Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

AI LÀ NGƯỜI DÁM “CẢ GAN” IN TRUYỆN NGẮN “TƯỚNG VỀ HƯU” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP TRÊN BÁO “VĂN NGHỆ”

 

nhà thơ Hoàng Minh Châu

NHỮNG AI LÀ NGƯỜI DÁM “CẢ GAN” IN TRUYỆN NGẮN “TƯỚNG VỀ HƯU” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP TRÊN BÁO “VĂN NGHỆ”, TẠO TIỀN ĐỀ CHO HÀNG CHỤC KIỆT TÁC TRUYỆN NGẮN CỦA ÔNG THIỆP XUẤT HIỆN, LÀM NÊN MỘT CỘT MỐC VĂN HỌC QUAN TRỌNG NHẤT THẾ KỶ 20 ?
Trong hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc, khi nói về Nguyễn Huy Thiệp, ông Ngọc viết : “Tôi không phải là người có vinh dự được in truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp trên báo “Văn Nghệ”: truyện “Tướng về hưu””.

Vậy ai, và những ai là người lôi Nguyễn Huy Thiệp từ bóng tối ra ánh sáng ?

Tìm hiểu từ nhiều nguồn, sau cùng Trần Mạnh Hảo đã gọi điện thoại hỏi nhà văn Trần Huy Quang ( tác giả “Linh Nghiệm”), người làm biên tập viên, phóng viên lâu năm vào hàng nhất báo Văn Nghệ.

Lúc đó, cuối năm 1985, đầu 1886, báo “Văn Nghệ” của Hội nhà văn Việt Nam hết tiền in báo, phải in gộp hai đến ba số vào một lần ra mắt, ế thiu ế thối, hầu như chẳng ma nào mua. Nhà văn Đào Vũ được điều về làm quyền tổng biên tập, nhà thơ Hoàng Minh Châu làm phó tổng biên tập. Ông Đào Vũ bực mình vì nhiều lẽ, lại chỉ được giữ “quyền tổng biên tập” nên đã xin đi công tác và đi thực tế ở Sài Gòn, trao quyền trực cho nhà thơ Hoàng Minh Châu.

Lúc đó thời của ông Nguyễn Văn Linh, tướng cấp tiến Trần Độ giữ chức trưởng ban tư tưởng trung ương, cố vấn cho tổng bí thư Linh ra nghị quyết năm : “Cởi trói cho văn văn nghệ sĩ”. Một loạt đại tá quân đội được tướng Trần Độ mang sang Hội nhà văn, nhằm thay thế dần thế hệ ông Nguyễn Đình Thi đã quá cũ kỹ. Các đại tá ấy là : Nguyên Ngọc, Chính Hữu, Hữu Mai, Nguyễn Khải. Nguyên Ngọc được tướng Trần Độ bố trí làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, sẽ thay thế Nguyễn Đình Thi làm tổng thứ ký. Nhưng Nguyễn Đình Thi không chịu nhường chức, quyết nắm ghế tới cùng.

Dưới “ánh sáng” nghị quyết 5 “cởi trói cho văn nghệ sĩ”, Nguyên Ngọc, nhà cách mạng văn nghệ báo cáo đề dẫn khá mới mẻ, thông thoáng, tạo tiền đề cho tự do sáng tác.

Nhà văn nữ Thiếu Mai, lúc đó là trưởng ban lý luận phê bình báo Văn Nghệ, bèn cởi trói cho cả chồng bản thảo bị loại cao như núi còn nằm trên bàn quyền tổng biên tập Đào Vũ . Và ơn trời, chị đã tìm ra bản thảo truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp đánh máy trên giấy mỏng tang. Chị vừa đọc vừa kêu toáng lên hay quá hay quá.

Rồi chị Thiếu Mai chuyền bản thảo truyện ngắn “Tướng về hưu” cho nhà văn Ngô Ngọc Bội (1929-2018) trưởng ban văn xuôi của báo, làm ông Bội sướng muốn chết, bèn chạy qua phòng của nhà thơ Võ văn Trực trưởng ban thơ khoe. Ông Trực người điềm tĩnh cũng kêu toáng lên hay quá, hay quá. Cả ba người giữ ba ban quan trọng nhất của tờ báo cùng nhất trí duyệt in trên báo ngay số tới. Nhưng phải thuyết phục được phó tổng biên tập Hoàng Minh Châu ( 1930...kk)…

Nhà thơ Hoàng Minh Châu là người học cao, có bằng cấp thời Tây, nho nhã, thùy mị hơi nữ tính, tính hơi bị ba phải, đọc xong bản thảo “Tướng về hưu” cũng rất thích nhưng do dự chưa dám ký cho in.
Ba nhà văn trưởng ba ban của báo phải tìm mọi cách, dùng cả nghị quyết 5 trả tự do cho văn nghệ sĩ của bộ chính trị ra thuyết phục ông Hoàng Minh Châu, lại cùng làm một biên bản lấy tính mạng chính trị mình ra chịu trách nhiệm cho “tướng về hưu”… Và trời Phật phù hộ, Hoàng Minh Châu ký duyệt in “Tướng về hưu”, đưa thiên tài Nguyễn Huy Thiệp từ bóng tối ra ánh sáng. Nếu ông quyền tổng biên tập bảo hoàng hơn vua Đào Vũ không đi Sài Gòn, có thể nước ta, văn học ta đã không bao giờ có một nhà viết văn xuôi hay nhất nước như Nguyễn Huy Thiệp.

Bốn người Hoàng Minh Châu, Thiếu Mai, Võ Văn Trực, Ngô Ngọc Bội đêm chờ báo ra hồi hộp lo âu không thể ngủ, chấp nhận mất chức hoặc được khen.

Sáng ấy tờ báo gộp ba số có in truyện ngắn “Tướng về hưu” của nhà văn mới toanh Nguyễn Huy Thiệp chào thiên hạ. Hoàng Minh Châu nhận được điện thoại của Đào Vũ từ Sài Gòn : các ông giết tôi rồi, giời ơi, ăn cái gì mà to gan thế, sao dám in truyện ngắn phản động này, tôi đã loại nó ra rồi mà, các anh hãy ra lệnh thu hồi báo, tôi quyền tổng biên tập ra lệnh.

Nhưng ông Hoàng Minh Châu đã phóng lao thì phải theo lao, không ra lệnh thu hồi báo. Bốn nhà văn quyết định cho in truyện này ngồi dúm lại với nhau : làm sao bây giờ ?

Chợt Hoàng Minh Châu có điện thoại gọi từ ban tư tưởng trung ương. Chết bỏ mẹ, thiên đình nổi giận rồi sao ? Giọng ông Trần Độ oang oang hồ hởi : cám ơn các cậu, truyện này hay quá, thế mới là đổi mới, thế mới là tự do sáng tác. Cám ơn các cậu và tờ báo đã thực thi nghị quyết năm của đảng, chúc mừng …

Bốn nhà văn đỡ đẻ cho đứa con đầu của Nguyễn Huy Thiệp cùng nhảy cẫng lên ăn mừng. Ngay sau đó, ông Trần Độ điều ông Nguyên Ngọc về làm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Được đà, ông Nguyên Ngọc in liền truyện ngắn “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp và hàng chục kiệt tác khác của anh, cứu tờ báo thoát nạn ế ẩm, đắt như tôm tươi. Thiệp may mắn gặp thiên thời địa lợi nhân hòa. Với Nguyễn Huy Thiệp, công của ông Nguyên Ngọc rất lớn ...
Sài Gòn lúc 5 h 11 phút ngày 24-3-2021
T.M.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét