Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

BÍ QUYẾT HƯNG THỊNH SUỐT 800 NĂM CỦA MỘT GIA TỘC

 


“Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, đây là câu danh ngôn của vị tể tướng tên là Phạm Trọng Yêm, đó cũng là phương châm của rất nhiều những trí thức từ xưa đến nay.
Phạm Trọng Yêm xuất thân rất nghèo, lúc còn trẻ ông vô cùng khốn khó, cuộc sống khó khăn gian khổ, nghĩ thầm rằng mai sau nếu có thể hơn người, nhất định phải cứu tế những người nghèo khó. Sau này làm tới chức Tể Tướng, liền đem bổng lộc lấy ra để mua ruộng đất, cấp cho những người nghèo không có ruộng để cày cấy và trồng trọt.
Lúc còn trẻ khi đi học Phạm Trọng Yêm không có gì để ăn. Ở trong chùa miếu học bài, mỗi một ngày nấu một nồi cháo (bây giờ chúng ta gọi là cháo loãng), chia bát cháo thành bốn phần, để mỗi bữa ăn một phần, ông đã từng có một cuộc sống nghèo khổ như thế.
Sau này khi thành danh, làm Tể Tướng, dưới một người trên vạn người. Ông vẫn còn gìn giữ được lối sống tiết kiệm khi còn là một cậu học trò nghèo lúc trước, không có sự thay đổi đáng kể, chỉ là điều chỉnh ở mức độ nhỏ.
Có một lần ông mua một ngôi nhà ở Tô Châu, có một thầy phong thủy ra sức khen ngợi ngôi nhà này, phong thủy thật là tốt, đời sau nhất định làm đến tam công cửu khanh. Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm, nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế không bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để cho muôn dân trăm họ Tô Châu từ sau có thể vào đây mà học. Tương lai những thế hệ sau này đều có người tài đức, có danh vọng và vinh hiển, chẳng phải là càng có lợi đó sao? Vậy là ngay lập tức ông đem ngôi nhà của mình quyên góp, sửa sang thành học đường. Thực hiện điều ước ấp ủ từ lâu cho những trẻ em nghèo khổ có thể được đi học.
Ông có bổng lộc khá cao, liền nghĩ đến rất nhiều người vẫn còn đang nghèo khó. Quyết định đem bổng lộc ấy của mình để cứu tế cho những người nghèo. Nhìn vào tiểu sử của ông, ông đã từng nuôi sống hơn ba trăm gia đình, do đó với phần còn lại, ông ấy chỉ có thể đủ sống mà thôi. Nếu như đã rất giàu có và sung túc, liệu bạn có nghĩ tới việc nuôi sống thêm ba trăm gia đình nữa không?

Không lâu sau đó bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm đã trưởng thành, đều thông minh phi phàm và tài đức vẹn toàn, được làm quan tới Tể Tướng, tam công cửu khanh, thị lang, con cháu Phạm gia cũng đều vinh hiển và có đức có tài, kéo dài không dứt, đến tận bây giờ thì đã hơn 800 năm rồi. Thế hệ đời sau của dòng họ Phạm gia vẫn luôn thịnh vượng như xưa. Phạm Trọng Yêm thiện tâm vì người không cầu phúc lợi, mà hy sinh lợi ích của mình, công đức đó thì không thể nào lường được. Mà hồi báo cho con cháu Phạm gia toàn phúc lộc, đúng là Phạm Trọng Yêm khi đó đã phó xuất gấp hàng chục lần, hàng trăm lần mới được như thế.

Phạm Trọng Yêm đã không hề tư lợi, phát đi tấm lòng tốt nhiều vô cùng, 800 năm qua đã không ngừng đơm hoa kết trái, hành động vô tư đó làm con cháu muôn đời phúc lợi, trở thành kiểu mẫu trong việc hành thiện, người thế nhân kính trọng và ca tụng không thôi.
Phạm Trọng Yêm thông qua lời nói và việc làm mẫu mực, đã dạy cho con cái làm người phải biết sửa mình để có một tấm lòng chí công vô tư, tích đức hành thiện. Một lần, Phạm Trọng Yêm để cho con trai thứ hai của mình Phạm Thuần Nhân vận chuyển lúa mì từ Tô Châu đi qua Tứ Xuyên. Phạm Thuần Nhân gặp một người quen tên Thạch Mạn Khanh, biết anh ta đang để tang phụ thân, lại không có tiền vận chuyển quan tài về quê hương, liền để lại toàn bộ một thuyền lúa mì đưa cho Thạch Mạn Khanh, giúp cho anh ta có thể trở về nhà. Phạm Thuần Nhân về đến nhà, không có cách nào nhìn mặt cha mà báo cáo kết quả nhiệm vụ của mình, cho nên anh đã đứng thật lâu ở bên cạnh cha mình, không dám nói tới chuyện này.
Phạm Trọng Yêm hỏi con: “Trên đường về con có gặp được bằng hữu nào ở Tô Châu hay không?” Phạm Thuần Nhân trả lời: “Dạ trên đường về, con có gặp Thạch Mạn Khanh, bởi vì người thân của anh ta vừa qua đời, mà anh ta thì không có tiền trở về quê…” Phạm Trọng Yêm lập tức nói rằng: “Tại sao con không đem toàn bộ lúa mì trên thuyền đưa cho anh ta chứ?” Phạm Thuần Nhân trả lời: “Con đã đưa cho anh ta rồi ạ”. Phạm Trọng Yêm nghe xong, liền cảm thấy rất vui mừng với cách hành xử của con trai mình, qua đó khen ngợi việc làm của con mình là đúng.
Tục ngữ có câu: Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ. Nhưng dòng họ Phạm lại thịnh vượng trong suốt 800 năm! Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm cũng đều tài đức vẹn toàn, làm Tể Tướng và đại quan trong triều. Nhà họ Phạm mãi về sau cho đến những năm đầu Dân Quốc cũng đều không suy. Có một bí mật mà con cháu của nhà họ Phạm không bao giờ quên “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” cùng với “Tích đức làm việc thiện” là những lời giáo huấn của tổ tiên.
Sách《Kinh Dịch》viết rằng:
“Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh”(nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc), là ý nói nhà nào hành thiện thì nhất định sẽ luôn có những điều tốt đẹp đang chờ đợi. Có thể thấy được phúc phận trong cuộc sống là từ đâu đến? Phúc phận là do đã tu sửa, chỉ có tích đức làm việc thiện mới có thể cải biến được số phận của mình.
Hậu duệ của ông mãi cho đến những năm đầu Dân Quốc cũng đều không suy, đây là do ông đã bồi dưỡng đức hạnh qua thời gian rất dài, mới gìn giữ được cho con cháu trường tồn đến như vậy. Trong lịch sử những người có đại tài đại phúc, thứ nhất là Khổng Tử, thứ hai là Phạm Trọng Yêm, về sau cũng có không nhiều dòng họ có người đại đức như thế.
Cho nên, vì lợi ích cho các thế hệ sau này, những việc làm tốt của Phạm Trọng Yêm rất có giá trị để chúng ta noi theo.
Từ đó có thể thấy, bỏ ác theo thiện, tích công lấy đức, đó mới là điều quan trọng của đời người, là việc hệ trọng nhất.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét