Có ông bạn trách, sao ông nghiên
cứu nhân cách mà không đánh giá con người theo bản chất nhân cách,
lại khen chê tùm lum theo Hành vi chủ nghĩa, khen cả mấy tay quan chức
mất nhân cách?
Khó lắm ông bạn ơi! Mấy chú
Công an phê bình mình, là sao bác toàn nêu tiêu cực, không khen mặt
tích cực? Mình bảo, mấy trăm báo, đài, hàng vạn nhà báo của Đảng,
ăn lương của dân, suốt ngày đêm khen hết rồi, mình còn chỗ nào mà
khen nữa! Nhưng mấy chú bảo, mỗi công dân đều cần nhìn nhận, đánh
giá khách quan, công bằng… Mình thấy chí lý, nên cố gắng truy tìm,
xem tổ chức hay quan chức nào có câu nói hay, có việc làm gì tốt là
khen liền.
Trong cái xã hội nhiễu nhương, hỗn mang, đảo lộn mọi giá
trị, “văn hóa – đạo đức tụt xuống đáy” thế này, mà xác định được
nhân cách để đánh giá, thật khó vô cùng. Đành thấy hành vi nào ích
nước, lợi dân, hợp xu thế tiến bộ xã hội thì khen; cái nào ngược
lại thì chê. Nói như PGS Mai Văn Hưng, ĐHQG Hà Nội: Chỉ biết hành vi
tốt, xấu thôi, khó biết người xấu, tốt! Có lẽ vì thế trong xã hội
hiện nay, quan hệ người – người mang tính thực dụng, tạm bợ, luôn
cảnh giác lẫn nhau, chẳng ai tin tưởng ai! (Các đồng chí còn suốt
ngày theo dõi, điều tra nhau kia mà; rồi vụ Yên Bái các đồng chí chơi
nhau bằng cả K59)!
Vì thế, thời nay có được
những người bạn tin cậy, tìm được người tử tế để tin tưởng là quý
giá biết chừng nào. Là một Hạnh phúc!
Trở lại vấn đề NHÂN CÁCH. Dân
ta nói: “Thức lâu mới biết đêm dài/ Ở lâu mới biết lòng người có nhân”.
Chữ NHÂN ở đây là Nhân bản, Nhân đạo, coi Mình với Người là một, là
Tình người…cốt lõi của nhân cách. Khổng tử có câu rất hay: NHÂN như
quả núi, mọi tính khác như cỏ cây mọc trên quả núi đó. Một người
đã không có lòng NHÂN thì có những gì “mọc trên đó”? Ai tìm thấy
quan chức nào có lòng NHÂN “như quả núi” không? Hay chỉ thấy Tham – Sân
– Si – Ngã chấp, che lấp lòng Nhân, khiến hành động vô minh?
Theo thuyết ĐỘNG CƠ – NHÂN CÁCH
của nhà Tâm lý học A.N. Leontiev thì, ĐỘNG CƠ CHỦ ĐẠO là cốt lõi
của nhân cách; mọi động cơ thứ cấp đều phụ thuộc vào động cơ chủ
đạo. Động cơ là cái vì nó mà người ta hoạt động. Vì cái gì mà
người ta đề ra chủ trương này, chính sách kỉa? Có phải VÌ dân, vì
nước không? Vì cái gì mà người ta ký dự án Bô – xít Tây Nguyên? Vì
cái gì mà người ta rước Formosa về, cho thuê mấy ngàn ha đất 70 năm
với giá bèo? Người ta cưỡng chế bao nhiều đất đai của dân trao cho
nhà đầu tư; người ta quyết giữ sân golf không trả cho mở rộng sân bay
Tân Sơn Nhất… là vì cái gì?
Ông Nguyễn Đức Chung ký BẢN CAM
KẾT Đồng Tâm là VÌ CÁI GÌ? Đó là NHÂN CÁCH của ông ấy. VÌ CÁI GÌ
mà ông Chung quyết bảo vệ BẢN CAM KẾT hay sẵn sàng vứt bỏ nó? NHÂN
CÁCH của ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung sẽ được biểu hiện rõ.
VÌ CÁI GÌ mà hôm trước ông
Dương Trung Quốc ký vào BẢN CAM KẾT làm chứng cho ông Chung? Rồi nay
VÌ CÁI GÌ, ông Quốc nói đó là “Kể cả lời hứa cũng là lời hứa về mặt tinh
thần", chỉ để xử lý tình huống? Điều đó nói lên NHÂN CÁCH của
ông Nghị Quốc.
Truy động cơ sẽ lòi ra nhân
cách thuộc loại nào. Nhưng khó ở chỗ, người ta thường nhận ra bằng
trực giác, chứ chưa có cách đo đạc chính xác để “bắt chết” động cơ
được. Vì vậy người ta mới “cãi chày cãi cối”, mới lừa được hết
lần này đến lần khác. Người bị lừa biết thì đã muộn, đành than
thở: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho tường”!
Cái ĐỘNG CƠ CHỦ ĐẠO của các
quan chức ta ngày nay là VÌ CÁI GÌ, nó sẽ thúc đẩy mọi hoạt động
theo hướng đó.
Cũng có cách xác định nhân
cách như nhà Triết học Hegel phân tích sự HAM MUỐN ở con người. Có
những ham muốn gần với cầm thú, những ham muốn thực tại, như ăn,
uống, khoái cảm… và những ham muốn các giá trị trừu tượng, đặc
trưng Người. Ví dụ, năm 1946, Cụ Hồ trả lời nhà báo: “Tôi chỉ có
một ham muốn, ham muốn tột bực là làm cho nước tôi được hoàn toàn
độc lập, dân tôi được hoàn toàn tự do, đồng bào tôi ai cũng có cơm
ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là sự HAM MUỐN những giá
trị trừu tượng: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc…đặc trưng ham muốn của
một nhà lãnh đạo đất nước. Những HAM MUÔN đó nói lên NHÂN CÁCH của
Cụ Hồ.
Ngày nay các quan chức ta HAM
MUỐN những gì, thì nhân cách của họ cũng được xếp ở thứ hạng đó.
Bà con ta thử phân tích các HAM MUỐN của các quan chức ngày nay và
xếp loại NHÂN CÁCH cho vui.
Có nhiều cách để tìm ra cốt
lõi của nhân cách và đánh giá nó. Trên đây là vài cách, nêu ra để
thấy việc xác định bản chất của nhân cách con người ngày nay thật
khó khăn, phức tạp, “nhạy cảm” nữa! Đành khen, chê theo thuyết Hành vi
cho có bằng chứng cụ thể!
Nói vậy thôi, khi dân ta đã
“thức qua đêm dài” là biết rõ hết. “Câí kim bọc giẻ lâu ngày cũng
lòi ra”! Chỉ có điều đánh giá của nhân dân, của Lịch sử bao giờ
cũng muộn màng, nhưng công minh.
18/6/2017
Mạc Văn Trang
TỪ BÌNH THƯỜNG THÀNH “PHI THƯỜNG”!
Trả lờiXóaỞ xứ ta bây giờ rất lạ: Các quan chức làm một việc gì, có cách ứng xử nào BÌNH THƯỜNG như một người dân thì bỗng thành “PHI THƯỜNG”. Này nhá, ai thuê nhà, mượn nhà hết hạn chả phải trả lại nhà, vậy mà nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường sau nhiều trăn trở vật vã, đã trả lại nhà công vụ, được báo chí, mạng xã hội đăng la liệt như sự kiện PHI THƯỜNG! Cán bộ gặp dân đối thoại là việc rất bình thường, nhưng ông Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân, bỗng thành “Anh hùng”! Mà vì nó “PHI THƯỜNG”, nên người ta bắt nó trở lại đúng bản chất chế độ: “Ta sai thì phải xin lỗi Dân, Dân sai thì phải xử theo pháp luật”! Một chế độ đã tạo ra các cán bộ vốn từ nhân dân mà ra, trở thành những quan chức xa lạ với dân, không còn là những người BÌNH THƯỜNG nữa!