Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

ALEXANDRE DE RHODES VÀ CHỮ QUỐC NGỮ


Cuối tháng 6-2009, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (tp Hồ Chí Minh) đã hoàn thành tượng Alexandre De Rhodes cao 3mét, rộng 2mét, nặng 43 tấn, bằng đá hoa cương lấy từ một ngọn núi tại Bà Rịa- Vũng Tàu và tặng nhân dân Hà Nội, đặt nơi thủ đô- trái tim Việt Nam để nhớ công sáng tạo chữ Quốc Ngữ của Alexandre De Rhodes,
Đi qua những khác biệt về chính trị và tôn giáo trong lịch sử, chúng tôi tìm Alecxandre De Rhodes cùng với sự sáng tạo chữ Quốc Ngữ của dân tộc, suốt hơn ba thế kỷ nay.
Hành trình sáng tạo chữ Quốc Ngữ là một bước tiến hóa vô cùng quan trọng của Người Việt Nam- Thăng Long- Hà Nội trong cuộc gặp gỡ với phương Tây.
• Alexandre De Rhodes và chú bé tóc trái đào ở Hội An
Alexandre De Rhodes sinh ngày 15-3- 1591 tại Avignon, miền Nam nước Pháp. Ông là linh mục thuộc giáo đoàn Dòng Tên, được cử sang Nhật truyền đạo. Nhật Bản cấm đạo. Năm 1624, sau một năm chờ đợi học tiếng Nhật ở Ma Cao, ông được phái vào Đàng Trong (Hội An) và nhanh chóng học được tiếng Việt để truyền đạo Thiên Chúa (lấy tên Việt là Đắc Lộ). Thầy dạy tiếng Việt của ông là một chú bé khoảng hơn mười tuổi. Ông vô cùng mến mộ viết về người thầy tí hon của mình: “Chỉ trong ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung bậc khác nhau của tiếng Việt, cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà cũng trong vòng ba tuần lễ này, cậu có thể hiểu tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng La- tinh. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu.”
Chú bé tóc trái đào đã thắp lửa tình yêu tiếng Việt, yêu đất nước, con người Việt Nam trong tâm hồn Alexandre De Rhodes, dắt ông vào hành sáng tạo chữ Quốc Ngữ, khởi nguồn từ đất Hội An.
Theo giáo sư Nguyễn Văn Hoàn trong bản tham luận Hội An, một trung tâm giao tiếp văn hóa với thế giới của Việt Nam thế kỷ XVI giáo sĩ người Ý Critopphoro Borri đã viết Xứ Đàng Trong (năm 1621). Thời đó nước ta chịu cảnh Trịnh- Nguyễn phân tranh, chia thành hai nửa Đàng Ngoài- Đàng Trong, chia cắt ranh giới bởi con sông Gianh hiền lành vô tội. Borri ở Đàng Trong 5 năm (1618- 1622) chủ yếu truyền giáo tại Hội An. Xø §µng TrongBorri viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần thứ nhất tại Rôma năm 1631, một năm trước khi ông qua đời. Sách dày 231 trang, hiện lưu trữ tại Tòa Thánh Vatican. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về Đàng Trong nước ta, miêu tả tỉ mỉ và bao quát hầu như đầy đủ các mặt: địa giới, khí hậu, cây cỏ, súc vật… đến phong tục tập quán, cách ăn, mặc, ngôn ngữ, tôn giáo, tổ chức gia đình và xã hội…
Tại Hội An G.S Hoµn đọc bài nghiên cứu khoa học của mình:
– Người đọc chú ý đến cái nhìn vừa tò mò lại vừa thiện cảm của Borri đối với cảnh sắc và con người Việt Nam ở Đàng Trong, khi ông so sánh người Việt Nam với người Trung Quốc, hoặc khi ông nói đến con voi, đến một cuộc săn tê giác, đến tập tục cũ Việt Nam: khách phải rửa chân trước khi bước vào nhà, hoặc có món ăn gì, dù ít và đạm bạc, cũng chia ra và mời khách cùng ăn… Cuốn sách ngay lập tức gây ảnh hưởng với người đương thời. Năm đầu tiên, nó được in lại bằng tiếng Ý ở Milano và có ba bản dịch Pháp văn cùng xuất hiện ở Paris, Lille, Rennes. Hai năm sau, nó lần lượt được dịch ra Tiếng La-tinh, Tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Anh. Tầm quan trọng của cuốn sách của Borri, lần đầu tiên mô tả Đàng Trong nước ta, chỉ có thể so sánh với các sách của Alexandre de Rhodes, lần đầu tiên đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về xã hội Đàng Ngoài, xuất hiện hai mươi năm sau cuốn sách của Borri. Trong một tập du ký xuất bản ở Bồ Đào Nha năm 1627, linh mục Le Jeunehomme đã ca ngợi Borri:“Ông đã vượt qua biết bao biển cả và đất liền của phương Đông và châu Phi, đến nỗi quên mất cả tiếng Ý mẹ đẻ và tiếng La-tinh.”
Borri là vị giáo sĩ phương Tây thứ hai nói thông thạo tiếng Việt, đã đưa ra nhiều nhận xét so sánh đầu tiên về tiếng Việt, cung cấp cho chúng ta những cứ liệu đầu tiên, quan trọng về hình dạng cụ thể của chữ Quốc Ngữ trong nửa đầu thế kỷ XVII…
G.S Nguyễn Văn Hoàn tập trung nghiên cứu về một người Pháp mà chúng ta không bao giờ quên được là Alexandre De Rhodes. Ông qua lại sống ở Hội An năm lần. Trong lĩnh vực học tiếng Việt và đặt chữ Quốc Ngữ này, A.de Rhodes có một vai trò đặc biệt, chẳng những ông nói được tiếng Việt, mà ông còn là người Châu Âu đầu tiên dám dấn thân nghiên cứu tiếng Việt, là một công việc học thuật cực kỳ khó khăn thời ông sống. Ông viết Từ điển Annam- Lusitan- Latin (còn gọi là Từ điển ba thứ tiếng Việt Nam- Bồ Đào Nha- La-tinh) và cuốn sách giảng La-tinh- Việt xuất bản ở Rôme năm 1651, đánh dấu sự xuất hiện hiển nhiên của một thứ văn tự mới, dùng mẫu tự La-tinh để ghi tiếng Việt, được đặt tên là chữ Quốc Ngữ.
Tiếng Việt lúc đầu đã làm cho A. de Rhodes phát sợ. Ông viết: “Tôi thú nhận rằng khi mới đến Đàng Trong và nghe những người bản xứ, nhất là phụ nữ nói, tôi tưởng như nghe tiếng chim líu lo và tôi mất hết hy vọng có thể học được thứ tiếng đó.” Ông đã thuật lại một vài kỷ niệm ngộ nghĩnh do việc ông phát âm sai tiếng Việt gây ra. Một lần ông sai đầu bếp đi chợ mua cá thì anh ta đã bê về một thúng cà, một lần khác ông sai người đi chém tre thì bọn trẻ trong nhà thờ chạy trốn (vì ông phát âm sai thành “chém trẻ”).
Sau vấn đề ngôn ngữ (tiếng nói) thì các giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII còn đụng phải vấn khó hơn. Đó là văn tự. Ở Trung Quốc giữa tiếng Hán và chữ Hán có quan hệ thống nhất. Ở Việt Nam, chữ Hán không phải là văn tự được xây dựng trên cơ sở tiếng Việt. Borri nhận xét: “Thứ tiếng mà họ nói thường ngày rất khác với thứ tiếng mà họ dạy học và đọc trong khi học tập và viết sách” . Đây là trường hợp một dân tộc chưa có văn tự riêng, đã mượn văn tự của dân tộc láng giềng, dùng rộng rãi trong lĩnh vực văn thư, học thuật, trong lúc đó thì hoạt động giao tiếp hằng ngày vẫn nói bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Nhận thức được tình trạng ngôn ngữ phức tạp đó, các giáo sĩ phương Tây đã vận dụng kinh nghiệm thu được trong việc sử dụng mẫu tự La-tinh để ghi âm tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, chuyển âm thành tiếng Việt. Hội An thế kỷ XVII là cái nôi của những người buôn bán Nhật Bản, Trung Quốc, các giáo sĩ phương Tây (Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…) đã tạo ra quá trình sáng chế văn tự Quốc Ngữ. Từ cuốn kỹ thuật chữ Quốc Ngữ của Borri chưa phân biệt được các dấu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã) đến các sách xuất bản năm 1651 của A.de Rhodes, chữ Quốc Ngữ đã có bước tiến nhảy vọt, có hệ thống dấu giọng như ngày nay. Giáo sư Dương Quảng Hàm viết: “Việc sáng tác chữ Quốc Ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có cả giáo sĩ người Tây Ban Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng người có công nhất trong việc ấy là cố Alexandere de Rhodes vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng Quốc Ngữ.”
Alexandere de Rhodes viết lời tựa ở đầu cuốn Từ điển: “Để khởi thảo cuốn tự điển này, không những tôi nhờ chính người bản xứ đã giúp tôi học tiếng trong vòng gần mười hai năm, suốt thời kỳ tôi ở Đàng trong và Đàng ngoài, mà tôi còn học hỏi với các nhà truyền giáo khác. Tôi đã từng học với Francesco de Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên hèn mọn của chúng tôi. Ông là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ. Ngoài ra tôi còn lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là Gaspar de Amaral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn từ vựng. Ông Gaspar de Amaral làm cuốn Việt- Bồ. Ông Antonio làm cuốn Bồ- Việt. Nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn từ vựng mới, có chua thêm tiếng La-tinh.”
Việc phiên âm chữ Quốc Ngữ bằng mẫu tự La-tinh còn có sự đóng góp không thể thiếu của người Việt Nam. A. de Rhodes nói đến công lao của “những người bản xứ” đã giúp ông học tiếng Việt trong gần mười hai năm, mà chính ông còn nhắc đến chú bé “bản xứ” đã dạy ông trong ba tuần những âm khác nhau của tiếng Việt, mặc dầu chú không biết tiếng Pháp, còn ông thì chưa biết tiếng Việt nào. Những người nghiên cứu lịch sử tiếng Việt còn nhắc đến tên tuổi của những thầy dòng Việt Nam có đóng góp quan trọng cùng các giáo sĩ phương Tây như: Igesco Văn Tín, Bento Thiện, Philiphê Bỉnh…
Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn đã đi nghiên cứu ở Thư viện Vatican, Thư viện Quốc gia Paris và đã thuyết trình đề tài lịch sử tiếng Việt tại Đại học phương Đông Napoli- nước Ý năm 1978, Đại học Nice- Pháp năm 1982. Trở về Hội An ông nói:
– Đề tài chữ Quốc Ngữ, một đề tài bao quát một khối tư liệu đồ sộ mà nhà nghiên cứu cần và mong được đi lục lọi ở các thư viện nước ngoài như: Thư viện Tòa Thánh Vatican, Thư viện Dòng Tên ở Roma, Thư viện Lisbon, Thư viện Quốc gia Pháp, Thư viện ở Goa, ở Ma Cao… thì chính sự kiện đó đã bắt đầu tại miền đất này của đất nước ta, dựa trên ngữ âm của địa phương vùng này, với những địa danh Việt Nam xuất hiện trước tiên và thường xuất hiện đi, xuất hiện lại trên các trang sách nghiên cứu của người nước ngoài. Đó là: Hội An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nước Mặn, Qui Nhơn…
Mai Thục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét