Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Về một bản đề án (quy hoạch báo chí)


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký duyệt bản quy hoạch báo chí do Bộ 4T trình (sau 6 năm dang dở, đứt đoạn, tưởng đã ném vào sọt rác). Còn nhiều vấn đề phải bàn về bản quy hoạch này.
Là người trong nghề, nhà cháu có vài ý kiến như thế này.
1. Xung quanh một bản đề án
Nói ngay, đó là bản đề án quy hoạch báo chí đến năm 2025 do Ban Tuyên giáo của đảng cầm quyền và Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông soạn thảo, đã được trình lên Ban Bí thư và Bộ Chính trị, đặt lên đặt xuống mãi, lật qua lật lại mấy lần, có sửa chữa, thêm bớt, cân nhắc đủ thứ, đã được thông qua lần chót (những mấy lần chót, kéo dài năm này qua năm khác). Giờ chốt lại ở tháng 4.2019. Chả biết lần này chốt chặt chưa hay lại như mấy lần trước.
Thực ra việc cần phải rà soát lại hệ thống, bộ máy báo chí hiện hành không phải là điều mới mẻ gì. Ngay từ năm 2006, Bộ Chính trị và đích thân ông Tổng bí thư đã nêu ra vấn đề trên, giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo và Bộ 4T soạn thảo. Tính ra phải mất gần chục năm họ mới xây dựng xong cái đề án, có nghĩa là họ đã cân nhắc kỹ lắm, cẩn thận lắm rồi. Có nghĩa là phen này thực hiện rốt ráo chứ không phải chơi, không rao khơi khơi, đánh trống bỏ dùi, ném đá ao bèo như mọi lần.
Mục đích của đề án quy hoạch là gì, theo chính đề án nêu “nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng”. Tất nhiên, ai cũng hiểu, lành mạnh, đúng hướng tức là phải ngoan ngoãn chịu sự lãnh đạo, chỉ bảo của đảng, của nhà cai trị. Đề án này thực ra là cuộc chỉnh đốn, diệt trừ những tờ báo vô tích sự hoặc có hại cho chế độ đường thời, được nấp dưới tên gọi “quy hoạch phát triển”.
Một nhà báo đã được xem bản đề án bảo rằng nội dung đề án nêu khá nhiều khía cạnh nhưng rất đáng lưu ý 2 vấn đề: Mỗi địa phương tỉnh thành chỉ được có 1 tờ báo in, còn lại những báo xưa nay thuộc địa phương thì phải sáp nhập thành ấn phẩm phụ của báo chính, hoặc là dưới dạng tạp chí, hoặc tự giải thể. Sáu (6) tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định tại điều 9, điều 10 bản Hiến pháp 2013) gồm: Mặt trận tổ quốc VN, Tổng liên đoàn lao động VN (Công đoàn), Hội nông dân VN, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ VN, Hội cựu chiến binh VN được quyền mỗi tổ chức có 1 tờ báo in, những tờ báo khác không thuộc nhóm 6 kia chỉ được tồn tại dưới dạng tạp chí (đương nhiên không thể ra hằng ngày), ấn phẩm phụ, trang tin điện tử (không phải báo điện tử). Nói tóm lại, số báo in, nhất là nhật báo (ra hằng ngày) sẽ bị giảm tối đa.
Chúng ta đều biết, hiện thời rất nhiều cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí. Có thể đó là tiếng nói của chính đoàn thể, cơ quan, tổ chức đó, nhưng cũng chẳng thiếu trường hợp bán giấy phép, để mặc bên ngoài thao túng.
Vậy thì đề án quy hoạch báo chí có cần không? Theo tôi: Cần và không cần.
Dẹp bớt cái đám báo chí bùng nhùng, èo uột, dở sống dở chết, tốn hại tiền ngân sách, tiền thuế của dân, là cần thiết. Và càng cần hơn khi, như người ta nói, hơn 800 cơ quan báo chí mà cũng chỉ như một, với vị tổng biên tập là ban tuyên giáo, chung một giọng, chỉ biết mải miết thực hiện định hướng, đi đúng lề phải, sa vào lá cải cướp giết hiếp, tình tiền tù tội… rẻ tiền, bị người đọc thờ ơ, tẩy chay, thì dẹp là phải rồi.
Phải trả báo chí về xã hội dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường, bắt nó tự cung tự cấp, tự hạch toán; nếu làm hay, đứng đắn, đàng hoàng, thời sự, khách quan, không câu khách rẻ tiền, đủ sức thu hút được bạn đọc… thì tồn tại, thì sống. Còn không thì tự tiêu vong. Báo gì thì báo, dù của đảng cầm quyền, của quân đội, công an, mặt trận… cũng cứ phải tự lo, phải chấm dứt sống dựa ngậm vào bầu vú ngân sách. Dân không thể cứ còng lưng mãi đóng thuế nuôi những tờ báo mà cả đời họ không đọc, ví dụ tờ Nhân Dân, tờ Quân đội, tờ Công an. Không ai cấm nó tồn tại, nhưng đừng biến nó thành thứ sống tầm gửi vào mồ hôi nước mắt nhân dân. (còn tiếp).
Nguyễn Thông
Về một bản đề án (quy hoạch báo chí), phần 2 
Quy hoạch gì thì quy hoạch, đừng cả vú lấp miệng em, đừng theo ý chí chủ quan mà bất cần biết hiện thực đang diễn ra như thế nào. Hiện tại cho thấy, những tờ báo in đang đứng trước nguy cơ bị dẹp, bị sáp nhập, hoặc tự giải tán lại chính là những tờ báo đang có nhiều bạn đọc nhất, được đông đảo nhân dân quan tâm nhất. Tôi không dám coi thường tờ báo nào, nhưng cứ thử hình dung, trong khi tờ Đại đoàn kết, tờ Cựu chiến binh được tồn tại nghiễm nhiên theo đúng quy hoạch báo chí vì có mẹ đỡ đầu là tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận tổ quốc VN và Hội cựu chiến binh) thì những tờ lừng danh, hàng đầu xứ này như Tuổi Trẻ, Thanh Niên lại bị dẹp, lúc ấy sẽ chấn động dư luận như thế nào. Mà cũng lạ, trong khi báo Phụ nữ VN (thuộc tổ chức chính trị xã hội là Hội LHPN Việt Nam) được tồn tại thì báo Thanh Niên chịu mấp mé bên bờ vực, bởi trong hệ thống tổ chức đoàn thì tới năm 2025 cũng chỉ còn 1 tờ, mà đương nhiên Thanh Niên không thể cạnh tranh với Tiền Phong bởi Tiền Phong là con bà cả, đích tôn, ra đời từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn chưa đẻ. Tôi muốn hỏi, Hội liên hiệp phụ nữ VN và Hội liên hiệp thanh niên VN, về tầm cỡ, vị trí, vai trò, nào có kém gì nhau, nếu không muốn nói hội của thanh niên còn có phần nhỉnh hơn. Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo, hay là thời này đàn bà, chân dài có giá hơn bọn trẻ mùa xuân nhân loại. Không tin cứ hỏi cô Quỳnh Anh ở Thanh Hóa coi.
Từ bất hợp lý này, ta dễ nhận ra sự nhố nhăng trong hệ thống chính trị đang tồn tại: đảng chỉ là một thành viên của mặt trận tổ quốc nhưng lại chỉ huy cả mặt trận, ôm trùm cả mặt trận, nói gì mặt trận cũng phải nghe; tương tự, đoàn thanh niên cũng thế, nó chả khác cha đẻ của hội liên hiệp thanh niên trong khi trên danh nghĩa nó chỉ là một thành viên của hội. Rất oái oăm, vô đạo, trái khoáy, ngược đời, vớ vẩn, như ông bà ta xưa nói “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Đáng lý trong trường hợp này (theo nguyên tắc chứ không theo bản đề án quy hoạch) thì tờ Thanh Niên mới là tờ cần giữ lại, còn đám đàn em kia dẹp tất hoặc sáp nhập tất.
Lại thêm một trái khoáy nữa: Ban Bí thư T.Ư đảng từng ban bố chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030. Bản chỉ thị nêu rõ “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan báo chí, xuất bản của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên VN trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, văn hóa, lối sống cho thế hệ trẻ”. Nếu cứ căn vào chỉ thị này với bản đề án kia, chả biết ông bà nào đúng, nhưng rõ ràng theo chỉ thị thì các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuổi trẻ thủ đô… phải được phát triển hơn nữa. Nhưng đề án quy hoạch báo chí 2025 thì lại bảo phải dẹp. Ông chằng bà chuộc, còn lắm chuyện hay.
Đề án thì như thế, nhưng sẽ thực hiện ra sao. Nếu họ làm nghiêm được theo đúng điều họ đặt ra, không oong đơ gì sất, việc công ta cứ phép công mà làm thì cũng vớt vát phần nào uy tín của kẻ lập pháp và hành pháp, cầm quyền và uy quyền. Nhưng tôi chả tin, nhất là ở một cái xã hội phổ biến dịch vụ chạy cửa sau, thích xé rào, thích tạo cơ chế riêng, thích nét đặc thù, thích ban ơn để tạo kẻ bầy tôi, để lập đám đàn em dưới trướng, nhất là lại là báo chí. Thế thì thể nào cũng có những anh không đủ tiêu chuẩn, lẽ ra bị dẹp nhưng lại được cho tồn tại. Rồi sẽ um lên, sao nó được mà tôi không được, sao lại bất công, sao lại thiên vị, v.v.. Có thể chưa đến mức kiêu binh nổi loạn nhưng chắc chắn sẽ đầy biến động trong làng báo.
Đã không có tự do báo chí, đứa nào hơi có vẻ chệch hướng tí chút là họ trị thẳng cánh (như báo Người cao tuổi chẳng hạn), nói chi đến tự do ngôn luận, đến lắng nghe tiếng nói phản biện của các tầng lớp nhân dân. Cái đề án quy hoạch báo chí, họ đã phê duyệt và sắp ban bố, nói cho cùng, chẳng khác gì vòng kim cô chụp lên đầu báo chí, là sợi dây chão siết chặt thêm cơ thể báo chí nước nhà đã vốn què quặt, sống mòn. Dù họ bốc thơm về cái đề án ấy, nhưng theo tôi, tương lai báo chí xứ này cực kỳ ảm đạm, xám xịt.
Đề án quy hoạch báo chí tới 2025, một cái chết đã được báo trước, cả cho nền báo chí xứ này, lẫn chính nó. (còn tiếp)
Nguyễn Thông 

Về một bản quy hoạch (phần 3)
Nhà cai trị cứ muốn độc quyền báo chí, kiểu "tất cả đều là con tao", tao sai phái, dạy bảo, đánh đập gì, mặc ý tao. Quy hết về một mối, đứa nào thắc mắc, la lối, kệ. Bản chất của báo chí CS là phải biết nghe lời, còn tất cả thứ khác muỗi hết. Đếch cho báo chí tư nhân, tòi ra là ông diệt, mặc dù luộn rêu rao tự do báo chí, thậm chí ghi cả vào hiến pháp.
Nhưng thực tiễn lại có quy luật và sức sống riêng của nó. Bịt mồm bịt miệng không thể bịt mãi, bịt hết được. Facebook, YouTube, Twitte, blog... là bằng chứng hùng hồn. Nó đích thực là báo chí tư nhân, là con đẻ của tự do ngôn luận. Nhà cai trị muốn ngăn nó cũng không ngăn được, cùng lắm thì điên khùng bắt vài người này người nọ để răn đe. Nhưng Facebook, internet thì có mà trời cản.

Ngăn không được, nhưng thừa nhận nó thì không dám bởi như thế khác nào thừa nhận có báo chí tư nhân. Đã coi có báo chí tư nhân thì phải đưa vào luật thì mới dùng luật để trị. Không có luật, đếch trị được. Mượn vài cái nghị định dưới luật để áp chế càng thể hiện tính chất vô pháp luật của nhà nước. Không đàng hoàng nên cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, nuốt dây thun, mang tiếng xấu với đời.
Để quy hoạch báo chí cho thiết thực, hiệu quả, chính xác, theo tôi không cần phải bàn nhiều, thử thách nhiều làm gì, cũng không cần phải gán cho tờ báo này báo kia lớn hay không lớn, quan trọng hay không quan trọng, phát hành nhiều hay ít... Chỉ cần lôi ra sạp bày 1 tuần đủ các đầu báo, kể từ Nhân Dân, Công an, Tuổi trẻ, Thanh Niên đến Chuyện đời, Sống đẹp... Cứ tờ nào nhiều người đọc, bán được thì cho nó sống, ế sạp chẳng ma nào dòm là đòm luôn không cần kết án. Tờ báo có giá trị là tờ báo bán được, người đọc tự bỏ tiền túi ra mua chứ không phải thứ để gói xôi, cho không (sống bằng tiền ngân sách). Bàn lắm rách việc.
Nói chung, coi lại cái quy hoạch báo chí thì thấy vưỡn có những khe riêng được gọi bằng cái tên mỹ miều là "đặc thù" để anh nào lách giỏi thì lách. Và tất nhiên phải... chạy. Một vị từng đóng vai quản lý báo chí, ông Hoàng Hữu Lượng đã giải thích rằng, quy định nhưng không phải là quy định: "Chúng ta tính tới các đặc thù và trong quy hoạch cũng nêu rõ, những tờ báo có số lượng phát hành lớn, có ảnh hưởng lớn đối với xã hội" thì vẫn tồn tại.
Gớm, cứ thẳng băng quy định thì có mà chết hết, rồi lấy đâu tóc mà túm. Xưa, khi thằng bán tơ và lũ quan lại túm cổ Vương ông, phá gia đình cô Kiều, có kẻ đã mách rằng "tính bài lót đó luồn đây/có ba trăm lạng việc này mới xuôi". Nay, chỉ thông đồng hạ một chữ ký trong vụ mua bán AVG đã thu vài nghìn tỉ thì việc chạy cho một tờ nhật trình được tồn tại chắc phải nặng mùi kim tiền. Trượt giá từ thời Gia Tĩnh triều Minh tới giờ, 300 lạng chỉ còn là số lẻ.
Nguyễn Thông
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét