Văn nghệ thứ 7
Một bài thơ của Văn Cao mà không nhiều người biết:
NGOẠI Ô MÙA ĐÔNG NĂM 1946.
Buổi chiều ngày 19/12/1946, Văn Cao gói ghém đồ đạc để rời khỏi Hà
Nội. Vài bộ áo quần cũ, một cái chăn dạ mỏng, một chiếc màn cùng với cây đàn
ghi ta, đó là tất cả những gì ông có thể mang theo. Văn Cao nhìn chiếc bồ đựng
giấy, trong đó chứa đầy những cuộn giấy đủ mọi kích cỡ. Đó là những phác thảo
tranh, những bức ký họa mà ông chưa có điều kiện để hoàn thiện. Không thể mang
chúng đi được, ông quyết định đốt hết. Nhìn ngọn lửa cháy rần rật thiêu trụi những
bức phác thảo mà bao lâu nay đã lưu giữ, lòng ông trào lên bao nỗi luyến tiếc ...
"NGOẠI Ô MÙA ĐÔNG NĂM 1946" viết về ngày toàn quốc kháng
chiến, với một bút pháp độc đáo, kinh hoàng, gây hoang loạn:
"Phố chết rồi vài mảnh rêu ngơ ngác
The thé thất thanh giọng kêu tàn ác
Quạ dăm con, chập choạng cánh dơi xa
Lơ láo tường vôi, than bụi dui nhà
Với dáng cỏ khô dấu chìm xe ngựa
Xưa lê la đàn ròi bọ
Đục trong máu mủ ung thư
Của một phường Hà Nội cổ
Vàng son che đậy hương thừa
Bao người bệnh tật thời xưa
Từng sống rạc rài viễn phố
Bao người ấy bây giờ
Súng gươm giữ từng đường phố
... Lời gọi cha già
Ôi đoàn thể
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
... Mấy bức tường hồng rơi xuống cùng trâm
Một dẫy phố nghiêng cả thành Hà Nội
Dòng ngõ chợ xưa máu dâng ngập lối
Mấy xác quân thù bên cống tanh hôi
Sọ nứt toang óc chảy lẫn với ròi
... Xóm âm u
thành khối đen đặc quánh
Ơi ai ngâm mình hố lạnh
Gió mùa rú ghê người
Trăng đông dầm khe rãnh
Lưỡi lê đậu sương rơi..."
(Ngoại ô mùa đông 1946)
......20 giờ 5 phút, tiếng đạn pháo từ pháo đài Láng gầm lên rung
chuyển cả thành phố, mở màn cho cuộc Kháng chiến toàn quốc. Mọi người bật dậy,
lao ra sân, nhốn nháo:
- Nổ súng rồi! Đánh nhau rồi!
- Pháo của ta hay pháo của địch?
- Pháo của ta! Quân ta chủ động tấn công trước.
Văn Cao cùng Mai Văn Hiến vội vã trèo lên nóc nhà. Hai người nhìn
về thành phố. Bầu trời Hà Nội rực lửa rung lên dưới những loạt đạn pháo của
quân ta.
Hai giờ sáng ngày 20/12/1946, Văn Cao dẫn mọi người rời khỏi Hà Nội.
Ra đến bến xe điện Cầu Mới, chứng kiến cảnh những người dân gồng gánh, tay xách
nách mang dắt díu nhau đi tản cư theo kháng chiến, trái tim nhạy cảm của Văn
Cao run lên vì xúc động. Không vội vã như những người tản cư, các văn nghệ sỹ
ra đi một cách lặng lẽ, đăm chiêu trong gió rét dưới bầu trời đêm ảm đạm, le
lói mảnh trăng non mỏng mảnh như chiếc lá. Họ để lại sau lưng những kỷ niệm, những
con đường, góc phố, những mái nhà liêu xiêu. Họ để lại sau lưng một Hà Nội thân
thương đang kiên cường chiến đấu với một ý chí: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ
nhất định không chịu làm nô lệ. Họ ra đi với một niềm tin vào cuộc kháng chiến
nhất định sẽ thành công và một ngày nào đó họ sẽ trở về giải phóng thủ đô. Văn
Cao đã nhìn thấy và dự đoán trước được niềm vui sướng tự hào của cả dân tộc
chào đón đoàn quân chiến thắng trở về trong ngày thủ đô giải phóng.
Tờ mờ sáng, Văn Cao dẫn mọi người về đến thị trấn Kim Bài thuộc
huyện Thanh Oai, Hà Đông, nơi đóng quân tạm thời của giới văn nghệ sỹ. Mọi người
mệt nhoài sau một đêm đi bộ vất vả. Họ được đưa vào ở tại một số nhà dân trong
xóm. Mấy ngày sau, Văn Cao nhận được lệnh của ông Hoàng Hữu Nam cùng Mai Văn Hiến
trở về Hà Nội tìm máy in để chyển lên chiến khu. Hai người trở về Hà Nội, đến ấp
Thái Hà, một địa bàn quen thuộc nơi Văn Cao đã từng sống trong những năm tháng
khó khăn với nhiều kỷ niệm đau buồn…
Văn Cao đưa Mai Văn Hiến vào ấp Thái Hà, tìm đến một vài xưởng in
nhỏ mà ông từng biết. Họ may mắn tìm được hai chiếc máy in mà chủ nhà đi tản cư
bỏ lại. Sau khi đã kiểm tra và ghi rõ địa chỉ vào sơ đồ cẩn thận, hai người rời
ấp Thái Hà, đi vào thành phố. Trời đã xế chiều, đường phố vắng lạnh, người qua
lại thưa thớt, chủ yếu là các chiến sỹ tự vệ đang làm nhiệm vụ.
Ô Chợ Dừa, cửa ngõ phía tây của Hà Nội, nơi sinh sống của những
người cùng khổ, của những thân phận bèo bọt bất hạnh, một thời bị cái xã hội thực
dân cai trị khinh rẻ. Cái: Cửa ô đau khổ/ Bốn ngả âm u… đó đã bật dậy đứng lên
lập chiến lũy. Văn Cao đã chứng kiến những ánh mắt rạng ngời của những anh xích
lô, ba gác, của những chị đồng nát, tiểu thương, của những em bé đánh giày… kề
vai sát cánh cùng những chiến sỹ Vệ quốc đoàn, những chiến sỹ tự vệ sao vuông hối
hả khuân vác đủ mọi thứ để củng cố chiến lũy sau những trận đánh ác liệt trong
những ngày vừa qua. Một chiến lũy được dựng lên bằng gạch đá, đất cát, giường tủ,
bàn ghế, sập gụ, tủ chè và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, chỉ thấy những mảng vỡ lỗ
chỗ vết đạn, những mái nhà gục đổ xung quanh chiến lũy. Mùi khét lẹt của thuốc
súng vẫn bao trùm khắp nơi. Văn Cao gặp lại những kỹ nữ, những ca nương của những
tiệm hát cô đầu ở phố Khâm Thiên đang thổi cơm, đun nước phục vụ bộ đội, họ vẫn
thướt tha trong những tà áo dài duyên dáng với khuôn mặt vẫn được trang điểm cẩn
thận. Văn Cao thực sự xúc động, cảm xúc trào dâng và những vần thơ hiện lên trong
đầu ông.
Kháng chiến không chỉ là hào hùng, là hoa treo đầu súng.
Kháng chiến còn là chiến tranh, chết chóc, tàn phá, kinh hoàng...
"Ngoại ô mùa đông 46" là bài thơ khốc liệt nhất viết về
toàn quốc kháng chiến. (Trong những năm đầu, người nghệ sĩ còn được tự do sáng
tác, mới có thể có "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc" và "Ngoại ô mùa đông 1946", in
trên báo Tiền Phong).
Trích hồi ức Văn Cao - Đời và Nghiệp
Ad #TTKC (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét