Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

CÓ MỘT LÃO KHOA KHÔNG PHẢI NHÀ THƠ



Gia đình hạnh phúc của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Anh Khoa nhà tôi thường đùa: "Khi mình đi bộ đội thì vợ mình mới bắt đầu vào nhà trẻ". Sau này  quen nhau, yêu nhau và quyết định chung sống với nhau, tôi vẫn tin rằng số phận đã đưa chúng tôi đến với nhau.
-Có thể nói, quanh nhà thơ Trần Đăng Khoa có quá nhiều chuyện. Chuyện thật cũng có mà chuyện bịa đặt, đồn thổi cũng nhiều. Ông hay bị lấy ra làm "mồi" mua vui cho mấy tờ báo muốn “câu khách”. Ngay cả việc ông cưới vợ, sinh con cũng làm dư luận xôn xao. Trò chuyện với phóng viên hóng chuyện, TĐK vẫn xuề xoà nguyên chất quê kiểng. Ông hoàn toàn là con người của đời thường bình dị. Bàn mãi những chuyện to tát cũng mệt. Tuần này ta hoàn toàn giải trí nhé. Nghĩa là ta chỉ bàn những chuyện vặt vãnh, linh tinh. Câu hỏi thứ nhất: Ông có bao giờ cảm thấy bực bội trước những lời đồn thổi, nhiều khi rất thất thiệt về mình không?
- Đã là lời đồn thì có gì mà phải bực bội. Vì nó là những chuyện ở ngoài mình. Tôi đã quen những chuyện như thế từ khi còn nhỏ. Trước đây 50 năm, bác Mạnh Sinh ở số nhà 75 phố Đông Kinh thị xã Lạng Sơn tìm đến nhà tôi, sau khi đã thành người thân thiết, bác mới tiết lộ rằng, thực tình, bác lặn lội vượt cả một chặng đường xa đến, cũng chỉ muốn biết xem có thực là TĐK có đuôi như người ta nói không? Sau này khi về Lạng Sơn, bác lại nghe người ta bảo TĐK đã chết. Thế là bác lại gửi về nhà tôi câu đối và mấy bài thơ khóc rất ai oán. Hồi ấy, tôi đã có một bài thơ vui nói về những chuyện đồn này. Bây giờ mình đã thành lão già khú đế rồi, nhưng đâu đã thoát được những lời đồn đại. Nhiều khi chẳng phải lời đồn, mà là chuyện đăng báo hẳn hoi kia. Rồi cả những bài phỏng vấn, nhiều khi tôi chẳng biết người phỏng vấn là ai cả. Có người nghe tôi nói chuyện ở đâu đó, chuyện nói về vấn đề này, nhưng họ lại cấy ghép giữa cái nọ với cái kia, thế là lại thành ra một nội dung khác, nhiều khi chẳng đâu vào với đâu. Có người nhại y như là giọng TĐK. Thế mà cũng tít mù bao chuyện. Nào khoe nhuận bút Tết. Nào sắm điện thoại di động để "giải quyết khâu oai". Rồi chuyện buôn khăn quàng đỏ, chuyện mua "xi líp" tặng chị em. Khiếp, nghe cứ ghê cả răng!
-Ông không nói lại à?
- Không! Chuyện tầm phào ấy mà. Bản thân những người viết cũng không ác ý. Họ chỉ muốn vui thôi...
- Nhưng sẽ có những người hiểu lầm...
- Cũng không sao cả. Những ai tiếp xúc thực sự với mình, hoặc đọc mình một cách nghiêm túc thì mình tin là họ sẽ hiểu...
- Nếu thế thì ông sẽ bị thiệt thòi đấy. Vì không phải ai cũng hiểu TĐK đâu. Ông quen "chịu đựng" đã đành. Thế còn bà ấy? Vợ ông phản ứng ra sao?
- Cũng may là bà vợ mình chẳng bao giờ quan tâm đến những chuyện ấy. Nếu vợ mình để ý đến những lời đồn thổi thì chắc chẳng bao giờ bà ấy dám lấy mình...
- Cũng có lời đồn rằng, hình như TĐK lấy vợ chỉ là hình thức...
- Đấy cũng lại lời đồn rồi. Lấy vợ lấy chồng là chuyện lớn. Chuyện cả một đời, chuyện rất nghiêm túc, sao lại là “hình thức” được..
-Này, hỏi thật nhé, ông không phải như lời đồn thổi. Vậy tại sao ông lấy vợ muộn thế?
- Không phải tôi lấy vợ muộn, mà vợ tôi … muộn lấy tôi đấy chứ. Nếu bà ấy lấy tôi sớm thì tôi lại vi phạm luật ... hôn nhân.
- Ông lại đùa rồi…
- Sao lại đùa. Mình nói nghiêm túc đấy chứ. Mình vốn là gã cầu toàn. Thông thường, người ta xây dựng gia đình rồi mới lo sắm mọi thứ. Còn mình thì chuẩn bị đầy đủ rồi mới lấy vợ. Từ mua nhà, sắm các đồ dùng, đến cả những cái li ti, như ống tăm, cái kẹp tỏi, rồi giẻ rửa bát. Sắm hết mọi thứ đầy đủ rồi mới lo đến việc cuối cùng là …“sắm vợ” ...
- Hình như đấy là cách ứng xử của … người già ...
- Đúng đúng! (Cười) Mình đã thành lão già từ khi còn bé tý. Hình như mình không có tuổi trẻ. Mình chưa bao giờ trẻ...
-Thế nghĩa là ông không yêu?
- Có chứ. Nhưng tôi yêu theo kiểu... người già. Sao bạn lại cười. Đừng tưởng người già thì không còn tình yêu nhé. Cụ già mà ...ít tuổi thì yêu kinh lắm đấy. Nhưng đó là tình yêu không phiêu lưu. Nói đúng ra thì đó là một thứ tình yêu tẻ nhạt.
- Ông là một nhà thơ luôn được bạn đọc yêu mến, trong đó có không ít các cô gái...
- Chính vì thế mà tôi rất sợ...
- Sợ gì?
- Sợ người ta chỉ yêu một cái ông nhà thơ nào đó, chứ không phải yêu lão già Trần Đăng Khoa dở hơi ở ngoài đời
- Thế có nghĩa là ông không phải là nhà thơ...
- Đúng quá. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là nhà thơ, dù tôi làm thơ từ bé. Tôi hoàn toàn không biết mơ mộng. Tôi chỉ là người bình thường của cuộc sống đời thường. Có lẽ vợ tôi chọn tôi cũng vì thế. Bà ấy lấy một người lính, chứ không lấy một nhà thơ...
-Kể ra, làm một nhà thơ cũng thú vị chứ!
- Đúng! Rất thú vị. Tôi vô cùng kính trọng các nhà thơ. Tuy nhiên, nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, hay Tiến sĩ, Viện sĩ ... hoặc gì gì đi nữa ... Tất cả những danh hiệu ấy đều rất sang trọng. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa đối với người đang yêu, còn khi đã có một gia đình rồi thì tất cả những hư danh ấy lại trở thành những gánh nặng không cần thiết. Lúc đó chỉ còn trần sì một đức ông chồng. Ông chồng ấy phải là trung tâm đoàn kết, người điều tiết mọi mối quan hệ trong cả một cộng đồng gia đình rộng lớn, bao gồm gia đình mình, gia đình hai bên nội ngoại. Rồi ông chồng ấy lại phải biết làm ra đồng tiền để nuôi vợ con. Nghĩa là hàng trăm thứ việc. Toàn là những việc không phải thơ, không liên quan gì đến thơ ...
- Có ng¬ười bảo: Người đàn ông 50 tuổi, 60 tuổi Trần Đăng Khoa chỉ là cái bóng mờ của cậu bé con 8 tuổi Trần Đăng Khoa ngày xưa. Ông nghĩ như thế nào về nhận xét này?
- Chẳng ai yêu TĐK bằng tôi và cũng chẳng có ai ghét lão Khoa bằng tôi. Chính vì thế mà tôi rất hiểu ... bố con lão. Tôi có thể thành thật nói với bạn rằng, chẳng bao giờ lão già TĐK lại là cái bóng mờ của thằng bé con TĐK, mà phải ngược lại mới đúng. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, đừng lấy trẻ con làm thước đo người lớn, vì nó rất phản khoa học. Muốn so sánh phải so cùng cấp độ. Không ai so ki lô mét với ki lô gam. So cậu Khoa phải so cùng bạn bè trang lứa với cậu, là những tác giả nhí nổi tiếng thời ấy, như Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng kiên, Chu Hồng Quý ..., hoặc nới rộng hơn, so cậu với mấy thi sĩ thuộc bậc đàn anh của cậu, là những tác giả cùng nổi tiếng thời ấy, xem bây giờ họ sống và viết ra sao. Chứ sao lại so sánh giữa trẻ con với người lớn, như cô bé 8 tuổi với một người phụ nữ đã trưởng thành. Chưa nói đến những điều cao siêu, chỉ riêng cái ai cũng nhìn thấy ngay, là cơ thể đã hoàn toàn khác nhau rồi. Nếu lấy cô bé 8 tuổi làm thước đo thì sẽ thấy người phụ nữ vô lý đùng đùng. Bởi trước kia sao nó nhẵn nhụi phẳng phiu thế, mà bây giờ thì lại gồ ghề lồi lõm thế. Đúng là một cơ thể có bệnh u buớu rồi. Đâu ngờ, chính những đường nét gồ ghề "bệnh tật" ấy lại chính là vẻ đẹp mê hồn của họ, làm cho giới mày râu mê mẩn. Nếu không tin, bạn cứ thử đi hỏi giới mày râu và cả những con yêu râu xanh xem (cười tủm tỉm)..
- Nếu tự cho điểm, với tư cách một người yêu và một ông bố thì anh sẽ cho mình mấy điểm và vì sao?
- Tôi là một người yêu tồi, nhưng lại là một người chồng và một ông bố tuyệt vời. Nói đến người chồng hay nói đến một ông bố là nói đến lòng yêu thương vợ con với những trách nhiệm rất cụ thể. Còn yêu đương dẫu sao vẫn nghiêng về phía lãng mạn. Như đã nói. Tôi không phải kẻ mơ mộng và không nói nổi những lời "có cánh", vì chưa kịp nói thì mình đã ngượng rồi. Hồi còn ở Hải quân, phòng của tôi ở ngay bên cạnh đường, cách mỗi bức tường. Bên kia tường là nơi trai gái ôm nhau. Tôi có đóng chặt cửa lại thì lời của họ cũng cứ rót đầy oắc vào tai. Khổ lắm. Nhiều khi tôi chỉ muốn kêu lên: "Nhạt lắm! Rởm lắm. Giả lắm. Cho thêm muối vào". Cô em gái tôi mắng: " Ông anh biết gì mà nhạt hay mặn. Nó nói với nhau bằng mật mã đấy chứ. Ông anh làm gì có chìa khoá yêu mà giải mã được, mà biết được là nó tuyệt diệu như thế nào. Phải rất hay thì người ta mới đứng được với nhau đến 2, 3 giờ đêm chứ. Ông anh thì vừa già, vừa cũ, già từ lúc còn trẻ con. Đã thế lại cứ khoắng mũi vào chuyện riêng của người ta. Dơ!"
- Ông có hài lòng với cuộc sống hiện nay? Ông có tự thấy mình là người hạnh phúc?
- Tôi sống rất đơn giản. Không nghiện ngập bất cứ một thứ gì. Quyền chức, tiền bạc, rượu bia, trà thuốc, tôi đều dửng dưng. Nếu tôi ham mê quyền chức thì tôi không bao giờ lao vào những việc trái tai, gai mắt, nhưng lại rất nhạy cảm mà giới quyền chức thường họ lảng tránh. Đối với tôi, đến cả danh tiếng cũng chỉ là hão huyền và vớ vẩn. Nhu cầu của tôi rất thấp. Sống thế nào cũng được. Ăn thế nào cũng xong. Món ăn ngon nhất đối với tôi là món mẹ tôi vẫn nấu cho tôi hồi còn đói khổ. Vài ngọn lang luộc. Một khúc cá kho. Bát canh mồng tơi rau đay. Thế là lão đã thoả mãn "bần cố" rồi. Bởi thế, tôi rất bằng lòng với những gì mình có.
- Hiện nay ông đang cộng tác với những tờ báo nào? Ông phân phối thời gian làm việc ra sao cho báo chí cũng như cho văn học.
- Nói thực với bạn là tôi cộng tác với rất nhiều báo. Báo ngày. Báo tuần rồi báo tháng. Cũng vì nể bạn bè mà làm thôi. Làm cho vui chứ tuyệt nhiên không phải vì mục đích kinh tế. Những tờ báo tôi cộng tác thường xuyên, đều là những tờ báo rất nghèo. Tôi vốn có tính cả nể. Cũng may mà giời cho tôi làm đàn ông, chứ nếu là đàn bà thì không khéo quanh năm, tôi nằm bệnh viện phụ sản (tủm tỉm cười)
- Cộng tác với nhiều báo như thế thì anh viết văn làm thơ vào lúc nào?
-Tôi chỉ viết từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, khi vợ con vẫn còn ngủ. Ngày nào cũng thế. Mưa cũng như nắng. Ngày dưng cũng như ngày Tết. Đi công tác đâu, tôi cũng vác theo cái máy tính xách tay, để vẫn giữ thói quen lao động theo kiểu trâu bò. Còn giờ hành chính thì tôi làm các công việc cơ quan, đọc sách, tiếp xúc với bạn bè và viết báo vặt
-Ông có bao giờ đọc thơ cho vợ nghe không?
- Ối giời ơi! Ai lại mang thơ ra đọc cho vợ? Đấy là một việc làm kinh khủng, bệnh hoạn mà tôi không thể hình dung được.
- Thế hàng ngày, vợ chồng ông bàn chuyện gì?
- Chúng tôi chỉ bàn những việc rất cụ thể của bếp núc gia đình, như việc chăm lo cho bố mẹ già hai bên nội ngoại. Rồi việc nuôi dạy con thế nào cho tốt. Chúng tôi chỉ quan tâm nhất đến những chuyện đó thôi...
-Nếu cần nhận xét về vợ mình thì anh nói sao?
-Vợ tôi là người rất chỉn chu. Cô ấy chẳng có khát vọng gì cao siêu cả. Chính vì thế mà chúng tôi sống rất yên ổn và hạnh phúc. Sợ nhất bà vợ chỉ mê tiền, lại cứ thích chồng làm quan to. Kinh lắm. Hãi lắm!
- Xin cảm ơn ông
HÀ XUYÊN ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét