Bến phà Thủ Thiêm nối quận 1 và quận 2 |
Xã hội đang nóng lại "vụ Thủ Thiêm", phen này ối anh toi. Vậy tôi pốt (post, đưa lên) lại bài này.
Bài thứ 28 (cho những ai chưa đọc): Chuyện Thủ Thiêm (kỳ 1)
Thủ Thiêm
Bài thứ 28 (cho những ai chưa đọc): Chuyện Thủ Thiêm (kỳ 1)
Thủ Thiêm
Có lẽ tra trên Gu gồ thời điểm này, Thủ Thiêm là từ nóng sốt nhất. Nóng cháy mạng.
Thằng con tôi bình luận toàn dân đang quan tâm đến những gì đã và đang xảy ra ở Thủ Thiêm. Giống như người ta từng hồi hộp, lo âu, buồn đau theo dõi những thứ diễn ra ở tỉnh Thái Bình năm 1997, Tiên Lãng Hải Phòng năm 2012, Dương Nội Hà Đông năm 2013, Văn Giang Hưng Yên năm 2014, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội năm 2017... Những trang sử viết bằng đất thấm máu và nước mắt người dân cứ nối ngày một dày, không biết bao giờ mới chấm dứt. Tất cả đều xảy ra dưới chính thể treo câu slogan “của dân, vì dân, cho dân, do dân” được cả bộ máy cai trị tụng niệm hằng ngày. Đổ bao nhiêu xương máu cốt xóa được một đồng Nọc Nạn (thời Pháp) nhưng sau đó lại sinh ra muôn nghìn đồng Nọc Nạn khác (thời cộng sản xã hội chủ nghĩa).
Tôi tận mắt thấy Thủ Thiêm cách nay vừa đúng 41 năm, hình như hơi bị sớm so với nhiều người bắc. Chả là cuối tháng 4.1977 tôi khăn gói ba lô (toàn bộ hành trang chỉ có một chiếc ba lô lép kẹp, đựng 2 bộ quần áo, cái màn đơn và chăn đơn, vài quyển sách quý) xuống tàu biển khách Thống Nhất trực chỉ Sài Gòn. Lên bến Nhà Rồng được ông anh trung úy biên phòng Nguyễn Quốc Vương bạn của anh trai tôi đón, cho tắm rửa ăn uống tử tế, sáng hôm sau đưa đi một vòng chiêm ngưỡng Sài Gòn hoa lệ trước khi về nơi nhận việc. Tôi khoác ba lô ngồi sau ba ga xe đạp, hai anh em rong ruổi đạp trên đường Hàm Nghi, vòng tới chợ Bến Thành, ngược lên đường Nguyễn Huệ, ra bến Bạch Đằng. Chỉ cái cột cao cao, anh Vương bảo đó là cột cờ Thủ Ngữ, nhích xuống dưới tí nữa là bến đò Thủ Thiêm. Ngó sang bên kia sông, anh nói đó là Thủ Thiêm, đò nối sang bên ấy. Ôi cái con đò Thủ Thiêm trong thơ ca mà tôi từng được nghe từ hồi nảo hồi nào hồi còn ở miền Bắc xa tít mù khơi.
Tôi ngắm Thủ Thiêm trong lúc mặt trời đã lên hơn con sào, cả một vùng mênh mông chỉ um tùm cây cối xanh ngắt, vài ba căn nhà thấp lè tè, đường ven sông thưa thớt người đi. Giống như một vùng đất bị bỏ hoang, đất chết, thiếu sinh khí. Thật lạ, bên này, bờ tây sông Sài Gòn nhà cao cửa rộng, lô nhô chọc trời, phố phường xe cộ người ngợm chen chúc đi lại nườm nượp như mắc cửi, còn bên kia, chỉ cách một con sông rộng gần 200 mét lại là xứ đìu hiu xơ xác nghèo nàn thảm hại. Anh Vương bảo bên ấy là đất của Việt cộng, làm sao mà phát triển như bên này được. Phải công nhận Việt cộng giỏi, bám ngay sát nách thủ đô mà chính quyền Sài Gòn không làm gì được. Giờ bần thần nhớ lại lời bác cựu sĩ quan biên phòng ấy, sực nghĩ hóa ra dân bên đó phần lớn đều có công với cách mạng cả, họ đã chở che mấy anh giải phóng, biệt động, đặc công; nay con cháu thế hệ kế tiếp mấy anh lại xuống tay chiếm đất đuổi họ ra khỏi nơi đã “che bộ đội, vây quân thù”.
Kể sau cái đận cùng ông anh sĩ quan biên phòng đồn Nhà Rồng đứng bên bờ tây sông Sài Gòn nhìn sang mạn đông vào tháng 4.1977 ấy, vùng đất Thủ Thiêm trong tôi rất mờ nhạt, có lúc bặt hẳn đi. Cũng khá nhiều lần từ Chợ Lớn đạp xe mò lên chơi tận bến Bạch Đằng, ngắm coi những bảng quảng cáo đèn lập lòe xanh đỏ ven kia sông, thấy phía sau đám nhấp nháy ấy vẫn là màn đêm tối thẫm mênh mông. Sau tháng 4.1975 bản đồ hành chính của chế độ mới không có quận 2, cả vùng Thủ Thiêm quận 2 bây giờ suốt bao năm một phần thuộc quận Thủ Đức, một phần thuộc huyện Nhà Bè. TP.HCM thời đó các quận số chỉ có 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, chưa có 2, 7, 9, 12 như hiện nay. Nhiều lúc tôi thắc mắc tại sao các bác nhà ta lại đánh số nhảy cóc thế nhưng rồi cuộc mưu sinh bận rộn, chưa có lúc rảnh rỗi lật tìm tài liệu để giải đáp sự tò mò.
Bẵng đi gần chục năm, chính xác là mãi tới năm 1985 tôi mới có dịp lần sang đất Thủ Thiêm. Chả là có ông em rể họ, Đinh Văn Thọ, thủy thủ phó tàu Thái Bình thuộc công ty vận tải viễn dương Vosco. Tàu y vừa đi Nhật về, nhưng không cập bến cảng kho 5 đường Trịnh Minh Thế - Nguyễn Tất Thành như mọi bận mà neo tận ngoài sông, phía bờ Thủ Thiêm. Hình như chuyến ấy anh em khuân đồ “sì cơn hen” Nhật về hơi nhiều, hơi lố nên bị ách lại chưa cho vào bờ, để mấy chú hải quan thuế vụ lên kiểm tra kiếm chút ít đã.
Thọ bắt đò vào bờ, khệ nệ khuân lên cho tôi một bọc quà tướng đủ món ăn chơi của bọn tư bản, những sô cô la, thuốc Dunhill, 3 số, bia Asahi, dầu nóng hiệu đại bàng, lố ly thủy tinh Nhật… Dù Thọ bảo chả đáng bao nhiêu, em chỉ cần bán con 81 kim vàng giọt lệ kia thì anh em mình ăn nhòe, nhưng thú thật những sơn hào hải vị ấy vợ chồng tôi chỉ dám ngắm cho thỏa thuê rồi sau đó đem ra ngã sáu Chợ Lớn tham gia thị trường tự do. Cái mồm mình mà ăn sô cô la, hút thuốc 3 số, thuốc Dunhill nó phí đi, trong khi hai gói 3 số ấy có thể đủ tiền mua gạo cho cả tuần. Suốt tháng vừa rồi, cả nhà chỉ có 5 ký gạo hẩm lẫn tinh hạt cỏ, số tiêu chuẩn khẩu phần lương thực còn lại bị thay bằng hạt bo bo, củ sắn, nên thèm cơm lắm. Bà xã tôi thì thầm, mỗi lần chú Thọ đi cứu nước cứu nhà về, nhà mình cũng được thơm lây, lại có mùi cơm, anh ạ.
Tôi mua vé đò Thủ Thiêm qua bên kia sông, giờ lâu lắm rồi chả nhớ kỹ, nhưng hình như cả xe đạp lẫn người chỉ có mấy trăm đồng. Cũng lần đầu tiên được đứng bên bờ đông nhìn về bờ tây. Có cảm giác đang ở một vùng ngoại thành xa tít nghèo nàn lạc hậu ngắm trông về thành phố hoa lệ. Tưởng như không phải đang ở sát nách quận 1 mà là tận Thủ Đức, Nhà Bè, thậm chí Đồng Nai, Sông Bé, ngóng về trung tâm Sài Gòn chỉ cách mỗi quãng đò ngang.
Ngó đám dừa nước, ô rô, cây dại chen chúc ngút tầm mắt, tự dưng nghĩ hồi mấy anh giải phóng chả biết đặt súng đại bác, súng cối chỗ nào trong chốn mênh mông ấy chĩa nòng về dinh Độc Lập thụt vài quả dịp chính quyền Sài Gòn tổ chức mừng ngày quốc khánh. Hồi ấy đọc báo nghĩ quân ta giỏi và liều thật, nhưng sau tỉnh nghĩ thêm chút nữa thì thấy kinh. Chỉ cần một quả 57 ly nổ giữa đám lễ trọng thì cả quan chức lẫn dân lại chẳng chết như ngả rạ. Tất nhiên báo ta sẽ chỉ đăng tin thắng trận rằng bao nhiêu Mỹ ngụy chết thôi.
Đạp xe men sông hơn 2 cây số, tôi tới bờ chỗ tàu Thái Bình neo đậu. Tôi gửi xe ở quán nước nhỏ mái lá lụp xụp tồi tàn, Thọ ngồi đó đón sẵn, ngoắc chiếc thuyền nhỏ đưa hai anh em ra tàu. Y đãi tôi trận bia Asahi tưng bừng, thông báo hàng đã giải quyết xong, chiếc cúp 81 kim vàng giọt lệ cũng đã lên bờ Thủ Thiêm trót lọt rồi. Anh em thuế vụ, hải quan tất nhiên cũng có phần, cười như nghé. Họ chả tội gì căng thước thợ, mình thiệt thì họ đâu có xơ múi gì. Thỏa thuận ngầm với nhau như thế rồi. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét