Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

NGHỊ ĐỊNH VỀ AN NINH MẠNG & DI SẢN CHÍNH TRỊ CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC


Một chuyên gia về chính sách vừa phải gỡ bài viết về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng khi ông chỉ ra khuynh hướng trao quyền cho cơ quan soạn thảo vượt quá phạm vi mà Luật này hướng tới. Theo Dự thảo, công an sẽ có quyền can thiệp vào rất nhiều ngành kinh tế (sử dụng nền tảng internet) thay vì chỉ nhắm vào những hoạt động “đe doạ đến sự tồn vong của Chế độ”.
Suốt 30 năm theo dõi tiến trình hình thành chính sách sau Đổi Mới, chưa bao giờ tôi thấy không khí tranh luận, phản biện lại gặp những áp lực bất thường như tiến trình soạn thảo và ban hành Luật này.
Trong thời gian QH thảo luận Luật, thay vì các ý kiến phản biện cần được khuyến khích và lắng nghe, nhiều người trong số họ đã phải chịu rất nhiều sức ép. Một số bài viết chỉ trích, bôi nhọ lập tức xuất hiện trên một số trang mạng xấu nhắm vào những người phản biện, kể cả những người là đại biểu QH, chuyên gia và bloggers... Thậm chí tên tuổi của một số chuyên gia đã bị bêu rếu trên một chương trình truyền hình chính thức.

Nghị định này sẽ tác động đến hầu hết các ngành. Có thể nội các cũng sẽ gặp không ít sức ép. Các bộ trưởng đừng “dĩ hoà vi quý” cũng như đừng sợ hãi. Hãy đọc và cân nhắc từng chữ. Đừng bỏ phiếu trao cho ngành khác những công cụ rất có thể không chỉ biến cả nước thành con tin mà chính quý vị cũng có khả năng trở thành con tin. Đừng để các dữ liệu cá nhân của quý vị trở thành con dao dí sau lưng quý vị.
Nhưng, ảnh hưởng của Dự thảo không chỉ đe doạ quyền riêng tư hay quyền tự do ngôn luận. Không phải tự nhiên, khi Luật đang bắt đầu được viết, các chuyên gia quốc tế đều đánh giá, nếu nó được thi hành nghiêm, tăng trưởng của Việt Nam sẽ mất 1,7 điểm GDP và đầu tư nước ngoài sẽ giảm 3%.
Sáng kiến Luật ANM là của ngành Công an, phôi thai từ thời Bộ trưởng Trần Đại Quang. Sở dĩ Luật này tìm được sự đồng thuận ở cấp cao là vì nó đề cao vai trò “bảo vệ chế độ”. Các quy phạm trong Luật đều rất chung, chỉ khi Dự thảo Nghị định được đưa ra, chúng ta mới thấy, không chỉ nhắm vào các hoạt động “chống phá chế độ” trên MXH, Dự thảo đang mở đường cho lực lượng ANM có thể can thiệp vào rất nhiều ngành kinh tế.
Trái bóng hiện thời đang nằm trong chân Thủ tướng. Nghị định này có thể trở thành một di sản xấu của ông. Nó không chỉ làm ngỡ ngàng những người đồng cấp ở các quốc gia mà còn có thể làm Nghị viện châu Âu ngạc nhiên. Trong khi VN đang phải vận động để thông qua các hiệp định thương mại với châu Âu, Dự thảo lại đưa ra các điều khoản đi ngược với rất nhiều điều VN cam kết.
Thủ tướng nên lắng nghe các chuyên gia, đặc biệt là nghe riêng các ngành (ngoài Công an), để có đủ thông tin: Sự thật có phải “18 quốc gia có luật ANM” như VN? Có phải không cần buộc các doanh nghiệp đặt máy chủ ở VN như VN đã cam kết cũng có thể “kéo đám mây” dữ liệu người dùng vào trong nước? Trước khi Chính phủ bỏ phiếu, nên thảo luận và lắng nghe từ các hiệp hội và chuyên gia độc lập.
Luật ANM đang dừng ở dạng “khung”. Điều này vừa cho Chính phủ một cơ hội để lựa chọn những công cụ thật sự cần thiết để “bảo vệ chế độ” [tôi tạm thời chưa tranh luận về tính cần thiết và hiệu quả của mục tiêu này] đồng thời lại có thể bị lợi ích cục bộ nhân danh bảo vệ chế độ, tự trang bị cho ngành quá nhiều quyền hành. Nghị định, vì thế, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên trường quốc tế và tác động sâu sắc tới các chính sách phát triển đúng hướng của ông.
Thủ tướng cũng đừng ngạc nhiên khi trước một nghị định có ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội và kinh tế đất nước như thế mà báo chí, các tiếng nói quan trọng trên MXH và ngay cả những cơ quan như VCCI, từng đồng hành với Thủ tướng trong những nỗ lực có ý nghĩa nhất của ông lại không phản biện hay chỉ nói hời hợt về Dự thảo. Đừng “buông” hoàn toàn Nghị định cho Bộ Công an. Mong Thủ tướng nhận ra điều bất thường đó để điều hành việc thảo luận, thông qua Nghị định này trong một quy trình bình thường, lắng nghe đầy đủ phản biện trước khi quyết định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét