Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Khăn lụa Khaisilk, nguồn gốc thật sự ở đâu?

Theo quan sát, rất nhiều khăn của Khaisilk vẫn còn một miến trắng nhỏ trên viền, nhiều người cho rằng đó là vết cắt tag cũ.

Thấy một số thánh bênh Khaisilk rằng lụa Tàu cũng tốt, có khi còn hơn lụa Việt; rằng mọi người phản ứng anh chỉ vì tinh thần bài Tàu vv...
Ôi, tôi nghe xong mà muốn ngất quá! Xin các thánh quỳ xuống cho tôi lạy ba lạy, rồi cho phép tôi trình bày "con tằm nó nhả ra tơ" một tý ạ! 

Lụa tơ tằm Việt Nam là lụa dệt thủ công từ tơ con tằm. Giá lụa tằm nguyên chất ở Vạn Phúc hiện khoảng 500k/mét. Nếu lụa tơ tằm nguyên chất của TQ thì so với lụa tơ tằm Việt, có khi của TQ còn đẹp và đắt hơn, vì TQ mới là nơi khởi phát nghề nuôi tằm dệt lụa.

Thực tế, ở Hàng Châu - kinh đô của tơ lụa Trung Quốc - người ta bán một chiếc khăn lụa với giá 200USD.
Như thế, liệu anh Khải tôi có nhập lụa tơ tằm Tàu xịn về VN để dán mác Khaisilk không? Dĩ nhiên là anh Khải tôi không ngu nhé. Bởi nếu thế thì anh ấy đã bán xới từ lâu rồi vì lỗ cmn vốn chứ k có chuyện xây lâu đài Hoàng tử với cả biệt phủ như hiện nay đâu ạ!
Do đó, anh ấy chỉ có thể nhập lụa tơ tằm pha của TQ, là loại lụa thường ít cũng phải 60% là sợi nilong, tổng hợp, chỉ có khoảng 40% hoặc thấp hơn, là tơ tằm. Lụa dởm nặng và k mềm mịn, mát như tằm xịn. Giá một mét lụa pha rẻ hơn nhiều lần tơ tằm xịn, nên khăn tơ tằm dởm của Tàu chỉ vài chục nghìn.
Vấn đề của Khaisilk là lừa dối khách hàng, khi "ăn dày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh". Mua cái khăn dởm về, chả cần làm gì ngoài việc cắt mác Tàu ra, may cái mác Khaisilk vào, thế là biến quạ thành công. Từ cái khăn tầm 60k thành hơn 600k, gặp được "ngan vịt" thì nâng giá thành vài triệu.
Thế bảo sao không giàu nhanh. Mà, việc lừa đảo kéo dài gần 30 năm thử hỏi bao nhiêu người bị lừa?
Đấy là thiếu văn hóa và đạo đức kinh doanh.

Thế nên tôi chả tin việc anh Khải tôi bảo là chỉ có 50% lụa Tàu, còn 50% vẫn là lụa Việt. Giờ bảo anh Khải chỉ cho xem mua lụa tơ tằm Việt ở những nhà nào trồng dâu, nuôi tằm, dệt thủ công, xem anh tôi có chỉ được không?

Đau nhất và bẽ mặt nhất là khi đã có nhiều nguyên thủ quốc gia các nước, nhiều VIP đã mua sản phẩm của Khaisilk để dùng, hoăc làm quà tặng người thân. Trong danh sách dài dặc này có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và phu nhân đã mua khá nhiều váy áo lẫn vải lụa của Khaisilk; Cựu Ngoại trưởng Mỹ - Madeleine Albright - cũng nhiều lần là khách hàng của Khaisilk; Thủ tướng Úc Jannette Howard; Tổng thống Chilê Michelle Bachelet vv...
Chưa kể rất nhiều vị lãnh đạo của VN cũng mang đồ của Khaisilk ra nước ngoài tặng các VIP quốc tế nữa chứ!

Giờ, chắc nhiều vị khách quý đã kịp vứt toẹt mấy cái đồ Khaisilk vào sọt rác sau scandal này rồi!

theo facebooker Hằng Thanh


Tin liên quan: 

Khăn lụa Khaisilk vừa có mác "Made in China", vừa có mác "Made in Vietnam", nguồn gốc thật sự ở đâu?


3 nhận xét:

  1. KHAISILK LỪA CẢ THẾ GIỚI

    Vâng, tôi dùng tit: “Khaisilk lừa cả thế giới” không hề sai vì tôi đã từng đến cửa hàng lụa tơ tằm Khaisilk ở 113 Hàng Gai mua khăn lụa và vải lụa may áo dài tặng những người bạn Nhật và Hàn Quốc quý mến của gia đình. Và tôi tin nhiều người Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, tổ chức hữu nghị, thậm chí các cơ quan ngoại giao của nhà nước cũng mua khăn, mua vải làm quà cho bạn bè quốc tế. Tôi biết, có một doanh nghiệp lớn vào loại ăn ra làm nên hàng năm mua tới 500 chiếc khăn lụa Khaisilk để làm quà tặng cho các đối tác, bạn bè trong và ngoài nước.

    Lợi dụng lòng tin của khách hàng, lợi dụng thương hiệu Khaisilk, 30 năm qua, Hoàng Khải đã lừa đảo và trà trộn hàng của Trung Quốc và bán với giá rất đắt, làm giàu bất chính, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều này làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Nhưng quan trọng hơn là làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt. Như vậy là nó lừa cả thế giới còn gì và phải đưa nó ra truy tố trước pháp luật về tội lừa đảo …

    Chính Hoàng Khải đã thừa nhận đang kinh doanh sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc là đúng sự thật và tỷ lệ này chiếm khoảng 50%.

    Vậy tại sao chỉ kiểm tra 1 cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mà không kiểm tra cả chuỗi cửa hàng của thằng lừa đảo này trên toàn quốc khi sự việc vỡ lở….?
    Điều mà dự luận xã hội bức xúc nữa là: Có đúng lỗi do nhân viên tự ý cắt mác Tàu, gắn mác Việt, và chỉ có 60 cái, bán 4 cái còn 56 cái hay là đây là chủ trương, mênh lệnh, là việc làm 30 năm qua của Hoàng Khải ? Nguồn gốc khăn lụa, vải lụa mà Khaisilk vẫn giao giảng là từ các làng nghề của Việt Nam là ở đâu ? làng nào? xã nào?

    Được biết: Hiện ở Việt Nam có hai làng dệt lụa truyền thống là Vạn Phúc (Hà Đông) và Nha Xá (Hà Nam). Tuy nhiên, cách đây hơn chục năm, người ta phát hiện gần như cả làng Vạn Phúc đều trà trộn hàng Tàu vào bán và pha tơ nhân tạo Tàu để dệt. Duy chỉ còn một gia đình kiên quyết giữ nghề truyền thống, không pha Tàu, không trà trộn sản phẩm của Tàu nên đã bị cả làng này ghen ghét, dọa đánh, tẩy chay và phá máy. Sau đó gia đình này không sống nổi ở làng và đã được Tổng công ty Vinaconex (thời ông Phí Thái Bình là Chủ tịch) liên kết mở xưởng dệt và bán sản phẩm ở Khu ĐT Trung Hòa, Nhân Chính nhưng không sống được vì bị hàng Tàu, hàng dởm cạnh tranh gay gắt…

    Qua vụ việc Khaisilk, người ta tự hỏi: Liệu các cửa hàng bán khăn lụa, vải lụa ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, ở TP Hồ Chí Minh và các làng lụa có đúng là lụa tơ tằm thứ thiệt của các làng nghề Việt Nam ? ??

    Trả lờiXóa
  2. Chu Minh Khôi
    Hôm qua lúc 12:23 •
    Việc Khaisilk bán Lụa Tàu với mác Lụa Việt đang đầy ắp trên các báo từ hôm kia đến nay. Tôi không dám bàn luận về hành động này của Khaisilk.

    Nhưng tôi muốn nói thực trạng của Lụa Việt Nam, mà lấy dẫn chứng từ Lụa Vạn Phúc. Vì lụa Vạn Phúc là thương hiệu nổi tiếng nhất của Lụa Việt Nam. Xưa nước ta có rất nhiều làng dệt lụa, nhưng dường như đến giờ ở miền Bắc hầu như không còn làng nghề dệt lụa nào còn tồn tại, ngoại trừ làng dệt lụa Vạn Phúc (không tính đến dệt thổ cẩm của người dân tộc thiểu số ở miền núi).

    Không sinh ra ở Hà Tây (Hà Nội 2), nhưng tôi gần 20 năm sinh sống ở Hà Tây, cách làng lụa Vạn Phúc chỉ vài km, vì vậy mà tôi thường xuyên ghé qua làng lụa Vạn Phúc. Rất nhiều lần tôi đến đây, khai thác thông tin từ những người dệt lụa trong làng để viết báo. Tôi chứng kiến những thăng trầm của làng nghề lụa Vạn Phúc, và khai thác thông tin từ 2 đời chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Lụa Vạn Phúc là ông Nguyễn Hữu Chỉnh và sau đó là ông Nguyễn Văn Sinh.
    Từ các chủ tịch Hiệp hội lụa Vạn Phúc đến người dân trong làng từ lâu đều cho biết rằng, phần lớn lụa bán ở làng vạn phúc là lụa Tàu, chứ không phải lụa Vạn Phúc. Đơn giản là vì lụa Vạn Phúc chất lượng kém xa so với lụa Tàu. Nếu bán lụa Vạn Phúc thật thì mọi khách hàng sẽ trả lại và bảo đó là lụa giả. Chỉ khi bán lụa Tàu thì khách hàng mới không trả lại, và mới khách hàng mới công nhận sản phẩm đó là lụa Vạn Phúc thật.

    Hai đời chủ tịch Hiệp hội Lụa Vạn Phúc đều nói với tôi rằng, nhờ bán lụa Tàu nên Lụa Vạn Phúc mới giữ được thương hiệu. Chứ nếu bán Lụa sản xuất tại làng Vạn Phúc thì thương hiệu đã mất từ lâu rồi. Vì là làng nghề phát triển du lịch làng nghề và kinh doanh lụa, lại thêm cái tiếng – thương hiệu của Vạn Phúc đã sang trời Tây từ thời Pháp thuộc, nên khách du lịch Châu Âu đến tham quan du lịch Làng nghề lụa Vạn Phúc rất nhiều. Mấy cơ sở kinh doanh trong làng, thì vẫn đặt các máy dệt với các người thợ dệt là cốt để phục vụ khách tham quan làng nghề. Khách đến, sẽ được chiêm ngưỡng, chứng kiến hoạt động dêt, nhưng khi khách hỏi mua hàng, thì từ các cơ sở dệt lẫn các cửa hàng đều phải đem sản phẩm lụa nhập từ Trung Quốc ra để bán, chứ không dám đem lụa của họ dệt ra để bán, vì sợ làm mất đi thanh danh của làng nghề lụa Vạn Phúc trứ danh.

    Trả lờiXóa
  3. (tiếp)

    Cuối năm 2007, ông Nguyễn Hữu Chỉnh – khi đó là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc được Bộ NN&PTNT chấm giải nhì trong cuộc thi tinh hoa sản phẩm làng nghề Việt, nhờ sản phẩm dệt lụa do chính tay ông dệt. Tôi đến gặp ông chỉnh để viết bài đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam số Tết năm 2008. Lúc đó, ông Chỉnh đã nói thật với tôi rằng, lụa dệt ở Vạn Phúc không ai mua đâu. Vì lụa Vạn Phúc thật có nhiều nhược điểm, trước hết cứ giặt là nhăn. Không thể dùng bàn là để ủi nếp nhăn, vì cứ đưa bàn là lên là cháy vải. Thứ hai, vì lụa Vạn phúc phải nhuộm bằng phẩm màu, nên giặt nhiều lần là sẽ bay mất màu. Lụa của Tàu thì bên đó họ phát triển công nghệ cao hơn, nên sản phẩm của họ đẹp hơn và tốt hơn. Trung Quốc đã nghiên cứu được giống tằm, cho ra các loại tơ có màu sắc khác nhau: trắng, tím, xanh, đỏ… nên khi dệt vải, họ không cần tẩy tơ và nhuộm. Trong khi ở Việt Nam thì tằm chỉ nhả ra được mỗi loại tơ màu vàng. Nếu dệt lụa màu vàng thì không cần tẩy nhuộm, nhưng dệt lụa các màu khác, phải dùng thuốc hóa học để tẩy màu vàng của tơ, thành màu trắng. Rồi sau đó, phải dùng thuốc hóa học để nhuộm tơ, nên vải lụa của ta rất xấu, dễ bay màu, và dễ nhăn.

    Lúc đó tôi có bảo với ông Chỉnh rằng, cháu đã đưa vợ cháu đến mua lụa ở Vạn Phúc, lụa đẹp, và chất lượng tốt, không bị bay màu, cũng ít bị nhăn. Thì ông Chỉnh giảng giải, lụa mà vợ chồng cháu mua là lụa Tàu đấy. Rồi ông Chỉnh tặng tôi một tấm lụa do chính tay ông dệt. Ông dặn: Lụa Vạn Phúc thật đấy nhé. Nhưng không được giặt bằng máy giặt, phải giặt bằng tay, và không được giặt bằng xà phòng. Tôi đem vải về, vợ tôi đem may áo dài. Nhưng chỉ mặc được 2 lần là vợ tôi không mặc nữa. Vì dù đã tuân thủ giặt bằng tay, nhưng áo vẫn quăn tít. Không được giặt bằng xà phòng thì áo giặt xong vẫn nguyên vết bẩn.

    Từ bé, tôi đã rất yêu làng lụa Vạn Phúc khi đọc những câu ca dao, câu thơ: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Đặc biệt, bài thơ – bài hát của thi sĩ Nguyên Sa người Miền Nam với những câu: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” nó thấm vào tâm hồn tôi từ lâu. Tôi cũng từng vài lần đưa hình ảnh lụa Hà Đông vào trong thơ của mình, đơn cử như mới đây tôi viết có câu: “Anh không chạm vào em, mà chỉ chạm vào lụa/ Lụa Hà Đông hôm ấy rất dịu dàng/ Anh ngỡ tan vào miên trường mắt nhớ/ Mơ một lần chạm đến đáy mùa sang”.

    Yêu thì yêu vậy. Nhưng thực tế lại là chuyện khác. Khi tôi viết cái Status này, hẳn sẽ có nhiều người chửi rằng: không yêu nước, hay là bênh Trung Quốc. Tôi rất ghét Trung Quốc, chả dại gì chê nước mình và ca ngợi cái xứ Tàu. Nhưng đời khó lắm. Nếu không bị chê là không yêu nước, thì nhiều khi phải nói dối. Còn, nói ra sự thật thì…

    Chùm ảnh tôi chụp ở cơ sở dệt lụa của ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc, như ông nói thì tấm vải đang được dệt trong khung dệt là lụa Vạn Phúc đấy, nhưng vải thành phẩm treo trưng bày trên các giá là lụa Tàu. Nếu không làm thế, thì làm sao giữ được thương hiệu trứ danh cho Lụa Vạn Phúc.

    Trả lờiXóa