, anh dùng mũi sào chọc một con cáo to và anh bị trượt chân. Những khúc gỗ to đè vào khiến anh bị chấn thương rồi thành tật. Từ ngày ấy anh đã đổi bao nhiêu nghề, để cuối cùng trở thành người cán bộ được ủy thác thu mua trái cây. Và nhìn bác Tikhôn bây giờ, người ta không thể nhận ra được anh Tisa ngày xưa nữa.

    Bác chọn vợ cũng trong ngành thương nghiệp để cuộc sống đỡ khó khăn. Hai vợ chồng không có con và họ cũng chẳng đằm thắm với nhau mấy. Trong những chuyến đi công tác, bác cũng nhiều lần trăng gió, nhưng có điều lạ, những người phụ nữ bác dan díu đều công tác trong ngành thương nghiệp và đều có hình dạng khá giống vợ bác. Bác Tikhôn hay rượu chè, hay nổi khùng, nhưng thỉnh thoảng nhớ lại khóm anh đào dại ở Têtêrêpca bác lại ân hận đã để tuột mất khỏi tay niềm hạnh phúc lớn nhất trên đời.

  Thỉnh thoảng trong lòng bác nhói lên một niềm day dứt: cả bác lẫn cô gái Đasa khi ấy đều non nớt, chưa có kinh nghiệm gì hết, lỡ cô ấy đã có thai và đẻ ra một đứa con? Nhưng số phận của gia đình Dalôghin về sau ra sao bác không hề biết. Tất nhiên cũng có thể dò hỏi, nhưng bác sợ. Cái câu nói hôm ấy bác nghe được ở huyện lỵ: “hay chính cậu là dòng dõi phú nông? Phải kiểm tra cậu mới được” – đã khiến bác phạm tội lỗi. Bây giờ mới dò hỏi thì đã muộn mất rồi.

Trích từ tiểu thuyết “Những miền trái chín” của Ephgêni Eptusencô
Nhà xuất bản Tác phẩm mới - Hà Nội.  năm 1990.
Chuyển ngữ: Vũ Đình Phòng


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét