Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

LẠM BÀN VỀ QUYỀN LỰC.

"...quyền lực thường tha hoá và quyền lực tuyệt đối sẽ tha hoá tuyệt đối".(Lord Acton).

"Quyền lực nào cũng có giới hạn. Biết từ bỏ quyền lực đúng lúc để trở về làm dân luôn là một hành động đúng mực đáng được tôn vinh và trân trọng." 


Tôi may mắn được tiếp xúc, quen với một số người đã và đang làm việc trong bộ máy công quyền. Tôi đơn giản gọi họ là những công chức đặc biệt, những người làm chính sách.
Họ giỏi không?
Đã lọt top 200, từ quan đầu tỉnh, đầu ngành trở lên, hết thảy đều giỏi. Một số người làm việc trái ngành trái nghề do không được tự chọn công việc. Một số khác, có thể không giỏi nghề đã học, nhưng chắc chắn họ phải giỏi cái gì đấy. Hồi xưa từng có cả người không học hành gì, họ hoạt động cm, bị tù từ lúc trẻ, thời gian đâu mà học. Nhà tù cũng chính là trường đại học lớn nhất, dạy tất cả mọi thứ. Thời nay khác, ai cũng có học, không chính qui thì theo hệ tại chức, tuy chất lượng bằng khác nhau, đều là có bằng.

Tất nhiên, để lọt vào top ấy, cũng cần thêm chút may mắn, trên lá số tử vi ghi rõ có số làm quan. Ngoài ra, mả phải táng chuẩn, ở đâu đó loanh quanh hàm rồng. Riêng sức khoẻ phải tốt, có thể không chơi môn thể thao nào, nhưng chắc chắn chạy marathon phải giỏi...Đại loại thế.
Tóm lại, vào top 200, là có thể phụ trách bất cứ lĩnh vực nào, từ giao thông, xây dựng, nông nghiệp, đến y tế, giáo dục, văn hoá, truyền thông, thậm chí cả sinh đẻ, ngân hàng, tài chính, công nghệ...
Đừng đố kỵ và đừng hồ đồ, đừng bỉ bai chê trách. 200/ gần 100 triệu, là một sự khác biệt và chắc chắn phải giỏi, phải hơn người. Hệ thống của chúng ta như thế. Nếu còn cơ hội, hãy phấn đấu đứng vào hàng ngũ những người ưu tú nhất đó, bạn sẽ hiểu.
Nhiều người gọi họ là chính khách. Một số người được gọi thế, thấy oách cũng tự cho mình là chính khách, là nhà chính trị.
Tôi không đồng ý.
Quan đầu tỉnh hay quan đầu ngành, thậm chí hơn thế, chưa chắc đã là nhà chính trị, là chính khách. Một dạng công chức đặc biệt, những người làm chính sách, thế thôi.
Bỏ ngỏ khái niệm này, cho một cuộc tranh luận khác. Chính khách là ai? Như thế nào được gọi là nhà chính trị?
•••
Kể chuyện cũ.
Gần hai chục năm trước, khoảng mùa lụt 98, một ông lãnh đạo 66, 67 tuổi mới nhậm chức, đi xuồng thăm một cù lao ở miền tây bị lũ lụt.
Rất nhiều người lăng xăng tháp tùng, ăn theo, thường thì vẫn thế. Hình ảnh ông xắn quần, mặc áo cứu hộ đi đất thăm dân, quả là ấn tượng. Gặp đứa trẻ cởi trần chân đất chạy trong xóm nghèo ra xem xuồng máy, rất thân thiện và dân dã, ổng hỏi, cháu có đi học không? TV trực tiếp, mấy chục micro chĩa vào, cả nước cùng xem trên bản tin thời sự. Một cụ lão thành ngồi xem TV bảo, cậu này ăn nói thế sao gọi là chính khách? Từ năm 78, 21 tỉnh thành phía nam đã cơ bản xoá xong nạn mù chữ rồi, hỏi thế không cắt lại còn đưa lên TV. Bà vợ ngồi cạnh tỏ ý không đồng tình nói, ông ấy giờ làm to nhất nước mà xắn quần ra tận cù lao lụt lội thăm dân, nói thế ông còn chê, hết biết. Là ông, ông hỏi thế nào? Ông trả lời, phải hỏi, cháu học lớp mấy rồi? Không phải cứ chức vụ to là ai cũng thành chính khách. Chính khách khác với người thường, từ lời ăn tiếng nói đến hành vi. Chính khách phải là người có tư tưởng. Đặt câu hỏi với đứa bé con không xong, chính khách nỗi gì. Cậu này chỉ là chính uỷ thôi...
Ông này lên giữa nhiệm kì, được đúng nửa khoá thì tèo. Về nghỉ rồi nhưng được cái sức khoẻ tốt. Mười mấy năm nay, khởi công, khánh thành ở đâu cũng thấy ông đi dự. Nghỉ ngơi vui vẻ bên gia đình con cháu sướng thế, chả hiểu sai ông thích đi lại làm gì cho khổ. Trong mắt mọi người, từ người dân đến lãnh đạo lão thành, hình ảnh một ông già đã nghỉ hưu liên tục xuất hiện trên truyền thông, chả đẹp chút nào. Bọn xấu bụng còn rỉ tai nhau, ông này chắc thích phong bì. Nghe vô lí, già thế U90 rồi, tiền có tiêu được nữa đâu, chả nhẽ lấy phong bì đựng thư tình? Đúng là miệng thế gian, khó bịt.
Tôi đồng ý với nhận định của cụ lão thành kia , không phải lãnh đạo to nào cũng được gọi là nhà chính trị, là chính khách.
•••
Chuyện hôm nay.
Có một thực tế, các nhà làm chính sách, khi đương chức thường dè dặt, á khẩu trước những vấn đề nhạy cảm. Họ bị trói buộc bởi điều lệ, nghị quyết giống như đeo một vòng kim cô tư tưởng. Họ nhìn ngang nhìn ngửa, trước sau, đặc biệt vào những kì hội họp quan trọng .
Khi họ xác định là sẽ thôi không làm nữa, họ mới bày tỏ chính kiến, như cởi bỏ được cái vòng kim cô cương toả kia.
Dẫu sao, có ai đó thoát ra khỏi tình trạng á khẩu khi đụng vào những vấn đề nhạy cảm, cấm kị dám nói, dám bày tỏ tư tưởng, chính kiến là tốt lắm rồi.
Mấy ngày nay, cả nước xôn xao, bàn tán về bài tham luận của ông Bùi Quang Vinh, bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư, đọc tại đại hội.
Ông Vinh là kĩ sư nông nghiệp học hệ chính qui, quê Hà nội, tuổi Quí Tỵ, một con người thẳng thắn, mạch lạc, rõ ràng và tâm huyết. Tuy nhiên, nói phải đi đôi với làm mới là trọn vẹn mặc dù nói được ông đã hơn hẳn đám "ngậm miệng ăn tiền". Sau đại hội, ông còn khoảng 5, 6 tháng tiếp tục làm bộ trưởng chờ quốc hội bổ nhiêm bt mới, nếu ông làm được những gì đã nói, đã phát hiện thì thật hoàn chỉnh, tuyệt vời. Hi vọng, trong thời gian còn lại này, ông sẽ làm nốt những công việc còn dang dở mà ông đã nhìn thấy để thanh thản trở về "làm ruộng" trong vòng tay thương yêu, kính trọng của người dân. Những việc ấy là gì thì báo chí và nhiều người nói rồi, xin không nhắc lại.
Giống như mọi người, tò mò đọc tham luận của ông, tôi rất trân trọng. Giá ông nói điều này ngay từ khoá X, năm 2006 khi vào top 175 lần đầu, thì hay biết mấy. Không trách ông được. Nhận thức là một quá trình. Biết đâu, nếu ông nói sớm, làm bí thư Lào cai xong, hết khoá, ông về "làm ruộng" luôn, không có ông Vinh bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư phát biểu tham luận hôm nay.
Chuyện một ông khác, bộ trưởng #, nổi tiếng cả nước bởi đi đâu cũng la hét doạ trảm tướng. Ông # nổi tiếng tham công tiếc việc, thích ôm đồm làm hết cả việc của các thứ trưởng, thậm chí cả việc của cục, vụ, tổng cục trưởng. Ông tiện thể làm luôn việc của doanh nghiệp. Đơn cử, chuyện cái phòng ngủ cho khách chờ ở sân bay, rõ là việc của doanh nghiệp. Bày ra dịch vụ này để đa dạng sản phẩm phục vụ khách có nhu cầu, lãi thì sẽ tồn tại, lỗ tự nhiên phải bỏ. Đây đâu phải là phát minh, phát kiến gì của Vietnamairlines, của cảng hàng không, cả thế giới người ta đều làm như vậy, ông cũng quyết dừng luôn, phản cảm. Ông trực tiếp đi thanh tra kiểm tra các cung đường, các địa phương có xe quá tải chạy trên đường. Tốt thôi, bt nên đi sâu đi sát với thực tế. Nhưng nên nhớ bt là người làm chính sách, không phải đốc công. Một vị tướng, cầm súng, cầm lê lao ra chiến trường chiến đấu thay người lính, hình ảnh có thể đẹp nhưng không nên khuyến khích, tung hô. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc, là những phút bốc đồng và sâu xa là sự lãng phí vật chất của xã hội.
Chuyện ông từng được truyền thông bầu chọn là nhân vật của năm là chuyện khác. Một bt diễn xuất tốt, ăn khách, xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông, vi hành nhiều nhất, doạ trảm nhiều tướng nhất. Ông học kinh tế, làm kế toán, làm cán bộ đoàn...những thứ chả liên quan gì đến dầu khí và giao thông, đường xá cả.
Ông # chọn nhầm hoặc tổ chức phân công chưa chuẩn. Ông có khuôn mặt, đặc biệt nụ cười rất sân khấu, theo nghề showbiz biết đâu sẽ thành công và nổi tiếng hơn.
Không phủ nhận một thực tế, ông làm tốt hơn nhiều so với người tiền nhiệm vật vờ, mờ nhạt. Nhiệm kì vừa qua, ngành do ông phụ trách nhận được khá nhiều đồng tình của dư luận, nếu không có vụ bê bối tàu điện trên cao Cát linh - Hà đông.
Tất nhiên ông # chưa phải là chính khách.
Ví dụ này, để nói một việc khác, việc của tổ chức. Không có ai tài thánh đến mức làm gì cũng được. Những kẻ cơ hội, tham lam, tham vọng khá nhiều. Cùng là đầu ngành, top 200 có người nọ người kia. Ông # còn tuổi theo qui định, có thể còn lên cao nữa và còn làm dài dài. Giá như ông có tâm, có tầm như ông Vinh, đừng diễn nhiều, thì tốt cho dân, cho nước. Qui định tuổi tác cứng nhắc cũng là một vấn đề cần xem lại. Quan trọng nhất, chắc chắn phải là việc tìm, phát hiện và sử dụng hợp lí hiền tài - cái mà trên tấm bia Văn miếu còn ghi là "nguyên khí quốc gia".
•••
Chuyện bên ngoài.
Mấy năm trước, đọc được bài nói chuyện của một viên tướng trung quốc, Lưu Á Châu, rất hay. Viên tướng này, nói nhiều, nói thẳng về những cái yếu cái dở, cái xấu của trung quốc đồng thời ca ngợi văn hoá phương Tây, đặc biệt ca ngợi cả những giá trị Mỹ. Điều đáng bàn, quan trọng hơn cả nội dung bài nói chuyện, là thời điểm của bài nói chuyện, Lưu Á Châu là tướng hai sao đương chức và sau đó còn tiến xa hơn. LAC là một người có lí luận, có trình độ và rất bản lĩnh. TQ là một quốc gia hoàn toàn đảng trị. Kỉ luật truyền thông nghiêm khắc, đảng cs kiểm soát thông tin vô cùng chặt chẽ. Nhiều người ngờ rằng, có ai đó đã cho phép, đã chống lưng cho LAC. Khó kiểm chứng, có thể chỉ là đồn đoán của những người kém cỏi không làm được như viên tướng này.
Tóm lại, nếu chưa đọc thì nên tìm đọc tham khảo, chỉ bởi đây là bài viết khá hay, đáng đọc.
Về tham luận của ông Vinh, nhiều người nghĩ ông Vinh được bật đèn, được cho phép. Từng tiếp xúc với ông Vinh, tôi tin đây là những lời rút gan, rút ruột, tâm huyết của ông trước khi về "làm ruộng".
“...Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa, đặc biệt là nền kinh tế trong thời kỳ chiến tranh nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí trở thành rào cản. Vì vậy, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách...Kiên quyết đổi mới tổ chức, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đảng, nhà nước, các đoàn thể chính trị… Đây là yếu tố quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết cho những đổi mới tiếp theo...”.
Nên nhớ rằng, bao nhiêu năm nay, khái niệm "đổi mới hệ thống chính trị" là một vùng tuyệt đối cấm.
•••
Mấy hôm nay, nền nhiệt miền bắc xuống thấp chưa từng thấy. Lạnh sun hết cả dế. Đã nhủ, "games over" rồi, không hóng, không nói chuyện chính trị nữa.
Nhưng chính trị là thế, tự tìm đến với từng người. Chính trị không có tết, 30 chả có ý nghĩa gì.

P/S. Nếu phụ nữ bị hấp dẫn, bị làm khổ bởi thời trang (váy, áo, túi, giày, dép, trang sức...) thì đàn ông còn khổ gấp vạn lần. Họ bị hấp dẫn bởi phụ nữ, rượu và chính trị. Cả 3 thứ đều tạo cảm hứng và men say khó rũ bỏ và không thể chối từ.
Quyền lực nào cũng có giới hạn. Biết từ bỏ quyền lực đúng lúc để trở về làm dân luôn là một hành động đúng mực đáng được tôn vinh và trân trọng.
Suy đoán, đồn thổi lung tung làm gì,...thôi chờ những rạng đông đi, chỉ còn vài ngày nữa thôi mà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét