Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

SCANDAL XÉT NGHIỆM TẠI BỆNH VIỆN XANH PÔN: CĂN NGUYÊN VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT!



Bài viết về thảm hoạ y tế bẻ đôi que xét nghiệm HIV ở bệnh viện Xanh Pôn mới đây từ tiến sỹ, bác sỹ ở Úc.
***
Tran Tuan
Bài dưới đây gốc viết trả lời phỏng vấn! Báo lề phải “cân nhắc” không đăng, mà chỉ muốn… "trích dẫn ý” cho vào các bài khác nhau!
Vậy đăng trọn trên lề dân cho rộng đường tham khảo!
Mong độc giả thông cảm chấp nhận cái sự "lê thê", bởi để làm rõ vấn đề hệ thống, không thể bám theo cách viết truyền thông xã hội "mỳ ăn liền"!
------------------
SCANDAL XÉT NGHIỆM TẠI BỆNH VIỆN XANH PÔN: CĂN NGUYÊN VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT!
Đang có những ý kiến nhiều chiều về chuyên môn và đạo đức của những người ở khoa xét nghiệm và bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong câu chuyện chẻ đôi que xét nghiệm HIV, viêm gan B, hoặc trộn lẫn 4 mẫu máu khác nhau xét nghiêm đồng thời và trả kết quả chung cho 4 người. Xuất hiện nhiều bài viết trong tuần qua mô tả cụ thể sự tình. Nhân sự liên đới và lãnh đạo khoa đã bị đình chỉ công tác để điều tra. Nhưng tôi thấy có trách nhiệm cần nhắc cho những ai quan tâm giải quyết vụ việc này cố gắng khách quan tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề.
ĐỪNG DỪNG Ở SAI PHẠM CÁ NHÂN!
Từ góc nhìn khoa học quản lý hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế, tôi cho rằng không nên dừng ở phạm vi sai sót cá nhân, hay nhóm, trong khoa xét nghiệm!. Đây là và phải là biểu hiện cụ thể của mặt trái chính sách đẩy hệ thống y tế công sang thương mại hóa, trong sự trì trệ của giới lãnh đạo ngành để tồn tại một môi trường quản lý hệ thống tùy tiện, thiếu vắng giám sát đánh giá chuyên môn độc lập, xem nhẹ quyền của bệnh nhân và yêu cầu khoa học chuyên môn, dung túng sự điều hành hệ thống hàng ngày không xử lý ngay và nghiêm khắc các vi phạm khoa học quản lý kinh tế lẫn khoa học quản lý chất lượng khám chữa bệnh. Tình trạng này xẩy ra từ nhiều năm rồi, nhưng tăng dần và nặng nhất trong khoảng chục năm trở lại đây. Việc cắt que thử, trộn mẫu máu… mà một số cá nhân trong khoa xét nghiệm của bệnh viện Xanh pôn tiến hành, không phải muốn làm “để lấy lơi ích kinh tế” hay “lợi ích nào khác” là có thể tự mình triển khai ngay được! Nó phải “lọt qua” một “hệ thống đa tầng, đa diện” từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài! “Sáng kiến” của họ hay của ai đi nữa, muốn đưa vào được trong thực hành hàng ngày tại bệnh viện, phải là phương thức “phù hợp với suy nghĩ” của người lãnh đạo hệ thống, phải là cách "chủ động kiểm soát được" thì “bộ phận quản lý hệ thống” mới "để tồn tại"! Còn không, tự tiện làm, tôi dám chắc chỉ trong vòng chưa đầy tuần là bị “đuổi việc”, không cần đến bất kỳ "phát hiện" nào từ bên ngoài hệ thống!
Tôi xem sự việc này chỉ là một trong nhiều chiêu thức “hoạt động kinh doanh” đã và đang tồn tại thành nếp trong hệ thống từ trên xuống dưới, được một bộ phận lãnh đạo xem là “thức thời” để rồi không hề có băn khoăn đạo đức” trong quản lý hành nghề y, “chấp nhận cho tồn tại” trong hệ thống y tế công với sự bảo lãnh của chính người lãnh đạo hệ thống, chừng nào còn chưa bị phát hiện. Hình thức “làm kinh tế ngụy khoa học” kiểu này tôi tin không phải chỉ có ở y tế công, mà cả tư, không chỉ ở thành phố Hà nội, mà còn diễn ra ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước.
Vậy căn nguyên nào "đẻ ra" cơ sự này?
BA CĂN NGUYÊN GỐC LÕI
Từ góc nhìn và phân tích trên, rõ ràng đây không phải là hiện tượng cá biệt! Càng không phải là vụ việc mà lãnh đạo bệnh viện, thậm chí lãnh đạo hệ thống (ngoài bệnh viện Xanh Pôn) không biết! Tại sao nhận định như thế? Bởi ba lý do.
THỨ NHẤT, bởi cơ sở khám chữa bệnh nói riêng và toàn hệ thống y tế công nói chung đã rời xa khát vọng “nhân đạo”, quay sang khát vọng làm “kinh tế”!
Chính sách “tự chủ tài chính” cho các cơ sở y tế công, bắt đầu bằng “Tự chủ một phần” trên dưới 20 năm rồi, và gần đây tăng tốc đẩy lên "tự chủ hoàn toàn”, thực chất là sự “thừa nhân pháp lý” cho các cơ sở này thực thi “kinh doanh” đúng nghĩa.
Đã đẩy y tế công sang “làm thương mai”, là đồng nghĩa với “khai tử” chức năng “nhân đạo, nhà thương”của các bệnh viện công trong “suy nghĩ” của những người hành nghề y tại các cơ sở này, dù ở bất kỳ thể chế chính trị xã hội nào. Hậu quả là, người quản lý cơ sở y tế công cùng đội ngũ nhân viên, khi nhìn vào bệnh nhân, họ mặc nhiên chuyển từ quan điểm “cứu giúp bệnh nhân” sang cách nhìn kinh tế “tăng nguồn thu” cho bản thân và cho cơ sở mình! Để rồi, họ sẽ “cùng nhau” điều hành và vận hành hệ thống theo nguyên lý “tăng thu, giảm chi, tạo dịch vụ có lãi, thúc đẩy người dân sử dụng "dịch vụ của mình" càng nhiều càng tốt Vụ việc ở khoa xét nghiệm Xanh Pôn điển hình cho hoạt động đảm bảo mục tiêu này. Họ đã tạo ra “sáng kiến” để “tiết kiệm tối đa” đầu vào, gồm “tiết kiêm” nguyên vật liệu sử dụng (bằng cách cắt đôi que thử), “tiết kiêm” thời gian, nhân lực để “tăng hiệu suất” làm việc (bằng cách trộn 4 mẫu máu vào làm để cho nhận định kết quả đồng thời cho 4 khách hàng), và cả tăng “nhu cầu sử dụng dịch vụ một cách tự động” mà khách hàng “không thể chối từ” (bởi nếu xét nghiêm dương tính, cả 4 người đều phải đi làm xét nghiệm lại, ít nhất là 1 lần nữa, nếu không nói là có thể còn nhiều hơn!).
Nhìn rộng ra, sẽ thấy rất nhiều các hình thức “làm kinh tế” cùng bản chất như sự việc này, tồn tại trong hệ thống khám chữa bệnh công thời gian qua. Chẳng hạn, “sáng kiến” tập trung một loạt bệnh nhân ngồi quanh cùng lúc để giáo sư, bác sĩ “tăng năng xuất" hỏi và chẩn bệnh! (tôi đã nghe kể, và sau đó đã "mục sở thị" ngay ở một khoa thuộc bệnh viện Bạch Mai); hay sáng kiến “in sẵn đơn thuốc với chẩn đoán bệnh cụ thể, bác sĩ đã ký” để điều dưỡng tự động thực hiện đảm bảo phòng khám luôn hoạt động khi bác sĩ vắng mặt (mà báo chí đã nêu từ mấy năm nay). Ngay cả trường hợp “nghiền thuốc thành gói bột” hoặc "không ghi tên thuốc" (mà chỉ ghi viên xanh, viên đỏ..) để bán cho bệnh nhân sau khi chẩn bệnh, hoặc sự gia tăng chót vót tỷ lệ “mổ lấy thai” ở khắp các tuyến bệnh viện, rồi “ dịch cắt bao quy đầu trẻ thơ”, hay “nhổ răng khôn dự phòng đại trà”, và thậm chí cả việc đưa “thuốc chữa bệnh ung thư” (dù tự sản xuất hay nhập khẩu như VN Pharma), vào hệ thống khám chữa bệnh công… thực chất, xét cho kỹ, cũng là chung dạng “sáng kiến” làm “kinh tế trong y tế Việt Nam thời nay”.
Hậu quả của chủ trương “tự chủ cho ngành y” hay thúc đẩy “hợp tác công tư trong y tế”, khi đi vào triển khai, khiến từng khoa phòng, từng cơ sở của mỗi bệnh viện, và toàn bộ hệ thống nhân sự từ nhân viên cho đến lãnh đạo bệnh viện. tất cả ngày ngày đều xoay quanh câu hỏi “cân bằng thu-chi” lời lãi đến đâu! Việc “khoán” nguồn thu tới từng bộ phận của bệnh viện không phải là câu chuyện lạ lẫm gì trong ngành y tế nhất là trong chục năm trở lại đây. Môi trường như thế, chắc chắn, là bệ đỡ cho những “sáng kiến” tăng thu, giảm chi, tích cực gây lãi (miễn là đi kèm với “không để bệnh nhân biết", không chấp nhận giám sát đánh giá độc lập, kiểm soát truyền thông chỉ nói chiều thuận) tồn tại và phát triển, bất chấp chuyên môn khoa học và đạo đức hành nghề y.
THỨ HAI, bởi hệ thống giám sát đánh giá chất lượng chuyên môn “chỉ đề làm vì”, và không loại trừ chủ trương là “can thiệp" hoặc "bật đèn xanh” từ trên xuống!
Nếu chỉ vì áp lực kinh tế đơn thuần, nếu chỉ chăm chăm cho mục tiêu “tiết kiệm” để tăng “có lãi”, vẫn không thể xuất hiện và “đưa vào thực tế hành nghề” các “sáng kiến” cắt que thử, trộn mẫu máu, kê đơn ký sẵn, tập hợp bệnh nhân khám chẩn bệnh hàng loạt, hay tuồn thuốc giả vào hệ thống thuốc thanh toán bảo hiểm khắp cả nước,... Bởi trong vận hành ngành y, đã tồn tại hệ thống giám sát đánh giá chất lượng rất khoa học, thành nếp bao năm nay, phối hợp đồng thời và song song cả “bên trong” (giao ban đầu giờ hàng ngày của từng khoa phòng và toàn bệnh viện) và “bên ngoài” cơ sở (hệ thống báo cáo thường xuyên và thanh kiểm tra định kỳ của riêng hệ thống y tế). Đi kèm hệ thống giám sát đánh giá độc lập- điều kiện bắt buộc ở các nước tôn trọng quyền bệnh nhân và quyền được bảo vệ của nhân viên y tế- và cơ chế giám sát đánh giá của khách hàng (chẳng hạn đường dây nóng phản ánh trực tiếp từ người dân). Không một thầy thuốc nào dám “phát minh” và “áp dụng sáng kiến tiết kiệm” như trên! Bởi chắc chắn họ biết, rất khó "qua mắt" được hệ thống giám sát đánh giá chất lượng nhiều tầng, nhiều lớp đã tồn tại từ khi có khái niệm hệ thống bệnh viện công ra đời, và “tự thân họ” cũng chẳng thể nào “cự cãi” được với khoa học một khi bị phát hiện: Vi phạm cả về chuyên môn và đạo đức là “rõ như ban ngày”! Cái giá phải trả là luôn luôn cực lớn so với lợi ích “sáng kiến đưa lại” cho cá nhân, khoa phòng!.
Nhưng họ dám làm, và thành “thường quy” giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ có thể bởi họ đã “mục sở thị”, có “bằng chứng thực tế” về sự “đồng lòng” của người lãnh đạo cũng như sự “bỏ qua” mang tính hệ thống từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới! Chưa kể, sự việc có thể phức tạp hơn, chẳng hạn, là một chủ trương từ trên, cố ý đưa vào, cho những mục tiêu khác nhau, cà trước mắt và lâu dài.
Mà một trong những "mục tiêu" tôi đã cảnh báo từ những lần phản biện hệ thống y tế trước đây, đấy chính là sự can thiệp của nhóm thủ lợi, tạo “scandal” cho y tế công, để thúc đẩy tiến trình “cải tổ” chuyển đổi y tế công sang dạng “tự chủ hoàn toàn” hay “công tư hợp tác”, mà thực chất là để “nuốt trọn” khối tài sản công một cách hợp pháp của nhóm thủ lợi này. Hãy suy nghĩ kỹ về những scandal hệ thống như câu chuyện "tai biến" tiêm chủng tới mức “chết trẻ” liên tiếp, đi kèm với tình trạng tạo sự “khan hiếm vacxin dịch vụ” đến độ khắc nghiệt, đẩy dân bồng bế trẻ bay ra nước ngoài tiêm chủng bất chấp giá cả… trong mấy năm trước đây, để rồi chuyện "yên tắp lự" khi xuất hiện nở rộ các “trung tâm tiêm chủng dịch vụ tư nhân” hoặc “công tư hợp tác” không bao lâu sau đó với cái giá "thị trường đưa ra" dân è cổ chịu.... Đấy cần được xem là những bằng chứng của việc “tạo tác động” nhằm “gỡ bỏ” lòng tin vào y tế công, chuẩn bị cho sự “dịch chuyển” khối “khách hàng” từ “công” sang “tư” hoặc “công tư hợp tác”, là chiêu thức để "làm giá" cho dịch vụ y tế tư nhân, y tế "theo yêu cầu"... Liêu bệnh viện Xanh Pôn với "câu chuyện xét nghiệm" này có nằm trong ý đồ “xẻ thịt” sâu xa đó hay không, rất cần sự đánh giá khoa học, độc lập, vì dân.
CĂN NGUYÊN SÂU XA THỨ BA: Đã tồn tại và ngày càng phát triển thứ văn hóa quản lý tùy tiện, yếu kém chuyên môn, không lấy khoa học dẫn đường trong toàn hệ thống!
Hai yếu tố trước, mới chỉ là “điều kiện cần”, chưa đủ để làm nên những câu chuyện “scandal” y tế trong mấy năm qua, bao gồm cả vừa phát hiện ở Xanh Pôn tuần trước. Phải có thêm điều kiện “đủ”! Đấy là sự tuyển chọn nhân sự vào các vị trí quản lý hệ thống, thuận lợi và phù hợp cho việc duy trì thứ “văn hóa” quản lý tùy tiện, yếu kém chuyên môn, bất chấp khoa học, và “vị tiền” đúng nghĩa.
Ở cấp độ vi mô tại một cơ sở dịch vụ cụ thể, có thể xem phát biểu của ông bệnh viện trưởng bệnh viên Xanh Pôn là điển hình cho văn hóa quản lý tùy tiện và yếu kém, phi khoa học, khi ông giải thích về sự việc cắt qua thử và trộn lẫn mẫu máu của 4 bệnh nhân trong thường quy xét nghiệm ở cơ sở của bệnh viện. Ông xem như “chuyện không có gì phải làm ầm ĩ thế” về mặt chuyện môn; và về mặt quản lý, trong cương vị giám đốc, ông không thấy “áy náy” đạo đức, không thấy gì là “phi khoa học” , không “ăn năn” gì về trách nhiệm bản thân! Và hành động của ông, lập tức được "hậu ủng" từ một số "cán bộ chuyên môn" trong bệnh viện!
Ở cấp độ vĩ mô, thì phải có sự tồn tại của một số nhân sự “quên khoa học, vì tiền” ở vào vị trí “trọng yếu” trong quá trình làm luật và chính sách! Để rồi luật khám bệnh chữa bệnh không bao giờ cho phép giám sát đánh giá độc lập tồn tại, không cho hình thành một hệ thống thanh kiểm tra chuyên môn khoa học khách quan, không tồn tại một cơ chế hệ thống tài chính bệnh viện công "minh bạch và giải trình trách nhiệm" .. Bởi nếu hình thành và tồn tại những chính sách như vậy, họ và "cộng sự đường dây" của họ, chắc chắn sẽ không có vị trí trong quản lý hệ thống.
TỪ CĂN NGUYÊN ĐẾN ĐINH HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Các scandal trong ngành y khi bị phát hiện, hàng chục năm qua vẫn một lối mòn giải quyết! Đấy là tìm cách xử lý cho mục tiêu "làm êm dư luận", dưới cái tên mỹ miều "xử lý khủng hoảng truyền thông"! Tôi chưa thấy một vụ việc lớn nào, được giải quyết theo trình tự khoa học: Điều tra khách quan, phân tích làm rõ căn nguyên. và dựa vào đó thực hiện giải quyết dứt điểm ở tầm quản lý toàn hệ thống!
Vi thế, dù rất đau lòng nhưng tôi không ngạc nhiên khi biết chuyện xẩy ra ở bệnh viện Xanh Pôn. Bởi như đã nói, ba căn nguyên nêu trên tồn tại mang tính hệ thống nhiều năm, đang tạo thành vòng xoắn “đẻ” ra rất nhiều “scandal”, và còn "tiếp tục đẻ" không có điểm dừng! Nếu có giám sát đánh giá độc lập thực sự được thực thi ở đất nước này, tôi tin đã và sẽ xuất hiện trên truyền thông nhiều câu chuyện cả ở y tế công và tư, đau lòng như hoặc hơn cả “xét nghiệm Xanh Pôn".
Quay lưng với lối mòn giải quyết cũ, là yêu cầu chiến lược đặt ra lúc này, và phải được "chủ động, toàn tâm toàn ý" đặt ra ở người lãnh đạo hệ thống!
CƠ HỘI ĐEM LẠI VÀ HÀNH ĐỘNG CẦN THIẾT
Cần thấy điểm “tích cực” đưa lại từ việc phát hiện scandal Xanh Pôn vào thời điểm này! Bởi chưa bao giờ, ngành y tế có được cơ hội cao để “xoay” hệ thống “y tế thương mại” trở lại mục tiêu "nhân đạo hàng đầu" như bây giờ!
Đấy là, đã có nhân sự “ĐỦ CƠ” để tạo ra lực đẩy cho toàn ngành y tế rẽ sang ngả nhân đạo cùng chuyển đổi căn bản cấu trúc hệ thống và cấu trúc chức năng của ngành y- Phó Thủ Tướng phụ trách khối văn-xã-khoa học kỹ thuật Vũ Đức Đam, đang "biệt phái lâm thời bộ trưởng” Bộ Y tế!
.
Scandal Xanh Pôn là bằng chứng mạnh mẽ, nói lên thực trạng đạo đức và chuyên môn của ngành y hiện tại. Đây chính là “cơ hội vàng” giúp PTT kiêm Bộ Trưởng Bộ Y tế có được "thực tế khách quan" làm “chỗ dựa” vững chắc lật toàn bộ các ý kiến muốn duy trì hệ thống “y tế thương mại” hiện hành!
Kể từ khi PTT Đam “mất lòng tin với báo cáo của ngành y tế” phải tự thân “vi hành” tìm hiểu câu chuyện trẻ chết vì dịch sởi ở bệnh viện nhi Trung ương (2014), xuyên suốt đến thời điểm này, sự cải thiện của ngành y tế thực chất chỉ là bề ngoài, phía “không chuyên môn”, để phục vụ chủ yếu “tăng lợi ích cho nhóm đầu tư kinh doanh sức khoẻ”! Còn "cải thiện " cho mục tiêu “nhân đạo bảo vệ sức khoẻ cộng đồng” cơ bản chẳng được bao nhiêu, nếu không nói, sự “cải thiện” đó còn đang làm trầm trọng hơn tình trạng “chữa bệnh thêm họa”, làm gia tăng “khốc liệt hơn” chi phí y tế cả từ ngân khố quốc gia và tiền túi bệnh nhân. Câu chuyện Xanh Pôn, đã “bật sáng như ban ngày” mối hiểm họa đích thực cả về sức khoẻ và kinh tế, cho cả người dân và cộng đồng! Đau đớn thay, hiểm họa đến từ chính “hệ thống khám chữa bệnh công", một bằng chứng của "chữa bệnh thêm họa" mà tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi phải "ưu tiên đẩy lùi" nếu muốn thực hiện mục tiêu "phổ cập chăm sóc sức khỏe"! Chính vì "tin" theo báo cáo của lãnh đạo ngành y tế, nguồn thuế của dân qua ngả ngân sách nhà nước, cùng với tiền túi của dân gián tiếp qua bảo hiểm y tế hay trực tiếp "tiền tươi" khi sử dụng dịch vụ, cứ tiếp tục đổ vào "mô hình công tư hợp tác- oẳn tà roằn" để nhận được kết quả báo cáo tới "90% hài lòng", chẳng bao giờ biết thực chất hiểm họa đang sinh sôi từng ngày từng giờ trong công tác khám chữa bệnh!
Câu chuyện "sáng kiến xét nghiệm Xanh Pôn" khiến các thế lực thúc đẩy “tự chủ hoàn toàn cơ sở y tế công” hay phát triển mô hình “công tư hợp tác- PPP” trong bộ Y tế, trong chính phủ, trong Đảng và Quốc hội, thực sự thêm “rất khó ăn, khó nói”! Trừ trường hợp “tâm thế phi nhân bản” lớn tới mức không còn chút liêm sỉ!
Bởi vậy, nếu khai thác tốt “câu chuyện Xanh Pôn”, hoàn toàn PTT kiêm bộ trưởng Y tế Vũ Đức Đam cùng khối “vì khoa học, vì dân” trong chính phủ, trong Đảng, trong Quốc hội và cả một bộ phận cán bộ công nhân viên y tế có tâm, sẽ “giành được thế trên cơ” trước phái “thủ lợi” hoành hành bao năm qua, để thực hiện sự can thiệp cơ bản dưới đây, chuyển hệ thống “ y tế thương mại” trở lại đường ray “y tế nhân đạo bởi dân, do dân, vì dân dẫn đường bởi khoa học nhân bản”!
Hướng giải quyết về cơ bản bám theo “3 căn nguyên gốc” nêu trên:
1. Kiên quyết “nói không” với “chuyển đổi y tế công theo hướng thương mại hóa”! Giải pháp chiến lược là: Xây dựng một thị trường chăm sóc y tế định hướng nhân đạo hàng đầu, có đủ 3 thành phần: Y tế Công, Y tế Tư, Y tế ngoài nhà nước nhân đạo, phi lợi nhuận. Chấm dứt tình trạng “công tư lẫn lộn”, chấm dứt “tự chủ hoàn toàn cho y tế công”, chấm dứt “xây dựng mô hình công-tư hợp tác” (đọc thêm bài: Tư nhân hóa, thương mại hóa Y tế công "gây đau đớn cho toàn xã hội". (Tìm ở đây: http://vnmedia.vn/…/tu-nhan-hoa-thuong-mai-hoa-y-te-cong-g…/. Hoặc: http://ncdvn.org/tu-nhan-hoa-thuong-mai-hoa-y-te-cong.../).
2. Toàn bộ hệ thống cơ sở y tế công, bệnh viện công hiện hành được cải tổ theo hướng: (1) chuyển đổi về cơ bản sang thành chủ thể y tế ngoài nhà nước, nhân đạo, phi lợi nhuận. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng “công tư hợp tác” mà thực chất là “oẳn tà roằn công tư lẫn lộn”. (2) giữ lại một số bệnh viên công đầu ngành, thực hiện cải tổ quản lý cả về nhân sự, tài chính, quy trình giám sát đánh giá chất lượng (số lượng bao nhiêu, phụ thuộc và năng lực tài chính cho ngành y sau khi cải tổ ngân sách nhà nước cho y tế công- nêu ở ý 5 dưới đây).
3. Tạo hành lang pháp lý cho giám sát đánh giá chuyên môn độc lập (thông qua sửa đổi luật khám bệnh, chữa bệnh thành “luật hành nghề y”, theo hướng công nhận sự tồn tại của 3 chủ thể cung cấp dịch vụ y tế công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận; đi kèm với sự tồn tại và thực thi của hệ thống giám sát đánh giá chất lượng đảm bảo khoa học, độc lập, phi lợi nhuận).
4. Tạo cơ sở pháp lý thực hiện minh bạch tài chính và giải trình trách nhiệm cho cơ sở y tế công; thực hiện giám sát đánh giá độc lập chất lượng chuyên môn đồng bộ cho cả công, tư, phi lợi nhuận, tiến hành bởi hệ thống khoa học độc lập ngoài nhà nước, phi lợi nhuận.
5. Tạo lại ngân sách y tế quốc gia theo hướng minh bạch và giải trình trách nhiệm. Trong đó: (1) nguồn từ bảo hiểm y tế xã hội: --> Cải tổ theo hướng tính đúng, tính đủ cho gói dịch vụ y tế cơ bản theo khoa học quản lý bảo hiểm y tế (cân bằng quỹ) và thực hiện việc cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản ở cả 3 chủ thể (công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận); (2) nguồn từ ngân sách nhà nước: --> Ngoài đảm bảo mức % GDP chi tiêu cho y tế theo WHO khuyến cáo, thực hiện tăng thêm ngân sách cho y tế, lấy từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của các măt hàng tiêu dùng có mâu thuẫn với lợi ích sức khoẻ đạt mức khuyến cáo bởi WHO ( như amiang, thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, hóa chất cấm dùng trong nông nghiệp, công nghiệp, nguồn thải ô nhiễm công nghiệp…). Nguồn ngân sách sau khi gia tăng, được lấy làm cơ sở để hoạch định chiến lược giữ lại đến mức độ nào bệnh viện công chủ chốt, còn lại giải phóng cho chủ thể y tế ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận.
6. Định hướng chuyển đổi hệ thống y tế bám sát theo các khuyến cáo của WHO, và lấy mô hình y tế trong kinh tế thị trường của các nước bắc âu làm gương. Không theo mô hình y tế của Mỹ.
7. Nhân sự lãnh đạo ngành y tế và lãnh đạo các cơ sở y tế công phải chọn lựa theo hướng “vì dân, do dân, bởi dân”, thực hiện công khai minh bạch tài sản trước, trong và sau khi lên nắm quyền.
Khi thực thi tốt các khuyến cáo này, "xét nghiệm Xanh Pôn" cùng bao "sáng kiến" tương tự trong y tế tự khắc lui! Y tế công thực sự trở lại bộ mặt vốn có và phải có: Y tế nhân đạo trong nền kinh tế thị trường!
Tôi vẫn tin, PTT Vũ Đức Đam đang có cơ hội lớn trong tay để cải tổ cơ bản ngành y lúc này. Bởi lòng dân đang mong! Xu thế quốc tế đang đi theo hướng đẩy mạnh y tế nhân đạo chăm sóc phổ cập cho toàn dân! Và quan trọng không kém, bởi hệ thống thông tin truyền thông lúc này, cả mạng xã hội và chính thống, rất thuận tiện cho việc phát hiện các nhóm thủ lợi rắp tâm đưa y tế đi vào thương mại- Mà thương mại hóa y tế công, "gây đau đớn cho toàn xã hội"!
16/12/2019
Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét