Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

BA NGƯỜI BẠN LÍNH (PHẦN CUỐI)


Trận đánh cuối cùng mà chúng tôi bên nhau là trận đánh mở đường vào Sài gòn ngày 29/4 ở cầu Bông. Mấy đêm trước, tôi và Minh cùng Ngô Thịnh bò 2 lần vào đồn Tân Phú Trung để xác định hướng bắn cho hoả lực tiểu đoàn, rồi lại bò cầu Bông với trinh sát của E198 . Ngày hôm sau, bộ binh đánh từ sáng sớm tới gần trưa vẫn không vào được đồn ấp Chợ. Hoả lực trống trải không ngóc lên mà phát huy tác dụng. Mặc dù không phải nhiệm vụ của mình, nó lao ra trận địa 12,7 li nâng khẩu súng của một tử sĩ vừa gục xuống bắn sối xả. Vừa bắn vừa la to, xông lên nhanh lên, vừa chửi những thằng nhát gan nằm bẹp dưới ruộng. Rồi hu hu khóc gỡ tay người bạn đã chết bên khẩu súng nóng bỏng. 30/4/75 cái ngày huy hoàng của bọn tôi ở Saigon, tiểu đội lạc mất Minh. Nó đâu có lạc. Nó một mình một súng chui vào dinh Độc lập từ lúc xe tăng ta lao vào cổng. Kệ, mọi chuyện sảy ra xung quanh, nó chui lên mò xuống mọi xó sỉnh rồi ra bến Bạch Đằng. Đêm 30/4 phải đến 11 giờ nó mới tìm về tiểu đội. Nó bảo nó đưa hết những gói lương khô cho đám tàn binh. Nó còn kiếm được cả tiền Trần Hưng Đạo, nó cũng cho bọn ấy để tìm đường về quê. Hắn trầm ngâm, chúng nó cũng tội. Cái thằng đánh nhau thì ác liệt thế mà lại thương hại kẻ thù. Tôi băn khoăn, hay nó hữu khuynh tư tưởng.

Rồi những ngày huy hoàng trôi nhanh. Cả tôi và nó đều thay đổi đơn vị. Minh về làm B trưởng bộ binh. Tôi lên trung đoàn viết lách chừng 3 tháng rồi ra bắc. Trước khi đi, về đại đội thăm nó, nó cười khanh khách chạy ra hàng rào nhặt vào cái túi mìn clêmo đầy đất. Nó phủi đất nhăn nhở, tặng mày, mày về đeo đi học ( nó coi mình học đại học giống như trường làng chắc?). Thế mà cái túi ấy bây giờ trở thành vật sót lại duy nhất của tôi về những ngày chiến đấu. Vài năm sau khi chia tay nhau, Minh lại bị thương ở chiến trường Tây Nam. Nghe nói Minh ra quân với một bộ răng giả.

Cho tới 25 năm sau, một buổi chiều run rủi, nó tìm đến tôi. Bảo vệ cơ quan vào báo cho tôi có ông lái xe tải nào đó cứ đòi gặp chú để thanh toán. Quái lạ, việc thanh toán là của kế toán sao lại đòi gặp tôi. Chắc có gì khuất tất mắc mớ đây. Minh vào, đứng lừng lững, trân trố nhìn tôi rồi lắc đầu, mày gầy quá, khổ quá hả. Hai đứa nghẹn ngào sau bao năm xa cách, rồi nó rút ra cái ống nhòm Mỹ cũ rích. Tao trả lại mày, tao lấy của mày từ hồi 75 bây giờ trả về chủ cũ. Trời ơi,  hoá ra nó bảo thanh toán là thanh toán cái ống nhòm mà nó đã lấy của tôi từ hồi tôi rời trinh sát lên  trung đoàn. Nó còn bảo, ngày mai nó đi Thanh Hoá. Đi để thanh toán mấy thứ còn nợ mấy thằng quê ở Thạch Thành. Nợ đời thì nhiều lắm mày ơi, trả bao giờ hết. Minh bảo trả được bao nhiêu cố mà trả. Chỉ có nợ những thằng chết thì mới không trả không đền được thôi, còn thì trả được cả đấy. Đừng có ăn quỵt cuộc đời mày ạ.

 Chắc Minh nói  đúng. Với bạn bè đã hi sinh thì không trả nợ được, còn thì tôi ăn quyt bạn tôi nhiều.                                                         
  Sắp tết 2007
    
Binhyen1960: em chờ ngóng mỏi cả cổ để được xem cho hết 3 người bạn của bác thế nào?  Người bạn thứ nhất: Bác Kim Bằng, "hận thù" lớn quá, chỉ muốn nhân ở cuộc chiến đó tìm thấy ánh hào quang cho mình để khẳng định cái TÔI trước những người không đáng để họ sáng mắt ra. Vì muốn sớm để "khẳng định" nên đã dẫn đến hành động sai và sai một ly đi một dặm.
  "Hết rồi, chấm dứt rồi, sạch sẽ hết mọi thứ rồi ... ối cha mẹ ơi."  Vâng, hết thật, chẳng còn gì nữa thật. Nhưng dù sao thì em cũng ghi nhận, anh Kim Bằng ấy là người lính sống sôi nổi và là người dũng cảm, dũng cảm cả ở hành động cuối cùng với 10 cái kíp nổ số 8 ấy, chỉ có điều mục đích mà anh ấy cố gắng tìm kiếm để đạt được thì "lệch lạc". Dẫu sao thì đó cũng là số phận một người lính.

 Người bạn thứ hai: Anh Nhớn.
  Một người ít học thiếu văn hóa nhưng lại có cái hoàn cảnh cùng đời sống giống như bao người lính khác và sang đến thế hệ lính như em sau này vẫn hay gặp trong đơn vị, sống tình cảm hết lòng vì đồng đội cùng luôn cố gắng học hỏi ở những gì mình không có điều kiện học trước kia và thường là những người khá thông minh, nhanh nhậy. Bản chất thật thà đối với những người như vậy thì thường cái tôi luôn đứng sau người khác bởi tình cảm của anh ấy "Nhớn" hơn dành cho mọi người. Những người như vậy thường chỉ có vốn sống và kinh nghiệm thực tế khó có tầm phát triển rộng bởi ít chữ, nếu chúng ta chứng minh được khả năng để họ thấy nể phục thì niềm tin đó ở trong họ mang theo đến hết đời. Biết đâu giờ này cũng có một anh Nhớn nào đó ở Hưng Nhân, Thái Bình đang mơ màng nhớ lại một thằng bạn nguyentrongluan nào đó những năm tháng chiến trường Tây Nguyên cùng đầy vơi kỷ niệm.

 Người bạn thứ ba: Anh Minh.
 Một người bạn dám chia mạng sống của mình cùng với đồng đội nếu gặp khăn, lính tụi em sau này gọi loại lính này là "Lính dám chơi dám chịu", vào trận với loại lính này có thể yên tâm ít nhất nếu bỏ chạy họ cũng không quên gọi mình. Anh Minh này trình độ văn hóa không nhiều nhưng lại có cái nhìn khá tổng thể về cuộc chiến, biết sót xa trước nỗi khổ đau của nhân dân đồng bào, kể cả với những "người thua cuộc", ở thời điểm 30.4.1975 không nhiều những người có cái nhìn sâu rộng được như vậy.
 Về tổng thể thì anh Minh này có được tất cả những đức tính tốt đẹp nhất của cả 2 anh trên cộng lại khi còn là lính. Lớp lính đàn em sau này trên chiến trường K cũng được mấy anh loại lính này dìu dắt truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu nhiều.
 Lính thì muôn hình muôn vẻ, nhiều trường phái tính cách khác nhau, có người đáng để anh em nhớ mãi suốt đời và cũng có cả những người chán chả buồn nhìn mặt nếu cứ thù lâu nhớ dai. Quan niệm của em về những người đồng đội cũ thế này: Nếu như chúng ta cứ sống mãi với những quá khứ không đáng nhớ về họ mãi cũng khiến tâm trí mình nặng nề. Nên thôi, cứ cởi lòng mình ra và hãy nhớ về anh em cũ với những gì tốt đẹp nhất của họ thì mình sẽ thấy thanh thản hơn.  

 Cám ơn bác nguyentrongluan với ký ức về ba người bạn lính Tây Nguyên của bác rất hay, em đọc mà như đang được nghe chính bác thủ thỉ kể chuyện về đồng đội của mình vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét