Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

"Tự thú" sau vụ gian lận thi cử sửa điểm tốt nghiệp ở Sơn La


Tô Lan Hương (nhà báo)
24/07/2018
Mấy hôm nay khi Sơn La thành tiêu điểm trong vụ sửa điểm tốt nghiệp và Trường THPT chuyên Sơn La của mình thì là tiêu điểm trong vụ gian lận thi cử này, có mấy người nhắn tin đùa mình: Ngày xưa đỗ đại học bao nhiêu điểm?
Mình cười! 
Thật ra mình được tuyển thẳng đại học vì được Giải Ba Quốc gia. Nhưng phải thú nhận rằng năm đó, mình đã ko thể đủ điều kiện tuyển thẳng, vì môn Vật lý - môn mình ngu nhất trên đời được 4,9. Thầy giáo dạy Vật lý đã nâng điểm cho mình lên thành 5,0. 
Duy nhất một lần trong đời, mình đã đi xin điểm, chính là lần đó.
Lúc đó không phải mình sợ mình không thi đỗ Đại học, vì năm đó dù được tuyển thẳng, mình vẫn đi thi thử, vẫn được 24 điểm (mà năm đó Khoa Báo chí trường mình lấy 21d). Nhưng mình đi xin điểm vì không muốn trở thành nỗi thất vọng của bố mẹ; mình đi xin điểm vì trong lịch sử trường THPT Chuyên Sơn La cho đến hồi đó, chưa có đứa nào được giải quốc gia mà không được tuyển thẳng chỉ vì không đủ điều kiện; mình đi xin điểm vì sự thực là hồi đó, mình đã học như điên suốt 3 năm trời, học đến mức giữa đêm mùa đông buồn ngủ quá, mình phải cắn răng tắm nước lạnh buốt trong thời tiết 7- 8 độ C cho tỉnh ngủ để học bài tiếp, chỉ để trở thành gà chọi đi thi, học đến độ năm đó mình đã bị trầm cảm. Hồi đó mình được dạy rằng, vào Đại học bằng đường tuyển thẳng sẽ oai như cóc. Đứa bé 17 tuổi như mình chỉ thích oai. Chỉ là 0,1 điểm, nên mình tặc lưỡi.
Sau này vào Đại học, mình thay đổi tư duy. Mình nhận ra cắm đầu vào sách vở không phải con đường duy nhất để thành người; điểm phẩy cao, bằng tốt nghiệp loại giỏi không phải thứ giúp mình làm tốt công việc của mình. Nên mình không học như điên nữa. Mình trốn học đi làm và thường xuyên phải học lại. Điểm thi các kì làng nhàng, không kì nào vượt qua ngưỡng TBK. Và mình thậm chí đã bị treo bằng một năm vì ko đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp.
Mình không hé răng nửa lời với mẹ mình về vụ treo bằng đó. Mình ở lại Hà Nội, xin đi làm CTV cho các toà soạn, có những khi bị các anh đồng nghiệp lớn quỵt tiền nhuận bút; có những khi bị các toà soạn chậm trả nhuận liền 6 tháng; có những khi còn đúng 10 nghìn đồng trong túi, không biết nên dành tiền đó đổ xăng hay ăn cơm. Nhưng tự hứa với lòng mình sẽ ko bao giờ than thở với gia đình. Vì tự mình sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Cuối cùng rồi thì mình cũng lấy được bằng, cũng trở thành nhà báo, cũng thành người tử tế (theo quan điểm của mình). 
Giờ nếu có ai hỏi điều gì mình tiếc nuối nhất thời đi học, thì chính là việc mình đã dành quá nhiều thời gian để học gạo, để đi thi, để đạt mục tiêu vào đại học, chứ không phải học cho chính bản thân mình.
Nếu được làm lại, mình sẽ dành thời gian đọc sách, rèn luyện những kĩ năng mà nhờ đó mình sẽ cứng cỏi và nhanh nhẹn khi vào đời.
Những ngày qua, khi các em thí sinh trong danh sách những học sinh có điểm thi bị sửa chữa, gian lận bị dư luận phanh phui, chửi bới , lăng mạ, mình thấy thương xót các em khủng khiếp.
Những đứa trẻ 18 tuổi ấy non trẻ về cả tuổi đời, về cả kinh nghiệm sống lẫn giá trị bản thân. Chúng không làm điều gì khác ngoài việc cố gắng hết sức để làm vừa lòng người lớn và làm theo những gì người lớn bảo; chúng không làm gì khác ngoài việc phấn đấu trở thành sinh viên đại học, coi việc vào đại học là đích đến của cuộc đời - mà không biết rằng đại học chẳng thấm tháp vào đâu, thậm chí chẳng có nghĩa gì với cuộc đời sau này. Nhưng người lớn đã in sâu điều đó vào lòng những đứa trẻ. Chúng sống chỉ vì thế.
Mình không hiểu tại sao các bạn ngạc nhiên về chuyện gian lận thi cử khi mà chuyện gian lận diễn ra trên khắp đất nước này. Chúng ta gian lận khi đi thi công chức, chúng ta gian lận khi dùng tiền và bằng giả để thăng tiến, chúng ta gian lận khi dúi tiền cho công an để không phải xếp hàng chờ khi làm hộ chiếu; chúng ta đút lót để làm sổ đỏ nhà. Nhiều bạn chửi mắng kỳ thi tốt nghiệp vừa qua mà mình biết, mình cũng đã từng chứng kiến các bạn đi tiền thầy cô để ra trường bằng giỏi.
Khi cả hệ thống này gian lận, từ những cấp cao nhất, các bạn chờ mong gì và hy vọng gì ở những đứa trẻ?
Không phải đến bây giờ, mà từ hồi các trường đại học còn tự ra đề thi và tuyển sinh, chuyện gian lận đã luôn có. 
Như cô bạn mình - bố là quan chức cấp cao, ở lớp luôn phải chờ bạn cho chép bài, nhưng đỗ thủ khoa đại học cả đầu vào và đầu ra, giờ có vị trí ngon lành và hứa hẹn thăng tiến trong cơ quan nhà nước - nếu ko phải do gian lận thì thực sự ko có cách nào.
Như cô sinh viên sư phạm từng được mẹ mình hướng dẫn thực tập, đi dạy học sinh mà không thể nào chia được phép chia có hai chữ số - nếu không phải gian lận thì cũng 
không có cách nào.
Như giảng viên đại học ở trường mình, có người dạy sinh viên làm báo môn phóng sự, nhưng cả đời chưa từng viết được cái phóng sự nào - nếu không phải gian lận thì làm cách nào mà họ ngồi ở vị trí đó?
Như anh sếp ở cơ quan cũ của mình, viết một đoạn văn cho đúng ngữ pháp, không sai chính tả còn khó - nếu không gian lận thì sao lại thành sếp mình được?
Nhẽ ra khi trao quyền cho các tỉnh tự tổ chức kỳ thi hai trong một, chúng ta đừng nên ngạc nhiên về bê bối gian lận này. Bởi vì gian lận đã thành thói quen trong xã hội ưa bằng cấp và ưa thành tích này. Chỉ là khi một địa phương được trao quyền tự chấm thi, thì cơ hội gian lận nhiều hơn, điều kiện gian lẫn dễ hơn nên sự việc mới bung bét như này mà thôi.
Mình đồng ý với anh Luong Hoai Nam ở một điểm, trước hết là bỏ kỳ thi tốt nghiệp đi, vì tiếc gì cái bằng tốt nghiệp cấp 3 cho một đứa trẻ đã mất 12 năm mài đũng quần ở trường, trong khi lại lãng phí bao nhiêu tiền ngân sách cho kì thi tốn kém đó.
Thứ nữa, các ông bố bà mẹ đừng bắt ép con mình phải học đại học bằng mọi giá, hãy thực sự lắng nghe con mình, xem nó muốn gì. Hãy như chị Hua Anh Nhue bạn mình, chị ấy không áp lực khi con ko phải là học sinh giỏi ở lớp giữa cái thời 38/40 học sinh trong lớp đạt học lực loại giỏi. Dù con gái chị ấy năm nay mới vào lớp 10, chị ấy đã đồng ý với nguyện vọng của con bé: nó sẽ đi học để trở thành một đầu bếp giỏi - điều nó thực sự thích và cũng là điều nó làm tốt nhất.
Ở trường Thực nghiệm do Gs Hồ Ngọc Đại sáng lập , những đứa trẻ được dạy rằng: em có thể làm kĩ sư, kiến trúc sư, làm bác sĩ, làm chính trị gia, làm xã hội đen ... em làm gì không cần biết, nhưng hãy chắc rằng em là người giỏi nhất trong lĩnh vực em làm, và đó là thứ em có thể làm tốt nhất. 
Mình thương những đứa trẻ đã bị người lớn sửa điểm và bị phanh phui trong kỳ thi vừa qua, muốn nói với các em là không sao đâu, không học đại học thì làm thứ khác, cuộc đời có nhiều con đường cho các em lựa chọn.
Mình thông cảm sâu sắc với các thầy cô giáo của mình ở trường THPT Chuyên Sơn La - những người đã vô tình bị kéo vào cơn bão này vì việc làm của một số người. Với mình, đó vẫn là ngôi trường tốt nhất ở quê, là thứ khiến mình 14 tuổi đã khăn gói quả mướp bắt xe từ huyện lên thành phố, thuê nhà ôn thi vào trường, chính thức sống cuộc đời trọ học xa nhà.
Trong những ngày này, tự nhiên nghĩ là mình sẽ đi tìm độ 5 - chuyên gia tâm huyết nhất với nền giáo dục Việt Nam, thẳng thắn nhìn vào sự thất bại của giáo dục nước nhà và cùng tìm ra một giải pháp. Chúng ta cải cách, cải cách đi cải cách lại, cải cách mãi, mà hình như càng cải cách thì càng sai lầm!
TLH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét