Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

"NGƯỜI ĐỐT LÒ VĨ ĐẠI CỦA ĐCSVN"




Ánh Liên (VNTB)
 Bài viết sử dụng nguyên cụm tiêu đề của trang tin tiếng Nga (Sputniknews), lý do, bài này có những lời ca ngợi liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng vào ngày 16.04, trong đó cho biết, ‘TBT Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, những "đặc ân" trong việc xử lý cán bộ, đảng viên đã bị xóa bỏ’.

Vấn đề là một ngày sau đó, đồng loạt các trang trong nước đưa tin về việc khởi tố nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, đồng thời khởi tố - bắt nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo (TC5) Phan Hữu Huấn. Riêng phía Nam, đã xuất hiện kỷ luật áp dụng đối với ông Lê Trương Hải Hiếu (con trai ông Lê Thanh Hải – nguyên Bí thư thành ủy Tp. Hồ Chí Minh.

 Việc đốt củi tại TP Đà Nẵng liên quan trực tiếp đến sự kiện Vũ Nhôm và việc sử dụng – quản lý sai đất công, làm thất thoát tài sản nhà nước. Tuy nhiên, hơn ai hết, người Đà Nẵng đều hiểu rằng, thời kỳ ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tại vị, cả hai ông đều cũng chỉ là phận ‘lính lác’ dưới bàn tay sắt của nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh – người từng một thời được suy tôn là ‘Thánh Ba’.

Theo nhà báo Hoàng Hải Vân, một nhà bảo gốc Đà Nẵng cho biết trên trang cá nhân của mình ngay sau khi sự kiện được đưa lên báo: Không ngoài dự đoán, đường dây bảo kê cho Vũ nhôm đang lần lượt vào ‘lò’ […] Vụ án Vũ nhôm bắt đầu nóng hừng hực. Số "củi" gộc đưa vào lò chắc chắn chưa dừng lại ở đó.

Đi xa hơn, có thể hiểu rằng, đường dây đốt lò này có thể tiếp tục được đốt lên cao hơn nữa, chứ chưa dừng ở mức nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, bởi có thể đi lên đến những người từng đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng TC5 trước đó, mà Thượng tướng Trần Việt Tân – Thứ trưởng Bộ Công an đang hiện diện trong sự nghi vấn!

Sự kiện ngày 17.04 này cũng một lần nữa cho thấy năm 2018 là năm cơ sở cho việc ‘xử quan chức’ (chứ không phải là nhân quyền) như nhận định của cây viết Thiền Lâm (Cali Today).

Điều thú vị của cuộc chiến xử quan chức trong giai đoạn hiện nay là sai phạm được đề ra nguyên tắc ‘dựa theo luật mà xử’ (“Bất kỳ là ai, đã tham nhũng, tay nhúng chàm đều phải xử lý triệt để“), ít nhất nó đảm bảo tính tôn trọng pháp luật thay vì xử nội bộ như trước đó. Nhưng cạnh đấy, lại có thêm nguyên tắc ‘giúp bạn tiến bộ’, khi cho biết ‘có khuyết điểm mà sửa thì uy tín ngành công an cao hơn’.

Việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng cũng là điều kiện chọn lọc cho ghế ngồi trong Bộ Chính trị sắp tới, hay sát hơn là kế cận chức Tổng bí thư dựa trên quan điểm ‘Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm’. Và trong bức hình được chụp trong buổi Ban bí thư Trung ương Đảng họp gắn với phát biểu của ông Tổng Bí thư là ông Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính–một trong hai người được đồn đoán là kế cận ông và có vai trò lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Dường như cách thức này tương tự như phía Trung Quốc khi ông Vương Kỳ Sơn–người được cho là vây cánh chống tham nhũng đắc lực của ông Tập được bầu làm Phó Chủ tịch nước (mặc dù không còn nằm trong BCH TW ĐCSTQ) trong kỳ vừa qua.

Sự tập hợp vây cánh và dập tắt từng bước một các hệ quả trước đó trong lĩnh vực công an, ngân hàng, dầu khí,…có phải cuối cùng sẽ đưa đến một bước nói chuyện với người tử tế trong tương lai gần? Bởi suy cho cùng, tần suất đốt lò hiện nay chỉ tạm ngưng trong dịp Tết, nhưng sau đó tiến hành với nhịp độ nhanh hơn bình thường, và phát ngôn chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng mang tính răn đe ngày một cao, khi mới đây đã tuyên bố thẳng thắn rằng: ‘Bất kỳ là ai, đã tham nhũng, tay nhúng chàm đều phải xử lý triệt để’. Đó là chưa kể sự ra đời của hướng dẫn thực hiện quy định 102, theo đó Đảng viên đã qua đời vẫn có thể bị kỷ luật.

Quan tham hạ cánh an toàn đã hết thời?
Trở lại với câu chuyện Đà Nẵng, có hay không phải giải mã ảo hiện tượng ‘Thánh Ba’ trong người dân, ít nhất đảm bảo cho thấy, ‘vua ăn đất’ không hề tốt như cách người dân ngây thơ nghĩ. Nhưng nếu áp dụng điều kiện này vào trong ông Nguyễn Bá Thanh, thì liệu rằng, nó có đi ngược lại với mối quan hệ đồn đoán trước đó giữa ông Nguyễn Phú Trọng với ông Thanh (khi ông Trọng đưa ông Thanh ra làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương)?

Có quá nhiều điều để bàn về sự kiện đốt lò lần này, nhưng suy cho cùng, thì sự kiện đưa những quan to ra xử trước pháp luật ít nhiều cũng cải thiện hình ảnh ĐCSVN trong mắt người dân, và niềm tin là thứ quý giá để có thể đánh đổi được. Và nếu tiếp tục làm ‘trong sạch’ bộ máy theo hướng đốt cháy những cá nhân/ tổ chức gây sai phạm, mở đường cải cách thể chế thì không ngoa khi cho rằng, ông TBT Nguyễn Phú Trọng là ‘Người đốt lò vĩ đại của ĐCSVN’ (chưa bàn đến chủ thể Nhân dân, Đất nước ở đây).

Nhà báo Mạc Việt Hồng (trang Đàn Chim Việt) trong một chia sẻ trên trang cá nhân cũng ghi nhận: Bắt 1 lúc 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tiền lệ chưa từng có từ trước tới nay. Mình là mình mến bác Trọng rồi đấy. Ít nhất, bác cũng hơn nhiều bác khác từ trước tời giờ.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại - điều cần thiết là phải giới hạn sự kỳ vọng hay niềm tin này ở mức độ nhất định, vì nếu không nó sẽ dẫn đến sự sùng bái cá nhân, và trở thành một điều kiện để ươm mầm nhóm lợi ích, tham nhũng mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét