Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

THI VÀ CỬ.

"Đỉnh tháp ngà quyền lực không phải điểm đến của các tay mơ. Ném lựu đạn, quăng bộc phá cũng tạo ra tiếng nổ, nhưng chỉ loanh quanh làng xã. Muốn bay cao, bay xa, bay nhanh chỉ có tên lửa. Tên lửa, đương nhiên phải nằm trên bệ phóng với một khối thuốc khổng lồ..."



Văn Miếu - Quốc Tử Giám lưu giữ 82 bia đá là những tấm bia đề danh tiến sĩ duy nhất trên thế giới có bài ký (văn bia) không chỉ lưu danh những tiến sĩ đã thi đỗ trong các kỳ thi trải dài suốt hơn 300 năm (1442-1779). Nhiều triết lý về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hóa, phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài của các triều đại được khắc trên các tấm bia ở Văn miếu.
Dòng chữ của Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, gia tộc khoa bảng ba đời (1418-1499): "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết..." được khắc trên bia đề danh tiến sĩ năm 1484 (ghi lại khoa thi tiến sĩ đầu tiên năm Nhâm Tuất, 1442) theo lệnh của Vua Lê Thánh Tôn, đến nay vẫn được coi như một tư tưởng lớn về việc đánh giá và sử dụng nhân tài của đất nước.
•••
...Mười năm trước, khoảng cuối 2005, trên xe về quê ông tt, tò mò tôi hỏi ổng, sao cán bộ thường, không tw, đúng 60 là nghỉ ạ? Ổng trả lời, theo luật lao động.
Tôi hỏi tiếp, còn mấy ông gần 60, đh xong vô tw, thế là đương nhiên ở lại hết khoá, 64,65 mới nghỉ ạ? 

Ông bảo, theo qui định của Đảng.

Tôi lại hỏi, sao bct không cần xem xét tuổi, cũng không cần phải có bằng cấp ạ?
Ông cười vui rồi bảo, thì tụi mày phấn đấu vô bct đi, khỏi lo tuổi, bằng cấp, khỏi thắc mắc...
Là nói vui vậy thôi, phấn đấu vô bct ai chả muốn, nhưng khó hơn cả lên giời. Top mười mấy/ 90 triệu. Chả dám hỏi nữa. Thoảng nghĩ đến vài cái tên và chờ đợi.
Năm ấy, có anh thí sinh tôi quen, được dự tính sẽ vào đại học, trượt lớp 10. Đương nhiên, theo qui định, không đủ điều kiện thi đại học. Sau kì thi, anh về nghỉ. Lúc đầu buồn, sau khoẻ. Thỉnh thoảng chơi golf và vui thú điền viên bên con cháu, gia đình.
•••
Mười năm sau, hôm nay.
Lại thoảng nghĩ đến mấy ông bạn mình. Sang năm thi. Đã là thi, thế nào cũng có đậu, có trượt. Đậu thành ông. Trượt ra thằng. Đậu lớp 10 không phải quá khó. Đậu đại học, phải thực tài, chỉ chờ vận may, không đủ.
Ba chục năm trước, đại hội 6, sau những "sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện." đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, kéo dài. Người khởi xướng công cuộc đổi mới, là một ông già từng mắc sai lầm nghiêm trọng trong ccrđ. Lịch sử ghi nhận công lao to lớn của ông bởi lịch sử là thế, luôn khách quan và công bằng.
•••
Chờ xem ai sẽ là "đế vương thánh minh" đi đầu trong cuộc cách mạng "giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia..." nếu có, hôm nay?
Dù sao, cũng phải ghi nhận xu hướng trẻ hoá đang có dấu hiệu bắt đầu. Bọn trẻ giờ được đào tạo bài bản, được chăm bẵm tốt, được "luân chuyển" liên tục (một vài trường hợp được kê đặt phô). Xã hội đang mang một tâm lý phổ biến là quá chán ghét chính quyền và các quan tham. Từ phản ứng với thái độ thiếu trách nhiệm, thờ ơ vô cảm của một "bộ phận không nhỏ" đv suy thoái, biến chất và thấy một số bậc cha mẹ tham lam, toan tính, lạm dụng quyền lực, bèn ghét lây sang những đứa trẻ vừa được bầu vào vị trí lãnh đạo tại một số địa phương.
Vì thế, cuộc cách mạng nhằm trẻ hoá cán bộ lãnh đạo vừa mới bắt đầu đã không nhận được đồng tình của dư luận xã hội. Tất nhiên, đám đông cứ việc la hét, bình luận cho vui. Mọi vấn đề sẽ được lần lượt giải quyết bằng các qui định được thoả hiệp không bởi đám đông. Qui định nào cũng do con người đặt ra cả.
Thực ra, bản chất đúng sai của vấn đề là những đứa trẻ vừa được bầu - "công khai và đúng qui trình", có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức hay không. Hay nói như tiến sĩ Thân Nhân Trung, thời Vua Lê Thánh Tôn, họ có phải là "hiền tài" không, đấy mới là điều quan trọng.
Chính hình ảnh và cách hành xử không mấy đẹp đẽ của cha mẹ chúng đã phủ bóng đen che khuất cả những điểm sáng về năng lực và thế mạnh đang có của đám trẻ.
Không có cách nào khác, đám trẻ phải tự chứng minh, chúng chính là "hiền tài, là nguyên khí quốc gia". Thời gian, sẽ có câu trả lời.
Không có cuộc cách mạng nào là dễ dàng. Muốn thoát khỏi tình trạng đi mãi chả tới đâu, đi đâu chả biết, phải chấp nhận một cuộc cách mạng về tuyển chọn và trọng dụng "hiền tài".
Bọn trẻ, chắc chắn là khoẻ. Quan trọng, chúng đều được đào tạo, học hành từ các nước văn minh, phát triển, từ các trường đại học danh tiếng. Sẽ không còn ai, học từ anh bạn láng giềng lưu manh, xảo quyệt và tráo trở luôn "nói một đằng làm một nẻo" kia.
Hãy đừng quên, đối phó với kẻ cướp đến từ phương bắc mới là chuyện lâu dài, là trách nhiệm lịch sử quan trọng nhất. Chuyện đám trẻ, chưa phải chuyện sống còn của dân tộc.
•••
Nhắc lại lời người xưa:
"...Nhân bất học, bất tri lý. Ấu bất học, lão hà vi"
Tôi có ông bạn, kiến thức cực uyên bác, giải nghĩa: người không học không làm được quản lý, bé không học vì người lớn không chịu sắm máy vi tính, hehe.
P/S. Đỉnh tháp ngà quyền lực không phải điểm đến của các tay mơ. Ném lựu đạn, quăng bộc phá cũng tạo ra tiếng nổ, nhưng chỉ loanh quanh làng xã. Muốn bay cao, bay xa, bay nhanh chỉ có tên lửa. Tên lửa, đương nhiên phải nằm trên bệ phóng với một khối thuốc khổng lồ...

Bui Huy Hoi Bui

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét