Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

TRẦN MAI HƯỜNG VỚI LỘ TRÌNH MỘNG DU NGƯỢC ĐÊM CẤT LỬA

   Trong số khá đông những cây bút nữ làm thơ của Hội Nhà văn Thành Phố HCM, Trần Mai Hường mấy năm gần đây nổi lên trong tư thế một cây bút giàu nội lực. Trong 6 năm, giống như chiếc lò xo nén mãi rồi chợt bung hết cỡ, Trần Mai Hường cho ra đời liền 4 tập thơ. Bắt đầu là Sóng khát (2009), Đó là Em (2010); Những ngọn sóng tỏa hương (2012), Và bây giờ (2014) Ngược Đêm.



Ngược đêm - Không chỉ đơn giản là tên của tập thơ. Ngược đêm là hành trình trở về nơi khởi nguồn của đêm. Về với một miền thức. Ngược đêm, bước chân của lần tìm. Là sự quay về cái đã có và đã xa. Có một cái gì đó sâu thẳm trong tiềm thức đã trỗi dậy. Bồng bềnh. Trôi nổi. Phiêu dạt như mộng du trên một dòng chảy của sự ám ảnh. Giống như vết hằn của môi sóng thời tiền sử vẫn còn in trên những vách đá Chùa Hương quê chị. Câu chữ vin vào tứ thơ, vin vào mạch nghĩ lòng người trong một lộ trình ngược.


Như bao người đàn bà đời thực, như bao người đàn bà cầm bút, như bao người đàn bà yêu, thơ Trần Mai Hường khát khao bộc lộ mình. Bản năng, yếu đuối, cả tin và đam mê … sự đam mê không thể kìm giữ. Khác chăng ở cách diễn đạt, Trần Mai Hường trải mình trong những câu chữ hoang tại. Có cái được nói bằng mơ. Có cái hiện diện dưới dạng một phiên bản. Và cũng có lúc trần trụi cùng một đối diện sát sạt, không ngụy trang, không che đậy. Ý nghĩ xoay vần trong khối Rubic thơ ảo và thực, và dù với bất kỳ hình thức nào cũng vẫn hiện diện một Trần Mai Hường vắt kiệt mình trong từng con chữ.
Ban ngày, trần mình với mưu sinh. Chỉ khi đêm đến, một mình đối diện với đêm: Con chữ nhông nhao điên cuồng đòi thoát xác. Và cũng từ đêm: Những câu thơ sinh đôi cùng nước mắt ra đời. Khởi đầu là những giấc mơ, mơ là hồn của đêm. Là phiên bản chứa đựng những gì mà ngày chưa kịp nhận diện.

Người đàn bà thơ mơ gì:
 “ Ước một lần chết đuối
một lần thôi ngụp lặn bến mê người 
giấc mơ đi hoang ấy không tròn sứ mạng để rồi đành
“Mang giấc mơ trả nguyên vẹn cho đêm
 Mặc nhớ đi hoang
 Mặc người đàn bà trong em tấm tức…”
cùng những khát khao đồn nén đợi ngày mai tới. Và đây nữa:
 Đã nhiều đêm anh trôi sâu vào giấc mơ em
 Em hoang mang hỏi mình giữa khuya
 Hình như nhớ vỡ…
Chị ví với tình yêu mình giống như đứa trẻ chơi trò ú tim, trốn rồi còn tự mình khai ra chỗ nấp, trò chơi giả vờ ấy chờ thua cuộc, và trả giá là những giọt nhớ buốt lòng.

Trước Những nút thắt đời định mệnh/ Những khúc quanh không định hướng, trước tình yêu đích thực thì dù đã gồng mình cảnh giác, người đàn bà ấy Lý trí bất lực khi cố đi ngược lộ trình trái tim. Trước tình yêu, dù đã quá hiểu những bất trắc của nó, đã dặn lòng cảnh giác Lấy ồn ào hòng che giấu cô đơn nhưng khi tình yêu đến mọi rào chắn đổ vỡ.
Không có tiếng gõ cửa nào
 Anh ùa vào như lốc
 Em ngỡ ngàng
 Em luống cuống
 Em run.
 Một thua cuộc ngọt ngào. Không dối lòng: Không giấu được anh em nhận mình thua cuộc. Không dối người khi tình yêu không còn:
Cạn nhau đã cạn rồi
Sao sóng vẫn nhòa mắt biếc...

 Khóc đấy để rồi lại muốn nhốt hết buồn vào thơ: tự mình lau cho mình nước mắt, tiếp tục: nắm chặt tay mình mở sóng mà đi…

Hình như đã có một người đàn ông thực giữa đời. Và hình như lại có một người đàn ông chỉ tồn tại trong thơ, trong mơ… Những giấc mơ liên tiếp về một tình yêu huyền ảo: 
Có một mối tình thầm lặng
như trăng
thanh khiết… 
Trong lộ trình ngược đêm cất lửa của Trần Mai Hường có những cuộc phiêu lưu đến tận cùng con chữ:
Những ý nghĩ đục
 chung chạ với đêm
 bế em xoay vòng lối cỏ…
và: 
 Anh
 người đàn ông chỉn chu như kinh
 nồng nàn như lửa...
Đã không ít lần
 Mặc vùng vằng sai đúng
Cố thoát khỏi cung mê dại
Bằng ngụy biện trái mùa rồi tự thả mình trôi. Anh đến:
Mở tung từng nút khát
 Khép lại chuỗi ngày câm…
Sex thật nồng nàn và tinh tế.

Phút giây cuồng dại vượt ra, nằm ngoài thời gian mặc định. Chính điều đó tạo ra cảm giác đang sống trong cõi ảo. Thời gian ảo - Giờ 25 - nhưng cảm xúc rất thực. Thực như một vòng tay siết, một Ngực rằm đang mùa chín, một bờ môi căng cạn. Lúc đó lí trí lui chỗ cho những con sóng của cảm xúc:
 Đêm ấy
Thảo nguyên nồng nàn mùi cỏ
Cơn sốt không giữ nổi mình
Gió hoang chọn bờ trăng gối
Đêm ấy
Đại ngàn im bặt
Lá trút hết mình
Xanh                                                         
Và để lí giải cho điều này, Trần Mai Hường thầm thì:
 Đàn bà
 Em
 như thế…
Thơ Trần Mai Hường khá đa chiều và có một trường phổ hiện khá rộng. Nhưng bất cứ đối diện với góc cạnh nào thì Mai Hường cũng vẫn không dễ dãi khi cầm bút. Những câu chữ được chắt lọc, nghiêm túc, kĩ lưỡng một cách khắc nghiệt nhưng đặc biệt không cầu kỳ. Trần Mai Hường ít làm thơ lục bát, cả tập chỉ có mấy bài nhưng đều là những bài lục bát hay, hay vì nó ám ảnh bởi tứ, bởi ngôn từ:
 "Đốt anh tròn một giấc em
 Câu thần chú cháy lừng men dại khờ
 Chật đêm hổn hển thực – mơ
 Chiếu chăn thiêm thiếp như vừa trăm năm…"

Hay
 "Từ môi ngọt tựa trăng non
 Núi cao như mới chon von lần đầu
 Từ tình trót lấm trong nhau
  Đắm mê như thuở chưa nhàu hồng hoang…"

 "Hoàng hôn đỏng đảnh then cài
 Trăng kia đỏ mặt trước Mai khỏa trần..."

Với những câu lục bát này ngôn từ hình ảnh ảo mờ như gió, như men rượu, có thể không nhìn thấy, khó nắm bắt nhưng không dễ quên.

Trần Mai Hường cũng ít khi viết dài. Không thấy trong thơ chị sự dàn trải miên man. Những bài thơ đều ngắn và có sức dồn nén cao. Những con chữ khi lên đến đỉnh thì dừng lại. Câu thơ dừng lại bất ngờ ở chính nơi những long lanh vừa đứng đỉnh. Rồi đột ngột mở ra cho hết. Hất tung những hạt vụn long lanh vừa gom nhặt bay tóe lên không rồi thôi. Không quan tâm đến kết cục sau đó. Việc những hạt long lanh kia rơi về đâu hay tan hóa vào đâu là việc của chúng. Một hành trình mới được giải phóng. Và một tái sinh mới bắt đầu. Giống như một con đập vỡ. Dòng suy tưởng tiếp theo không còn theo ý chủ quan của tác giả nữa mà nằm về phía bạn đọc. Độc giả sẽ làm tiếp phần còn lại qua những cảm nhận của riêng mình.

Thơ Trần Mai Hường giàu khát khao, tươi mới, nữ tính và độc đáo. Vừa đủ cho một đổi mới. Một lạ. Và một phong cách riêng. Một gương mặt thơ không thể trộn lẫn. Và với mỗi người làm thơ, điều này rất cần thiết.
Trong hành trình con chữ Trần Mai Hường ý thức được cái vất vả, sự nghiệt ngã của cái nghiệp mà mình theo đuổi:
Đời thơ ngược dốc
Những bức tường rêu ngày càng cao
Những bức tường rêu ngày càng trơn...

Vâng. Để có được một chỗ đứng trong lâu đài thơ, cần nhiều lắm những lao động nghiêm túc và hết mình. Cái hành trang mà Trần Mai Hường hiện có, bằng nội lực và năng khiếu thơ là rất quý, rất trân trọng. Chúc chị có nhiều nghị lực hơn nữa để vượt qua được những bức tường rêu ngày càng cao và trơn ấy, vượt qua mọi thử thách trên con đường nghệ thuật mà chị đã dấn thân.
TP HCM, tháng 10 năm 2014
Nhà văn Kao Sơn

Tin liên quan: VUI VUI VUI
Đang buồn, chát với anh Châu Ngọc Nguyễn, được anh tặng cho 2 cái ảnh này, nhớ hồi năm 2011 mình, Đặng Diệu Thoa, Thủy Hướng Dương ( Chũm Ngố), Hồ Phong Tư, đi Hải Phòng chơi, mình và anh Kim Chuông có vụ thơ này, đưa lại mọi người đọc cho vui.


Nhà thơ Trần Mai Hường (áo đen, giữa). ảnh của Mai Hường

BAO GIỜ...
( Thơ vui tặng Hường)
Em này !
Họ có với nhau
Cái đêm trời ở trên đầu chung chiêng
Đất nằm. Đất đứng. Đất nghiêng
Còn trăng chìm với liên miên gió trời
Thế mà em.
Thế mà tôi
Chiều nay là quá nửa đời ...
Có khi !
Gặp nhau. Mưa gió bất kỳ
Tay nâng chén rượu hồn thì bão giông
Bão trời giăng ngập Hải Phòng
Bão tim cuộn cháy giữa lòng hai ta
Thế mà
Thế mà
Thế mà …
Rượu nồng lăn lóc đổ ra áo quần
Trời ơi ?
Đời được mấy lần
Chỗ không thì đổ
Chỗ cần
- Thì không !
Đời
Sâu nặng nhất ?
Cõi lòng !
Mà hai ta để bềnh bồng hai nơi
Bao giờ
Em của ta ơi
Hai ta là một. Là đôi. Là gì ? …
Kim Chuông.
****
HẸN ANH
(Thơ vui tặng anh Kim Chuông)
Ơ kìa, thật lạ lùng chưa?
Cái duyên hôm ấy, trời đùa hai ta
Người dưng...xa thật là xa
Bỗng nhiên ngồi cạnh...thế là...là run...
Mảnh tình khoe cái con con
Hải Phòng mưa ngập trắng đường.Ai hay?
Rượu nồng nhắm mắt môi này
Anh ơi, sóng đã thét gầy biển đêm
Rằng quên...rằng quên...rằng quên
Mà sao nhớ dội từ miền trăng xanh
Tại anh ...tại em...tại anh...
Trời trêu ngươi bắt chúng mình...đổ nhau...(đổ rượu vào nhau)
Hẹn anh...sau... của kiếp sau
Em thề...dối mẹ qua cầu...nhé anh...


Trần Mai Hường ( Kỷ niệm chuyến đi HP 14.7.2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét