Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

NÓI VỚI ĐỒNG HƯƠNG VỀ MAIDAN

(NSGV): “Đến đây tôi nghĩ rằng mình đã hiểu. Nhiều người Việt ta sống tại Ukraine không muốn đất nước này thay đổi. Họ chỉ coi nơi đây đơn thuần là chỗ để họ kiếm tiền. Đất nước đổi thay nghĩa là họ sẽ phải một lần nữa thích ứng với những thay đổi đó, có thể tốt và có thể không. Con bò tạm thời không còn sữa để người Việt chúng ta vắt nữa, vậy nó còn có ý nghĩa gì! Những ai thương con bò đã phục vụ chúng ta thì sẽ yêu thương nó, còn những ai vội vã cho công cuộc làm giàu hoặc tiếp tục làm giàu thì đổ lỗi cho con bò sao bỗng dưng “ăn bả” Phương Tây để rồi hết sữa! ”.

Euromaidan - Ảnh: Genya Savilov (AFP)

Thân tặng bạn Trần Chung Tú 

Tôi tuy người Việt nhưng lại trót sống ở tận xứ Ukraine xa xôi. Mà cái xứ này thì hơn một năm nay nổi tiếng như cồn với Maidan, với khái niệm “phát-xít”, với chuyện Crimea tự nhiên bị “sáp nhập”, với cuộc chiến không tuyên bố của nước Nga tại vùng Donbas... ai mà chẳng biết. Chuyện còn thế này nữa, tôi cũng ti toe có tài khoản trên mạng Facebook nên cũng tham gia các trang FB tùm lum, thế là xảy ra chuyện. Cũng chả phải chuyện to lớn gì nhưng khổ nỗi lại làm tôi trăn trở suốt cả năm nay.
 


Đến mấy hôm trước, một người bạn FB gửi cho tôi một link bài báo có tiêu đề
 “Giấygọi ra... nghĩa địa” của một đồng bào sống tại Odessa đăng trên một tờ báo ở Việt Nam về tình hình tuyển quân tại Ukraine. Bạn tôi buồn, chán và thất vọng vì người Việt của mình. Tôi thì đã buồn chán và thất vọng từ cả tuần trước rồi, sau khi chồng tôi đến gặp đại diện của Hội Hữu nghị Ukraine - Việt Nam để hoàn thành công đoạn cuối cùng cho việc tham gia vào Hội. 

Chồng tôi kể rằng anh bạn làm việc trong Hội rất vui vẻ, nhưng trong câu chuyện làm quà cùng anh, chồng tôi đã đắng lòng khi anh ấy kể rằng Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Việt Nam vì truyền thông Việt Nam liên tục đưa tin thiên vị về tình hình Ukraine. Thế là tôi nghĩ về trang FB tôi tham gia bấy lâu nay, nghĩ về điều tôi trăn trở đã bao ngày tháng mà chưa thể viết được thành lời.
 

Cảm ơn người bạn đã gửi cho tôi đường dẫn bài viết nói trên, bởi bạn đã cho tôi có đủ lòng dũng cảm để cố tìm lời đáp cho câu hỏi:
 vì sao có những người Việt đang sống tại Ukraine và không hề bị bạc đãi mà lại có cái nhìn bạc bẽo đến vậy với đất nước này? 

Trước hết, tôi không nói về những cái nick rất đẹp (thường mang tên các cô nàng) gọi Putin là “thánh”, vì tôi e rằng nếu đụng vào những kẻ này thì chắc thế giới sẽ có thêm vài thảm kịch giống vụ khủng bố vừa rồi ở Paris. Thôi cứ để họ phong thánh cho thần tượng của mình. Sau nữa, các đối tượng sống ở Việt Nam và điên cuồng xông pha vào các trang mạng có hơi hướng liên quan đến Ukraine để bôi nhọ, để hả hê cũng không khiến tôi quá chú tâm: họ có nhiệm vụ bảo vệ chế độ hay bảo vệ nồi cơm của họ.
 

Tôi chỉ muốn nói về những người Việt đang sống tại ngay chính mảnh đất này, gồm khá nhiều thành phần: có người đã sống ở đây từ thời Xô-viết, có người được anh em họ hàng “kéo” sang đây làm ăn, có người lưu lạc từ Nga về đây sau những vụ vỡ Dom 5, đóng cửa chợ Vòm, trốn tránh bắt bớ xua đuổi bởi chính sách nhập cư của Nga... Thôi thì rất nhiều hoàn cảnh nhưng chung quy, chủ yếu lý do để người Việt có mặt tại mảnh đất này là để kiếm tiền và sinh kế.
 

Kể từ khi Maidan xảy ra vào cuối tháng 11-2013, ngay trong cộng đồng người Việt cũng phân hóa. Một số anh chị thì uất hận vì “đang yên đang lành, Maidan làm cho việc buôn bán của chúng tôi thất bát”. Các bà con ở Donetsk thì còn tức tối hơn nữa vì tiếc của,
 “công sức cả đời của chúng tôi bỗng dưng bị mất trắng ai mà chẳng xót” (!!!). Tôi cũng sống ở nơi này quá nửa thời gian tôi có mặt trên trái đất này, và chắc chắn tôi cũng xót xa như các anh chị nếu một ngày nào đó tôi phải đứng trước sự lựa chọn. Và chắc rằng ai cũng thế. 

Nhưng tôi chợt nghĩ, các cụ ngày xưa có nói “thiên tai, địch họa”, ai mà lường trước được những gì sẽ xảy ra. Các anh chị đã sống và làm việc ở đây nửa đời người, nghĩa là ít nhất trong mấy chục năm đó đất nước này đã thay tổ quốc Việt Nam gánh vác trách nhiệm tạo công ăn việc làm để các anh chị có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Chắc chẳng có ai trong số các anh chị phải mang tiền bạc từ Việt Nam sang đây để cống hiến cho nước sở tại mà chỉ có ngược lại, khi các anh chị có chút ít dư thừa thì ai cũng gửi về quê nhà.
 

Vậy hôm nay, các anh chị sao lại trách cứ những việc không thể lường trước được? Maidan không kêu gọi chiến tranh, Maidan chỉ kêu gọi thay đổi theo hướng dân chủ và nhân bản của Châu Âu. Còn chiến tranh là do những kẻ muốn chiến tranh gây ra. Một số anh chị thì tuyên bố rằng, “tôi trung lập”. Vâng tôi sẽ hiểu là các anh chị bàng quan, trung lập nếu các anh chị im lặng, nhưng một khi các anh chị viết báo hoặc có các ý kiến trên công luận thì không thể còn trung lập.
 

Tôi được đào tạo nghề phiên dịch, một nghề chắc chắn đòi hỏi sự trung lập. Bởi vậy, tôi biết rõ hơn ai hết, việc sử dụng ngôn từ khi dịch chỉ riêng với các đại từ nhân xưng, các thể động từ bị động cũng đủ nói lên thái độ của người dịch đối với sự việc. Vậy xin hỏi các anh chị có thực sự trung lập hay không khi cung cấp thông tin đến công chúng? Các anh chị có thể nói rằng, “vâng, tôi không trung lập, nhưng những tin tức tôi đưa đều có thật”! Hoàn toàn không biết những gì các anh chị đưa ra “thật” đến mức độ nào, nhưng rõ ràng trong thời buổi thế giới là cả một biển thông tin như hiện nay thì những “thông tin có thật” ấy có thực sự là đại diện cho toàn xã hội hay không?
 

Ngay trong cộng đồng người Việt tại Ukraine, việc sinh con rồi bỏ rơi cho các bà giữ trẻ, thậm chí bán con... đã bị báo chí Ukraine nói đến không chỉ một lần, các anh chị sẽ nói gì khi một người kém hiểu biết nào đó, đọc được những bài báo đó nhất định cho rằng tất cả người Việt ở Ukraine chỉ là những kẻ tàn bạo bỏ rơi con cái không một lần đoái hoài? Và chắc suy nghĩ đó của người bạn đó sẽ được củng cố hơn nữa khi đầy rẫy trên báo chí Việt Nam là tin cướp bóc, giết người, bạo hành người già, trẻ em...
 

Vâng, tôi cho rằng việc lựa chọn thông tin cũng là một cách trực tiếp nói lên quan điểm của mình. Thêm một ngụy biện nữa của các anh các chị, “tôi yêu đất nước Ukraine nhưng tôi căm ghét chính quyền hiện nay ở Ukraine!”. Thưa các anh các chị, tôi và chắc cũng nhiều người như tôi, cả người Việt cũng như người Ukraine không yêu và cũng không ghét chính quyền này. Họ chỉ là những người buộc phải thừa hành nhiệm vụ và đáng thương thay cho họ, nhiệm kỳ làm việc của họ là một nhiệm kỳ khó khăn gần như không thể khó khăn hơn đối với bất cứ chính quyền nào.
 

Chúng tôi không yêu, không ghét mà thông cảm với họ cho đến khi nào còn thông cảm được, nếu họ lại quay trở về lối mòn cũ của những chính quyền trước, nếu họ phản bội lại lợi ích của dân tộc thì dù có là ai, họ cũng phải ra đi - một Maidan mới sẽ chờ đợi họ! Và hơn nữa, lý do các anh chị thù ghét chính quyền này sao thật mù mờ, không hiểu nổi! Nếu tổng kết lại, chắc chung quy chỉ vì bọn này “ăn bả Phương Tây - Mỹ” đòi tự do dân chủ. Vậy liệu có cần phải nhắc rằng đường lối không đổi của đất nước này suốt hơn hai chục năm nay là tiến tới hòa nhập Châu Âu?
 

Và chính nhờ đường lối ấy mà luật nhập cư ở đây dễ dàng hơn nhiều nước mà các anh chị đang hâm mộ. Như có một bạn khá nổi tiếng trong số các bạn đưa tin (mà nhiều người trong số chúng ta đều biết) từng tuyên bố, “tôi căm ghét bọn miền Tây, tôi không muốn chung sống với họ”. Vâng, hiển nhiên rồi, bạn không muốn chung sống với họ nên bạn đã không còn ở nơi này (một việc làm đúng đắn, hơn nhiều kẻ căm ghét chính quyền nhưng vẫn ngồi đây la ó) nhưng “bọn miền Tây” có điều gì để bạn căm ghét?
 

Bạn mới chỉ căm ghét hay đã căm ghét từ lâu rồi, bởi rõ ràng “bọn miền Tây” này đã sống ở đây hàng thế kỷ nay, trước khi bạn có mặt ở đây? Tôi không thấy có gì khác giữa người miền Tây và miền Đông, họ đều là chủ nhân của đất nước mà tôi là khách. Suốt ba tháng trời họ sống trong những căn lều dã chiến ở Maidan, tôi thường gặp họ. Họ vui tươi, họ chân thật. Giữa một đại lộ Kreshachik đầy các cửa hàng bán đồ hiệu, có những chiếc áo lông thú giá 50.000 USD, những chiếc đồng hồ hàng trăm nghìn đô-la, nhưng chưa hề có một ô kính nào bị đập, một cửa hàng nào bị tấn công.
 

Trong cả một biển người khổng lồ đến hàng chục nghìn người trong các buổi “họp mặt nhân dân” (nguyên văn từ tiếng Nga “Вече”), tôi không cần phải giữ chặt miệng túi xách tay mà vẫn đeo lủng lẳng nó ở bên mình mà quên rằng trong đó có ví tiền và điện thoại. Những ai sống ở Kiev những ngày sau biến cố có thể chứng thực lời tôi, cả gần một tháng trời không có cảnh sát giao thông trên đường, không có bóng dáng cảnh sát đi tuần nhưng chúng tôi vẫn sống và làm việc tốt.
 

Vậy lý do gì để bạn, một người khách đến tá túc ở đất nước này căm ghét người ở một vùng miền nào đấy của xứ sở ấy (đến đây tôi có liên tưởng buồn cười vì đã từng đọc những bài viết trên báo Việt ta kiểu “không nhận người Thanh Hóa vào làm việc”, “cái bọn Bắc Kỳ”, “bọn Hà Nội”...). Thực tế, tôi không nhìn thấy lý do nào chính đáng cho tình cảm yêu ghét ấy, ngoài lý do chủ quan ở chính bạn.
 

Các bạn đưa ra “bằng chứng”, bảo đó là “bọn phát-xít” với “bằng cứ” là những đoạn video trên mạng Youtube về những thanh niên có dấu thập ngoặc trên cánh tay áo, những tuyên bố mang tính dân tộc của thủ lĩnh Right Sector (phải nói cho rõ, đây là một tổ chức được hình thành chính trong quá trình diễn ra Maidan chứ không phải có thâm niên từ trước) hay của thủ lĩnh Đảng Dân tộc Tự do.
 

Cần nói rằng tôi sống trong hơi thở của Maidan và chưa bao giờ nhìn thấy dấu thập ngoặc trên tay áo ai đó ở khắp cả thành phố này chứ chưa nói đến bị kỳ thị theo kiểu phát-xít. Các đảng viên Đảng Tự do hè nhau lật đổ tượng Lenin và ở một vài tỉnh lẻ, cả tượng các chiến sĩ Hồng quân, thì câu trả lời cho những hành động quá khích của họ là họ thậm chí còn không thu đủ số phiếu để đưa đảng họ có mặt trong Quốc hội. Vậy điều gì khiến các bạn bức xúc đến vậy?
 

Vâng, tôi một bà nội trợ sống giữa nồi niêu và bát đĩa, thỉnh thoảng rỗi rãi lướt mạng xem tin tức thế thái nhân tình, luôn đặt ra cho mình câu hỏi đầy trăn trở: điều gì đã làm cho một bộ phận không nhỏ người Việt sống tại Ukraine lại căm thù Maidan, căm thù chính quyền này? Xin trở lại với khá nhiều comment trên mạng xã hội của người Việt khi chúng tôi nói ra những gì được chứng kiến về Maidan: “Đừng tuyên truyền để Maidan xảy ra ở Việt Nam. Chúng tôi muốn sự yên ổn”.
 

Và tôi cũng xin nhắc lại mục đích của Maidan mà tôi đã nói ở trên. Maidan không cổ vũ chiến tranh. Maidan đòi hỏi sự thay đổi đến tận cùng thể chế xã hội, đòi một xã hội công bằng và minh bạch. Điều này tất cả có thể thấy rõ, không có một cái tên nào được tung hô suốt quá trình xảy ra cách mạng, không một thần tượng cá nhân nào được đưa ra như một lãnh tụ tinh thần. Khắp mọi nơi chỉ có hình ảnh của nhà thơ, nhà hội họa lỗi lạc của dân tộc từ thế kỷ 19 Taras Shevchenco.
 

Có nghĩa là tất cả những ai đảm bảo sẽ đưa đất nước đi theo con đường đổi mới đều được nhân dân đón vào lòng, còn những gì đi trái với mong muốn ấy sớm muộn đều sẽ bị tẩy chay.
 

Đến đây tôi nghĩ rằng mình đã hiểu. Nhiều người Việt ta sống tại Ukraine không muốn đất nước này thay đổi. Họ chỉ coi nơi đây đơn thuần là chỗ để họ kiếm tiền. Đất nước đổi thay nghĩa là họ sẽ phải một lần nữa thích ứng với những thay đổi đó, có thể tốt và có thể không. Con bò tạm thời không còn sữa để người Việt chúng ta vắt nữa, vậy nó còn có ý nghĩa gì! Những ai thương con bò đã phục vụ chúng ta thì sẽ yêu thương nó, còn những ai vội vã cho công cuộc làm giàu hoặc tiếp tục làm giàu thì đổ lỗi cho con bò sao bỗng dưng “ăn bả” Phương Tây để rồi hết sữa!
 

Và vốn chẳng gắn bó với đất nước này bằng tình yêu thương đích thực của một con dân, họ nào có xá gì khi trút những ấm ức của mình dưới cái vỏ “xót của”, “trung lập”, “chỉ nói sự thật”, “yêu đất nước nhưng ghét chính quyền”, v.v...
 

Bây giờ đang vào dịp gần tết Ất Mùi, sân bay Borispol nhộn nhịp hẳn lên bởi người Việt gần như tập trung về đây để bay về nước. Người thì vì khó khăn quá sẽ về nhà hẳn (lại thêm một gánh nặng công ăn việc làm cho tổ quốc Việt Nam), người về ăn Tết cùng người thân rồi sẽ quay trở lại. Tại sân bay, có hôm một nhóm người Việt từ thành phố xa đến quá giang để bay về Việt Nam gặp chồng tôi đi tiễn người quen. Họ hỏi thăm, “anh ơi, chồng em sang đây bây giờ về quá hạn visa thì làm thế nào để không rắc rối?”.
 

Chồng tôi hướng dẫn, “anh chị đi vào chỗ kia, gặp nhân viên chức năng, làm biên bản, nộp phạt ở quầy thu ngân chỗ kia”. Mấy người đi cùng họ mách nước ngay, “ôi dào, kẹp vào hộ chiếu một ngàn Hryvnia, nếu nó không cho qua thì kẹp thêm ngàn nữa...”. Đến đây tôi xin không viết tiếp nữa. Biết làm sao được. Trong huyết quản của tôi chảy dòng máu Lạc Hồng, thôi đành lòng đi cùng với nỗi buồn này bởi người Việt ta muốn giải quyết mọi việc theo cách của mình và không muốn thay đổi.
 

Buồn ơi, chào mi!
 


Nguyễn Hồng Giang, từ Kiev - Ngày 30-01-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét