Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

VỤ KHÔNG TẶC ĐÀU TIÊN Ở VIỆT NAM.




 Vào những năm đầu Giải Phóng, chúng tôi là những phi công tiêm kích được đào tạo tại Liên Xô từ năm 1973 và sau khi tốt nghiệp được biệt phái về tiếp thu các loại máy bay chở khách của Mỹ để lại tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này tôi mang quân hàm Thiếu úy, nhưng là học viên bay do các anh phi công chế độ cũ kèm cặp.

Trong một chuyến bay chở khách từ Sài Gòn đi Rạch Giá => Phú Quốc và về lại Sài Gòn trên chiếc máy bay DC3 số hiệu 509 do cơ trưởng máy bay Nguyễn Văn Bảy, lái phụ Nguyễn Văn Lá ( anh Lá là phi công chế độ cũ được tuyển dụng để làm thầy dạy bay cho anh em chúng tôi), thợ máy Nguyên, và học viên lái phụ Nguyễn Đắc Hòa , tiếp viên tên Loan.

Máy bay cất cánh lúc 06h30 ngày 29/10/1977 từ sân bay Tân Sơn Nhất, chở gần 40 hành khách, theo lộ trình, máy bay sẽ đi Rạch Giá trả, đón khách rồi bay tiếp đi Phú Quốc đón khách rồi bay về Tân Sơn Nhất. Từ Sài Gòn đi Rạch Giá 45 phút. Bay khoảng 15 phút thì bọn không tặc hành động.
Bọn không tặc có bốn tên. Chúng đi thẳng lên buồng lái, không nói gì, bắn luôn anh Hòa rồi anh Nguyên chết ngay tại chỗ, chỉ để lại anh Bảy - cơ trưởng và anh Lá - cơ phó", rồi dí súng vào đầu cơ trưởng bắt chuyển hướng đi Singapore, thực hiện ý đồ vượt biên. 

Hồi đó ngành hàng không dân dụng chưa xảy ra vấn đề gì về an ninh nên cửa buồng lái luôn mở để hành khách ngồi dưới nhìn thấy tổ lái, có cảm giác thân thiện, cho nên bọn không tặc mới lên buồng lái dễ dàng như vậy. Công tác an ninh ở các sân bay còn lỏng lẻo, kiểm tra sơ sài, không có máy rà, máy soi nên không phát hiện người mang theo vũ khí.
(Anh Nguyên là cơ giới kiêm thợ máy trên không. Còn anh Hòa đi theo học việc về lái phụ và dẫn đường trên không. Lẽ ra tôi đi chuyến đó nhưng cuối cùng lại bay chiếc DC6 ra Hà Nội. Chúng bắn anh Nguyên, anh Hòa vì sợ đông người sẽ tấn công, cản đường bọn chúng hành động)

Bọn không tặc gí súng vào đầu cơ trưởng và cơ phó, bắt phải bay đi Singapore. Để bảo vệ tính mạng hành khách, tổ lái phải làm theo yêu cầu của chúng. Nhưng tổ lái đề nghị bay qua Utapao (Thái Lan) để tiếp thêm xăng rồi mới bay tiếp sang Singapore.
Anh Bảy nói với bọn không tặc: "Các anh là phi công, các anh cũng biết nếu đi Singapore thì không đủ xăng vì máy bay nhỏ. Xăng hết, máy bay rớt thì tất cả cùng chết".

Sau khi hội ý, không tặc đồng ý đi Utapao. Một tên không tặc trẻ măng nói: "Các chú không được lừa tụi con. Tụi con cũng là phi công, biết hết đường bay. Các chú mà bay vòng về Việt Nam là con bắn ngay!".

Ngày đó ở Việt Nam chỉ có một số phi công của Việt Nam Cộng hòa được trưng dụng mới biết tiếng Anh. Cơ trưởng Nguyễn Văn Bảy chưa từng bay nước ngoài và không biết tiếng Anh để trao đổi với kiểm soát không lưu nước bạn, rồi đường bay nước bạn dài ngắn, hướng đáp như thế nào cũng hoàn toàn không biết. May mắn có cơ phó Lá từng là phi công của Air Vietnam, đã bay đi Singapore, Thái Lan nhiều lần. Cơ phó Lá giúp cơ trưởng Bảy trao đổi với kiểm soát không lưu Thái Lan. Thái Lan chấp nhận cho phép hạ cánh ở Utapao. Bọn không tặc không cho mở cửa, sợ cảnh sát Thái Lan ập lên. Chúng bắt hành khách ngồi yên tại chỗ, ép phi công gọi qua điện đàm yêu cầu nhà chức trách Thái Lan cung cấp thức ăn, nạp xăng để đi Singapore. Tổ lái phải thả dây xuống kéo thức ăn và nước uống lên.

Từ Thái Lan bay qua Singapore hơn 2 tiếng, Singapore từ chối cho phép hạ cánh ở sân bay Changi, yêu cầu hạ cánh tại một sân bay quân sự nhỏ. Khi máy bay hạ cánh, bọn không tặc quăng súng, giơ tay xin đầu hàng, bàn giao máy bay, tổ lái và hai thi thể, xin tị nạn chính trị.

Hai ngày sau, Singapore trao trả máy bay và hành khách cho Việt Nam, 4 tên không tặc bị giữ lại xử theo luật pháp Singapore về tội cướp máy bay, 90 % hành khách xin ở lại cư trú chính trị nhưng Không được châp nhận.

Cục Hàng Không đã cử máy bay sang Singapore để đưa chiếc DC3, tổ lái và hành khách về. Khi đó Việt Nam và Singapore chưa đặt quan hệ ngoại giao, chưa thiết lập đường bay thẳng từ Việt Nam sang Singapore. Bay qua đó rất khó khăn, phải bay vòng. Trước tình huống đó, Chính phủ Singapore đã cấp phép cho Việt Nam bay riêng một chuyến trực tiếp từ Việt Nam qua. Thi thể anh Nguyên, anh Hòa được ướp cho vô hòm kẽm, chở riêng một chuyến bay.
Tất cả khách đi một máy bay khác. Qua một đêm về, tóc anh Bảy bạc hết. Ảnh kể mấy tiếng trên máy bay dài như trăm năm. Bị bọn không tặc gí súng vào đầu. Hai đồng nghiệp chết nằm ngay sau lưng mình. Anh bay trong trạng thái vô cùng căng thẳng nhưng phải bình tĩnh để đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay".

Về người đồng đội, người bạn thân hi sinh trong chuyến bay bị không tặc, dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn không quên được điều gì. Anh Hòa đã hy sinh thay cho tôi trong khi còn rất trẻ (lẽ ra tôi đi chuyến bay ấy, nhưng vì có việc ở Hà Nội, nên chiều hôm trước đã đổi cho anh Hòa, tôi bay DC6 Ra Hà Nội)
Thiếu úy Nguyễn Đắc Hòa được truy phong Trung úy. Gia đình ở Lạng Sơn rất khó khăn, không thể đưa về quê nên anh được chôn cất ở Thủ Đức.

Mộ liệt sỹ Nguyễn Đắc Hòa tại Thủ Đức

 Sau vụ không tặc chấn động này, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trang bị cho tổ lái mỗi người một súng ngắn K54 và gia cố lại cửa buồng lái, đồng thời quy định cửa buồng lái luôn luôn đóng. Tiếp viên khi đưa nước, thức ăn cho tổ lái phải gõ cửa theo ám hiệu riêng. 20 chiến sĩ của trung đoàn 144 (Trung đoàn bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và cơ quan Bộ Quốc phòng) được đưa sang Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam để làm cảnh vệ trên không, đi theo bảo vệ các chuyến bay dân sự. Mỗi người được trang bị một khẩu súng ngắn K54.

Chú thích ảnh trên cùng: máy bay DC3 số hiệu 509 là một trong những máy bay của Hãng Air Vietnam (VNCH) được Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam trưng dụng để chở khách.

Tổ lái bây giờ chỉ còn lại 2 người, anh La và cô Loan. Anh Bảy đã mất, thật buồn

Pham Nam (cựu phi công, cựu HSMN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét