Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

Học ngoại ngữ (kỳ 2)


Học ngoại ngữ (kỳ 2)
Trong bài kỳ trước, tôi có nhắc tới việc Quốc hội kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6.2019 vừa rồi không đồng tình với ý kiến của một vị đại biểu đề nghị coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Cũng có đôi ba người trên FB nhắc nhở tôi rằng đừng lẫn lộn, đừng coi sự phủ định ấy đồng nghĩa với sự coi thường việc học ngoại ngữ bởi đó là hai điều hoàn toàn khác nhau. Nào tôi có nhầm, có coi thường gì đâu, mà xứ ta bao lâu nay, người người học ngoại ngữ, nhà nhà học ngoại ngữ, có ai coi thường học ngoại ngữ đâu. Nhà nước thậm chí cũng không hẳn coi thường, bằng chứng là trong chương trình giáo dục từ cấp tiểu học tới cấp 3, tới đại học, luôn có môn ngoại ngữ, và còn có hẳn những trường chuyên về ngoại ngữ cơ mà.
Tiếng Anh là một ngoại ngữ. Dù nó có thành ngôn ngữ thứ 2 hay không thì vẫn là ngoại ngữ, bởi xứ ta đã có thứ ngôn ngữ không phải ngoại ngữ, chính là tiếng Việt, bản ngữ. Muốn nó (tiếng Anh) là ngôn ngữ thứ 2 trong đời sống, xã hội, giao tiếp thì việc đầu tiên không phải chuyện nhà nước có chính thức coi nó là thứ 2 hay không, mà là dạy nó, như một ngoại ngữ phổ cập, đại chúng. Thực ra thời Pháp, người Việt chưa hề coi tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ 2 bởi nó chưa có mặt trong tất cả mọi hoạt động của mọi người Việt. Nó chỉ được dùng phổ biến thôi, dạy phổ cập thôi. Phải như tiếng Anh ở Hồng Công, Maylaysia, Ấn Độ hoặc Phippines thì mới là ngôn ngữ thứ 2.
Muốn ngoại ngữ nào đó trở thành ngôn ngữ thứ 2, trước đó cứ phải dạy nó cho tốt đã, phổ cập đã. Để một ngoại ngữ thành ngôn ngữ thứ 2 có khi phải mất vài chục năm hoặc vài thế hệ chứ đâu chỉ quốc hội thông qua bằng nghị quyết thì có ngay được. Nếu dễ thế thì quốc hội đã có ích.
Việc dạy ngoại ngữ ở xứ này, ngẫm lại suốt hai phần ba thế kỷ qua chưa khi nào được coi trọng như bản chất của nó, mà chỉ theo thời, xu phụ, thay đổi theo thịnh suy của quan hệ chính trị và kinh tế. Nhìn vào thực trạng học tiếng Nga, Trung, Anh, Hàn ... là thấy rõ. Ngoài ra, nhà nước không có chiến lược, mà chỉ do dân chúng tự phát đòi hỏi, do nhu cầu thực tế. Nhà nước không biết cách làm như người Pháp hồi xưa nên phần đông dân chúng bây giờ, kể cả đội ngũ trí thức, quan chức, rơi vào tình trạng "ngu ngoại ngữ", “mù ngoại ngữ”. Học hết đại học, xúng xính bằng cử nhân, thậm chí cả những thạc sĩ, tiến sĩ vẫn nằm trong số “mù” ấy. Sẽ có ai đó vặn tôi rằng nhà nước đã có quy chế người đạt học vị tiến sĩ ít nhất phải thông thạo một ngoại ngữ cơ mà, sao lại nói tiến sĩ cũng mù. Vâng, quy chế thì vậy, nhưng hiện thực lại khác. Bây giờ cứ thử làm cuộc test ngoại ngữ của các vị nghè tân thời, kể cả giáo sư, phó giáo sư, lại chả kéo nhau trốn, chạy mất dép. Kết quả của tình trạng học ngoại ngữ hình thức là vậy.
Vấn đề ở chỗ, nhà nước, chế độ cũng như xã hội không coi thường chuyện dạy và học ngoại ngữ, nhưng cách tổ chức, cách thực hiện thì thua xa so với chế độ thực dân, cụ thể là nền giáo dục thời Pháp thuộc và Việt Nam cộng hòa. Thời nay rất ưu việt ở đường lối, chủ trương với ngoại ngữ, nhưng thực tế, kết quả thì cực kỳ dở. Cần phải tỉnh táo coi xét lại thái độ của nhà nước đối với việc học ngoại ngữ, chứ cứ kéo dài tình trạng dạy và học ngoại ngữ như vài chục năm trở lại đây thì chỉ thu được những mùa vụ thất bát, tốn kém, nặng về hình thức, ít hiệu quả.
Bây giờ, nhiều người cao tuổi từng học trong nhà trường thời Pháp vẫn còn sống, họ là những nhân chứng sinh động nhất cho việc học ngoại ngữ. Chưa cần tốt nghiệp đại học, chưa có học vị tú tài, cử nhân, chỉ cần học tới cấp 2, cấp 3 là đã nói tiếng Pháp, tiếng Anh nhoay nhoáy. Đọc các tác phẩm văn học thời 1930 - 1945 của văn học hiện thực, văn học lãng mạn, của các cụ Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nam Cao, Nguyễn Tuân, v.v.. thấy nhân vật nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, không khác gì người Pháp. Bản thân tác giả những cuốn sách cũng như nhân vật của họ đều từ trường Tây mà ra nên sự giao tiếp bằng ngoại ngữ là điều bình thường. Mà không phải chỉ có họ, mọi công chức, nhân viên trong bộ máy cai trị đều bắt buộc phải sử dụng thông thạo 2 ngôn ngữ, Việt và Pháp. Chính vì vậy, dù tiếng Pháp chưa hề được nhà nước bảo hộ (tức chính quyền thực dân, nói theo cách của người cộng sản) chính thức coi là ngôn ngữ thứ 2 của xứ này nhưng nó đã được sử dụng phổ biến không khác gì ngôn ngữ thứ 2. Điều đó bắt nguồn từ việc thực sự tôn trọng ngoại ngữ, từ cách dạy và học, chứ không phải chỉ hô hào, nêu khẩu hiệu suông như mấy anh cộng sản.
Cũng có thể thấy sự khác nhau của hai nền giáo dục, hai cách đối xử với ngoại ngữ khi so sánh giáo dục xã hội chủ nghĩa với nền giáo dục của chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam. Tôi dám khẳng định, có tới 90% cử nhân (tốt nghiệp đại học) ở miền Bắc (trừ những trường chuyên ngữ) từ cuối thập niên 70 trở về trước mắc bệnh mù ngoại ngữ. Nói đâu xa, cả lớp tôi hơn trăm người, khi ra trường (năm 1976) chỉ vài anh thạo tiếng Nga, bập bõm tiếng Pháp. Một số rất ít thông thạo một ngoại ngữ sau khi ra trường bởi họ có năng khiếu đặc biệt về thứ này, hoặc cực kỳ thông minh, chẳng hạn Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Bích, Trần Ngọc Vương. Đám còn lại, nói tiếng Nga mỏi… tay, nghe thì hầu hết điếc đặc.
Trường đại học nào cũng dạy ngoại ngữ cho sinh viên, nhưng hình như chỉ cốt cho có, nên vốn liếng sinh viên thu nạp được thường chỉ để đọc - hiểu, dùng đọc vài tài liệu, cuốn sách nước ngoài lấy chút kiến thức bổ sung cho luận văn, chứ khoản nghe - nói thì chịu chết. Dạy thế nào thì nhận kết quả như thế. Ngược lại, khi tôi vào nhận công tác tại một trường trong Sài Gòn năm 1977, gần như giảng viên tại chỗ nào, dù dạy toán, lý, hóa, sinh… cũng đều thạo ngoại ngữ, không tiếng Anh thì tiếng Pháp, nói không cần huơ tay, nghe người nước ngoài phát biểu cứ thoải mái như không chứ chẳng ngẩn tò te đợi phiên dịch như đám “bên thắng cuộc” chúng tôi. Chúng tôi không ngượng bởi thầy hiệu trưởng phó tiến sĩ cũng dạng ngẩn tò te như mình, nhưng thâm tâm thấy xấu hổ với các đồng nghiệp của nền giáo dục thất trận. Một anh trong số đó, thầy Cung Bỉnh Duyệt thành thạo tới 2 ngoại ngữ, nói nghe đọc viết tiếng Anh và tiếng Pháp chả khác gì tiếng Việt. Tôi cũng đôi lần ngồi với các anh đồng nghiệp nghề báo (nghề thứ 2 của tôi, sau khi… mất dạy do đói quá phải nghỉ), chỉ hơn mình đôi ba tuổi, như bác Đoàn Khắc Xuyên, bác Lưu Đình Triều, bác Nam Đồng, bác Võ Như Lanh… thấy họ không chỉ giỏi nghề mà còn xuất sắc về ngoại ngữ, không bao giờ mình có thể theo kịp. Ngậm ngùi, mình cũng như nhiều thế hệ giống mình là thứ sản phẩm lỗi của một thời, chính xác hơn của một chính thể không chú trọng ngoại ngữ, hiểu tầm quan trọng của ngoại ngữ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Kỳ 1: https://www.facebook.com/search/top/…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét