Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

BÌNH THƠ "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH"

Tôi đã đọc "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?"


 
 Một đời học văn, một đời viết báo, tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về đất nước. Những bài thơ viết về đất nước và những bài lấy hẳn tiêu đề là ĐẤT NƯỚC. Đất nước hiện lên trong văn chương, trong thơ ca một thuở đầy tự hào, tỏa sáng lung linh. Hãy xem: Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi trong veo, bình yên và đầy chất thơ cùng "gió thổi mùa thu hương cốm mới". Đất nước ấy bị giày xéo thảm thương với "những cánh đồng quê chảy máu / dây thép gai đâm nát trời chiều", nhưng cũng đầy bất khuất: "Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ / Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng loà". Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là cánh hạc từ ngàn xưa bay về, mang theo linh hồn và tự tình dân tộc. Đất nước là "tóc mẹ thì bới sau đầu", là "cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn", là gấm vóc, là giang san, là thương yêu biết mấy cho vừa: "Đất là nơi anh đến trường / Nước là nơi em tắm / Đất Nước là nơi ta hò hẹn / Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm / Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc / Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi...".
Đất nước trong ca từ của Phạm Minh Tuấn, diết da như từng nốt nhạc dịu dàng: "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu...". Còn đất nước trong thơ Chế Lan Viên thì đầy chất thơ ca, và cũng đầy oai hùng bất khuất: "Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc / Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn / Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc / Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng..."

Tươi đẹp, nhân văn, nhân hậu và oai hùng như thế, ai sinh ra mà không tự hào khi mình may mắn được là con dân, công dân của một đất nước như vầy?

Ấy thế mà đất nước ngày hôm nay, cứ nghĩ đến là lòng đau quặn thắt. Cái oai hùng, mãnh liệt ngàn năm đâu mất, giờ chỉ còn lại là sự sợ hãi, khuất phục, nhút nhát, rụt rè. Đất nước một thời ta ngẩng đầu hiên ngang, giờ đây cúi gằm mặt bước đi lầm lũi cứ như kẻ có tội hay điều chi mờ ám. Đất nước tan tành từ biển cả đến núi non, và tan tành cả lòng người. Giờ nói về đất nước, người ta chỉ biết ngậm ngùi cảm thán. Lãnh đạo thì nói dối, nói dối leo lẻo, biết mình nói dối mà vẫn không hề mắc cỡ, hay nói theo ngôn ngữ miền Bắc là không hề biết ngượng mồm. Dân thì biết đấy nhưng không nói lại được, và cũng không có con đường nào để nói lên ý mình. Lạ nhất là gần trăm triệu dân đều một lòng một dạ, nhưng bất lực bởi bị bưng mắt bịt tai bởi những lời nói giả dối, ấm ớ, quàng xiên, né tránh sự thật.

Và trong bối cảnh ấy, tôi đã đọc "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH..." của Trần Thị Lam.
Một bài thơ đầy cảm thán. Nó chẳng tự hào, nó không ru ngủ như một thời tôi đã phải học những "đất nước" lung linh ánh bạc trong trường phổ thông.
Lấy cái khác với lẽ thông thường để gọi là "ngộ", "lạ", là một cách nói có chút mỉa mai và chê trách nhẹ nhàng, là cái tứ của tác giả. Mà cũng chỉ vậy thôi, ngôn ngữ thơ ca không có những ùn ùn mắng nhiếc, ào ào gào thét như người ta trực tiếp chỉ vào mặt nhau, hoặc chửi rủa như trên các trang xã hội được.

"Đất nước mình ngộ quá phải không anh
... Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi..."

Không ngộ đâu nhưng mà là ngộ thật. Ngộ bởi vì nó quá khác cái lẽ thường tình. Chữ "ngộ" thốt lên nhẹ nhàng nhưng quặn thắt, xót xa. Bởi ai cũng biết vì sao nó ngộ, bởi tác giả biết vì sao nó ngộ, nên mới dùng chữ "ngộ" cho thơ mình. Ai? Ai làm cho người dân "trước những bất công vẫn không biết kêu đòi"? Chỉ ra được quá đi chứ? Ấy vậy mà chính những người có trách nhiệm kêu đòi cho đất nước, cho dân tộc lại là những kẻ khỏa lấp đầu tiên. Điều ấy đúng là rất "ngộ".

Một hình ảnh so sánh độc đáo, giữa cái "kỳ vĩ" đầy hào nhoáng với cái thân phận bé mọn của con người. Mấy ngày qua câu chuyện và lời phát biểu "nhỏ như cái móng tay" đang bị dư luận rùng rùng phẫn nộ, đã đi vào thơ của Trần Thị Lam, một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Không gào lên, không rủa sả, không chửi bới, mà chỉ với một câu thơ giản dị trong một khổ thơ so sánh, tác giả chọn cách nói cho riêng mình:

"Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay..."

Phép so sánh đầy sáng tạo. Đã quá nhiều lần, những cái "to nhất" đầy phản cảm đã bị người dân lên án. Tất cả những cái "to nhất" đó cuối cùng cũng đều vứt đi vì không dùng được. Vậy mà người ta còn dùng cả xốp, mút để độn, cho cái thành tích đó to ra. Cái tư duy gian trá của "con cháu" đời nay đó đã được người ta đưa cả vào trong lễ vật dâng lên tổ tiên, lên vua Hùng, lên chính vị vua đã từng làm ra sản vật đó. Người ta mải miết chạy theo những cái thành tích "to nhất" ấy, trong khi đó lẽ ra đối tượng đáng quan tâm nhất là CON NGƯỜI, thì bị gạt qua một bên. Người ta sẵn sàng chà đạp lên thân phận con người, xem chuyện một con người bị hàm oan chỉ bằng cái móng tay. Chuyện ông Tấn với quán cà phê Xin Chào, ông Bỉ với cái chòi vịt không hề là những câu chuyện đơn lẻ, cá biệt, mà nó chính là những minh chứng hùng hồn nhất, tiêu biểu nhất cho một cái thể chế không hề coi trọng con người, tùy tiện trong việc quyết định số phận người khác bất kể sai đúng, khổ đau.

Buồn chớ sao không buồn, thương chớ sao không thương, khi giang sơn gấm vóc bị người ta khai thác đến kiệt quệ, tàn hại đến tận cùng. Những hình ảnh tác giả đưa lên, vốn đã từng lung linh trên những trang thơ ngày trước, cũng đã từng lung linh trên hàng vạn bức tranh. Thế nhưng trong "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH...", từng hình ảnh hiện lên, cũng biển xanh sông gấm, cũng non xanh nước biếc, nhưng sao da diết đớn đau.

"Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa..."

Phải rồi, non sông càng tươi đẹp thì lòng càng buồn đau, vì nó đang bị tàn phá không thương tiếc. Nó bị đào lên đem bán, nó bị rải chất độc từ núi cao đến biển xa, độc tố không khác gì chất độc dioxin mà ta đang vận động quốc tế lên án, đòi bồi thường.
Nhạc tính trong câu "Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc" cũng miên man, cũng trải dài không dứt, cũng đưa người ta tới cảm giác lâng lâng trước một bức tranh sơn thủy với màu xanh bất tận. Nó đẹp vậy nhưng tự dưng chết nghẹn, bởi những thanh trắc và vần "ết", như một dấu chấm hết, một cái kết đột ngột, bất ngờ. Bất ngờ đến mức những cái mất mát trải ra trước mắt rồi đấy mà vẫn không thể nào kịp tin:
"Rừng đã hết và biển thì đang chết"

Và cái sự khắc khoải chờ chết ấy, được tác giả gói gọn bằng hình ảnh những con thuyền phơi nắng phơi sương dần dần mục nát. Thuyền thì phải có biển, phải ra biển, thì thuyền mới "sống", mới tung hoành được, cũng như con chim có bầu trời cao, con cá với sông với nước. Chớ thuyền mà nằm bờ thì thuyền chết, dân đói, cuộc sống héo mòn.

Những câu hỏi băn khoăn của tác giả không mới, nhưng một khi không ai trả lời thì nó không bao giờ là câu hỏi cũ. Nợ công lút đầu nguy cơ gây vỡ nợ quốc gia nhưng người ta vẫn báo cáo tình hình kinh tế ổn định, làm sao mà người có hiểu biết chút ít và quan tâm thời cuộc không lo âu. Chỉ cần một đứa trẻ vừa lọt lòng ra cũng sẽ như bà già trăm tuổi, cùng với cha mẹ chúng, lập tức phải gánh 20 triệu đồng nợ công trên lưng:

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

"Gánh", chỉ là một từ giản dị, bình dân, mà động tác này cũng chỉ có ở thôn quê mới có, nhưng đã có sức nặng lột tả được khối nợ công làm oằn vai đất nước một cách bàng hoàng. Gánh, là công việc của người có sức vóc, như dân lao động ở nông thôn vẫn gánh đá, gánh lúa, gánh khoai. Gánh, là đôi quang trên vai bà mẹ tảo tần hôm sớm: "Gánh gồng trĩu nặng trên vai / Đôi chân mòn mỏi xóm mai chợ chiều / Thân gầy dáng cỏ hắt hiu / Áo nâu bạc trắng nắng chiều như vôi" (Tg). Khi lớn lên, trưởng thành, vỗ cánh bay xa, có cuộc sống xa nhà, lòng ta vẫn thắt nghẹn khi nhớ về quê hương, nhớ về gia đình với hình ảnh đôi quang gánh trên chiếc lưng còng, trên tấm thân còm cõi của mẹ.

"Gánh", là nặng như vậy đấy. Chỉ những vật phải nặng mới gánh, còn vật gì nhẹ thì người ta cầm, xách, mang đi. Vậy mà ngày nay, đứa trẻ sơ sinh có sức vóc gì đâu mà cũng phải oằn lưng ra cùng người lớn gánh món nợ khổng lồ do người ta đi vay mượn về tiêu pha hoang phí và bỏ túi cá nhân. Điều mà cha ông ta dạy "đời cha ăn mặn đời con khát nước" đã bắt đầu hiển hiện, lừng lững ra trước mắt. Nó không còn là nỗi lo xa xôi nữa. Tác giả đã thực sự lo sợ, với những câu hỏi "gửi trời xanh, gửi người sau, người trước", cuống quít, vội vàng. Mặc dù nhịp thơ chậm, có phần như ưu tư lắng vào, nhưng điệp từ "Gửi", cùng điệp cấu trúc "người sau / người trước", giúp ta hình dung ra một sự khẩn thiết, gấp gáp, người hỏi đang chới với đôi tay giữa thinh không, vùng vẫy ngược xuôi, như tìm kiếm, như bấu víu trong vô vọng.

"Đất nước mình rồi sẽ về đâu?", đây không phải đây là câu hỏi lần đầu, mà người ta đã hỏi nhau nhiều lắm. Nhưng nó được tác giả bê nguyên câu nói ngày thường và đưa vào đây, đúng ngữ cảnh đã trở thành câu thơ đau đáu. Nó đau đáu đến mức, người ta sợ phải nghĩ tới nó mỗi khi nghĩ đến rừng vàng biển bạc cạn kiệt, khi nghĩ đến nợ công lút đầu, và nghĩ đến những lời lãnh đạo dối trá, lừa dân.

Tác giả không hề dụng công làm văn chương. Toàn bài thơ, tất cả các câu thơ chỉ là những câu nói giản dị, ngôn từ giản dị, không huy động thủ pháp nghệ thuật, không nỗ lực huy động ngôn ngữ thơ ca. Nhưng bài thơ vẫn có sức lay động lòng người mãnh liệt, thậm chí sức lay động chính là ở điểm này. Bởi, đây là tiếng lòng trung thực nhất, nỗi lo đau đáu bật lên từ tâm can, nó thành thơ bởi tác giả là người biết dùng vần điệu để chuyển tải suy nghĩ. Không có câu nào, chữ nào là hạt ngọc lung linh, toàn bích, là điểm nhấn cả. Mà tất cả, từng câu từng chữ đều gánh nặng tâm tình, tạo nên cảm xúc thơ. Có chăng nếu có chút dụng ý ngôn từ, thì có thể đó là phép dùng từ biểu lộ cảm xúc tịnh tiến, và cũng nhẹ nhàng chứ không găy gắt, không đao to búa lớn: Đó là, ban đầu "Ngộ", rồi đến "Lạ", kế đến là "Buồn", và cuối cùng là "Thương". Quả đúng như trình tự cảm xúc. Thấy gì khác thường, người ta thấy "ngộ". Nhưng "ngộ", đó chỉ là trường hợp đơn lẻ. Còn sau đó, thấy quá nhiều thứ khác với lẽ thường tình mà nó vẫn tồn tại bình thường, thì rõ ràng không còn là "ngộ" nữa, mà là "lạ" quá rồi. Và khi hiểu ra cái bản chất của nó, hiểu rằng người dân không thể tự quyết định được cuộc đời mình, không có quyền quyết định số phận dân tộc mình, đất nước mình, thì người ta chỉ còn biết buồn thôi, và cuối cùng là "thương" một cách dằn vặt. Tiếc một chút là tác giả còn thiếu một chữ "Đau" cho đủ các cung bậc cảm xúc, và nói đúng tâm trạng của người dân đang quan tâm đến vận mệnh đất nước hiện giờ. Nhưng có lẽ, biết đâu ý tại ngôn ngoại, toàn bài thơ đã dấy lên một cảm xúc đau buồn rồi, nên tác giả không cần đến chữ "đau" đầy khắc khoải nữa này chăng?

Điều tôi tiếc nhất là ở câu thứ hai trong bài, nếu tác giả bỏ chữ "DÂN" đi thì hay biết mấy. Không phải "Bốn ngàn năm tuổi mà DÂN không chịu lớn" như tác giả nghĩ. Dân tộc ta vĩ đại lắm, nhân dân ta lớn lao lắm, nhưng họ không ngẩng đầu lên nổi, không phải vì họ không chịu ngẩng đầu. Ai đã làm gì để họ không lớn nổi, không thể ngẩng cao đầu? Ai đã làm gì để trước bất công thiệt thòi mà người dân không thể kêu đòi? Thiết nghĩ ai cũng hiểu được, và tác giả "ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH..." cũng có thể tự trả lời.

(28/4)
Vỹ Đặng

---------***----------

Cô Lam (ở giữa) cùng các học trò của mình.


Bài thơ ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH...

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...


tác giả bài thơ: Trần Thị Lam

1 nhận xét:

  1. ĐẤT NƯỚC MÌNH CHƯA TỆ QUÁ ĐÂU EM.

    Đất nước mình chưa tệ lắm đâu em,
    Bởi vẫn có em, có nhiều người trung thực,
    Yêu nước, thương nòi đau nỗi đau nhức nhối,
    Quặn thắt lòng hỏi: đất nước sẽ về đâu?

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Bởi vẫn có người trọng tình, trọng nghĩa,
    Dám nói ra dù một phần sự thật,
    Giữa nghị trường bao người xấu hổ cúi đầu nghe.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Bởi bốn nghìn năm tổ tiên ta để lại,
    Mảnh đất yêu thương nơi chúng mình đang sống,
    Và chung tay cùng tranh đấu giữ gìn.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Người với người vẫn thương nhau nhiều lắm,
    Bao con người cùng lo " cơm có thịt",
    Xây lớp, dựng trường cho trẻ nhỏ vùng cao.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Bởi rất nhiều người vẫn sống đời tử tế,
    Vẫn cần mẫn, vẫn từng ngày thầm lặng,
    Chiu chắt ươm mầm cho cuộc sống mai sau.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Tôi muốn được cùng em lau nước mắt,
    Cho tôi, cho em, cho những người đang khóc,
    Vì yêu thương phải đi tiếp em à.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em,
    Dũng cảm lên, mỗi ngày trên bục giảng,
    Em hãy dạy các em thơ tình yêu đất nước,
    Niềm tự hào, tự chủ trước năm châu.

    Đất nước mình chưa tệ quá đâu em ...

    (Tác giả có nickname trên facebook Như Thơ Nguyễn)

    Tuandung Luu: Đúng thế,nước chảy tự cội nguồn đất ra vẫn luôn trong trẻo. Chì có một phần dáng hình là bị bôi bẩn bởi những kẻ không biết họa hình đất nước thui:

    ...Đất với nước hợp thành đất nước
    Đất phì nhiêu, đất cằn cỗi: đất nhà
    Người đến ở thành ra Tổ quốc
    Sinh lòng yêu đất nước thiết tha...

    Trả lờiXóa