(Thỉnh thoảng xem "anh Lực" kể về các quan chức gạo
cội ngày nay vừa đảm việc nước vừa giỏi việc nhà, tôi lại liên tưởng đến một
thế hệ "quyền lực" thời xưa. Mấy nét chân dung của một trong số
họ-một tri thức Pháp học, một bộ trưởng, một Con Người! Xin giới thiệu Hồi ức
của Colette Phạm Ngọc Thạch nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông!)
BA TÔI
— Ba Má tôi gặp nhau ở Hauteville (tỉnh Ain, Pháp) vào những năm
1934-1935. Ba tôi tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa về phổi và lao, làm việc ở bệnh
viện điều trị lao, nơi mẹ tôi làm y tá. Rất nhanh chóng, họ cảm mến nhau, rồi
yêu nhau thực sự. Ba nhất quyết phải về nước và có ý định mở phòng mạch ở Sài
Gòn. Ba ngỏ ý muốn kết hôn với Má nếu Má đồng ý sang Việt Nam. Song Ba cũng thổ
lộ : “ Em phải hiểu cho anh là đối với anh, mục đích tối thượng là đất nước độc
lập. Nếu em đồng ý như thế thì chúng ta sẽ kết hôn ở Sài Gòn ”. Má tôi nhận
lời, và năm 1936, bà đáp tàu thuỷ sang Việt Nam. Ba má tôi thành hôn ngày 27
tháng 1 năm 1937, mấy năm sau sinh được hai chị em tôi.
— Hồi đó chắc tôi lên 5. Một đêm, tôi choàng dậy. Giường tôi nằm
đối diện với một trong hai cái cửa sổ trong phòng. Trước mắt tôi là một con khỉ
to lớn, lông lá đầy mình, hai tay bíu chặt chấn song cửa sổ. Nó nhìn tôi chằm
chằm. Tôi la lớn, chị Hai chạy tới. Ngảy hôm sau, cả khu phố xì xầm. Người ta
tin vì đây không phải là lần đầu có ma hiện ra. Người ta đồn rằng đó là hồn ma
của một bà già người Bắc, chôn ở trước cửa nhà tôi. Liên tiếp mấy ngày sau đó,
Ba ngủ trên một cái ghế bố ngoài hiên trước, canh chừng “ma quỷ”, nhưng không
thấy hồn ma trở lại. Phần tôi, đến bây giờ tôi vẫn nhớ…
— Ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tôi lên bảy. Tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ
Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Cả nước mừng vui. Sài Gòn chào
mừng sự kiện lịch sử này theo cách của mình. Một cuộc biểu tình được Uỷ ban
Hành chánh Nam Bộ tổ chức, 200 000 người hồ hởi tham gia trong trật tự.
— Má và hai chị em chúng tôi, cùng với bà hàng xóm người Pháp,
vợ của bác sĩ Ngô Quốc Quyền, và ba người con, đi bộ từ nhà chúng tôi ở đường
Léon Combes [nay là Sương Nguyệt Anh, chú thích của người dịch] về hướng trung
tâm Sài Gòn. Chúng tôi bước đi, an nhiên giữa đám đông phấn khởi. Bỗng nhiên,
có tiếng súng nổ. Khiêu khích chăng ? Làm sao biết được. Đám đông hoảng sợ, la
hét, chạy tán loạn, người nào người nấy tìm chỗ trú. Lúc ấy, tôi cầm tay
Marie-Thérèse, con gái lớn của bà Quyền. Má thì nắm chặt tay Alain, em trai
tôi. Một lúc sau, chúng tôi lạc nhau. Marie-Thérèse và tôi chạy vào trú ẩn
trong căn nhà phụ của mấy người bồi bếp thuộc một biệt thự không xa Nhà thờ Đức
Bà. Nhiều người Pháp cũng chạy vào đó như chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thấy
Má, Alain, bà Quyền và hai người con kia đâu cả.
Xế chiều, người ta đưa tất cả chúng tôi lên một cái xe
cam-nhông. Trên xe đầy những người Pháp lượm từ mấy nơi khác nữa. Xe chạy về
Khám Lớn. Người ta tập trung chúng tôi ở sân nhà tù. Tôi để ý tới một người có
vẻ quan trọng, đến nói với ông ta bằng tiếng Việt là tôi tìm Má, Má tôi là
người Pháp. Ông ta ra lệnh cho tất cả những người Pháp đang tập trung trong
Khám Lơn diễu hành qua mặt chúng tôi, nhưng tôi không thấy Má tôi đâu cả. Lúc
đó tôi mới nói với ông : “ Ba cháu là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ”. Ông ta trố mắt
nhìn tôi, rồi bảo tôi đợi đó. Vài phút sau, ông ta quay trở lại, nắm tay tôi,
đưa lên xe, dẫn tôi tới Dinh toàn quyền. Chúng tôi bước vào toà nhà nguy nga,
đèn thắp sáng chưng. Ông ta vẫn nắm tay tôi, dẫn tôi leo lên bậc thang hoành
tráng. Trên lầu, ai đây ? Ba tôi ! Uỷ viên ngoại giao Uỷ ban Hành chánh Nam Bộ,
Bộ trưởng Bộ y tế của chính phủ lâm thời mà chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thành lập,
Ba tôi đang thảo luận sôi nổi với những sĩ quan cao cấp Nhật (tôi còn nhớ đến
bây giờ hình ảnh những thanh kiếm rất ấn tượng của họ…). Ba tôi ngạc nhiên hỏi
tôi : “ Sao con lại tới đây ? — Con lạc Má lạc Alain rồi ”. Ba tôi vội chia tay
với mấy quan chức Nhật Bản, cảm ơn người đàn ông đã đưa tôi tới, và trên chiếc
xe nhà Citroën 11 loại nhẹ, cha con tôi đã lùng khắp các bệnh viện Sài Gòn, Chợ
Lớn. Cuối cùng cũng tìm ra Má và Alain trong một trạm y tế Chợ Lớn. Má bị
thương nặng ở mặt (mấy vết thương sâu hoắm, mấy cái răng bị gẫy vì một cú đấm
trời giáng), còn em Alain bị đâm vào trán, phải khâu 10 mũi kim. Thật là đau
đớn cho Ba con tôi.
Má kể lại, trong cơn hoảng loạn, má cầm tay Alain, cùng với bà Quyền
và hai người con trai, chạy vào một ngôi nhà — sau này mới biết là dường như
mấy phát súng bắn ra từ chính ngôi nhà đó ¬— nhiều người Pháp cũng chạy vào trú
ẩn. Bà Quyền bị đâm chết trước mặt hai đứa con, trước mặt Má tôi và Alain. Đâm
xong, hung thủ tiến về phía Má, bà vội kêu lên : “ Đừng giết tôi, tôi là vợ bác
sĩ Phạm Ngọc Thạch ”. Đúng lúc đó, có một người đi qua, can ngăn hung thủ : “
Đừng giết bả. Kiểm lại xem bả nói có thiệt không ”. Nhờ vậy mà Má thoát chết.
Bà Quyền là một trong 5 người Pháp đã bị giết ngày hôm ấy.
Cái trí dũng của Má, chính là ở đó. Sự việc xảy ra như thế vào
ngày 2.9.1945, không bao giờ Má oán hận người Việt Nam. Ngược lại, Má một lòng
sát cánh với Ba trong cuộc đấu tranh vì độc lập. Suốt đời, Má vẫn thủy chung,
tận tuỵ và dũng cảm.
— Trung tuần tháng 9-1945, trưởng phòng thông tin Pháp, ông
Fischbacher, nói với Ba : “ Có lẽ các ông hành động thuần tuý theo một biện
chứng, là : một dân tộc phải giành lấy độc lập bằng vũ lực, bằng đổ máu, để
chứng tỏ mình xứng đáng được độc lập, chứng tỏ mình biết giành lấy độc lập, bất
luận cuộc đấu tranh ấy kết cục ra sao. Một bản anh hùng ca bảo chứng cho tương
lai, qua đó nhân dân cảm thấy mình lớn hơn, ý thức được mình là ai. Nếu đúng
như vậy, thì chúng ta chẳng còn gì để mà bàn luận nữa.”
“ Thì đúng như vậy đó ”, Ba tôi trả lời.
“ Thì đúng như vậy đó ”, Ba tôi trả lời.
— 23 tháng chín 1945. 4 giờ sáng hôm ấy, Ba tôi lên đường ra
bưng, trên xe — vẫn cái xe Citroën 11 ấy — chở kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và
một người nữa tôi không nhớ tên. Ít lâu sau, người ta tìm thấy cái xe nằm trên
một thửa ruộng…
9 giờ sáng, mấy sĩ quan Pháp xông đến nhà tôi, 106 đường Léon
Combes, để bắt Ba tôi. Má nói với họ : “ Các ông đến quá muộn. Chồng tôi đã đi
rồi ”.
— Khoảng 1946-1947, một lần nữa, Má biểu hiện sự ngoan cường và
thuỷ chung của mình đối với đất nước Việt Nam bằng cách nuôi giấu trong một căn
phòng dành cho người làm, một người đã phá nổ một kho đạn, thân thể bị cháy
bỏng cấp ba. Anh được bôi thuốc cao tàu, nhưng vết bỏng không lành mà còn nặng
hơn. Má đã chăm lo cho anh suốt ba tháng trời, như một bà nữ thánh. Khi đã khỏi
hẳn, anh tặng Má một pho tượng Đức Mẹ bằng ngà. Anh là người Công giáo.
— Từ 1946 đến 1949, có hai lần chúng tôi theo Má ra chiến khu
thăm Ba. Lần thứ ba, Má đi một mình.
Được đi thăm Ba, tất nhiên chúng tôi vui sướng vô cùng. Ba tôi ở một ngôi nhà tranh khá rộng. Tối đến, Ba Má ngủ chung một giường, hai chị em chúng tôi một giường. Nhưng chúng tôi cãi nhau, đánh lộn như chó với mèo, Ba Má buộc phải tách chúng tôi ra : Má ngủ cùng giường với Alain, Ba cùng giường với tôi. Tôi còn nhớ được nằm gọn trong lòng Ba, sung sướng vô cùng…
Được đi thăm Ba, tất nhiên chúng tôi vui sướng vô cùng. Ba tôi ở một ngôi nhà tranh khá rộng. Tối đến, Ba Má ngủ chung một giường, hai chị em chúng tôi một giường. Nhưng chúng tôi cãi nhau, đánh lộn như chó với mèo, Ba Má buộc phải tách chúng tôi ra : Má ngủ cùng giường với Alain, Ba cùng giường với tôi. Tôi còn nhớ được nằm gọn trong lòng Ba, sung sướng vô cùng…
Lần thứ nhất ra bưng, chúng tôi được gặp chú Phan Trọng Tuệ. Chú
Tuệ ngồi bảnh choẹ trên một con ngựa rất đẹp, đầu đội cái mũ cao bồi bằng vải,
oai lắm. Chú cho tôi leo lên ngựa và đưa tôi đi chơi rất lâu, trên những con
đường trong khu an toàn.
Tôi còn nhớ, chưa bao giờ được ăn quà sáng ngon như vậy. Sữa đặc
Nestlé và cà phê bột. Tuyệt vời. Tôi chỉ muốn được ở lại ngoài bưng với Ba. Sao
được, một con bé con như tôi chỉ quẩn chân Ba, mà Ba thì trăm công ngàn việc…
— Lần thứ nhì theo Má ra bưng, chúng tôi băng qua đồng ruộng
nghỉ đêm trong nhà tranh của một bà nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Má ăn mặc
như một bà nhà quê (áo dài, quần đen). Sáng hôm sau, bà chủ nhà ngạc nhiên, nói
với người giao liên di cùng chúng tôi : “ Bà này người ta mà chân cẳng trắng
quá vậy…”
— Tháng 1-1957. Ba má con chúng tôi rời Pháp đi Hà Nội, trên
nguyên tắc sẽ sống đoàn tụ với Ba…
Biết tính khắc khổ của Ba, thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mang tới nhà một bộ bát đĩa đẹp để “ cải thiện đời sống ”. Thế là Ba tôi bắt trả lại hết ! Ba biểu không có lí do để gia đình chúng tôi được ưu đãi hơn những gia đình khác đang phải sống thiếu thốn.
Biết tính khắc khổ của Ba, thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mang tới nhà một bộ bát đĩa đẹp để “ cải thiện đời sống ”. Thế là Ba tôi bắt trả lại hết ! Ba biểu không có lí do để gia đình chúng tôi được ưu đãi hơn những gia đình khác đang phải sống thiếu thốn.
— Một lần, trong thập niên 1960, tôi ở nhà một mình với Ba, tại
căn hộ của Má ở Ivry-sur-Seine (ngoại ô Paris). Tôi vào bếp chuẩn bị bữa ăn
tối. Đang làm bếp, tôi bỗng quay đầu lại. Ba ngồi bên bàn bếp, nước mắt chảy
dòng dòng… Sau bao nhiêu năm xa cách, ba tôi xúc động khi thấy con gái chăm lo
cho mình…
— Cũng hồi ấy, trong những năm 1960, trong tư thế bộ trưởng bộ y
tế Việt Nam dân chủ cộng hoà, ba tôi dẫn đầu một phái đoàn sang Paris theo lời
mời của chính phủ Pháp. Phái đoàn được xếp ở Crillon, một trong những khách sạn
sang trọng nhất thủ đô.
Bỗng đâu Ba tôi biến mất !... Sứ quán nhộn nhạo đi tìm, các
thành viên trong đoàn cũng thế. Hoá ra hôm ấy, Ba đã kín đáo ra khỏi khách sạn,
quyết định… “ trốn học một buổi ”. Một mình Ba đi xe điện hầm, thăm lại những
khu phố quen thuộc của thời trẻ, sống những giây phút tự do… Cuối cùng, người
ta đã tìm thấy Ba ở Ivry-sur-Seine, nhà Má… Trong những lần sau sang Pháp, vẫn
theo lời mời của chính phủ Pháp, Ba vẫn chọn ở căn hộ 3 phòng, đơn sơ, của Má
hơn là ở khách sạn sang trọng.
— Hà Nội, 1968. Tôi sống ba tháng liền ở thủ đô Việt Nam dân chủ
cộng hoà. Ba thích nghe tôi hát bài Il n’y a pas d’amour heureux, Chẳng mối
tình nào hạnh phúc, thơ của Louis Aragon, do Georges Brassens phổ nhạc.
Ba tôi căn dặn anh Tước, người giúp việc thân cận, không được mua gì ở cửa hàng Tông Đản. Ba muốn tôi cũng như Ba, ăn những thức ăn của người dân bình thường.
Ba tôi căn dặn anh Tước, người giúp việc thân cận, không được mua gì ở cửa hàng Tông Đản. Ba muốn tôi cũng như Ba, ăn những thức ăn của người dân bình thường.
— Tôi gợi ý Ba mời Bác Tô (Phạm Văn Đồng) một bữa, tôi sẽ trổ
tài nấu món tủ là thỏ hầm. Ba mang về từ Viện lao một con thỏ nhỏ và tôi hăng
hái chuẩn bị bữa ăn tối. Giờ ăn định là 19g. Khoảng 18g, hai người từ phủ thủ tướng
tới nơi, nhiệm vụ của họ là nếm trước các món ăn, để bảo đảm bác Tô quý mến của
tôi không bị đầu độc.
— Tháng 7.1968. Lá thư cuối cùng Ba gửi cho tôi nghe như một lời
từ biệt : “ Ba đi chuyến này rất lâu. Con gái của ba hãy dũng cảm và xứng đáng
”. Bốn tháng sau, Ba mất tại Tây Ninh.
— Trong bức thư gửi tôi, Bác Tô viết : “ Không ngày nào bác
không nghĩ tới Ba cháu, mà nghĩ tới là bác khóc ”.
— Tháng 12.1968. Thi hài của Ba tôi chôn cất ở miền Nam. Lễ truy
điệu trọng thể được tổ chức tại Hà Nội. Alain và tôi về dự, thay mặt cho cả gia
đình. Trong nỗi đau, Má không đủ sức đi. Má đan một chiếc khăn quàng len tặng
Bác Hồ. Đến Hà Nội, việc đầu tiên tôi làm là nhờ chuyển ngay món quà.
Ngày lễ tang, các cơ quan Nhà nước được đại diện ở cấp cao nhất
: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng bí thư đảng Bác Ba Duẩn, thủ tướng Bác Tô Phạm Văn
Đồng, chủ tịch Quốc hội Bác Trường Chinh, Bộ trưởng Quốc phòng Chú Võ Nguyên
Giáp. Trông thấy chị em chúng tôi, Bác Hồ nước mắt rưng rưng, trỏ tay cho chúng
tôi thấy cái khăn quàng cổ mà tôi đã đan.
— Tháng 11.1998. Tôi về Thành phố Hồ Chí Minh cùng với cô Thanh,
em dâu. Chúng tôi được mời về dự ngày giỗ Ba thứ 30. Chúng tôi đã dự nhiều cuộc
lễ ở Tây Ninh, Thủ Đức, Dinh Độc Lập thành phố Hồ Chí Minh. Tôi ở nhà khách của
Bộ ngoại giao, đường Phạm Ngọc Thạch. Một buổi tối, tôi đi taxi đến nhà em dâu.
Tôi cố nói vài câu tiếng Việt mà tôi còn nhớ lõm bõm. Anh tài xế hỏi sao tôi
nói đặc sệt giọng Nam Bộ như vậy. Tôi trả lời tôi sinh tại Sài Gòn, ba tôi là
người Việt. Anh gạn hỏi : “ Ba cô làm chi ? — Bác sĩ, rồi làm bộ trưởng bộ y tế
VNDCCH. Ba tôi là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ”. Nghe tôi nói tên ba, anh taxi thắng
xe ở giữa đường, quay lại nhìn tôi như nhìn một bóng ma hiện hình… Anh cảm
động, kể vanh vách tiểu sử Ba tôi. Anh ta biết hết về ba. Mới ba mươi tuổi,
tuổi gọi ba tôi là ông nội, ông ngoại…
Bác sĩ Thạch ở Pháp năm 1964, gặp lại vợ con. |
— Đời ba tôi được đánh dấu bằng những ngày tháng gắn liền với
lịch sử Việt Nam thế kỉ XX :
Ba tôi sinh ngày 7/5/1909 (7/5 là ngày chiến thắng Điên Biên Phủ)
Ba Má tôi cưới nhau ngày 27/1/1937 (27/1 năm 1973 là ngày kí Hiệp định Paris về Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh Mĩ ở VN).
Tôi sinh ngày 30/4/1938 vào 12 g trưa ở Sài Gòn, tại phòng mạch của ba tôi, 202 đường Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), (cách nơi tôi ra đời mấy trăm mét, chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập đúng trưa ngày 30/4/1975, kết liễu chế độ Sài Gòn và kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng mà ba tôi đã cống hiến cuộc đời…)
Alain sinh ngày 11/8 ở Sài Gòn (Cách mạng tháng Tám 1945)
Ba mất ngày 7/11/1968 (7/11/1917 là ngày Cách mạng tháng Mười Nga…)
Ba tôi sinh ngày 7/5/1909 (7/5 là ngày chiến thắng Điên Biên Phủ)
Ba Má tôi cưới nhau ngày 27/1/1937 (27/1 năm 1973 là ngày kí Hiệp định Paris về Việt Nam, chấm dứt cuộc chiến tranh Mĩ ở VN).
Tôi sinh ngày 30/4/1938 vào 12 g trưa ở Sài Gòn, tại phòng mạch của ba tôi, 202 đường Chasseloup-Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), (cách nơi tôi ra đời mấy trăm mét, chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập đúng trưa ngày 30/4/1975, kết liễu chế độ Sài Gòn và kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng mà ba tôi đã cống hiến cuộc đời…)
Alain sinh ngày 11/8 ở Sài Gòn (Cách mạng tháng Tám 1945)
Ba mất ngày 7/11/1968 (7/11/1917 là ngày Cách mạng tháng Mười Nga…)
Colette Phạm Ngọc Thạch
(Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao)
P.S. Một chi tiết về những người con của bác sỹ Thạch: khi Pháp
và ta còn đang đánh nhau tưng bừng thì những người con của ông đang học ở Pháp
vẫn tự hào khai trong lý lịch là con của ông Bộ trưởng VNDCCH.
Ảnh: từ tư liệu gia đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét