Về
cái dự án mà “Bộ Giáo dục xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng
Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất
vào năm học tới”, tôi sẽ không bàn vì gần như bất cứ gì liên quan đến hệ thống
giáo dục Việt Nam hiện tại đều không cần bàn, bởi cách duy nhất để tái thiết kế
nền giáo dục thối nát này là đập nát nó đi để xây lại từ đầu. Nó đã hỏng và tệ
hại đến mức đã không còn có thể sửa. Ở đây, chỉ cung cấp thêm một ít thông tin
về chương trình ngoại ngữ của một số nước khu vực. Ngôn ngữ nước ngoài nào được
chọn dạy bắt buộc ở các nước châu Á? Tiếng Anh, dĩ nhiên, chứ không phải tiếng
Hoa và càng không phải tiếng Nga.
Giáo viên Philippines trong một tiết dạy tiếng Anh tại một trường Nhật (Ảnh: Japan Times) |
Japan
Times (5-9-2016) cho biết hệ thống giáo dục Nhật đang ráo riết hoàn thành
chương trình tiếng Anh bắt buộc toàn quốc lần đầu tiên, bắt đầu thực hiện vào
năm 2020. Lúc đó, tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 5 và 6,
thay vì chỉ là một “hoạt động ngoại khóa về tiếng nước ngoài” trong đó học sinh
chỉ tiếp cận tiếng Anh như một môn phụ. Đề cương dự thảo công bố tháng 8-2016
cho biết môn đọc và viết tiếng Anh (chứ không chỉ nghe và nói) sẽ được dạy lần
đầu tiên. Năm 2002, Bộ giáo dục Nhật đã đưa tiếng Anh vào hệ thống tiểu học như
một chọn lựa. Từ niên khóa 2014, Nhật bắt đầu đào tạo lực lượng “giáo viên
nguồn” với 1.000 người, tốt nghiệp vào niên khóa 2018, nhằm có thể đào tạo lại
tiếng Anh cho các giáo viên khác. Bộ giáo dục Nhật đã từng bước đưa tiếng Anh
vào hệ thống tiểu học. Năm 2011, tiếng Anh trở thành một “hoạt động ngôn ngữ”
với hai kỹ năng nói và nghe, tập trung vào lớp 5 và 6, để học sinh quen dần môi
trường tiếng Anh qua các bài hát và trò chơi.
Asia Times
(20-2-2016) cho biết thêm, một số công ty kinh doanh thương mại điện tử chẳng
hạn Rakuten hoặc Fast Retailing Co (sở hữu nhà buôn sỉ quần áo lớn nhất châu Á
– Uniqlo) đã có kế hoạch chuyển ngôn ngữ từ Nhật sang Anh trong hoạt động kinh
doanh. Trong thời toàn cầu với ngôn ngữ toàn cầu là tiếng Anh, việc yếu tiếng
Anh đồng nghĩa với việc mất lợi thế hòa nhập thế giới. Trong khi đó, Nhật là
một trong những nước kém nhất châu Á về điểm TOEFL (đứng thứ 5 tính từ “đáy”
trong tổng cộng 30 nước thi TOEFL năm 2015, chỉ trên Afghanistan, Campuchia,
Tajikistan và Lào). Láng giềng cạnh tranh của Nhật - Hàn Quốc - xếp hạng 10.
Tại Hàn Quốc, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc ở tiểu học từ năm… 1997!
Còn tại Trung Quốc, tiếng Anh cũng đã được đưa vào hệ thống tiểu học từ năm
2001.
Tại Thái
Lan, nhằm phát triển kinh tế trong đó có công nghiệp du lịch, nước này đã lên
kế hoạch thúc đẩy giáo dục Anh ngữ trong hệ thống tiểu học – South China
Morning Post (1-9-2016) cho biết. Bộ giáo dục Thái Lan đang soạn một chương
trình trong đó đảm bảo rằng tất cả học sinh tiểu học phải có khả năng nói tiếng
Anh “để đàm thoại mọi tình huống thường nhật”. Trong 16 nước châu Á được khảo
sát, Thái Lan hiện xếp thứ 14 về khả năng tiếng Anh và thứ 62 trong 70 nước thế
giới – theo chỉ số thông thạo Anh ngữ 2015 của Viện giáo dục ngôn ngữ thứ nhất.
Giới chức
giáo dục Thái Lan đang lo ngại các nước khu vực như Philippines, Malaysia,
Singapore và Myanmar, nơi có chương trình giáo dục tiếng Anh tiểu học tốt hơn,
sẽ qua mặt họ và giành được ưu thế trong kinh doanh quốc tế. Theo đề án Bộ giáo
dục Thái, 18 trung tâm đào tạo sẽ cung cấp 13.500 giáo viên Anh ngữ. 8 trong số
trung tâm như vậy sẽ được thành lập vào cuối năm nay (2016) và số còn lại vào
năm tới. Mục tiêu, như được thứ trưởng giáo dục Thirakiat Charoensethasilp công
bố, tất cả học sinh lớp 6 phải đạt trình độ A2 của chuẩn CEFR (Common European
Framework of Reference), tức có thể biểu đạt và đàm thoại thông thường (The
Nation 29-8-2016).
Với sự
bùng nổ toàn cầu hóa từ cuối thập niên 1990, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ
toàn cầu. Nó hiển nhiên là ngôn ngữ của thế giới thế kỷ 21. Như David Dodwell
(giám đốc điều hành Nhóm chính sách mậu dịch Hong Kong-APEC) viết trên South
China Morning Post (8-7-2016), tiếng Anh hiện được 1,5 tỉ người ở 110 quốc gia
sử dụng. Chỉ tiếng Tây Ban Nha mới có thể đứng “gần” hơn với tiếng Anh trong
bảng xếp hạng các ngôn ngữ được dùng nhiều nhất thế giới, dù rằng tiếng Tây Ban
Nha chỉ được nói như ngôn ngữ mẹ đẻ tại vỏn vẹn 20 quốc gia, chủ yếu tại Nam
Mỹ. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại 66 nước. Nó được dùng như một thứ
“ngôn ngữ chung” tại các hội thảo Liên Hiệp Quốc, tại các hội thảo EU, và dĩ
nhiên tại các hội thảo ASEAN. Thế giới đang buôn bán giao dịch bằng tiếng Anh.
Người ta dùng tiếng Anh khi đi du lịch. Các tạp chí chuyên san khoa học hàng
đầu thế giới viết bằng tiếng Anh. Những tờ báo lớn ở khu vực, The Nation và
Bangkok Post (Thái Lan) hoặc South China Morning Post (Singapore)… được viết
bằng tiếng Anh. Chính Trung Quốc cũng phải đầu tư vào hệ thống truyền thông
bằng tiếng Anh cho mục đích tuyên truyền của họ.
Việt Nam,
trong mọi lĩnh vực, đang tụt lùi với phần còn lại thế giới và càng ngày càng
cách xa phần còn lại của thế giới lẫn khu vực. Việt Nam gần như không còn có
thể so sánh được với nước nào vì không còn “cơ sở điểm tựa” để so sánh. Việt
Nam đang đi ngược với tất cả. Việt Nam đang chìm. Một quốc gia đang chìm. Một
hệ thống giáo dục đang chìm. Một xã hội đang chìm. Việt Nam đang bị nhấn chìm
bởi những cái đầu ngu muội chưa bao giờ thật sự hiểu khái niệm “ngẩng cao”.
.....
Mạnh Kim
Lạ thật, học tiếng Tàu, kẻ cướp phần biển Đông thuộc về VN. Học tiếng Nga, kẻ vừa rồi lên tiếng chính thức ủng hộ Tàu trong vấn đề biển Đông?!!!
Trả lờiXóa