Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

TÌNH ĐỜI


TÌNH ĐỜI

Thái là con chú Bảy Mạnh, chủ tịch tỉnh. Thái đi bộ đội, tham gia chiến trường K rồi giải ngũ về tỉnh, học đại học, khoa kinh tế. Thái quen cái thời ở tập thể trong quân ngũ, nên thích giao du quan hệ với bè bạn. Mà quan hệ thời này thì thường là có liên quan đến nhậu.

Thầy Hùng, thạc sỹ Vật lý lý thuyết, giảng viên khoa toán lý trường đại học “Tây Đô”. Giảng viên của mấy khoa cơ bản, như toán, lý, hóa, sinh thường phải dạy hầu hết các khoa khác trong trường, nên thầy Hùng quen biết rất nhiều sinh viên.
Thầy Hùng là con liệt sỹ. Ba thầy từng là bí thư tỉnh ủy, thời kháng chiến chín năm, rồi hy sinh thời Ngô Đình Diệm “lê máy chém”.

Ngày nay, người ta chỉ quan tâm đến người sống, còn đương chức, chứ ai để ý chi đến người đã thác. Thỉnh thoảng, vào ngày 27 tháng 7 thì làm rùm beng một chút, để “tưởng nhớ” đến những người đã “hy sinh vì cái ghế của ai đó”.Vì vậy mà thầy Hùng chẳng có được một chỗ để ở. Thầy phải ở tạm trong một căn phòng của nhà người cô ruột. Người cô nói là muốn ở bao lâu thì ở.

Lời nói gió thoảng, khi mà tình đời như sớm nắng chiều mưa. Nhà không phải của mình, lại lệ thuộc đủ thứ nên khá bất tiện, nhất là chuyện tiếp khách. Và thầy chẳng bao giờ mời ai đến nhà, nếu không vì một lý do nào đó thật trọng đại.

Trước đây, thầy được phân công một căn phòng trong khu tập thể của trường. Khi ra Hà Nội làm luận án thạc sỹ, nhà trường lấy lại phân cho người khác. Lấy được bằng thạc sỹ, về, thầy mất chỗ ở. Khi nhà nước còn chính sách cấp nhà, thầy làm đơn, gởi đi khắp nơi có chức năng, nhưng tất cả các trường hợp đều như người giăng câu ở nơi không có cá. Sau, nghe nói tỉnh có chủ trương xây nhà bán cho cán bộ, công nhân viên … Thầy cũng làm vài lá đơn xin mua nhà.
Đơn viết thì dễ, nhà mua thì khó. Thầy đành phải ra sức tìm kiếm một căn re rẻ, có chỗ chui ra, chui vô một cách độc lập, tự do.

Chuyện đời tư của thầy cũng không vui vẻ gì, nên thầy cũng hay nhậu với đám bạn và đám sinh viên thân cận để giải buồn. Vậy nên, Thái cũng là bạn nhậu của thầy Hùng. Thầy Hùng và Thái đều là dân đệ tử lưu linh thứ dữ, nên càng thân nhau hơn. Nghe đâu chú Bảy Mạnh, chủ tịch tỉnh, ba của Thái cũng từng là bạn của ba thầy Hùng.

Hôm nọ, giỗ ba thầy Hùng. Vì nhà bà cô chật hẹp, nên thầy chỉ mời mấy người bạn thân, trong đó có cả Thái. Trong nhà, để đúng một cái bàn tròn, dùng làm bàn ăn, ngồi quanh vừa đúng mười hai mạng.
Bà cô cùng vài người bà con thìmngồi trên tấm phản, làm một mâm “chay tịnh”, có thịt cá, không bia rượu.
Đây là lần đầu tiên Thái đến nhà thầy Hùng, vì thầy không tiện mời khách đến nhà. Ăn nhậu gì thì chỉ mời ra quán. Nhìn căn nhà ọp ẹp, lại chỉ là ở nhờ, Thái thấy ái ngại cho thầy, chả gì thì cũng là thạc sỹ vật lý, cũng là giảng viên đại học, cũng là con của liệt sỹ có hạng, cũng là “các loại cũng là...”.

Xong đám giỗ, còn lại vài người, Thái rụt rè nói với thầy Hùng : “Nếu thầy không ngại, làm cái đơn xin cấp nhà, em nói với ba em, ổng giúp cho. Ba em cũng quý ba thầy lắm, nhưng ổng đâu có biết hoàn cảnh của thầy như thế này”.

- Em nói vậy thì tôi cám ơn em, nhưng tôi không muốn mượn danh của ba mình, công ai người ấy hưởng. Em thấy nếu tỉnh có bán nhà cho cán bộ công nhân viên thì giúp tôi mua một căn, thế là cám ơn em lắm rồi.
- Ừ ! thế cũng được, em biết là tỉnh đang xây một số nhà gần khu đất của trường đại học, bán cho cán bộ, công nhân viên. Để em đăng ký giùm thầy một căn.
Thái biết tính thầy Hùng khảngkhái lắm, nếu nói đến tiêu chuẩn của cha là liệt sỹ, chắc ổng không chịu đâu … 

Về nhà, Thái nói với chú Bảy Mạnh, kể chi tiết về căn nhà mà thầy Hùng đang ở nhờ.
Chú Bảy nói :“Trời ! có chuyện này sao ? ông già thằng Hùng công lao nhiều lắm, ba biết ổng từng gây dựng nhiều cơ sở Cách mạng ở mấy tỉnh miền Tây, nhất là Rạch Giá, từng cứu giúp bao nhiêu người, từng chỉ huy đánh thắng bao trận ác liệt … Bây giờ con cái phải khổ như vậy sao ? Dưới chế độ ta mà còn có chuyện Tôn Thúc Ngao (*) à ? Ông hiệu trưởng của con cũng là lính cũ của ba thằng Hùng, mà không giúp được gì sao ? Được ! con để ba lo cho nó”.

“Ba à! nhưng thầy Hùng khảng khái lắm, ba nói đến chính sách, ổng không chịu nhận đâu, ổng chỉ chịu mua chứ không chịu nhận của cho đâu”.
“Con đừng lo, lúc làm thủ tục bán nhà, ba sẽ nói bên Sở Tài chánh kiếm cớ hợp lý ghi giá rẻ, sao cho thằng Hùng không biết, thì nó phải nhận thôi”.

Mấy tháng sau, thầy Hùng về nhà mới. Tiền mua căn nhà tương đương khoảng gần mười ba lượng vàng, một ít nhờ thầy dành dụm được, một ít thì mượn của bạn bè, một ít do bà con trong họ giúp thêm, trong đó có tiền chú Bảy âm thầm gởi một người bà con của thầy Hùng góp vô.
---
 (*) Tôn Thúc Ngao là quan lệnh doãn (quan tướng

quốc, tương đương tể tướng) nước Sở, thời Đông Chu. Lúc sanh tiền, ông có nhiều đóng góp cho nước Sở, lại rất thanh liêm. Khi ông mất, dặn con là Tôn An đừng nhận quan tước vì không đủ tài, cũng đừng nhận bổng lộc, của cải gì cả. Vì vậy mà Tôn An phải tự đi cày, kiếm củi sinh sống qua ngày. Về sau được vua Sở Trang vương biết, phong thưởng. Tôn An theo lời cha dặn, chỉ xin cấp cho miếng đất Tẩm Khâu. Tẩm Khâu là miếng đất xấu nên chẳng ai giành, vì vậy mà con cháu nối đời trên miếng đất này.
theo Q.A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét