Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

BẦU CỬ Ở VIỆT NAM: BÁC HỒ QUÊ Ở THANH HÓA



 BÁC HỒ QUÊ Ở THANH HÓA
Vừa mới đọc trên mạng
Một bài viết hay hay
Của bác Lê Phú Khải.
Đại khái ý thế này.
Có bốn chú bộ đội,
Được ngày nghỉ đẹp trời,
Cùng diện quần áo mới
Rồi rủ nhau đi chơi.
Một chú dân cá gỗ
Chợt lên tiếng: “Quê choa
Tự hào là quê bác.
Phải nói nhất nước ta!”

Một chú liền đáp lại,
Chú dân phá đường tàu:
“Bác Hồ quê Thanh Hóa.
Nghệ An ư? Còn lâu!”
Hai chú cãi nhau mãi,
Vẫn không ai chịu ai.
Bèn nhờ hai chú khác
Đứng ra làm trọng tài.
Hai chú kia đề nghị
Bỏ phiếu quê bác Hồ.
Ai nhiều phiếu sẽ thắng
Dân chủ và tự do.
Kết quả dễ đoán biết:
Một phiếu - dân quê choa.
Còn cậu dân Thanh Hóa
Dễ dàng dành được ba.
Vì hai cậu còn lại
Cũng là quê xứ Thanh.
Cùng quê thì dứt khoát
Ủng hộ người của mình.
Vậy là qua bỏ phiếu,
Dân chủ và tự do,
Nghiễm nhiên tỉnh Thanh Hóa
Thành quê của bác Hồ.
*
Đó là câu chuyện tếu
Được bác Khải đưa ra
Để minh họa, giải thích
Về dân chủ nước ta.
Nó là thứ đặc sản
Của xứ Việt anh hùng.
Có tên gọi chính thức
Là “Dân Chủ Tập Trung”.
Tập trung hiểu theo nghĩa
Phải dành phiếu cho nhau.
Phe nhóm là trên hết.
Đồng chí phải hàng đầu.
Thành ra, tác giả nói,
Đảng chọn người hiền tài
Mà chọn mãi không được.
Vì sao và vì ai?
Vì mặc dù bỏ phiếu
Rất dân chủ, tự do,
Nhưng Thanh Hóa rốt cục
Lại là quê bác Hồ. 

1 nhận xét:

  1. Lê Phú Khải
    23-12-2015
    Nhiều người quan tâm đến tình hình đất nước đã hỏi tôi: “Theo ý anh, ai trong Bộ Chính trị hiện nay sẽ làm Tổng bí thư tại Đại hội 12 sắp tới là tốt nhất?”.
    Tôi trả lời: “Trong gần bốn triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, có nhiều người tài giỏi và có đức, yêu nước thực lòng. Nếu để ứng cử tự do và bầu phổ thông đầu phiếu trong toàn Đảng thì sẽ chọn được một Tổng bí thư xứng đáng, dân được nhờ. Nếu chỉ chọn trong Bộ Chính trị, hay Ban Chấp hành Trung ương thì… Bác Hồ sẽ là… người Thanh Hóa!”.
    Nhiều người đã rất ngạc nhiên. Nhiều người còn mắng tôi: “Thấy ông là nhà báo mới hỏi, sao lại…?”.
    Tôi bèn kể cho họ nghe câu chuyện “Bác Hồ là người Thanh Hóa”. Chuyện như sau: Có bốn anh bộ đội đi chơi với nhau. Một anh quê ở Nghệ An, ba anh kia quê ở Thanh Hóa. Anh quê Nghệ An nói: “Bác Hồ là người quê choa”. Một anh quê Thanh Hóa nói: “Không phải, Bác Hồ là người quê tôi!”.
    Thế là cãi nhau. Cuối cùng phải bỏ phiếu. Kết quả: Bác Hồ là người Thanh Hóa, vì ba anh anh Thanh Hóa đều bỏ phiếu Bác là người quê mình. Rõ ràng dân chủ, công khai, minh bạch, thiểu số phục tùng đa số: Bác Hồ vẫn là người Thanh Hóa.
    Phương Tây văn minh trải qua những vận động đi lên của lịch sử đã gọi cái đa số trong câu chuyện kể trên là đa số thiểu số (majorité minimal). Nguyên tắc tập trung dân chủ, thực chất là mất dân chủ ngay trong Đảng đã tạo ra cái đa số tối thiểu ấy. Nhiều lần đại hội mất dân chủ, đã dẫn đến nông nỗi này cho Đảng hôm nay… phải họp Trung ương liên tục, họp mãi vẫn chưa tìm được “lãnh tụ” xứng tầm.
    Năm 2015, tính ra có đến 6993 cái đại hội trong cả nước. Này nhé, 63 tỉnh thành là 63 cái đại hội tỉnh đảng bộ. Mỗi tỉnh ước tính có 10 huyện thị, vị chi là có 630 cái đại hội huyện đảng bộ, mỗi huyện ước tính có 10 xã. Vậy ước tính cả nước có 6993 cái đại hội. Đó là chưa kể các đại hội của các ngành ở Trung ương. Đại hội nào cũng cờ dong trống mở, chăng đèn kết hoa xanh đỏ tím vàng như sân khấu cải lương chèo tuồng! Cả ăn uống liên hoan nữa. Tất cả đều lấy từ ngân sách nhà nước, từ thuế của dân để chi… Vậy mà vẫn không tìm ra được người tài đức để cứu Đảng cứu nước!
    Cái nguyên tắc tập trung dân chủ thật là đáng sợ, thật là đại bi kịch.
    L. P. K

    Trả lờiXóa