Josip Broz Tito |
Tam Tran
Chào các bạn thân mến. Trước hết tôi chúc mừng cả Croatia lẫn Nga với trận bóng kết quả 4-3 nghiêng về Croatia. Các bạn đều xứng đáng là người chiến thắng. Nhân cuộc cầu thú vị và đáng nhớ giữa Nga và Croatia này. Tôi chợt nhớ đến những duyên nợ giữa Nam Tư (Jugoslavia) và Liên Xô, giữa người con vĩ đại nhất của dân tộc Croatia là Josip Broz Tito (1892-1980) với Stalin. Và những kỷ niệm của cá nhân tôi với đất nước Nam Tư. Đúng hơn là Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư, bao gồm các nước Châu Âu độc lập hiện nay là Serbia, Croatia, Slovenia, Macedonia, Bosnia & Herzegovina và Montenegro.
Cuối học kỳ một năm thứ 5 đại học, tôi tự nguyện nhận điểm bốn, khi trả thi môn chủ nghĩa cộng sản khoa học (môn thi quốc gia). Lý do là vì, tôi đã trả lời “có” đối với câu hỏi của GS coi thi: “Liên bang Nam Tư có phải là một nước XHCN không?”. GS nhìn sổ điểm của tôi và nói: “ Tôi rất tiếc phải cho anh điểm bốn. Nhưng tôi không thể làm khác, vì lương tâm đảng viên cộng sản của tôi không cho phép”.
Kỷ niệm thứ hai là năm 1985, khi tôi xuất ngoại lần đầu tiên từ Liên Xô đi dự hội nghị khoa học ở Nam Tư. Khác với đi các nước Đông Âu XHCN thân thiện (không cần visa và không cần bất cứ “lời dặn dò” nào). Tôi phải làm đầy đủ các thủ tục, với các cơ quan hữu quan Liên Xô và nhận được những “lời dặn dò” kỹ lưỡng của họ. Như chuẩn bị cho xuất ngoại sang một nước tư bản.
Quả thực là các cơ quan hữu quan Liên Xô có lý. Belgrad, Zagreb và các thành phố của Jugoslavia, những nơi tôi đi qua, đúng là khác hẳn so với các nước Đông Âu thời kỳ đó. Từ trang phục, quảng cáo và trang trí, hàng hóa và auto trên đường phố. Cho đến nội thất và phong cách giao tiếp hàng ngày. Nam Tư lúc đó có mức sống cao hơn Liên Xô khá rõ rệt. Còn về phương diện tư tưởng, thì hiển nhiên là rất “độc lập” với Liên Xô.
Sau này nhìn lại, tôi nghĩ không phải Lex Walesa người hùng Công đoàn Đoàn kết Ba Lan, mà chính là Josip Broz Tito mới là người đóng góp chính trong sự tan vỡ của khối Đông Âu XHCN. Mầm mống của sự tan vỡ này, có ngay từ những tháng năm cuối cùng của Thế Chiến II.
Khác với các nước Đông Âu khác, người Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Tito Tổng tư lệnh Quân đội Kháng chiến, đã tự mình đánh đuổi được quân đội Hitler giải phóng Nam Tư. Ngày 28/09/1944 , Tito đã ký lệnh cho phép quân Liên Xô hành quân vào vùng Đông Bắc Nam Tư. Quân kháng chiến Nam Tư dựa vào sự hỗ trợ lực lượng Đồng Minh, đã mở cuộc tổng tấn công quân Đức khắp mọi nơi và nhanh chóng giải phóng Nam Tư. Khi quân Đức rút ra khỏi lãnh thổ, Tito cũng lập tức yêu cầu tất cả các lực lượng Đồng Minh (kể cả của Liên Xô) rút khỏi Nam Tư.
Belgrad
Đến năm 1948, Tito Chủ tịch Liên đoàn những người Cộng sản Nam Tư, đã quyết định lập kế hoạch phát triển kinh tế cho riêng Nam Tư. Không phụ thuộc vào hệ thống của Liên Xô. Từ đó, liên hệ giữa Nam Tư và Liên Xô bắt đầu tan vỡ. Trong bức thư Tito viết thư cho Stalin: “Chúng tôi học hỏi và theo gương của hệ thống Xô Viết, nhưng chúng tôi phát triển CNXH theo dạng thức khác... Mỗi người chúng tôi, dù có yêu đất nước Liên Xô XHCN bao nhiêu, cũng không thể yêu hơn tổ quốc của chính chúng tôi”.
Đáp lại việc Stalin gửi sát thủ sang thủ tiêu mình, Tito đã lại gửi thư cho Stalin: “Xin đừng gửi người sang giết tôi nữa. Chúng tôi đã bắt được 5 tên, một tên mang bom, một tên khác mang súng trường... Nếu ông không ngưng gửi sát thủ, tôi buộc phải gửi một sát thủ sang Moskva, và tôi sẽ không cần gửi đến sát thủ thứ hai đâu”. Sau đó, Tito nhân tình huống này, cũng quay sang nhận viện trợ từ đối thủ của Liên Xô là Mỹ, theo chương trình trong Kế hoạch Marshal.
Tất nhiên vì vậy, Nam Tư không tham gia khối Hiệp ước Quân sự Warszawa và cả Hội đồng Tương trợ kinh Tế (COMECON) của các nước XHCN. Đồng thời, Nam Tư tuyên bố lập trường trung lập trong Chiến trạnh Lạnh và là thành viên sáng lập lãnh đạo của Phong trào các nước Không liên kết. Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian tồn tại của mình, Nam Tư có nhiều quan hệ hợp tác kinh tế rất chặt chẽ với Mỹ và các nước phương Tây.
Cuộc cải cách kinh tế được chính thức bắt đầu vào ngày 26/06/1950. Chủ tịch Tito đã tuyên bố việc nhà nước Nam Tư, sẽ xây dựng một hệ thống XHCN thị trường. Phát triển kinh tế và tự do hóa được khuyến khích, trong suốt các thập niên 1950 và 1960. Kinh tế Nam Tư phát triển với tốc độ cao. Tăng trưởng GDP trung bình, cho đến những năm đầu 1980 đạt 6,1% năm. Cải cách kinh tế theo hường thị trường, đã kéo theo chính sách mở cửa biên giới.
Với đầu tư lớn của liên bang, du lịch tại Croatia đã được phục hồi. Và Croatia trở thành thiên đường du lịch của Châu Âu. Tạo ra một trong những nguồn thu nhập chính của Nam Tư. Với các biện pháp thành công này, kinh tế Nam Tư đã đạt được tính tự túc tương đối và có giao dịch rộng rãi với cả phương Tây và phương Đông. Vào đầu thập niên 1960, các nhà quan sát nước ngoài đều thống nhất rằng, Nam Tư "đang bùng nổ". Rằng công dân Nam Tư được hưởng quyền tự do lớn hơn nhiều, so với người dân Liên Xô và các nước Đông Âu khác.
Trong chính sách đối nội, ngoài những cải cách kinh tế. Công lao nổi bật nhất của Tito là thành công giữ được sự liên kết của các nước thành viên Liên bang Nam Tư. Là một người gốc Croatia Kito giáo Catholic. Nhưng trong việc xây dựng Liên bang Nam Tư ông đã chủ yếu dựa vào người Serbia Kito giáo Orthodox đa số (người Serbia và Croatia là một dân tộc, chỉ khác tôn giáo). Và nhờ vậy, ông đã dẹp được mọi khuynh hướng ly khai dân tộc chủ nghĩa. Một trong những thử thách lớn nhất với Tito, là cuộc nổi dậy của những người ly khai từ Croatia quê hương ông. Chính quyền Tito đã dẹp được các cuộc biểu tình tuần hành. Đồng thời, ngăn chặn các nhóm bất đồng chính kiến trong ĐCS Nam Tư.
Về chính sách đối với tôn giáo, ngày 04/06/1946, Josip Broz Tito gặp Aloysius Stepinac, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nam Tư để thương lượng về chính sách tôn giáo nhưng không đạt thành quả. Stepinac và các Giám mục chỉ trích Tito trong vụ thanh trừng tôn giáo vào 09/1945. Năm sau Stepinac bị bắt và kết án 16 năm tù giam với tội cấu kết nhóm khủng bố Ustaše và xúi giục dân chúng theo đạo Công giáo. Tháng 10/1946, Vatican trong phiên họp bất thường lần đầu tiên trong 75 năm, đã tuyên bố ly khai chính phủ Tito về vụ bắt Stepenac. Nhưng chính nhờ đó, Stepenac được ân xá.. Và bản án rút xuống thành quản thúc tại gia, với quyền được phép xuất cảnh.
Vì vậy, Nam Tư được coi là có tự do tôn giáo hơn nhiều, so với các nước Đông Âu khác thuộc khối Xô Viết. Năm 1966, nhân dịp linh mục Stepanec từ trần. Tito và tòa thánh Vatican ký thỏa ước, cho phép nhà thờ công giáo truyền đạo tại Nam Tư. Từ xa xưa, Nam Tư luôn không chỉ là quốc gia đa sắc tộc, mà còn có thành phần tôn giáo rất đa dạng. Bao gồm Kito Công Giáo, Kito Tin Lành, Kito Chính Thống giáo, Hồi Giáo, Do Thái giáo … Tổng cộng là hơn 40 tôn giáo.
Sau khi trở thành một quốc gia XHCN, một cuộc khảo sát 1964 đã cho thấy, rằng có hơn 70% tổng dân số Nam Tư tự coi mình là tín đồ của một tôn giáo. Tỷ lệ tín đồ tôn giáo cao nhất là 91% ở Kosovo với 91%, là 83,8% ở Bosnia và Herzegovina. Tỷ lệ tín đồ tôn giáo thấp nhất là Slovenia 65,4%, Serbia với 63,7% và Croatia với 63,6% tương ứng. Khác biệt tôn giáo giữa người Serbia theo Kito Chính Thống giáo, người Croatia theo Kito Công giáo, và người Bosnia theo Hồi giáo. Cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đã góp phần chính vào sự sụp đổ của Nam Tư năm 1991. Nhưng đó cũng lại là một tiền đề, để hồi sinh đất nước sau khi Nam Tư tan rã.
Sau khi Tito mất 1980, cùng với kinh tế suy thoái, căng thẳng sắc tộc gia tăng, khynh hướng ly khai trong Liên bang Nam Tư ngày càng phát triển. Tất cả dẫn đến một quá trình tan vỡ liên bang kéo dài, đầy máu và nước mắt. Quá trình này, được khích lệ trực tiếp bởi sự kiên bức tường Berlin sụp đổ tháng 11/1989. Năm 1991, các cuộc khủng hoảng chính quyền nhà nước liên bang, xung đột sắc tộc vũ trang diễn ra khắp nơi trên đất nước Nam Tư. Kết quả là ngày 25/06/1991 Croatia và Slovenia tuyên bố độc lập. Quá trình tan vỡ liên bang này, chỉ chính thức kết thúc 05/06/2006, sau một cuộc trưng cầu dân ý tại Montenegro. Serbia và Montenegro là hai nước thuộc phần còn lại của Liên bang Nam Tư, đã tuyên bố nền độc lập của riêng mình.
Có thể nói về mặt hình thức, cuộc “ly dị” trong Liên bang Nam Tư của Josip Broz Tito diễn ra bi thảm và kịch tính hơn nhiều. So với cuộc “ly dị” diễn ra trong Liên bang Xô Viết của Josip Dzugashvili Stalin. Nhưng nếu nhìn kỹ, thì mọi việc không hẳn như vậy.
Thứ nhất, sau cuộc chia tay nặng nề, nhưng dứt khoát và dứt điểm. Hiện nay, các nước thuộc Nam Tư cũ, đã bỏ qua được ân oán. Họ đang hợp tác khá tốt một cách bình đẳng và sòng phẳng. Vì vậy, có vẻ tốt hơn nhiều so với quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” giữa các nước thuộc Liên Xô cũ. Đồng thời, họ có cùng chung mục đích là phải thay đổi, để thích nghi và tiến tới nhất thể hóa với EU.
Thứ hai, so với những người anh em slavo thuộc Liên Xô cũ như Nga, Ukraina, Belarus và Mondova, trong tiến trình này, họ thành công hơn nhiều. Slovenia đã gia nhập EU 2004, Croatia 2013, còn Bosnia & Herzegovina đang phấn đấu vào EU dưới sự bảo trợ của quan chức tổ chức này.
Thứ ba, xin phép so sánh vài chỉ tiêu kinh tế và phát triển của Croatia và Nga. Phải nói rằng, kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường XHCN thời Nam Tư đã rất có ích cho Croatia. Năm 2017 theo IMF, GDP danh nghĩa của Croatia là $12.862 và Nga là $10.248. Còn GDP (PPP) của Croatia là $25.295 và Nga là $28.918 tương ứng. Chỉ số phát triển con người HDI của Croatia là 0.827 (hạng 45) và Nga là 0.804 (hạng 49). Hệ số bất bình đẳng thu nhập GINI của Croatia là 0.29, gần với các nước Bắc Âu. Và thấp hơn nhiều, so với Nga là 0.45. Về chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI Croatia là 49 điểm (hạng 57). Tốt hơn nhiều so với Nga là 29 điểm (hạng 135).
PS. Nghĩa là, có vẻ về mọi phương diện, kể cả trong bóng đá. Con cháu của Josip Broz Tito gồm hơn 4 triệu, không hề kém cạnh, so với 145 triệu con cháu Josip Dzugashvili Stalin. Qua cách hành xử tự tin của Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović, trước đồng nghiệp người Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nga Medvedev. Chúng ta thấy rõ ràng, là vị thế của Croatia ngày nay bình đẳng trước Nga hơn nhiều. So với Nam Tư ngày xưa của Tito trước Liên Xô. Tóm lại, Josip Broz Tito hoàn toàn có thể tự hào và yên tâm, về tương lai con cháu mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét