Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

"Kiếp người", tiểu thuyết của trung tướng CA Hữu Ước: Mỗi số phận chứa một phần lịch sử



Đó là câu chuyện về Thanh Hữu, một Đại úy, Trưởng phòng của tờ báo Minh An trong ngành công an. Khi để Phóng viên điều tra để viết một bài báo bênh vực, minh oan cho các nạn nhân của một vụ bắt giữ trái pháp luật thì chính Thanh Hữu gặp nạn. Đích thân ông Chín, Thủ trưởng ngành ra lệnh bắt Thanh Hữu. Dù là một cán bộ trẻ có năng lực và nhiều mối quan hệ trong ngành nhưng Thanh Hữu vẫn không thoát khỏi lao tù. Anh bị giam ở Chí Hòa ba năm sau ba lần xét xử mới được minh oan và được trở lại ngành công tác. 

Ở “Kiếp Người”, đọc những triết lý làm quan mà Thanh Hữu bộc lộ, những ai từng trải sẽ thấy rất thấm thía “một nửa đời người gắn bó với quan trường bây giờ hắn hiểu quyền lực là niềm vui bất tận và nó cũng nhọc nhằn, cay đắng, cực nhục lắm” hay “khi đã dấn thân vào nghiệp quan trường thì cuộc đời phải xác định nó giống như người làm xiếc trên dây, lúc nào cũng phải tròng trành, chênh vênh”. “Anh chán cái nghề làm quan lắm rồi, làm quan không làm chủ được cuộc sống của mình và cũng không được sống đúng với chính mình”. Làm Tổng biên tập tờ báo của ngành công an trên 20 năm nhưng cuối cùng Thanh Hữu thừa nhận ”Dựng mười đứa lên thì đến năm đứa phản tôi. Bởi vì yêu cầu của nó là mười mà tôi chỉ cho nó chín thế là nó phản tôi”.  Những triết lý ấy dường như là tất cả những gì cô đọng trong đời quan trường của tác giả.

Tôi có thằng em làm trong ngành công an, nó đã từng nói đùa cách nay gần 20 năm, rằng trong ngành nó, 6 điều Bác Hồ dạy CA phải được hiểu là:
Đối với đồng đội – phải cương quyết khôn khéo
Đối với địch  - phải thân ái giúp đỡ

Kể ra, đọc “Kiếp người” của Hữu Ước và thực tế mấy vụ án trong ngành CA hiện nay thì ngẫm ra cũng không phải là không có lý.
Nhiều người nói, đời Trung tướng Hữu Ước có gì, ông viết trọn trong 3 tập sách (Sống, Lửa, Lạnh) của bộ tiểu thuyết “Kiếp Người” xuất bản khi ông về hưu. Thế nhưng, khi được hỏi, Hữu Ước lại bảo: “Đó chỉ là 1/10 sự thật”.

Tôi có ‘ông anh’ kém tôi vài tuổi, người Hà Nội xịn, thông minh học giỏi, vào được ĐH nhưng  vì gia đình tư sản nên ra trường không kiếm được việc làm. Anh làm nghề tự do, in bán cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu, quen biết nhiều và nói chuyện có duyên … vì thế chúng tôi rất hợp chuyện. 

Anh có thằng con làm công tác trong ngành CA. Đôi lúc gặp nhau anh có nói về Hữu Ước nhưng tôi không để ý lắm. Vừa rồi tôi có đọc được bài phỏng vấn nhà báo Hữu Ước của Tô Hương Lan trên mạng, thấy thú vị nên tôi tìm gặp anh để hỏi về Hữu Ước. Anh nói, anh quen biết Hữu Ước và được ông tặng 3 tập tiểu thuyết “Kiếp người” của ông. Rồi anh hứa cho tôi mượn quyển 1 – Sống, đọc xong trả, mượn quyển tiếp. 

Tôi là dân Vật lý nhưng thích hội họa, thích đọc sách, nhất là sách Văn học, sách của Vương Hồng Sển, Sơn Nam … , sách khảo cứu lịch sử VN thời xa xưa … Năm nào tôi cũng tiêu tốn trên triệu bạc để mua sách. “Kiếp người” quyển 1 tôi đọc trong 2 buổi. Chiều, tôi ra phố sách Đinh Lễ mua luôn 3 tập trọn bộ “Kiếp người” hết hơn 500K, giá bìa là 710K. Hôm sau trả sách, anh bảo mua chi tốn tiền. Tôi nói, em muốn sở hữu nó để còn đọc nhiều lần, sách như “của để dành" mà anh. Tôi còn nói thêm, chúng em hay xem phim ở CGV mỗi vé cũng mất hơn 100, mà sau đó quên ngay, còn sách cho mình kiến thức, lúc rỗi đọc đi đọc lại vẫn thấy thú vị, bổ ích.

Ông anh tôi bảo, đúng ra bên CA phải cho “Kiếp người” vào giảng dạy trong ngành và là sách gối đầu giường cho mỗi cán bộ chiến sỹ.

Tôi là con chiến mã cũng đành bất lực
 trước vương quyền không có thước đo ...
đã ký H. Ước


Thực vậy, bộ tiểu thuyết ba tập “Kiếp người” được viết khi tác giả đã ngoài 60 nó được đánh giá là tiểu thuyết quan trọng nhất đời văn của Hữu Ước. 

Là chuyện về cuộc đời của người lính, phóng viên, nhà văn Thanh Hữu, nhân vật chính được nhà văn gọi là “hắn” – đại từ hay dùng cho nhân vật phản diện. Với ký ức chân thành, ông mô tả đời sống người lính ở chiến trường rất thật. Một đại đội trưởng Ba nghiêm khắc trong huấn luyện, tài trí dũng cảm trong chiến đấu nhưng cũng rất yêu thương lính, và cũng rất “máu” gái trong đời thường. Trong một lần đánh biệt kích thâm nhập trạm cứu thương ở biên giới Việt – Lào đại đội trưởng Ba đã giáp chiến với một lính biệt kích cao to, giỏi võ và đã hạ được hắn. Kiểm tra giấy tờ tên lính anh thấy có một tấm ảnh nhỏ một thiếu nữ còn rất trẻ với một nét đẹp ngây thơ trong trẻo, phía sau tấm ảnh là dòng chữ học trò: ”Mong anh Hai sớm trở về với má và em. Em gái Út Hạnh”. Cầm tấm ảnh, đại đội trưởng Ba bần thần, thoáng buồn, anh lặng người một lúc. Hình ảnh bé gái và dòng chữ viết cứ ám ảnh đeo bám anh. Một tâm trạng đau đớn xót thương chợt đến trong anh … Và anh đã đi đến quyết định: “Phải trả thằng biệt kích này về cho mẹ và em gái của nó thôi; dù chỉ là một cái xác!”. Và ông đã không chỉ làm có thế …

Cuốn sách của Hữu Ước nhắc rất thật đến những cuộc đụng chạm, va đập, những tranh giành ganh đua quyền lực, đấu đá của chính ông ở chốn quan trường của ngành thực thi pháp luật. Những kỹ nghệ vượt “thế bí” ghi trong tiểu thuyết “Kiếp Người” đáng để ai quan tâm đến chốn quan trường lưu tâm. Hữu Ước khiến người ta tin những chuyện ông kể là thật, thậm chí người ta thấy mình trong đó và muốn khám phá đến cùng sự thật về nhân sinh. Càng đọc càng bị lôi cuốn, khiến như thấy mình gặp lại những người thật việc thật mà mình đã đọc đã gặp đâu đó trong chuyện hay ngoài đời.

Tiểu thuyết “Kiếp Người” khởi truyện bằng hình ảnh một người tù, với quần áo tù vo tròn cắp nách giữa những người bạn tù lơ láo lẫn ngơ ngác. Và một cái tát trời giáng “dạy làm người” của đại ca Thiếp dành cho nhân vật “hắn” khi được ra tù mà quên chào bạn tù đã gây sốc ngay từ những trang đầu. Dù bộ sách khá dày nhưng sức hút của nó có thể giữ chặt bạn đọc từ đầu đến cuối bởi tính thời sự của nó luôn nóng hổi. Nó báo động về sự tha hóa đạo đức, về “lợi ích nhóm” đâu đó giữa chốn quan trường, về cách hành xử giữa những tập thể “có một nhúm người cũng chia bè kéo cánh”, rình rập vài ba trưởng phó phòng để bắt lỗi và âm ỉ chờ đợi thời cơ để loại trừ nhau. Cuốn tiểu thuyết lắng đọng thân phận, số kiếp con người. Phải, trái cứ đan xen, lơ lửng, va đụng vào nhau.

"Kiếp  người"! Không dưng cuốn sách lại mang cái tên này. Ngẫm ra cái lý do để có cuốn sách cũng là vậy. Cuộc đời chỉ rặt những vui vẻ hớn hở, chỉ những yêu đương thành đạt dễ dàng thì có nhẽ chỉ thấy quá lắm là trong vài ca khúc thôi. Đã là đời người thì làm gì toàn là suôn sẻ hanh thông thuận buồm xuôi gió êm chèo mát mái.

Bể trầm luân là cái kiếp nạn mấy ai không trải. Thậm chí với nhiều người, nói đến cái kiếp nạn là nói đến cái nỗi thống khổ như tiền định, không thể thoát được của đời người nữa kia. Vì trong cái mối oan nghiệt này có đủ các cơn cớ mà người đời có thể nghĩ đến. Có chuyện “sinh ư nghệ tử ư nghệ”. Có chuyện ít xít ra nhiều, bé xé ra ro, cái sảy nảy cái ung. Có chuyện hớ hênh dại dột của tuổi trẻ. Có chuyện bơm vá, đơm đặt, đục nước béo cò, lợi dụng cơ hội của thiên hạ. Có chuyện  trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Có cái ngẫu nhiên lại có cả cái tất yếu. Ác hại, lại còn dính dáng tới chuyện ý thức hệ và chính trị. Chưa kể còn là sự tùy tiện bất tuân luật pháp của cơ quan công quyền.

Tập ba “Lạnh” là một khoảng lặng đau đớn của bộ tiểu thuyết Kiếp người. Vẫn là những khúc quanh quá nghiệt ngã của số phận, càng về cuối càng nhiều hơn, càng khốc liệt hơn.

Nhân vật hắn hay cũng chính là tác giả ngỡ cuối đời hái được trọn vẹn quả ngọt của hạnh phúc khi công đã thành, danh đã toại thì số phận lại giáng một đòn cuối trắng tay khi người vợ hiền chịu thương chịu khó của hắn, đã theo hắn từ ngày khổ nhục cho đến lúc vinh quang bỗng nhiên gặp tai nạn mà qua đời. Xung quanh cái chết của vợ "hắn" cũng đầy ma mị, liêu trai không thể giải thích ...

Cái chết của người vợ như một dấu chấm hết cho Kiếp người chìm nổi của hắn. Như một cơn gió lạnh hun hút đầy sương giá tràn về bao phủ cuộc đời cô độc của hắn. Người đọc thấm dần hơi lạnh từ trang sách, thấm dần nỗi cô đơn quạnh quẽ của hắn, ngấm dần những cơn gió lạnh trống hoác thổi về từ một kiếp người nhọc nhằn dâu bể.

Vật vã đau đớn để làm gì, khát vọng mà để làm gì khi cuối cùng đứng trên đỉnh cao danh vọng, có trong tay tất cả mọi thứ bỗng ngộ ra đời sống thật hữu hạn, vô thường, đạt được vinh quang đấy nhưng có khi những thứ giản dị nhất lại để số phận cướp mất.

Tích tụ cả đời để viết từ máu - nước mắt, với sức viết xứng danh Anh hùng Lao động. "Kiếp người" đã, đang và sẽ tiếp tục được tìm đọc không chỉ bởi lời đồn: Đây là tác phẩm mà nhà văn kể về chính đời mình.

“Kiếp người” là cuốn tiểu thuyết đáng đọc trong nền văn học đương đại Việt Nam 2 thập kỉ qua.
Nguyen Hong  (tổng hợp và giới thiệu)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét