Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Hội họa hiện thực là vẽ như thực hay là vẽ hơn thực?

Chăn trâu. tranh Lê Thiết Cương


Triển lãm " Nhóm Hiện Thực" chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc. Cho tới nay đã rất đông khán giả tới xem. Sự thành công của triển lãm này còn có sự đồng hành của họa sĩ Lê Thiết Cương. Xin mời quý vị đọc bài viết tâm đắc của ông viết về Nhóm hiện thực.Với giong văn cô đọng, giản dị như tranh của ông, bài viết đã lý giải một vấn đề rất khó:" Hội họa hiện thực là vẽ như thực hay là vẽ hơn thực?"
Xin mời quý vị cùng đọc.

THỰC VỚI MÌNH

Người ta có thể chọn được nghề không hay ngược lại?
Nghệ sỹ có thể chọn được phong cách không hay ngược lại?

Họa sỹ có thể chọn vẽ theo lối hiện thực hoặc không hiện thực được không? Hay là lối vẽ chọn họ.
Chắc hẳn chẳng bên nào có quyền được chọn.
Đó là một cuộc gặp thì đúng hơn. Một cuộc gặp của số phận, của định mệnh.

Hữu duyên thì gặp.

Lý giải cho điều này không gì chính xác bằng định đề:
Làm nghệ thuật là làm mình.

Các tác giả của triển lãm này gặp gỡ với hội họa hiện thực vì chỉ qua hội họa hiện thực họ mới thấy mình, mới hy vọng làm được ra mình, mới là mình. Họ gặp hội họa hiện thực cũng là gặp lại mình. Ở một điểm nhìn khác, giả sử họ có muốn vẽ lối không hiện thực cũng không thể được, giống như có những người chỉ có thể vẽ kiểu không thực chứ không vẽ hiện thực được. Nghệ thuật thì bắt buộc phải là “đường cùng”, không còn đường lùi.


Hiểu như vậy thì sẽ thấy trong nghệ thuật, trong hội họa lối vẽ này hay lối vẽ khác, lối vẽ thực hay lối vẽ không thực thì cũng như nhau, không có cao thấp, không có cũ mới.

Cao hay thấp chỉ nằm ở 2 điểm cốt tử: Người ta có gặp được lối vẽ để được là mình hay không? Và người ta có đi được đến tận cùng lối đi ấy để làm ra mình hay không mà thôi.

Một câu hỏi khác nữa, liệu thì họa sỹ vẽ theo lối hiện thực có mô tả được hết tính chất “nhìn thấy được” của thực tại hay không? Cứ cho rằng họa sỹ sẽ làm được điều đó thì mục đích của họ cũng không chỉ dừng lại ở nhìn, ở bề mặt. Cuối cùng phải là thấy. Câu chuyện đằng sau bức tranh mới là mục đích, còn cái y như thực, 100% thực, tuyệt đối thực ấy (hoặc có khi còn thực hơn cả thực như họa phái cường thực) ở bề mặt tranh cũng chỉ là phương tiện. Nếu dừng lại ở phương tiện thì bức họa đó chỉ là mỹ nghệ chứ chưa phải mỹ thuật và người vẽ đó mới là nghệ nhân chứ chưa phải nghệ sỹ. Cũng chả có ai đã đến nơi mà vẫn không chịu xuống xe bao giờ cả. Người nghệ sỹ phải nói ra được điều gì trên cái nền y như thực ấy và cao hơn nữa thì họ phải làm cho người xem liên tưởng ra được nhiều điều trên cái nền như thực ấy. Còn nếu không “y như thực” ấy, hiện thực ấy, trung thực ấy cũng chỉ là giả, là một dạng của vô nghĩa.

Cho dù bạn có bê y nguyên một khung cảnh thực ở ngoài đời vào trong tranh thì khung cảnh ấy cũng vẫn khác, hai khung cảnh ấy cũng vẫn không phải là một.
Vậy có thể hiểu hội họa hiện thực ở mức cao nhất vẫn phải là khác thực.

Vậy có thể hiểu hội họa hiện thực ở mức cao nhất vẫn phải là tạo ra một hiện thực khác.

Bức tranh “Bụi thời gian” của Ngô Xuân Chính làm người xem tiếc nuối, cái đồng hồ, cái thùng tôn, đèn dầu, ấm đun nước… Thế là đã qua thời gian khó, nghèo nhưng đẹp, những hạt bụi đẹp. Giả dụ vậy.
Hoặc bức “Dưới hiên chiều” của Nguyễn Lê Tân. Bà cụ ngồi ở cửa bếp, tay chống cằm mắt dõi nhìn xa xăm, con chó già nằm ngủ dưới chân chủ gợi đến sự ngóng đợi mà cũng có thể là “trí nhớ suy tàn”.

Nguyễn Văn Bảy mấp mé giữa hiện thực và cực thực để… mơ, những giấc mơ cổ tích, những giấc mơ đồng dao.

Nguyễn Đình Duy Quyền sở hữu một bảng mầu mạnh nhiều tương phản nóng lạnh, chói chang và chính hòa sắc này làm cho những cảnh những người trong tranh của Quyền trở nên phi thực hơn.

Lưu Tuyền là một kiểu hiện thực ngả sang siêu thực, những băn khoăn trước sự vô lý của đời sống, những trăn trở trước hữu hạn, vô thường được anh lý giải bằng không gian hội họa tương đối riêng biệt.
Tức là cảnh thực ở ngoài đời và bức tranh tả thực khung cảnh ấy đã không còn trùng khít.
Cảnh ngoài đời chỉ là nội dung, cảnh ấy trong tranh đã là nội dung mang nghĩa.

Cảnh ngoài đời và cảnh trong tranh y hệt, chỉ có một khe hẹp không trùng khít. Đặc điểm này chỉ có lối vẽ hiện thực mới có. Khó vẽ, khó xem cũng ở đấy (chứ không phải là chỉ khó ở chỗ cố sức vẽ sao cho thật giống), hấp dẫn người vẽ và hấp dẫn người xem đều ở đấy. Cả nhân gian sẽ được nhìn thấy qua khe cửa hẹp ấy.

Lấy tác phẩm “Quán vắng” của Phạm Bình Chương làm ví dụ: Bức tường lở vôi của một ngôi nhà cổ, cửa sổ đóng kín, tróc sơn và những nan chớp xộc xệch, vẻ đẹp cũ ấy tương phản với bộ bàn ghế mới đóng, mới sơn cọc cạch, tạm bợ, chắp vá. Mới nhưng xấu hoặc là đẹp mới? Cảnh này nhan nhản ngoài đời nhưng khi vào tranh nó vẫn khác, khác chút ít thôi mà lại nhiều ý nghĩa như đã nêu trên.


“Bụi thời gian” của Ngô Xuân Chính


 “Dưới hiên chiều” của Nguyễn Lê Tân



“Quán vắng” của Phạm Bình Chương 


Thêm một chuyện nữa, đề tài trong nghệ thuật cũng như trong hội họa là khoảng hiện thực mà nghệ sỹ quan tâm, thuộc và hiểu nhất. Đề tài là khoảng đời sống, là những câu chuyện, những cảnh huống mà nghệ sỹ nặng lòng nhất. Trong tranh hiện thực, những điều này bộc lộ rất rõ không như các lỗi vẽ khác. Cho nên vẽ lối thực thì trước tiên phải thực với mình, thực với lòng mình đã. Nếu như vậy thì dù vẽ một ô cửa, một cái bếp dầu, một đàn gà, một bờ mương… những đề tài nhỏ mà vẫn có độ lan tỏa lớn, vẫn đi được xa, đến được với mọi người. Muốn đến được lòng người thì phải đi qua lòng mình trước.
Hội họa hiện thực là một đại lộ, những đường nhánh và lối rẽ của nó dài rộng đủ cho mọi khám phá, cho mọi gặp gỡ để ai ai cũng có thể khám phá mình, tìm mình.

Lê Thiết Cương


11.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét