Bây giờ đi tìm mãi cái áo như cái áo ngày xưa không được. Tôi ân hận một thì vợ tôi ân hận hai. Vợ tôi bảo, sao ngày ấy yêu em rồi mà anh không vay tiền của em mà lại đi bán cái áo đó đi. ( đời nào lại thế ... ). Còn bạn tôi, Sỹ chỉ thở dài bảo chúng mình khổ quá.
Hai mươi lăm năm ám ảnh vì tấm áo đó, lại mười năm nay day dứt đi kiếm một cái áo y chang để giữ làm kỉ niệm không được. Tôi và Sỹ vẫn buồn, dù huyễn hoặc mình thế nào chăng nữa cũng vẫn buồn.
Anh Trần văn Bàn sinh năm 1948, hơn bọn tôi 4 tuổi. Vào đơn vị tôi từ năm 68. Lũ lính sinh viên tụi tôi nhìn các anh Mậu Thân như những người anh hùng trong phim Liên xô. Anh Bàn cũng coi chúng tôi như như đứa em nhỏ. Anh bảo, chúng mày bằng thằng em tao ở nhà , nhưng nhà tao nghèo nó chả được học hành như chúng mày. Hành quân anh mang hộ cả cuốc sẻng. Có lần anh mang hộ Sỹ một bọc toàn sách vở thư từ. Anh lẩm bẩm, mẹ kiếp toàn thư tình, bao nhiêu con mà nặng thế ? Dừng chân ở đâu là anh ca cóng đến tài. Cái ăng gô của anh đen nhẻm. Bọn tôi khoái, vừa húp bát canh chua của anh nấu vừa gọi “cụ Bàn “. Cụ Bàn hay tàng trữ thuốc rê đồng bào. Cụ Bàn lúc nào cũng có mì chính. Cụ Bàn có gói đường bé bằng bao diêm đứa nào ốm cụ Bàn vê cho một cục uống cho lại sức. Đêm trú quân anh kể, nhà anh ở thị trấn Trới. Khiếp tên gì mà xấu thế. Anh lườm. Tên thì có gì mà xấu chỉ có người tốt người xấu thôi.
Hết chiến dịch này chiến dịch khác. Anh bảo chỉ mong sau này về, mặc quần áo thật oách đi hỏi vợ, bọn con gái thị trấn không còn chê Bàn quần đùi nữa. Anh sẽ đi làm kiếm tiền để chữa mắt loà cho mẹ anh.
Tôi nghĩ chắc ngày ở nhà anh hay mặc quần đùi, nhà nghèo quá nên anh hiếm được mặc quần dài đi học. Nhưng im không hỏi.
Một hôm, nhân lúc anh đi vắng Sỹ lấy cái bi đông Trung quốc của anh khắc mấy chữ “Bàn quần đùi”. Khi về, anh thấy vậy buồn lắm. Chiều anh ra suối lấy cát đánh sạch bong cái bi đông ngồi thẫn thờ nhìn cái thác nước lẫn những chiếc lá trôi vùn vụt. Hôm sau thằng Sỹ lấy mũi dao chữa lại thành “Bàn quân đội” thế là anh tươi hẳn. Mấy thằng C24 nhìn nhau mà ân hận.
Mùa xuân năm 1975. Chiến trận cuốn đi như lũ. Từ Buôn Hồ, Ban mê Thuột chúng tôi đánh lên Cheo reo rồi tràn ra Tuy Hoà. Sư đoàn lại ào ào tiến về đánh Củ Chi. Đêm 28 tháng tư bẩy lăm, chúng tôi đánh vào Tân Phú Trung cách Sài gòn chưa đầy 25 cây số. Đất cứng quá đào hầm từ nửa đêm tới sáng được cái hố đến đầu gối. Phía Đồng Dù pháo bắn dữ dội. Gần trưa ngày 29/4/75 tàn quân địch tháo chạy từ Đồng Dù tràn cả vào phẫu C24 đông như vịt đàn chạy sang đường. Anh Bàn và Sỹ ngồi chung hầm. Anh đẩy Sỹ ra phía sau, hai anh em kéo thêm đống rơm kê làm bệ bắn. Hầm nông quá, người cứ nhấp nha nhấp nhổm. Anh thét, Sỹ mày bắn đằng sau, tao bắn phía ngoài đồng. Cát tút AK văng vào nhau lại rơi vào chân bỏng rấy. Một quả cối nổ gần mảnh bay rào rào. Sỹ nhắm mắt lại thì nghe anh nói “ thôi mờ đời rồi “ . Anh ngửa người đè vào Sỹ, ngực áo thấm tý máu bằng hạt ngô. Anh Bàn chết ngay lúc ấy trên tay Sỹ. Tiếng gọi mẹ nhỏ như tiếng nấc. Đặt anh xuống hầm Sỹ ôm súng bắn lia bắn lịa. Địch chạy dạt ra ngoài đồng.
Rồi trận đánh tan. Chúng tôi lại ào ào tiến vào thành phố cùng với F10. Sỹ ngẩn ngơ để anh ở lại cho các mẹ Tân Phú Trung và C25 vận tải chôn cất rồi chạy theo đơn vị. Trước khi đi, Sỹ mở ba lô của anh lấy ra một caí áo gọi là Môngtơghi cộc tay màu mận chín. Chắc anh nhặt đâu đó trên đường vì vẫn còn vết bẩn. Sỹ bảo tôi, giữ làm kỉ niệm của anh.
Dọc đường tiến vào Hốc môn tôi nhớ lại hồi đánh trên đường số 7 có lúc anh bảo, tụi mày đeo kính râm làm quái gì, đội mũ giải phóng đeo kính râm trông như bộ đội giả, nhặt những cái quần áo tươm tất nay mai về mặc đi học. Sau hôm ấy tôi và Sỹ không đứa nào tàng trữ và đeo kính râm nữa. Tôi biết cuốn "Thi nhân tiền chiến" trong ba lô của Sỹ cũng là anh Bàn lượm cho lúc đánh vào thị xã Tuy hoà.
Chúng tôi về. Để lại sau lưng bốn năm đời lính chiến biết bao vui buồn, hào hùng mà cũng đầy nhọc nhằn khốn khổ. Để lại sau lưng mình bao kỉ niệm và những nấm mồ đồng đội nơi núi sâu đồng vắng. Mọi nỗi mất còn đơn giản như cái ba lô nhẹ tênh của chúng tôi ngày lên xe ra bắc.
Sỹ vào đại học quân y năm thứ tư. Tôi cũng thế, vào học tiếp năm thứ 3 đại học Cơ điện. Chiến tranh như đã xa lắc tự bao giờ bởi thay vào nỗi nhớ là đồ án là bài vở và cuộc sống nghèo như nước lã của sinh viên. Hàng tuần hai đứa vẫn tìm về với nhau. Chỉ có lúc ấy, ngồi ôn lại những ngày đã qua mà rưng rưng nhớ rừng, nhớ đồng đội. Hai đứa giở cái áo của anh Bàn mà tưởng như anh lại ngồi đâu đây, tưởng như lúc anh nhìn Sỹ rồi tắt thở trên cánh đồng Tân Phú Trung ngày cuối cùng của cuộc chiến ba mươi năm. Anh Bàn ơi, sẽ chẳng bao giờ anh còn đựơc mặc cái áo thật đẹp này đi hỏi vợ nữa. Các cô gái phố Trới sẽ chỉ mãi nhớ anh là anh Bàn quần đùi thôi.
Một chiều mưa ở khu nhà cấp bốn đại học Quân y trong Hà Đông tôi và Sỹ ngồi thật lâu bên tấm áo ấy.
Thế mà cả hai đứa tôi đều mụ mị, đều sai lầm để phải ân hận tới bây giờ.
Năm 1978 tôi làm tốt nghiệp đại học. Hồi ấy tôi được 31 đồng phụ cấp bộ đội xuất ngũ. Mọi thứ chỉ vừa đủ ăn. Còn học, còn giấy vẽ, tài liệu ... tuốt tuột không trông vào đâu. Tôi đã bán cả tăng, cả võng bộ đội thậm chí cả đôi dép nhựa Tiền phong là thứ đồ thời trang ngày ấy của Sinh viên. Sắp đến ngày bảo vệ đồ án, giấy bút nợ nần tùm lum. Sỹ thương tôi quá. Một chiều nó gọi tôi vào Hà Đông, ngắc ngứ mãi rồi nó bảo, hay mày bán cái áo của anh Bàn đi mà lo thi cử, chắc anh ấy cũng thông cảm và thương cho tụi mình thôi. Và, cái quyết định này đúng hay sai chả biết. Tôi cầm cái áo ra về lòng nặng chĩu. Sỹ đứng nhìn bịn rịn như chia tay một người bạn đi xa.
Tôi đạp xe theo con đường 70 qua Văn Điển lồi lõm ổ gà. Chiếc xe nặng như muốn chừng lại. Tôi đi giữa cánh đồng ngoại ô mà cứ như mình đang hành quân năm nào, đầu óc lơ mơ, ngưòi như nửa chìm nửa nổi trên mặt nước hồ. Tôi bán cái áo ấy cho một bác thợ may trên đường. Cái quán may ấy ngay đầu con đường đi xuống nhà thờ làng Tám. Bây giờ nơi đó sừng sững một cái khách sạn mang tên một loài hoa ngay mặt đường Giải phóng rẽ vào làng Tám. Người thợ may trả cho tôi những 60 mươi đồng vừa đúng tháng lương kĩ sư ngày đó. Thế là tôi trang trải đủ nợ nần và có tiền lo xong kì thi tốt nghiệp đại học.
Tôi ra trường. Đi làm. Lấy vợ, đẻ con, lang thang ở nhờ ở thuê, rồi con lớn có nhà cửa, chốc đã hơn hai mươi năm. Trong hai mươi năm đó, ít khi nhớ lại chuyện bán áo của anh Bàn. Cứ như là việc đương nhiên phải thế. Cái lí của người sống cứ vin vào sự bận rộn đời người để quên đi người đã chết.
Nhưng sự thật thì không thế như thế mãi. Đến năm 2002. khi nhà tôi đã đàng hoàng cao rộng thì nỗi dằn vặt bỗng trở về. Đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy anh Bàn, thấy cái áo mầu mận chín tôi đã đưa cho ông thợ may trên đầu phố Tám từ hai mươi năm trước. Có đêm rõ ràng tôi nghe thấy anh Bàn hỏi, mày làm kĩ sư lương có khá không? Liệu liệu đừng để con cái hư hỏng nhé. Hôm sau lên viện lao TW, tôi kể lại với Sỹ. Sỹ khuyên tôi đừng nghĩ ngợi quá mà trầm cảm. Nhưng chính nó cũng thở dài buồn rượi.
Suốt những ngày sau đó tôi vẫn cứ mơ về cái áo. Cứ thấy anh hiện ra khắc khổ mà bao dung.
Rồi một sáng tháng mười năm 2003 tôi mua hai vé máy bay, hai vợ chồng vào Củ Chi tìm mộ anh Bàn. Cánh đồng Tân Phú ngày nào giờ vẫn là những ruộng dưa, những dặng bầu trâm ngút ngát. Cái bụi tre chỗ anh Bàn trúng đạn nay già cọc cằn nham nhở đứng đó. Những nấm mồ đồng đội tôi ngày ấy đã qui tập về An Nhơn Tây, gần đền bến Dược. Chúng tôi lại lên An Nhơn Tây. Mười ngàn ngôi mộ lặng lẽ nằm bên bờ sống Sài Gòn ngút gió bạt ngàn màu xanh. May mắn cho vợ chồng tôi nhờ các anh chị quản trang dẫn lối chúng tôi tìm được khu mộ liệt sĩ của sư đoàn 320. Thật không thể nói hết mừng vui khi chúng tôi tìm thấy mộ anh Bàn bên bao nhiêu đồng đội cũ. Những cái tên ghi trên mộ chí đều thân thuộc mà gần ba mươi năm sau mới gọi nên lời.
Trưa nắng. Ve kêu ran ran trên cây. Gió ngàn ngạt thổi. Ở nghĩa trang liệt sĩ đến nắng cũng xanh, gió cũng xanh. Sông Sài gòn đầy lục bình, xanh cả mặt sông, giống hệt như ngày cuối tháng tư 1975 chúng tôi đã ém quân nơi này. Anh Bàn ơi, em về thắp hương cho anh đây, Sỹ nó đi vắng chỉ có vợ chồng em về với anh thôi. Tôi đặt lên mộ anh gói thuốc lào, bông hoa cúc vàng mua dưới chợ Tân Quy, cả bộ quần áo đồ hàng mã mang từ Hà Nội. Tiếng ve vẫn rối bời như một thủa đánh nhau mùa khô trên Tây Nguyên, như thấy anh Bàn ca cóng cặm cụi, thương mấy thằng đàn em chúng tôi đang hiện về. Nghẹn ngào, kể cho anh nghe, rằng nhờ cái áo của anh, em thi tốt nghiệp đại học, rằng bây giờ em đã trưởng thành, vợ con đề huề rằng ... chúng em còn nợ đời lắm lắm.
Trưa ấy, nghĩa trang Củ Chi vắng lặng. Vợ chồng tôi nép vào nhau cúi đầu khấn trước mộ anh. Tôi thấy trong mình như thoát ra một tiếng động từ lồng ngực mà bấy lâu đè nén cõi lòng. Quanh tôi những nén hương thắp trên mộ những người bạn cùng sư đoàn thơm rưng rức, nắng nhuộm những sợi khói thành màu xanh bay lên rất thẳng.
Mấy năm nay, hai đứa tôi bảo nhau tìm mua một cái áo giống như thế để giữ làm kỷ niệm kiểu như kỷ niệm vọng. Thế mà cũng khó. Thời ấy xa rồi, bây gìơ quần áo vải côtông, kiểu cách khác lắm, tìm đâu ra mẫu áo của bốn mươi năm về trước.
Cuối năm 2005 cả tôi và Sỹ lại trở về Củ Chi. Chúng tôi mắc võng nằm ngủ đêm ở An Nhơn Tây, bên vạt rừng bờ sông Sài gòn nơi chúng tôi đã nằm hai ngày chờ giờ xuất kích đánh vào Thành phố. Nằm trong hương đồng Củ chi, đêm tanh ngái mùi bùn và cỏ, lại nghe tiếng bìm bịp kêu. Tiếng “ bíp bìm bịp ...” như trôi theo dòng nước đầy những cụm lục bình và cá quẫy tom tỏm, như có anh Bàn và những đồng đội đang ngồi bên rì rầm trò chuyện, lập loè đốm thuốc lá chia nhau. Lại chợt nghe thấy tiếng gọi mẹ của anh lúc anh tắt thở. Chúng tôi lặng lẽ soi mình về mấy mươi năm trước, thấy mình đã từng làm anh buồn, thấy mình vô tâm với anh, thấy nhỏ bé với anh với những người bạn không được trở về. Trong đầu chúng tôi hiện lên cả một trung đoàn thời đạn bom ác liệt, một đội hình có anh Bàn, cả cái áo kỉ vật của anh, vẫn hình dung rõ trên cái áo đó có đặc điểm gì dấu vết gì. Chúng tôi mang nỗi day dứt đó đến bây giờ. Tấm áo ấy là kỷ vật, mà kỷ vật thì không mua được.
Anh Bàn ơi, tha lỗi cho chúng em.
Nguyễn Trọng Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét