Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

THÊM TƯ LIỆU VỀ LƯU QUANG VŨ

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 - 1988).


Tôi tình cờ đọc được e-mail của một người bạn cha tôi, trong có kèm bài viết “Trăm năm nữa chưa có Lưu Quang Vũ thứ hai” của Tống Thu Thảo đăng trên báo VNExpress số ra ngày 30/8/2014. Đọc xong bài viết tôi rất ngạc nhiên vì tôi biết quá ít về “nhà viết kịch tài hoa” đang được nhiều báo chí ca ngợi này, trong khi trong suốt những năm tháng từ viết kịch bản đầu tiên đến vở cuối cùng, cũng tức là lúc anh qua đời do một tai nạn giao thông, anh là phóng viên dưới quyền cha tôi, nhà văn, đạo diễn sân khấu Vũ Đình Phòng. Tò mò, tôi bèn hỏi cha tôi đã đọc cái e-mail ấy của bác N. và bài báo gửi kèm theo chưa, thì cha tôi bảo đọc rồi.
- Ý kiến bố thế nào ? Bài báo nhận định về anh Vũ có đúng không ạ ?
Cha tôi ngập ngừng một chút rồi trả lời, vẻ không vui :
- Kiểu nhận định như thế là quá đáng, nhưng cũng phù hợp với tâm trạng bất mãn đang tràn lan trong xã hội ta hôm nay, rất giống với cái không khí thời kịch của Vũ ra đời và được công chúng hoan nghênh. Tất nhiên nghề đời, khi viết văn viết báo thì người ta hay nói quá lên, hoặc viện chứng cứ ở những người cùng suy nghĩ như họ. Cũng là lẽ thường tình. Kể con nghe, cách đây vài ngày, lúc đi thể dục ở Công viên “Tuổi Trẻ” bên kia đường, bố nghe thấy hai ông cũng cứng tuổi ca ngợi Vũ rồi một ông bảo : “Lưu Quang Vũ đúng là một thiên tài” Bố hơi buồn cười nhưng cũng không nói gì. Họ nghĩ thế nào tùy họ, can thiệp vào làm gì cho phí nhời.

- Trong khi bố chính là thủ trưởng của anh Vũ. Hồi ấy anh Vũ làm việc ở Tòa soạn của bố, phải không ạ. Hình như có mấy lần anh ấy đến nhà ta, khi con hỏi : “Ai đấy ạ ?” thì bố trả lời đấy là một phóng viên trong tạp chí của bố. Bấy giờ con còn nhỏ nên không chú ý. Rồi hôm anh ấy với chị Xuân Quỳnh bị tai nạn qua đời ở Hải Dương, bố vội xuống đấy ngay và về có kể lại rất nhiều chi tiết với mẹ, nhưng con chỉ nghe loáng thoáng, vì đang mải học bài ở lớp. Thế hồi ấy bố phụ trách tờ Tạp chí ấy phải không ạ ?
- Chuyện thế này. Sau Đại hội Sân khấu toàn quốc, Ban lãnh đạo mới của Hội giao cho hai người là bác Trần Vượng và bố phụ trách tờ Tạp chí của Hội. Còn phân công thế nào, ai chính ai phụ là tùy hai người bàn bạc với nhau. Bấy giờ cả bác Vượng và bố đều là Ủy viên Ban Chấp hành mới của Hội và cùng là dân viết. Bác Vượng bảo bố làm Tổng Biên tập, nhưng lúc ấy bố còn mải viết kịch bản và đạo diễn, rất bận nên sợ mất thời giờ, bố bèn bảo: “Anh lớn tuổi hơn, anh là chính, tôi là phụ.” Bác Vượng không từ chối được, đành nhận lời, thế là trên danh nghĩa bác Trần Vượng là Tổng Biên tập, bố là Thư ký Tòa soạn. Nhưng trên thực tế hai ngươi thay phiên nhau là Tổng biên tập. Thời gian nào bác Vượng đi viết thì giao việc lại cho bố, là Quyền Tổng biên tập. Bố thì nể nên đành nhận làm thay. Hoặc ngược lại, khi bố phải đi dàn dựng tiết mục cho địa phương nào đấy thì bác Vượng phải ở nhà đảm nhiệm toàn bộ công việc.

- Thế nào mà bố nhận anh Vũ vào làm phóng viên ?
- Chuyện cũng hơi tình cờ. Một buổi sáng, bác Lưu Quang Thuận, cũng công tác ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu với bố, thấy bố dắt xe đạp vào sân bèn bảo : “Hôm nay mình mời cậu đi uống ca-phê”. Thoạt đầu bố hơi ngạc nhiên vì tuy cùng cơ quan nhưng bố hầu như không bao giờ trò chuyện với bác Thuận, Vả lại hai người cũng họat động trong hai lĩnh vực khác nhau. Bác Thuận chuyên viết Chèo, trong khi bố làm đạo diễn hoặc viết kịch đều thuộc thể loại Kịch Nói. Bố thích Chèo nhưng cảm thấy mình không hiểu nhiều về Chèo. Sau này bố có dàn dựng vài tiết mục Chèo, nhưng lúc bấy giờ, đầu thập niên 1980, bố hoàn toàn xa lạ với Chèo. Hơn nữa bác Thuận hơn bố gần chục tuổi, tính tình già dặn, ít nói... chỉ trò chuyện chủ yếu với mấy bác nhà thơ cùng quê Quảng Nam. Vả lại, con biết tính bố đấy, kém giao du nên ít biết rõ về hoàn cảnh gia đình đồng sự. Ngay em ruột của bác Thuận là bác Lưu Trùng Dương là nhà thơ quân đội hình như cũng có tên tuổi, nhưng bố không quen đã đành mà thậm chí còn chưa cả biết mặt. Trong bụng nghĩ thế, nhưng bố cũng đi cùng với bác Thuận sang quán cà-phê bên kia đường, nơi sáng sáng rất đông văn nghệ sĩ ở 51 Trần Hưng Đạo kéo nhau sang uống. Trong quán, bác Thuận và bố hầu như không nói chuyện gì. Mãi đến lúc uống gần xong, bác Thuận mới bảo : “Mình muốn nhờ cậu một việc.” Bố hỏi việc gì thì bác Thuận bảo uống xong cà-phê, ra ngoài bác sẽ nói. Lúc ra ngoài, bác nói : “Mình lắm con nhưng đều tạm ổn, riêng thằng Vũ từ ngày bị đuổi ra khỏi quân đội vẫn cứ lông bông, lại phài nuôi đứa con của vợ cũ nên lúng túng lắm. Cậu bây giờ phụ trách tờ Tạp chí, cậu xem có thể lấy nó vào làm phóng viên được không ? Theo mình nhận xét thì nó viết cũng được ... Cậu cứ giao việc rồi giúp đỡ dần ...” Bố hứa sẽ bàn chuyện này với người đứng đầu Tạp chí là Trần Vượng. Lúc bố trao đổi với bác Vượng thì bác cũng đồng ý. Thế là bố bảo tổ chức làm thủ tục nhận Vũ vào làm nhân viên tập sự. Lúc đầu Vũ gọi bố là “chú”, nhưng bố bảo gọi là “anh” thôi. Vài tháng sau, bác Thuận qua đời. Năm sau nữa, tiết mục “Nàng Si-ta” ra mắt. Bác Nguyễn Văn Tiến, Trưởng đoàn Chèo Hà Nội, mời bố đến xem đêm tổng duyệt. Vở được bác Dzoãn Hoàng Giang dàn dựng rất tốt, nhất là bộ trang trí do chủ Bùi Huy Hiếu thiết kế và trực tiếp chỉ đạo thực hiện không chê vào đâu được. Bố biết cái kịch bản ấy bác Thuận đã ôm ấp từ lâu sau lần bác sang tham quan Căm-pu-chia về. Thật ra cốt chuyện không phải của Căm-pu-chia mà là một tích trong bộ sử thi Cổ Ấn Độ “Mahabarata”. Bác mất mà chưa hoàn thành, mới chỉ là bản nháp. Vũ đã lấy và sửa lại, cậu ta nói với bố là “để kính viếng hương hồn ba em”. Tiết mục thành công rực rỡ ... Đoàn Chèo Hà Nội đang túng đói, được vở này thu tiền thoải mái, tài chính cũng khấm khá lên nhiều.

- Còn những vở khác của anh Vũ ?
- Anh ấy có mời nhưng bố bận nên chưa xem được một vở nào, chỉ biết đều rất thành công. Nói riêng với con, một hôm nhân anh Vũ đem bài đến nộp, bố bảo, nghe nói các vở cậu viết rất ăn khách, Chúc mừng cậu. Vũ cười bảo : “Thú thật với anh, em tìm ra được cái bí quyết để ăn khách.” Tôi ngạc nhiên hỏi : “Bí quyết gì thế ?”, vì bố cũng viết kịch bản nên nếu đồng nghiệp tiết lộ cho một “bí quyết” thì tốt quá còn gì. Vũ bảo : “Bí quyết ấy là chửi đổng. Cứ chửi văng tê lên nhưng không cụ thể chửi ai, thế là không ai làm gì được, là an toàn.” Bố hỏi : “Cậu học ai được cái bí quyết ấy ?” Vũ đáp : “Tình cờ em tìm ra. Chẳng là hôm xếp hàng mua gì ấy ở chợ Hôm. Hàng dài dằng dặc, vì hàng hóa hiếm hoi, hễ nghe đồn ở đâu có bán thứ gì, lòng lợn, hoặc chân giò, là ùa đến xếp hàng. Thậm chí có người đi đường thấy nhiều người xếp hàng, cũng dựng xe đạp đứng vào, sau đấy mới hỏi : “Họ bán gì thế ?”
Nghe đến đây tôi phá lên cười. Tôi hỏi thêm:

- À bố kể tiếp về cái bí quyết của anh Vũ đi

Cha tôi im lặng một chút rồi nói tiếp: 
Vũ kể “Luôn có những người trơ trẽn chen ngang vào ngay phía trên. Mọi người làm ầm lên, cuối cùng đành phải xuống dưới vậy. Nhưng có một thằng cha cứ xấn vào. Mọi người nhao nhao phản đói, một số còn văng tục, nhưng thằng cha cừ lờ đi, vẫn đứng chen vào sau người thứ hai. Một người tức quá hét : “Thằng khốn kiếp khác gì con vật, Xuống ! Người ta nói đến thế mà cứ mặt trơ trán bóng. Không biết hổ thẹn là gì !” Một nhân viên bảo vệ đứng giữ trật tự, túm ngay người vừa nói câu ấy gằn giọng hỏi : “Anh nói ai ? Ai mặt trơ trán bóng ? Ai không biết hổ thẹn là gì ?” Người kia thản nhiên đáp : “Thằng Hoàng Văn Hoan chứ còn ai ? Mặt trơ trán bóng, nhân dân chửi như thế mà không biết xấu hổ !” Nhân viên bảo vệ chợ đành buông anh ta, vì anh ta nói Hoàng Văn Hoan lúc ấy đang ở tận bên Tầu, chứ có nói ai đâu...” Nghe Vũ kể, mấy nhân viên Tạp chí ngồi nghe cũng phì cười. Bố nhớ hôm ấy Vũ còn nói thêm “Thí dụ trong kịch của em, có vai hỏi đố mày thời này là đồ đá hay đồ đồng hay đồ gì. Thằng kia đáp ngay : Thời nay ấy à ? Không phải đồ đá, đồ đồng cũng không phải, mà là đố đểu !” Thế là dưới khán giả vỗ tay rào rào, tưởng vỡ rạp. Nhiều khán giả còn hét lên “Hay !” “Tuyệt hay !” “Đúng quá rồi, đồ đểu !”... Nhìn thấy gần như tất cả tòa soạn đã kéo đến nghe “bí quyết”, Vũ thấy “hớ” bèn cười nhẹ rồi cáo lui, chào bố và hỏi : “Anh đọc bài em vừa nộp có được không ạ ?” Bố đáp : “Rất được. Cậu viết hóm và có nhiều hình ảnh lý thú. Mình sẽ cho đăng ngay số này.”

- Bố kể con nghe về cái chết của anh ấy với chị Quỳnh và cháu nhỏ ?
- Về chuyện này thì buồn cười. Bác Hiền rồi cả Cậu Chiêu cũng hỏi bố, có phải công an bố trí giết Lưu Quang Vũ không. Thật ra, khi Hải Dương gọi điện báo tin, Hội và Tạp chí lấy xe command-car lao xuống ngay. Đúng là tai nạn. Cái xe gấu to tướng xếp hàng đằng sau, tưởng xe command-car đã đi ra, bèn dấn lên định chiếm chỗ, Thế là đâm ngay vào đuôi xe con, phía bên phải, chứ bên trái vợ chồng chú họa sĩ Doãn Châu lại không việc gì. Chị Xuân Quỳnh bị thúc mạnh vào lưng, ngã lăn xuống đường, ruột gan lòi ra cả mặt đường nhựa. Vũ ngồi cạnh lái xe, cửa bật ra, anh bắn vào gầm chiếc xe tải phía trước... Cháu Thơ thì ngồi cạnh mẹ, bị thương nặng, chết ngay... Sau này bố còn được Sở Công an Hà Nội mời đến nghe họ hỏi cung cậu lái xe, thì ra cậu ta chỉ là công nhân, không có bằng lái. Chiếc xe gấu cao nên nhìn không rõ chiếc xe con đằng trước ... Có thế thôi. Rõ ràng chỉ là tai nạn ...

 ảnh: Tòa soạn Tạp chí SAN KHẤU hồi ấy. Vũ Đình Phòng (giữa); Lưu Quang Vũ (ngoài cùng bên phải)

Cha tôi còn kể khá nhiều chi tiết về Lưu Quang Vũ và cả Xuân Quỳnh, vốn quen cha tôi từ khi chị còn ở Đoàn Ca Múa Trung Ương. Bạn đọc nào muốn kiểm tra những gì tôi kể hoặc muốn biết thêm, mời đến gặp cha tôi tại nhà riêng ở ngõ 101 phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cha tôi năm nay 82 tuổi (2015), vẫn còn khỏe và có trí nhớ rất tốt.
Vũ Thúy Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét