Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Án văn (kỳ 1)


Nhân chuyện bác Việt Phương, tác giả tập thơ nổi tiếng "Cửa mở" rời cõi nhân sinh hôm 6.5.2017, sực nhớ đến những vụ án văn ở xứ này.
Án văn, nói nôm na là những vụ án liên quan đến văn chương, văn nghệ, nhà thơ nhà văn, văn nghệ sĩ. Có khi nạn nhân chết chỉ do 1 chữ chứ không cần cả bài, cả tập. Chết mà không biết mình vì sao bị chết.
Phải công nhận xứ ta nhiều án văn, có những án kinh hoàng, thê thảm, đại bi kịch. Triều Lê Thái Tôn thế kỷ 15, con người bậc nhất của thời đại là Nguyễn Trãi đã chết bởi sự ganh ghét, đố kỵ của đám tiểu nhân đắc chí, trong đó do một phần từ án văn. Kẻ hoạn quan Lương Đăng được vua tin dùng vốn sẵn từ lâu ghét Nguyễn Trãi nên tìm mọi cớ vùi dập ông. Mỗi điều Nguyễn Ức Trai viết ra đều được Lương "công công" săm soi vạch vòi, Nguyễn có né cách mấy cũng bị quy thành tội.
Lời tâu của cụ Nguyễn Ức Trai về nhã nhạc là ví dụ, chẳng những không được vua lắng nghe mà còn bị vua xem thường, bỏ qua bởi “công công” Lương Đăng đã xúc xiểm, cho rằng Nguyễn Trãi lên mặt dạy vua, coi thường bậc minh quân, bôi xấu thời đại huy hoàng dưới sự cai trị của đấng thiên tử chí tôn… Một khi vua đã loại ai đó ra khỏi mắt, khỏi óc thì người đó chỉ còn cách chết. Vì vậy, thời điểm Nguyễn Trãi và 3 họ lên đoạn đầu đài cũng là lúc báo hiệu triều đại nhà Lê bắt đầu lung lay mục ruỗng, chỉ còn chờ ngày sụp đổ. Khi Lê Tư Thành lên ngôi, niên hiệu Lê Thánh Tông, ông ta đã cố hết sức giữ vững cơ nghiệp ông cha, trong đó có việc chiêu tuyết, giải oan cho Nguyễn Trãi, nhưng dù gì đi chăng nữa thì án oan Nguyễn Trãi đã thành vết nhơ cực kỳ tệ hại trong lịch sử dân tộc, trong triều đại nhà Lê có nhiều chiến công hiển hách chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc.
Thời tôi sống, từ lúc trẻ thơ học trong nhà trường tới khi lặn ngụp mưu sinh trong cõi đời, tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều án văn, có những vụ cho đến bây giờ vẫn là dấu hỏi lớn của lịch sử. Có những vụ, văn chương vốn dĩ vô tình nhưng qua bàn tay kẻ thủ ác đã vùi dập, giết hàng loạt người lương thiện, trong đó có những con người đẹp đẽ, tài hoa bậc nhất thời đại. Vụ "Nhân văn giai phẩm" là ví dụ điển hình.
Ai muốn biết bản chất vụ án văn Nhân văn giai phẩm, chả cần tìm đâu xa, chỉ cần vào đọc địa chỉ Facebook của nhà văn Thái Kế Toại là rõ. Ông Toại là công an văn hóa, hàm đại tá, công tác tại A25 (cục chuyên về văn hóa tư tưởng của Bộ Công an), được giao thụ lý hồ sơ vụ án văn này. Nhưng càng tìm hiểu, đi vào góc khuất, khám phá ra những điều mà nhà cai trị cố tình che giấu, ông Toại càng thấy đó là tấn bi kịch văn nghệ kinh hoàng, oan sai, oan trái, không chỉ tàn hại một thế hệ văn nghệ đầy công tích trong chiến tranh chống Pháp mà còn phủ cái bóng thảm khốc đen tối của nó ám ảnh cả nền văn nghệ dân tộc suốt thời gian dài về sau. Những số phận đại bi kịch như Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đào Duy Anh, Văn Cao, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Bính, Hữu Loan, Trần Duy, Văn Cao, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Nguyễn Sáng, Phùng Cung, Nguyễn Mạnh Tường… đã thành mồi ngon cho chiếc máy chém khát máu trí thức của bộ máy cai trị. Dính án, nói theo kiểu Nam Cao, cuộc đời họ cứ mòn đi, mục đi, không có lối thoát, kể cả trong nhà tù Cán Tỷ cổng trời Hà Giang đằng đẵng 15 năm như Nguyễn Hữu Đang, hay được tại ngoại như Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán...
Nghĩ lẩn mẩn, nếu những con người tinh hoa ấy không bị dòng thác cách mạng tàn bạo kia vùi dập xuống tận bùn đen thì số phận dân tộc này chắc chắn sẽ khác rất nhiều. Dù mãi về sau, “người ta” cũng âm thầm sửa sai, lặng lẽ phục hồi danh dự, ban phát đền bù cho người này người nọ nhưng đó cũng chẳng qua là động tác vớt vát cứu vãn uy thế của nhà cầm quyền chứ cũng chả phải phục thiện, ăn năn hối lỗi gì. Điều dễ nhận thấy nhất là cho đến bây giờ, chính quyền chưa hề chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ Nhân văn giai phẩm, cũng như chưa hề có cuộc xin lỗi đầy đủ những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất mà họ đã tiến hành.
Tôi được biết tới vụ Nhân văn giai phẩm khi đã hơn 10 tuổi, lúc miền Bắc bước vào cuộc chiến tranh chống lại máy bay Mỹ. Không biết ai đã cho thày (bố) tôi cuốn tạp chí (bị mất bìa nên tôi cũng không biết là tạp chí gì), số tổng kết cuộc đấu tranh chống lại nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm. Đọc những bài của Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Công Hoan, Như Phong… bốc lên mùi sát khí binh đao, sắt máu, tanh tưởi, hận thù, giờ nhớ lại vẫn rùng mình. Hội nghị Thái Hà (tổ chức ở ấp Thái Hà, gần lăng mộ Hoàng Cao Khải) năm 1958 là cuộc đấu tố văn nghệ man rợ không khác gì đấu tố trong cải cách ruộng đất trước đó vài năm. Ngay lúc này đây, trên tay tôi là cuốn "Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa" của ông Tố Hữu, trùm văn nghệ cách mạng, một trong những thủ phạm - đao phủ chính gây ra vụ Nhân văn giai phẩm. Trong bài "Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ", ông Lành (tức Tố Hữu) có viết: “Lật bộ áo Nhân văn - Giai phẩm thối tha, người ta đã thấy cả một ổ phản động toàn những mật thám, gián điệp, lưu manh, trốt-kít, địa chủ, tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trang 84, sách đã dẫn, NXB Sự Thật, 1982).
Còn ông Nguyễn Công Hoan, một nhà văn "đáng kính" của giới văn nghệ, không biết ăn phải bùa ngải gì, tự dưng quay ngoắt chửi cụ Phan Khôi bằng giọng điệu hàng tôm hàng cá, côn đồ, hạ đẳng: "Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi/Thọ mi mi chúc chớ phiền ai/Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc/Tiết tháo, tiên sư cái mẽ ngoài/Lô gích, trước cam làm kiếp chó/Nhân văn, nay lại hít gì voi/Sống lâu thêm tuổi cho thêm nhục/Thêm nhục cơm trời chẳng biết toi" (bài này có trong cuốn tạp chí mất bìa, đọc xong mấy anh em tôi thích quá, thấy chửi đã quá, khổ, hồi ấy trẻ con nào có biết gì). Mà không chỉ ông Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, rất nhiều ông bà văn nghệ sĩ bị đảng giật dây, “ăn cơm chúa, múa tối ngày” đã lên giọng hung hăng mạt sát những bạn bè văn nghệ, những bậc đàn anh đáng kính của họ. Sau này khi hiểu được thực chất vụ Nhân văn giai phẩm, tôi hoàn toàn xem thường những con người cơ hội, xu nịnh, tầm thường ấy, mặc dù mình có thời từng say mê tác phẩm thơ văn của họ.
Nếu như ông Tố Hữu và các đồng chí của ông kết án những “gián điệp, lưu manh, gái điếm” của phong trào Nhân văn giai phẩm là chính xác thì có lẽ nhà cai trị sau này đã hoàn toàn sai lầm khi phục hồi cho họ, thậm chí còn trao cả Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước cho những “lưu manh, gái điếm” này. Vậy thì ông Tố Hữu, ông trường Chinh, thậm chí cả cụ Hồ, hay các ông Linh, ông Phiêu, ông Mạnh, ông Kiệt... về sau, những ông nào đúng, ông nào sai trong vụ này? Ông anh tôi cười bảo, cộng sản là vậy, lúc nào họ cũng đúng, kể cả khi họ làm sai, nên chả có ông nào sai. (còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét