Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Châu Á và "ác mộng" Donald Trump

Sự càn quét của cơn lốc Donald Trump không chỉ gây hoảng loạn chính trường Mỹ mà còn tạo ra sự lo ngại trong chính trường châu Á. Trong khi Mỹ lâu nay nỗ lực thắt chặt quan hệ với Nhật-Hàn để ngăn chặn Trung Quốc, Trump gần như muốn đẩy hai đồng minh chiến lược này ra.

Trump tin rằng các đồng minh chỉ lợi dụng Mỹ. Vấn đề hợp tác quốc phòng với Nhật nhất thiết phải bàn lại, Trump nói. Trump cho rằng Nhật muốn Mỹ bảo vệ họ nhưng Nhật sẽ không bảo vệ Mỹ. Nhật, với Trump, là một anh khôn lỏi. “Chúng ta đang thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc 500 tỉ USD/năm và với Nhật hơn 100 tỉ USD/năm” – Trump phát biểu. Nhật chỉ xuất sang Mỹ trong khi “không mua gì” từ Mỹ. Nhà sản xuất máy móc xây dựng Komatsu của Nhật đang đe dọa đối thủ Caterpillar của Mỹ. Năm 2014, trước khi tuyên bố tranh cử, Trump đã chỉ trích việc “cho phép Nhật bán hàng triệu xe hơi với thuế nhập khẩu bằng không vào thị trường Mỹ”. Với Hàn Quốc, Trump đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự đe dọa Bắc Triều Tiên mà không được trả một xu cho đến bao giờ nữa đây?... Khi cậu thanh niên trẻ ở Bắc Triều Tiên (ám chỉ Kim Jong-un) bắt đầu lên gân, chúng ta lập tức đưa tàu đến. Chúng ta đưa hàng không mẫu hạm đến. Và chúng ta chẳng nhận được gì cả”.


Nếu Trump được đề cử và thậm chí không trở thành tổng thống, “điều đó cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực” trong quan hệ song phương Mỹ-Nhật – nhận định của chuyên gia chính trị James Schoff thuộc Chương trình châu Á của tổ chức nghiên cứu độc lập “Carnegie Endowment for International Peace”. Đầu tháng 3-2016, một nhóm chuyên gia an ninh thuộc đảng Cộng hòa trong đó có nhiều cựu thành viên nội các (Bộ trưởng an ninh nội địa Michael Chertoff, đại diện thương mại Robert Zoellick…) đã cùng ký lá thư chỉ trích chủ trương đối ngoại của Trump và yêu cầu làm mọi cách ngăn chặn Trump lên ghế tổng thống.
Trong thực tế, Mỹ luôn yêu cầu đồng minh san sẻ chi phí quốc phòng. Nhật đã chi 189,9 tỉ yen (1,669 tỉ USD) cho các căn cứ quân sự Mỹ tại nước họ, trong năm tài khóa tính đến ngày 31-3-2016. Hiện có hơn 50.000 quân Mỹ tại Nhật, đóng tại 83 căn cứ. Tất nhiên không phải tự nhiên Mỹ cắm quân ở Nhật và Hàn Quốc. Vấn đề, như dễ dàng được thấy, không phải Mỹ bảo vệ an ninh cho hai nước này mà “chẳng nhận được gì”. Sự hiện diện quân sự Mỹ tại Nhật và Hàn là một chiến lược an ninh liên quan trực tiếp an ninh nước Mỹ lẫn quyền lợi Mỹ tại khu vực. Trước sự đe dọa lớn dần của Trung Quốc, hợp tác quốc phòng của Mỹ với các đồng minh Nhật, Hàn Quốc, Úc, Philippines… là cần thiết hơn bao giờ hết.

Chính sách tái cân bằng được thực hiện khá ỉu xìu của Barack Obama đã bị đánh giá là một bước lùi của chính sách đối ngoại Mỹ tại Đông Nam Á. Đồng minh vốn đang không thật sự tin Obama. Giờ, với chính sách mới của Trump, trong đó có chủ trương loại bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), châu Á hình như có thể sắp được Mỹ biếu không cho Trung Quốc. “Trump đang đi lùi vào thời kỳ của chủ nghĩa cô lập” – nhận định của Thomas Wright, giám đốc Dự án chiến lược và trật tự quốc tế của Viện Brookings – “Góc nhìn thế giới của ông ấy lạc hậu 30 năm. Ông ấy sẽ phá hủy quan hệ đồng minh, đóng lại kinh tế toàn cầu và cấp giấy phép hành nghề tự do cho các nhà lãnh đạo chuyên quyền”.

Trump xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo cứng rắn, tái thiết kế nước Mỹ bằng sự tái nhận thức về giá trị và lợi ích các mối quan hệ. Ông thề sẽ xây bức tường 1.600 km dọc biên giới Mỹ-Mexico. Ông sẽ cải thiện quan hệ với Nga và đánh giá Vladimir Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Ông dọa nâng thuế hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Vấn đề đối ngoại, với một doanh nhân cổ súy chủ nghĩa trọng thương như Donald Trump, cũng như chuyện đi buôn: phải có lãi!

Trump có thể khiến không ít người Mỹ hài lòng với hình ảnh một nguyên thủ mang lại cho họ một “giấc mơ Mỹ mới” bằng cách "trả lại" công ăn việc làm cho họ, tuy nhiên, điều mang lại vị trí cho nước Mỹ ngày nay không chỉ là “giấc mơ Mỹ” đối với riêng người dân Mỹ. Như phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Thomas Wright trên Politico (20-1-2016), Donald Trump đang tái dựng hình ảnh thượng nghị sĩ Robert Taft, người từng giành vé đại diện Cộng hòa tranh cử tổng thống các mùa 1940, 1948, 1952 nhưng bất thành. Taft cũng cổ súy chính sách đối ngoại theo chủ trương cô lập và trọng thương. Phản đối Mỹ giúp Anh trước năm 1941, sau Thế chiến thứ hai, Taft không đồng ý với nỗ lực mở rộng thương mại của Tổng thống Harry Truman. Dù chống cộng nhưng Taft phản đối việc kiềm chế Liên Xô vì cho rằng Mỹ không có quyền lợi đáng kể ở Tây Âu. Ông cũng chống lại việc thành lập khối NATO…

Donald Trump cũng là một phiên bản của Charles Lindbergh, người từng dẫn đầu phong trào theo chủ nghĩa cô lập có tên “Nước Mỹ trên hết” (America First). Với việc đòi xây bức tường tại biên giới Mỹ-Mexico, nhà bình luận Bill O’Reilly nói rằng Trump đang đi lùi vào kỷ nguyên bảo hộ mậu dịch và trọng thương thời thế kỷ 19 hoặc thậm chí mang dáng dấp của thời Trung Hoa cổ đại khi mà Vạn Lý Trường Thành được dựng lên từ sự ngạo mạn xen lẫn nỗi sợ.

Trong cuộc phỏng vấn Trump mới đây, AFP (14-3-2016) cho biết tất cả phát biểu của Trump liên quan đối ngoại đều thuộc chính ông. Cho đến thời điểm này, trung tuần tháng 3-2016, Trump vẫn chưa có ban cố vấn chính trị đối ngoại. Cách đây không lâu, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Hugh Hewitt, Trump liên tục lập đi lập lại “gotcha, gotcha” (à à hiểu rồi) để tránh trả lời thẳng vào những câu hỏi hóc búa liên quan những nhân vật và sự kiện quốc tế được nêu. “Kiến thức đối ngoại của Trump có nhiều lỗ hổng” - nhà báo Zeke J. Miller viết trên Time (4-9-2015). Trump nói ông muốn tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ tại biển Đông để “làm nản lòng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc” nhưng việc ông mới đây nhận xét rằng sự kiện Thiên An Môn là một cuộc nổi loạn chứ không phải thảm sát đã cho thấy sự cảm tính của Trump trong các vấn đề chính trị quốc tế.
Một lần nữa không thể không nhắc lại câu hỏi rằng thế giới và trật tự thế giới sẽ như thế nào nếu Trump đắc cử tổng thống. Trong các cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ thường đứng trước một sự chọn lựa. Lần này, họ đứng trước một sự đặt cược. Và thế giới sẽ “chia sẻ” sự rủi ro của cuộc đặt cuộc này.
….

Viết trên Foreign Policy (4-3-2016), nhà bình luận Kori Schake gọi Trump là “hoàng đế man rợ”. Trên The Diplomat (11-9-2015), Van Jackson viết: “Chính sách châu Á của Donald Trump sẽ là một thảm họa”. Trên Barrons (2-2-2016), William Pesek viết: “Cơn ác mộng Tổng thống Trump của châu Á”. Và cựu Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đùa rằng nếu Donald Trump đắc cử tổng thống, ông sẽ bỏ Mỹ qua Canada.

Theo FB Mạnh Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét