Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

"THẾ LỰC THÙ ĐỊCH"


“Thế lực thù địch” là cách nói được dùng như một phần của công cụ tuyên truyền, thoát thai từ thuyết âm mưu, ngày càng được sử dụng phổ biến. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này cáo buộc “thế lực thù địch” kích động cuộc biểu tình dữ dội tại công viên Gezi vào tháng 5-2013; tại Nga, giới hoạt động xã hội được gọi là “cò mồi CIA”; tại Venezuela, Hugo Chávez và người kế nhiệm Nicolás Maduro khẳng định “thế lực thù địch có mặt khắp nơi”. Cách đây không lâu, khi đang công du Việt Nam (cuối tháng 8-2015), Nicolás Maduro đã cáo buộc Chính phủ Colombia giật dây một cuộc đảo chính lật đổ mình.


Phát biểu tại Hội thảo an ninh Munich đầu tháng 2-2016, Thủ tướng Nga Dmitry Medvede nói, phương Tây đang âm mưu biến Nga thành mối đe dọa lớn nhất. Dĩ nhiên đây không phải lần đầu tiên Moscow đề cập điều này. Năm 1962, những nhà xây dựng thuyết âm mưu của Liên Xô đã khiến dân nước họ hoảng hốt và… căm thù Mỹ, khi họ “phanh phui” cái gọi là “Kế hoạch Dulles” (lấy theo tên sếp CIA Allen Dulles). Kế hoạch rất nham hiểm và thâm độc, báo chí Liên Xô tường thuật, theo đó, tình báo Mỹ đang bí mật phá hủy di sản văn hóa lẫn đạo đức Liên Xô!

Trả lời phỏng vấn báo Nga Argumenty I Fakty đầu tháng 2-2016, Leonid Reshetnikov, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Nga, nói rằng, “lần đầu tiên Mỹ âm mưu phá hủy nước Nga là năm 1917, rồi tuyển Đức Quốc Xã để chống Liên Xô cuối thập niên 1930, và cuối cùng tiêu diệt Liên Xô năm 1991”. Cố vấn an ninh cấp cao của Vladimir Putin, Nikolay Patrushev, nói rằng Mỹ chưa bao giờ ngưng kế hoạch phân rã nước Nga. Cá nhân Putin cũng lên án phương Tây cố tình làm suy yếu Nga bằng cách “đánh cắp tài nguyên thiên nhiên”. Năm 2006, tướng hưu Boris Ratnikov nói với tờ Rossiyskaya Gazeta rằng mật vụ Nga từng có một bộ phận tuyệt mật chuyên đọc não người. Sau thời gian theo dõi, họ đã đọc được suy nghĩ của Ngoại trưởng Madeleine Albright vào năm 1999 và phát hiện rằng “bà ấy có tâm lý ghét người Slav một cách bệnh hoạn” và “ganh tỵ với sự giàu có tài nguyên thiên nhiên của nước Nga”.

Nơi sử dụng thuyết âm mưu và “thế lực thù địch” nhiều nhất có lẽ là Trung Cộng. Bộ trưởng giáo dục Viên Quý Nhân (Yuan Guiren) từng cảnh báo: “Giáo viên và sinh viên trẻ là mục tiêu chủ yếu của sự trà trộn bởi các thế lực thù địch”. Foreign Policy (25-9-2015) cho biết, ngày 22-9-2014, Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) tung ra báo cáo, khẳng định rằng “các thế lực thù địch phương Tây” đã phóng đại số nạn nhân chết vào thời Cách mạng Văn hóa “để phủ nhận tính chính danh của đảng ta” (các nghiên cứu cho biết, có khoảng 30-45 triệu người chết trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”).

New York Times (31-10-2013) cho biết thêm, CASS cùng với Đại học Quốc phòng Quốc gia và quân đội Trung Quốc đã hợp tác sản xuất bộ phim tuyên truyền “Giảo Lượng Vô Thanh” (“Silent Contest”), với nội dung rằng Mỹ luôn âm mưu phá hoại Trung Quốc từ bên trong, bằng các chương trình học bổng Fulbright, bằng các “trò” trao đổi văn hóa, bằng các tổ chức phi chính phủ, dẫn đến tình trạng “diễn biến hòa bình” trong một bộ phận không nhỏ tầng lớp trí thức. Hậu quả, ngày càng có nhiều trí thức Trung Quốc “thỏa hiệp với Mỹ”.

Dĩ nhiên các cuộc bạo loạn Tân Cương “rõ ràng” là do “cảnh ngoại địch đối thế lực” (“thế lực thù địch từ bên ngoài”) gây ra cả, tương tự các cuộc đình công, tương tự cuộc biểu tình đòi bầu cử dân chủ tại Hong Kong… Cuối tháng 8-2014, cựu Viện phó CASS Lý Thận Minh (Li Shenmin) cảnh báo trên Nhân Dân nhật báo: “Một hệ thống đa đảng và bầu cử trực tiếp rõ ràng là nằm trong lộ trình được xây dựng bởi các thế lực thù địch nước ngoài lẫn trong nước, nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của đảng ta, nhằm ra sức đánh phá sức mạnh của đảng ta và nhân dân ta”.

Trong hầu hết trường hợp, “thế lực thù địch” được hiểu như là những người dùng tiền mua chuộc người dân để kích động các phong trào “phá hoại xã hội”. Thành phần đối lập được miêu tả là những kẻ không yêu nước. Họ hoạt động chỉ vì tiền. Bất tuân dân sự được hiểu là chống đối chế độ. Đó là cách mà chính quyền tạo ra khoảng cách giữa những người hoạt động xã hội với số đông dân chúng còn lại. Được miêu tả như những kẻ quá khích cực đoan, thậm chí khủng bố, họ không có điểm chung với nhân dân trong mục tiêu tranh đấu của họ. “Thế lực thù địch”, do đó, trở thành kẻ thù của nhân dân, của quốc gia và đương nhiên, của chế độ. Họ cần được lánh xa và loại trừ. Tuy nhiên, vì được dựng lên từ nỗi sợ hãi để miêu tả một kẻ thù không có thực nhằm gieo rắc hoang mang, trong hầu hết trường hợp, người ta không có chứng cứ cụ thể khi nói đến “thế lực thù địch”. “Thế lực thù địch” là một lá bùa được vẽ ra từ trí tưởng tượng của những kẻ dùng thuyết âm mưu để trấn yểm chính người dân của họ.


Viết trên Foreign Policy (3-2-2016), nhà hoạt động Srdja Popovic, từng lãnh đạo phong trào Otpor thời Slobodan Milošević, nói rằng, cách tốt nhất để đối phó với các cáo buộc “thế lực thù địch” là sử dụng các hình thức mỉa mai. Tại Serbia, trong những ngày biểu tình rầm rộ chống Milošević, hàng ngàn sinh viên Serbia đã mặc áo thun in hàng chữ “Xờ tớ đi, tớ là lính đánh thuê nước ngoài đây!”. Trong cuộc biểu tình chống Hosni Mubarak tại Ai Cập năm 2011, những người biểu tình đã tập trung trước tiệm KFC ở quảng trường Tahrir và quay video, nói rằng họ đã “bị Mỹ mua chuộc, cho tiền, cho ăn đùi gà miễn phí” để đi biểu tình. Năm 2012, khi bị cấm biểu tình, người dân thị trấn Barnaul (Nga) đã mang đồ chơi ra chất đầy quảng trường, buộc nhà chức trách địa phương cuối cùng phải ban lệnh cấm… “đồ chơi đi biểu tình”, với lý do “chúng không phải là công dân Nga”! Năm 2015, giới hoạt động xã hội Nga đã bày tỏ bức xúc trước chất lượng cầu đường bằng cách vẽ sơn biếm khuôn mặt giới chức địa phương cạnh các ổ gà. Cạnh khuôn mặt họ là những phát biểu và lời hứa cải thiện tình trạng. Chiến dịch thành công, khi cuối cùng đường sá cũng được sửa lại tử tế hơn, không phải vì giới chức địa phương trở nên tử tế mà là vì họ muốn xóa những vết sơn biếm bộ mặt của họ nằm cạnh các ổ gà.

Manh Kim 
16 Tháng 3 năm 2016 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét