Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Hổng có lòng, hổng làm người Sài Gòn được đâu



Mấy bạn facebooker gì đó. Tới quán cơm 2000 dành cho người nghèo xong thấy mấy người đeo vòng vàng cũng ăn, người đi xe tay ga cũng ăn. Mấy bạn nói người gì tham lam nè. Không có tự trọng nè. Sao mấy bạn hổng hỏi họ thử, tại sao họ ăn chớ? Ví như họ hèn mọn vầy, nghe hỏi thì họ bỏ đi thôi. Chớ hổng quýnh các bạn đâu.

Mình có quen cậu Hùng, quán cơm 2000 bên quận 10. Mấy lần mình đến hỏi, cậu nói người đeo vòng vàng, xe tay ga đến ăn nhiều lắm nha. Bị vì họ ủng hộ tiền gạo, tới ăn coi chất lượng cơm mình nấu cho bà con có bảo đảm không. Nhiều người giàu có lắm mà có mình ên, thèm cảm giác ấm cúng nên ngồi lặng lẽ ăn với vé số, ve chai. Thấy vui vui, thương gì đâu. Sau mỗi lần có họ, số tiền gạo ủng hộ tăng lên quá trời đất. Toàn những nhà hảo tâm ẩn danh, hông có nói tên tuổi. Bởi vậy, Hùng nói ai tới quán cũng vui, cũng có tâm ý riêng cả. Chớ ai đi ăn chực mà đeo vàng chạy tay ga hà rầm vậy. Thiệt tình!

Hồi mình đi theo chị Lan vô bệnh viện mắt phát cơm miễn phí. Còn dư vài hộp, chị Lan mời mình ăn, mình hổng từ chối. Mấy dì mắt băng một con, một con chạy liến thoắng hỏi chớ con mần báo mà cũng ăn cơm này sao? Mình nói, dạ ăn chớ, mấy dì ăn được thì con ăn được. Ta nói, bữa cơm hộp sân bệnh viện nó ngon quá chừng.

Mình đi viết bánh mì từ thiện. Quần Việt Tiến áo An Phước đường hoàng. Mình với tay lấy một ổ bánh mì gặm. Anh bảo vệ cười toét mắt. "Hiểu rồi nha. Ăn mới hiểu mà thương bà con chớ. Tui cũng ăn nè. Nhà báo quất một bài thiệt ngon để bà con ấm lòng, tới ăn ủng hộ nha".

Một lần có tờ hai nghìn rớt giữa đường Cộng Hòa. Chẳng ai thèm lụm. Đường đông như cá mòi. Mình dừng xe cúi lụm bỏ túi. Trời quơ, ta nói mấy trăm cặp mắt soi mình như huê hậu á. Có mấy bạn trẻ trẻ nhếch mép cười duyên thấy ớn. Mình đem tờ tiền qua quận 1 cho dì ăn xin. Không quên vuốt thẳng, chùi bớt vết bẩn. Chớ để dì biết tiền mình lụm rồi dì rầu thì sao. Mình nói cái này người SG tặng dì á. Hehe.
Người Sài Gòn hào hiệp dễ thương lắm à. Người SG gốc, giọng nói cũng rành rẽ hào sảng, hổng có lấy không của ai cái gì đâu.

Có đi sâu vào những thân phận, mới hiểu được. Mấy bạn nói người SG xấu xí, là bị vì có những người hông có mở lòng gì ráo trọi, mà lại hay xét đoán lung tung hà.

Hổng có lòng, hổng làm người SG được đâu :)

Nguồn: Sài Gòn

Chuyện kể rằng, tại một cái quán nhỏ ở thành phố Venice xinh đẹp, những vị khách đến đây đã gọi cho mình 1 ly cà phê và không quên gọi thêm một ly "trên tường". Cô phục vụ sẽ dán lên tường một tờ giấy như là ly cà phê ảo. Người khách uống phần của mình và trả tiền cho ly cà phê tượng trưng. Sau đó, những người có nhu cầu uống cà phê nhưng không có tiền vẫn có thể vào quán, lấy một tờ giấy trên tường, yêu cầu quán phục vụ cho mình mà không phải trả tiền.

Câu chuyện lãng mạn, y như cái thành phố Venice đã gợi cho bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) một ý tưởng đem “ly cà phê trên tường” bên tận trời Tây về Sài Gòn – thành phố ông đang sống. Khi đề xuất với nhóm bạn là bác sĩ của nhiều bệnh viện, ý tưởng này được ủng hộ nhiệt tình. Nhưng để câu chuyện trở nên thực tế với người nghèo, các bác sĩ đã biến tấu thành “dĩa cơm trên tường”.

Họ chọn 4 quán cơm ở gần Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và một quán cơm trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1) để gắn những “dĩa cơm trên tường”. Các bác sĩ đã dùng số tiền mà họ quyên góp được, mua sẵn những suất cơm ở 4 quán đó rồi phát phiếu cho bệnh nhân, người nghèo. Đến bữa, người có phiếu “dĩa cơm trên tường” chỉ cần đến một trong 4 quán cơm này để nhận được những suất cơm miễn phí. Họ được phục vụ bình đẳng như những vị khách có tiền khác.

Ấy vậy mà khi ngồi trò chuyện cùng bác sĩ Võ Xuân Sơn (Giám đốc Phòng khám Quốc tế Exon) – một trong những bác sĩ tham gia chương trình, ông vẫn áy náy: “Thực lòng, tụi anh muốn làm được nhiều hơn, nhưng sức chỉ có thế”. Ông đang muốn nói đến 70 “dĩa cơm trên tường” phát đến bệnh nhân và người lao động nghèo mỗi ngày, trong suốt 6 tháng qua. Ông chê con số đó như thế…còn ít.

“Ly cà phê trên tường” của Venice là một phiên bản rất lãng mạn về lòng tử tế. Nhưng người viết bài này tin rằng, “dĩa cơm trên tường”- phiên bản Sài Gòn của các bác sĩ cũng lãng mạn chẳng kém. Ai đó sẽ hiểu nếu thấy cậu bé đánh giày đang nhảy chân sáo, cầm trên tay “dĩa cơm trên tường”. Hôm ấy, cậu có thể bảo toàn 20 ngàn đồng được mẹ “biên chế” tiền cơm cho cả ngày. Sự lãng mạn cũng nằm trong đôi mắt lấp lánh khi nhận “dĩa cơm trên tường” của một ông lão đang chăm cháu trong Bệnh viện Nhi đồng 2. Ông đã ăn cơm chay từ thiện hàng tháng trời để “thằng cháu đích tôn được ăn cơm thịt”…Sự lãng mạn nào ai đong đếm được bằng 70 dĩa cơm hay hơn thế nữa. Quan trọng là cách người ta đã trao cho nhau như thế nào.


Nguồn Lao Động

Xem phản hồi khác


Hoang Thinh Phan:
 Mình từng sống khắp Việt Nam có một nhận xét thật tâm là gần 10 năm mình sống ở HN không bằng gần 1 năm sống ở SG. Người SG hiền lành, thân thiện. Hồi đó ăn cơm bình dân ở HN là 20-25k/suất nước trà phải bỏ tiền mua riêng, canh thì chỉ có nước ko. Còn ở SG cơm có 13k/suất, có thêm canh chua, có trà ướp hoa nhài thơm phức miễn phí, cơm vừa sạch vừa nhiều thức ăn. Lại còn nhớ da diết cái quán hủ tiếu gõ đầu ngõ mỗi bát có 10k mà ăn vào nhớ mãi!... Sẽ một lần quay lại SG ơi!

Thuc Hoa Tran::
Người sài Gòn đi xe tay ga ăn cơm 2k nhưng biết đâu họ trả 200k hoặc cũng có khi có xe tay ga nhưng sa cơ thất thế ngay lúc đó họ Ko có nổi 1k để mua cơm cho con họ thì sao ; đất Sài Gòn khó nói lắm và người Sài Gòn chẳng ai chấp hay quan tâm vấn đề đó cả, cái gì cung có lý do của nó, chẳng ai biết trong cái nhà rách nát có triệu usd hay ngàn cây vàng cho đến khi bà chủ rụng nụ hay ông đại gia tiếng tăm chẳng có 1 k khi ổng ra đường vì ngân hàng siết nợ cả ^_^ thế nên, đừng vội đánh giá người ta, nhé !



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét