Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

NHÂN CHUYỆN ĐÀ NẴNG HÔM NAY, NHỚ LẠI ÔNG BÁ THANH, NGẪM RA NHIỀU ĐIỀU .

Cũng thật hy hữu có ông Bí thư nào, vào ngày nghỉ lại tha thẩn ra ngồi dưới gậm cầu sông Hàn đánh cờ với các cụ hưu trí như ông Bá Thanh dù công việc quá bộn bề 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần căn dặn các thế hệ lãnh đạo, những công bộc của dân rằng: Cán bộ là công bộc, là người đầy tớ trung thành của dân. Câu nói ấy ,trong sâu thẳm, luôn chất chứa nhiều điều mà không dễ gì chúng ta thực hiện đủ đầy và tự thấy hài lòng. Nhưng hiện tượng Nguyễn Bá Thanh, uỷ viên Trung ương Đảng(TWĐ) nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính TWĐ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TW Phòng chống tham nhũng đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của nhân dân Đà Nẵng đã nghiệm ra nhiều điều cần suy nghĩ về sự tin yêu của dân đối với lãnh đạo, nó thật quý vô cùng!

Việc ông Bá Thanh lâm trọng bệnh năm nào rồi cho tới khi ông ra đi mãi mãi trên mảnh đất ông thành danh và đã làm đẹp, làm giàu cho thành phố miền Trung thân thương này thật đáng ghi nhận. Chỉ cần chứng kiến cảnh họ đến đón ông suốt dọc đường từ sân bay vào bệnh viện hôm ở Mỹ trở về trị bệnh tại quê nhà hồi đó, đến khi họ tới vĩnh biệt ông lần cuối luôn đông nghịt ngày ông ra nơi an nghỉ mãi mãi thôi là đủ hiểu tấm lòng người dân Đà Nẵng họ yêu mến người lãnh đạo của mình tới mức nào.

Tôi không phải là người thân thiết với ông, dù cũng đôi lần được ông tiếp nhưng chỉ là người được dự "ké" với những người mà ông thân thiết. Song, tính cách con người ông, tầm nhìn và bản lĩnh của một người lãnh đạo như ông đã để lại trong tôi sự trân trọng và nể phục thực sự từ hàng chục năm qua.

Các nhà báo là những người bạn đồng nghiệp với tôi, đã nhiều lần kể cho tôi nghe những mẩu chuyện về nhân vật Nguyễn Bá Thanh, từ khi ông còn làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, làm giám đốc một nông trường ... cho tới khi làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng) rồi làm Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cũng như Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng (trực thuộc TW) sau này. Toàn chuyện thật mà sao tôi nghe lại cứ ngỡ như giai thoại cả vậy?

Lâu nay, tôi cũng hơi buồn mỗi khi nghe nơi này nơi kia có những cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân hoặc có tiếp thì cũng khá chiếu lệ, hình thức, chẳng giải quyết được gì cho đến nơi đến chốn. Dân đến nhà thưa gửi, trình báo kiện tụng thì né được là cứ né. Điểm nào "nóng" thì đùn đẩy cấp dưới đến nghe thay rồi về ... báo cáo lại!

Cũng thật ít ỏi có được vị lãnh đạo nào ra tận nơi giải tỏa mặt bằng đầy nóng bỏng để thuyết phục người dân chấp thuận và ủng hộ chủ trương giải toả đất đai khi nó còn quá nhiều phức tạp, thậm chí bị chống đối quyết liệt. Vậy mà ông Bá Thanh vẫn có mặt để thuyết phục, phân tích lợi, hại tới tận cùng, làm sao để người dân chia sẻ và vui vẻ ủng hộ. Bộ mặt Đà Nẵng hôm nay, nếu không có tầm nhìn và cách làm quyết liệt của ông thì rất khó được như vậy.

Cũng thật khó tìm ra ông Bí thư nào chủ động gợi ý đối thoại với trẻ em hư trong trại giáo dưỡng để động viên các cháu mau tiến bộ, trở thành công dân tốt như ông Bá Thanh.

Cũng hiếm có ông Bí thư nào lại muốn đối thoại với các ông chồng vũ phu, hay đánh đập vợ, con để giải thích luật Hôn nhân gia đình cho họ hiểu. Ông "khích " các ông chồng hãy bớt "cơ bắp", sao lại có thể "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với người luôn "đầu gối má kề" mỗi ngày với họ ... Nghe rồi, các ông chồng thấy im re và hứa hẹn sửa chữa. Người đó vẫn chỉ là ông Bá Thanh.

Cũng thật hiếm có ông Bí thư nào, vào ngày Tết đến lại nghĩ ra ý tưởng, cho mời gọi hàng trăm ông chạy xích lô, xe ôm lại thăm hỏi  , lì xì cho họ, một tầng lớp người vốn khó khăn và thiệt thòi trong xã hội. Trong khi đó, Đà Nẵng lại là thành phố du lịch được mệnh danh "thành phố đáng sống nhất" của hành tinh lại có phần đóng góp không nhỏ của tầng lớp luôn giáp mặt du khách này. Người hiểu điều đó và thực hiện, lại vẫn là ông Bá Thanh.

Cũng thật hy hữu có ông Bí thư nào, vào ngày nghỉ lại tha thẩn ra ngồi dưới gậm cầu sông Hàn đánh cờ với các cụ hưu trí như ông Bá Thanh dù công việc quá bộn bề. Song, chính những lúc đánh cờ với dân như thế, ông được nghe đủ chuyện trên trời, dưới đất, nơi ông là nhà lãnh đạo cao nhất của địa phương. Nó không hề làm ông mất thời gian vô ích chút nào, nếu không nói là giúp ông nắm được dân tình đang băn khoăn chuyện gì, bức xúc chuyện gì cần tới ông can thiệp. Khoảng cách giữa người dân và lãnh đạo cũng nhờ thế mà gần nhau hơn. Chắc cũng khó tìm một ông Bí thư nào có cách làm đó ngoài ông Bá Thanh?

Con người như ông, có thể cũng có những người không ưa, nhất là một ai đó bị ông to tiếng, phê bình sát ván hoặc bị ép làm việc với cường độ cao để đẩy nhanh tiến độ ... Song tôi tin rằng, trong lòng, họ vẫn nể trọng ông, cảm phục bản lĩnh ở con người ông, một vị lãnh đạo quyết đoán, giàu khát vọng và thực tế. Ông là người đã mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân dân Đà Nẵng hôm nay. Đúng như điều ông đã nghĩ và làm theo lời khuyên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như trong một lần anh Nguyễn Công Khế (nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên) kể cho chúng tôi nghe .

Số là khi tách thành phố Đà Nẵng ra trực thuộc Trung ương, ông Bá Thanh hỏi Thủ tướng Võ Văn Kiệt kinh nghiệm để lãnh đạo một thành phố như Đà Nẵng. Thủ tướng khi đó đã nói: “Có thể nói đến nhiều ngày không hết về ý tưởng để xây dựng một thành phố như Đà Nẵng. Nhưng nếu nói ngắn gọn nhất thì: “Bất cứ anh muốn làm việc gì cho thành phố, đừng bao giờ nhìn xuống bốn chân ghế, mà phải nhìn ra rằng mình sẽ làm được gì cho Đà Nẵng phát triển, cho người dân Đà Nẵng được nhờ thì cứ bước tới mà làm”.
Và Đà Nẵng hôm nay, chúng ta đã thấy, với sự bứt phá ngoạn mục với một thời gian ngắn mà được như bây giờ, không thể không nhắc tới vai trò cá nhân ông Bá Thanh. Uy tín của người lãnh đạo như ông, lại là người đứng đầu địa phương được ghi nhận cũng chính là chiếc hàn thử biểu đo lòng tin yêu của dân đối với chế độ.

Chuyện đau xót về nhân sự, về nội bộ mất đoàn kết, về những dấu hiệu mà UBKT Trung ương yêu cầu làm sáng tỏ tiếp ... như vừa qua ở Đà Nẵng, tôi nghĩ, ông cũng có phần trách nhiệm chứ không phải không có vì đó cũng là những người ông bồi dưỡng, đưa lên những đã thiếu tu dưỡng. Cũng có thể còn những chuyện này chuyện khác chưa phải đều đúng nguyên tắc nếu bây giờ chúng ta xem lại. Nhưng dù có thế nào thì ông cũng đã để lại "dấu ấn Nguyễn Bá Thanh" trên nhiều bình diện mà hôm nay Đà Nẵng cần phát huy cũng như những gì chưa phải về cách làm ở người bí thư Thành uỷ ấy...

Ông Bá Thanh cũng là tác giả của ý tưởng "thành phố 5 không": Không hộ đói; Không người lang thang xin ăn ( một mục tiêu vô cùng khó với một thành phố du lịch, nhưng rất quan trọng); Không người mù chữ; Không người nghiện ma túy trong cộng đồng và không có kẻ giết người để cướp của. Ông Thanh lấy ý kiến HĐND, các chuyên gia rồi đưa ra mục tiêu vừa phấn đấu, vừa điều chỉnh cho phù hợp. Tất nhiên cũng còn những mục tiêu khác cũng khá thú vị đã và đang duy trì hiệu quả. Song do bài viết khá dài, tôi xin phép không đề cập...
Như vậy cũng quá tự hào đấy chứ? Nhưng hôm nay, chắc nơi suối vàng, ông cũng thấy buồn và dau xót về những gì vừa xảy ra ở mảnh đất này.

Nhớ lại mấy hôm người dân Đà nẵng cùng những bạn bè, đồng chí của ông ở Trung ương cũng như ở nhiều địa phương đưa tiễn ông về nơi đất Mẹ thân yêu, tôi cảm nhận rằng đây quả là cuộc tiễn đưa người yêu quý của nhân dân có nhiều nước mắt nhất, có dòng người dài nhất từ trước đến giờ ở Đà Nẵng.


Người dân Đà nẵng đưa tiễn ông Thanh về nơi đất Mẹ thân yêu.

Từ chuyện ông Bá Thanh, chúng ta đủ để rút ra một điều, khi lãnh đạo luôn gần dân, dân sẽ luôn yêu quý và trân trọng. Hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh với người dân Đà Nẵng, một vị lãnh đạo luôn hết lòng vì nhân dân phụng sự, chắc chắn sẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ. Với những người lãnh đạo, nó cũng là dịp để các lớp kế nhiệm tự soi lại mình tiếp bước ông, làm tốt hơn cả ông từng làm...


Quốc Phong 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét