Vể vụ Đồng Tâm, mình rất ấn tượng với những bài viết của nhà văn Tạ Duy Anh (Lao Ta), nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà văn Văn Chinh, nhà văn HaPham Phu, nhà văn Phạm Thanh Khương (Lù Pò Khương), nhà văn Vũ Hữu Sự và một tài khoản là Dương Quốc Chính (mình không biết là ai) vv.... Họ là những người nhiều trải nghiệm, nên những điều họ viết sâu sắc và rung nhịp của trái tim con người.
Về sự rạn vỡ XH vì vụ Đồng Tâm, cũng nhiều người viết. Mình cũng muốn viết, nhưng trong lúc chưa viết được, thì share bài của anh Hùng “cụ” - một đồng nghiệp cùng cơ quan cũ để mọi người đọc. Vì bài viết rất khách quan, khách quan từ cách dùng đại từ với cụ Kình và rất con người.
Hằng Thanh
***
15 tháng 1 /2020
KÍNH CHIẾU YÊU
Kể từ 30/4/1975 đến giờ, tôi chưa thấy có một vụ việc nào gây phân hoá, chia rẽ, đối lập trong dư luận xã hội ta như vụ Đồng Tâm.
Từ trong bữa cơm gia đình chồng bênh bên này, vợ con ủng hộ bên kia, tới MXH dàn quân 2 chiến tuyến bàn phím (ko kể bên thứ 3 "im lặng đáng sợ"), một rừng "đao búa súng gươm" được đôi bên tuốt ra khua lẻng xẻng lạnh người. Từ các cuộc bàn luận đầy suy tư và bức xúc quanh bàn trà của các cụ lão thành tới truyền thông chính thống đầy áp đảo trong thế thượng phong với những bài báo, bản tin của các “ký giả - quan toà”. Từ những thì thầm nhỏ to bí hiểm của giới thạo tin, tới sự quang quác chém gió của những kẻ dân chủ cực đoan quốc nội và hải ngoại. Từ sự cuồng nộ đến cuồng loạn, hiếu thắng đến thô lỗ vô học của các DLV trên MXH tới sự ngậm ngùi sụt sịt của các nhà dân tuý mụ mị, sến sẩm và bi lụy. Tất cả, vì thế, vô hình trung, đã biến vụ Đồng Tâm thực sự trở thành "đỉnh cao" chưa từng có của sự phân tâm, phân hoá trong đời sống xã hội trong nhiều thập kỷ qua ở nước ta.
Bức tường rào hơn nghìn mét chiều dài bảo vệ sân bay Miếu Môn chưa kịp xây xong vững chắc, thì đã hiện ra "vực thẳm" có chiều sâu hàng triệu mét trong tâm tư, suy nghĩ của hàng triệu người Việt với nhau. Muốn hay không, cái vực thẳm vô hình ấy cũng đã làm lung lay thêm niềm tin và sự ổn định xã hội, tạo thêm một khoảng cách đáng tiếc (nếu ko muốn nói là đáng sợ) và không bao giờ đáng có giữa chính quyền với dân chúng, tạo ra mối xung đột giữa các luồng ý kiến và quan điểm, giữa các tâm trạng và cảm xúc, giữa các suy nghĩ giấu kín ấp ủ trong lòng và các phát ngôn đăng đàn dõng dạc, giữa các luồng nhận định, đánh giá về vụ việc Đồng Tâm, bất chấp đúng sai, cần mình thắng chứ không quan tâm tới chân lý và sự thật.
Sáng nay 16/1, Bộ CA tổ chức lễ tang trọng thể đưa tiễn 3 liệt sĩ - 3 cán bộ CA hi sinh trong khi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh và trật tự xã hội. Cách đây 3 hôm, gia đình và bà con làng xóm cũng đã tiễn đưa cụ Kình về thế giới bên kia.
Khi 4 chiếc nắp ván thiên đã đóng lại, tôi tự nhủ lòng mình, và mong sao tất cả mọi người cũng thế, hãy để cho 3 liệt sĩ và cụ Kình an nghỉ. Xin đừng ai cứ xoáy mãi vào một nỗi đau mà xét cho cùng, nói như nhà thơ Xô-viết K. Xi-mô-nốp, là "nỗi đau này chẳng phải của riêng ai". Xin đừng luận bàn, tranh cãi về sự đúng sai, tốt xấu, về nguyên nhân, hậu quả, về mặt phải, mặt trái của vụ việc nữa. Tất cả từ nay nên bình tĩnh, im lặng để Luật pháp và Công lý lên tiếng, mà đại diện Hiến định của nó là Tòa án nhân danh Nước CHXHCN VN.
Tôi không dám triết lý cao xa rằng dân là nước, chính quyền là thuyền rồi nước lật thuyền nọ kia. Tôi cũng không muốn ví von quân là cá và dân là nước rồi cá không có nước thì cá chết khô. Tôi chỉ nghĩ nôm na, như ông lão nông dưới quê anh bạn tôi, vùng đất Vũ Đại nổi tiếng về nghề kho cá bán khắp cả nước. Ông rít hơi thuốc lào khét lẹt rồi dụi cái đóm đang cháy vào sàn gạch, chờ cho những tàn lửa đóm đã biến thành tro, mới thong thả thủ thỉ nói với tôi và anh bạn, bên bếp lửa hồng củi reo lách tách đang cùng lúc đun hàng trăm niêu cá theo đơn đặt hàng ăn Tết Kỷ Tỵ, rằng chính quyền và dân, trong vụ Đồng Tâm, giống như người chồng và người vợ trong một gia đình. Người chồng là cái vung, người vợ là cái nồi. Cái nồi dùng mãi rồi cũng có ngày vung không còn đậy được khít nồi, thì cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, cá chẳng nhừ xương, khi ấy bữa cơm hay hoá trận cãi nhau, khi ấy tổ ấm sẽ hoá tổ lạnh, tan vỡ gia đình là điều khó tránh. Có điều, nước mình dân ta giờ sống theo Hiến pháp và Pháp luật, có tan vỡ thì vợ chồng cũng phải cùng đưa nhau ra Ủy ban xã, Tòa án Huyện mà đâm cái đơn ly dị, rồi được bỏ nhau hay không, ai đúng ai sai, ai nuôi con ai không, tài sản nhà cửa đất đai của nổi của chìm chia chác phân định thế nào, còn phải trông chờ Tòa phán xử chứ ...
Trở lại cái tít của stt này. Trong những ngày xảy ra vụ Đồng Tâm, trong nỗi xót xa tôi nhận ra một điều, chính sự hi sinh của các cán bộ CA và cái chết của cụ Kình đã vô tình tạo nên một chiếc KÍNH CHIẾU YÊU thần thánh, giúp tôi (và tôi tin có không ít người giống tôi) nhận ra tâm địa thật của rất nhiều bộ mặt giả tạo đang sống quanh mình. Đó có lẽ là, trớ trêu thay, đau đớn thay, lại là một trong những điều quý giá mà sự hi sinh của các anh và cái chết của Cụ để lại cho những người còn được sống và đang sống như tôi và các bạn.
Nếu không có chiếc KÍNH CHIẾU YÊU đó, rất có thể , tôi và không ít bạn, vẫn sẽ đặt nhầm niềm tin, sự yêu quý và cả lòng kính trọng vào họ - một số không nhỏ trong những người của cả 2 phía - mà tôi nhầm tưởng là có đủ bộ óc tỉnh táo của một CÔNG DÂN và trái tim nhân hậu của một CON NGƯỜI.
Cụ Kình giờ đã nằm sâu dưới lòng đất quê mình. 3 liệt sĩ -3 cán bộ CA hi sinh giờ này cũng đang rời dương thế đi vào cõi Vĩnh hằng! Đất Đồng Sềnh hay Miếu Môn vẫn còn nguyên đó, không mất đi một mét vuông nào. Nhưng, chúng ta, dù vô tình hay hữu ý, dù nhỡ để trái tim lên đầu hay đánh rơi bộ óc xuống dưới chân, trong suốt những ngày qua kể từ cái sáng định mệnh mồng 9 tháng Giêng Dương lịch ấy, chính chúng ta đã làm mất đi biết bao điều cần gìn giữ - những điều mà không có chúng, niềm tin và sự đồng thuận, sự thật và công lý, pháp luật và tự do sẽ mãi mãi chỉ là ước mơ, thậm chí là ảo vọng, với tôi và bạn, với tất cả chúng ta, với cả trăm triệu người dân Việt trên dải đất chữ S bi hùng này�
Hung Vu
"Xin đừng luận bàn, tranh cãi về sự đúng sai, tốt xấu, về nguyên nhân, hậu quả, về mặt phải, mặt trái của vụ việc nữa. Tất cả từ nay nên bình tĩnh, im lặng để Luật pháp và Công lý lên tiếng, mà đại diện Hiến định của nó là Tòa án nhân danh Nước CHXHCN VN."
Trả lờiXóaNhưng ai cũng biết Công Lý ở Việt Nam là một diễn viên hài nổi tiếng
"Xin đừng luận bàn, tranh cãi về sự đúng sai, tốt xấu, về nguyên nhân, hậu quả, về mặt phải, mặt trái của vụ việc nữa. Tất cả từ nay nên bình tĩnh, im lặng để Luật pháp và Công lý lên tiếng, mà đại diện Hiến định của nó là Tòa án nhân danh Nước CHXHCN VN."
Trả lờiXóaNhưng ai cũng biết rằng Công Lý ở Việt Nam là một diễn viên hài nổi tiếng ạ .