Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

CHIẾN TRANH

 


Qua giờ nhìn tấm hình này cứ ngẩn ngơ nhớ câu thơ của anh Nguyễn Duy:
"Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
Giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A. Q. túm tóc Chí Phèo
Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua..."
Kể từ tháng 2-2009, khi báo SGTT đăng bài "Biên Giới Tháng Hai" - bài viết đầu tiên về cuộc chiến 1979 trên báo chính thống tính từ "Hội nghị Thành Đô" - cuộc chiến tranh này, cũng như tội ác của quân Trung Quốc đã thường xuyên được nhắc lại. Từ đó, không ít những người chỉ hiên ngang trước bàn phím cũng đã được coi như những "anh hùng chống Tàu".
Tìm một nhà lãnh đạo thắp ngọn lửa chống ngoại xâm, nhất là ngọn lửa chống ngoại xâm từ Trung Quốc trong một dân tộc như Việt Nam là điều không khó. Tìm một nhà lãnh đạo tránh cho dân tộc này những cuộc chiến tranh thì "kim ở đáy biển" còn dễ kiếm hơn.
Trung Quốc đã kề vai sát cánh bên cạnh các nhà lãnh đạo chủ chiến của Việt Nam (cả tiền mặt, của cải và nhân lực). Không phải họ giúp Việt Nam mà họ muốn những người cộng sản Việt Nam giữ biên giới chiến tranh ở sông Bến Hải. Cú bắt tay 1972 giữa Nixon và Mao đánh một dấu mốc làm thay đổi bản đồ chiến tranh cả "lạnh" và súng đạn. Cú bắt tay đó chứa đựng cả sự phản bội (Washington phản bội Sài Gòn, Bắc Kinh phản bội Hà Nội) và một nước đi chiến lược.
Cả Hà Nội và Sài Gòn đều chỉ nhìn thấy khía cạnh "phản bội" mà không nhìn thấy nước đi chiến lược. Cuộc gặp đó khiến Mỹ buông hẳn miền Nam và Trung Quốc thì cũng không còn lo giới tuyến chiến tranh gần hơn về phía Bắc.
Chúng ta chưa bao giờ đặt câu hỏi, nếu vào năm 1972, những người cộng sản Việt Nam mà đủ tầm nhìn thời cuộc, để vừa tranh thủ thống nhất Bắc - Nam, vừa dự cảm được một thế giới sắp đổi thay để ứng xử với thế giới (bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc) không phải bằng tư duy "hai phe" mà bằng tư duy tìm thấy cơ hội của dân tộc mình ở đâu, thì liệu có dẫn đến cuộc chiến tranh năm 1979.
Hà Nội đã đặt mối quan hệ của mình với Bắc Kinh (trước 1972) và Moscow trong tình anh em ý thức hệ. Cũng vì ý thức hệ được diễn đạt trong cụm từ "tinh thần quốc tế vô sản", người Việt đã tốn không biết bao nhiêu xương máu đưa Khmer Đỏ lên cầm quyền, cũng như đã đưa Hun Sen lên cầm quyền. Cả hai, khi cần, đều bị Bắc Kinh sử dụng.
Bắc Kinh sổ toẹt vào cái gọi là ý thức hệ và tình hữu nghị, những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh muôn đời chỉ có dã tâm Đại Hán.
Hai mươi năm trước, cựu Phó Chủ tịch HĐBT Trần Phương, người được coi là một trong những "bộ óc của Lê Duẩn", nói: "Cho đến trước khi Liên Xô sụp đổ, đầu óc của bọn mình vẫn bị cầm tù trong sự giáo điều của chủ nghĩa Marx - Lenin".
Không nên hỏi những người sẽ vào đây "cmt" tháng 2-1979 họ ở đâu. Chiến tranh trong nhiều tình huống không chỉ để bảo vệ lãnh thổ mà còn để bảo vệ phẩm giá của một công dân cũng như của một dân tộc. Nhưng, mục tiêu của một dân tộc có phẩm giá phải là hòa bình. Nếu có một con đường đi đến hòa bình không phải qua chiến tranh thì bất cứ dân tộc nào khôn ngoan cũng nên giành lấy.
PS: Ảnh hai nhà báo Lê Đức Dục và Nguyễn Đức Bình chụp bên các nạn nhân chiến tranh bị mìn Trung Quốc thời hậu chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét