Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

CON RIÊNG


 

Nhìn cái hình đại diện tối đen trên fb, tôi vội vàng điện thoại cho anh, giọng anh nghèn nghẹn:
_ Mẹ anh mất rồi em ạ, mẹ đi lúc 5h30

Không biết nói gì ngoài mấy câu hỏi thăm động viên anh rồi vội vàng thu xếp công việc để bắt xe lên nhà anh cho sớm.

Hình ảnh người phụ nữ gần tám mươi tuổi hiền lành phúc hậu với câu chuyện mà bao năm cứ in mãi trong tôi.
Tôi biết mẹ con anh trong lần phục vụ bố ốm ở bệnh viện Hà Nội, mẹ anh và bố tôi nằm điều trị cùng phòng. Mẹ anh bị đau xương khớp với bệnh tiểu đường biến chứng nên đi lại rất khó khăn, ba chị gái lấy chồng xa, điều kiện không có nên ít về thăm mẹ, thành thử ra chỉ có mình anh thăm nom chăm sóc.

Anh là một doanh nhân hơn tôi mười tuổi, cao to trầm ngâm ít nói, bố tôi cũng giống như mẹ anh, bệnh người già, nên chúng tôi thường hay chạy qua lại giúp đỡ nhau trông bố, mẹ những lúc vội đi mua đồ ăn thức uống và quen thân từ đó.

Tôi không thể nào quên được cái đêm mẹ anh lên cơn đau tim tưởng không qua khỏi phải cấp cứu cả phòng nháo nhào, ai cũng ra khuyên anh đứng lên vào nghỉ một chút nhưng anh không nghe cứ quỳ gối ngoài phòng cấp cứu xin bác sĩ hãy cứu lấy mẹ mình.

Mấy ngày sau khi mẹ anh hồi tỉnh, chị gái anh về chăm mẹ thay anh, mọi người trong phòng kể lại chuyện cho bà nghe, ai cũng khen bà tốt phúc vì đẻ được người con hiếu thảo, lúc đó bà rơm rớm nước mắt kể chuyện về cuộc đời anh.
Anh không phải là con ruột của bà, chồng bà trước làm ở trong cơ quan nhà nước, còn bà khi ấy là cô giáo dạy học ở trường làng, với đồng lương eo hẹp, bố mẹ chồng già yếu các con còn nhỏ, nghe lời chồng bà bỏ dạy ở nhà chăm sóc ba cô con gái với bố mẹ chồng để cho ông yên tâm công tác.
Rồi những chuyến công tác của ông cứ dày lên, thời gian về thăm bố mẹ vợ con cũng ít dần đi, linh cảm của người phụ nữ mách bảo cho bà biết hình như ông có người khác, bà khăn gói để lại ba cô con gái cho bố mẹ chồng trông nom bắt xe lên thành phố thăm ông. Lên đến cơ quan ông, nghe mọi người mách bảo bà mới tá hỏa ra cô công nhân làm cùng ông mới sinh bé trai được một tuần, bà liền gọi cho anh em, người quen của bà tìm đến nhà cô công nhân kia.

Bà kể, lúc đó máu ghen nó làm cho con người ta mất hết lý trí, bị người mình yêu thương phản bội đau lắm, bà bắt lấy thằng bé đem đi mặc cho cô công nhân kia của ông có ôm lấy chân bà quỳ lạy khóc lóc van xin, nhưng bà vẫn không mảy may động lòng, sau đó bà bế thẳng thằng bé về quê nuôi dưỡng, bố mẹ chồng bà là người nho giáo hai cụ không chấp nhận được khi biết con trai mình như vậy, hai cụ bắt bà mang thằng bé cho đi không cho ở lại nhà, dù là cháu trai mà hai cụ vẫn thầm mong ước. Chồng bà và cô công nhân kéo nhau về quê quỳ lạy xin bà trả lại thằng bé, nhưng bị bố mẹ chồng bà cầm dao đe dọa đuổi ra khỏi nhà. Bà bảo với ông và cô kia nếu còn qua lại với nhau, còn đến đòi con nữa bà đem thằng bé thả trôi sông, bà bắt cô công nhân kia thề phải rời bỏ ông và đi một nơi thật xa không được quay lại, nếu làm được, bà hứa sẽ chăm sóc yêu thương thằng bé như con của mình sinh ra.

Có lẽ vì cô công nhân sợ bà giết chết con mình nên cũng không còn dám đến tìm con , cũng không dám qua lại với ông nữa, sau lấy chồng về Hải Phòng sinh sống, ông từ đó cũng xin về công tác gần nhà chăm sóc vợ con như để chuộc lại lỗi lầm với gia đình, còn thằng bé được lớn lên trong tình thương hết lòng của bà và các chị nó.
Sau một thời gian bố mẹ chồng qua đời rồi ông bị bệnh, bao nhiêu tiền của dồn vào chữa bệnh cho ông nhưng ông cũng không qua khỏi, một mình bà với bốn đứa con thơ, ba cô con gái của bà xinh đẹp ngoan ngoãn lại học giỏi, nhưng vì kinh tế khó khăn một mình bà không thể gồng gánh nổi. Ba cô con gái thương mẹ bỏ học đi làm thuê làm mướn để dành tiền cho mẹ nuôi em ăn học, con riêng của ông tức là anh bây giờ.
Bà khoe anh thông minh từ bé, ngoan ngoãn lễ phép và thương bà lắm, học xong đại học ra trường công việc ổn định. Ngày anh chuẩn bị kết hôn bà gọi anh về, kể hết lại chuyện cho anh nghe bà lấy tờ giấy ghi địa chỉ của mẹ ruột anh rồi bảo anh hãy đi tìm mẹ và cho bà gửi lời xin lỗi, bà khóc xin anh hãy hiểu cho bà.

Rồi ngày cưới của anh, mẹ ruột anh cũng đến, bà ấy mừng lắm khi thấy anh đỗ đạt thành tài, mấy chị gái vì lấy chồng xa, thương mẹ anh đón bà lên Hà Nội ở với vợ chồng anh.
Bà bảo thương cái số anh nó vất vả, lấy vợ được ba năm thì vợ anh qua đời vì tai nạn giao thông để lại cho anh hai đứa con gái, nhiều người mai mối cho anh lắm, sau anh lấy thêm vợ nữa nhưng thấy cô vợ mới không yêu thương con mình nên hai người chia tay, từ đó anh ở vậy nuôi con.

Ngày bố tôi ra viện anh chạy đi mua đủ thứ gửi về làm quà cho bố con tôi không quên dặn dò, nếu sau này có gặp khó khăn gì hay ra Hà Nội thì nhớ phải điện cho anh đấy, khi nào mẹ anh khỏe anh sẽ đưa mẹ về nhà em chơi, mẹ bảo mẹ rất quý mến em.
Từ đó thi thoảng chúng tôi vẫn nhắn tin hỏi thăm nhau, có lần tôi đã hỏi anh !
_ Có khi nào anh thấy giận mẹ không ? vì mẹ đã bắt anh phải xa mẹ đẻ mình từ khi còn thơ bé ...
Anh bảo, lúc đầu anh rất sốc và giận mẹ, nhưng khi nghĩ lại và thử đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ thì anh lại thấy thương và kính phục bà. Rồi anh kể, ngày xưa ông bà nội rất ghét anh, cho dù anh có là cháu đích tôn của dòng họ, đi học bị các bạn trêu chọc hiếp đáp mẹ luôn là người đứng ra bênh vực bảo vệ che chở cho anh. Ngày bố bị bệnh rồi qua đời nhà anh đói lắm, mẹ với các chị làm đủ mọi việc để kiếm tiền cho anh ăn học, mỗi lần về thăm nhà có gì ngon nhất mẹ cũng dành dụm gói ghém đưa cho anh mang đi.

Từ khi vợ anh mất hai con còn nhỏ, anh lấy thêm vợ nữa, nhưng tìm được người yêu thương con riêng của chồng khó lắm em ạ. Tuy mẹ không sinh ra anh nhưng mẹ đã hết lòng yêu thương và dành những thứ tốt đẹp nhất để nuôi dưỡng anh nên người. Trong lòng anh mẹ luôn là người anh yêu thương và kính trọng.

Tiếng mưa rơi lộp bộp trên hiên nhà làm tôi giật mình, vội chạy đi cất quần áo chợt nhớ lại câu hỏi của mẹ anh năm nào khi tôi ngồi chải tóc giúp bà.
_ Hà ơi ngày xưa u làm vậy có là ác là thất đức không con ? U thấy thương anh Quang và có tội với nó lắm ...
Tôi về đám tang mẹ anh vào ngày trời mưa như trút nước, hai chị gái anh từ trong nam ra cũng về kịp gặp mẹ lần cuối, sau khi đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng tôi ở lại mấy ngày chơi với các chị và bố con anh. Ở lại cùng tôi còn có mẹ đẻ của anh từ Hải Phòng cũng lên.

U Hiền tên của người đã sinh ra anh, nhìn gầy gò nhàu nhĩ dáng người lam lũ vất vả cả đời, hai đứa con của anh giành đòi ngủ chung với bà nội làm u xúc động lắm.

Tối đến tôi với mẹ đẻ của anh ngủ chung một phòng, anh gọi mẹ đẻ là u nghe rất đỗi thân thương, vì lạ nhà cả hai cùng thao thức, nằm nghe u kể chuyện của đời u mà tôi không khỏi xót xa...

U kể, quê u vùng chiêm trũng, nghèo lắm, thời con gái u cũng có chút nhan sắc, nhưng vì là con nhà mõ nên không ai dạm hỏi, thời đó nói đến con nhà mõ là họ coi khinh lắm, rồi u bỏ quê lên thành phố xin vào một xí nghiệp làm công nhân, u gặp bố anh, bố anh lúc đó làm cán bộ vợ con ở quê lại ở có một mình, u quá lứa nhỡ thì nên muốn xin bố anh đứa con để sau này có chỗ nương tựa. Bố anh phần vì xa vợ, với lại vợ ông chỉ sinh rặt con gái trong khi hai cụ chỉ có mình ông, nên cũng muốn kiếm đứa con trai để nối dõi tông đường thế nên hai người qua lại với nhau.
U kể ngày anh Quang bị vợ ông bắt đi, u tưởng chừng như không thể sống nổi, một mình thân cô thế cô, u đã tìm về nhà ông quỳ lạy van xin để vợ ông trả lại con cho mình, nhưng bị bố mẹ ông và vợ ông đe dọa. Bố mẹ ông là gia đình gia giáo khi biết con trai mình đi lại với con nhà mõ thì hai cụ sốc lắm, bảo có chết cũng không bao giờ chấp nhận mẹ con u, rồi họ cầm dao xua đuổi u như xua đuổi tà ma, vợ ông bảo u, nếu còn quay về tìm ông và con, bà sẽ giết chết thằng bé. Phần thì thương con, sợ vợ ông làm thật, phần nghĩ nếu anh ở với u cũng không có tương lai nên u quyết định chấm dứt với ông mà không về tìm anh Quang nữa.
U bỏ xí nghiệp lên miền núi làm công nhân lâm trường vì sợ ông tìm đến, rồi u gặp và lấy chồng bây giờ.
Chồng u là người khuyết tật chân đi cà nhắc, thấy lão hiền lành chịu khó u đem lòng thương mến rồi về ở với lão.
Ở trên lâm trường một thời gian u theo lão về quê Hải Phòng sinh sống, có lần vì nhớ anh Quang quá u trốn lão tìm về nom anh, không hiểu vì sao lão biết được và cuộc đời u khốn khổ từ đó.
Sau cái ngày u trốn về thăm anh, lão chồng biết, lão suốt ngày uống rượu chửi bới đánh đập u, trong nhà có cái gì lão cũng đem đập phá hết. U bảo lần mang thai đứa con đầu với lão, ngày nào lão cũng uống rượu rồi đánh chửi u, lão hỏi u ngủ với thằng nào? nó là con của ai? Lần đó u sinh non, nhờ trời thằng bé khỏe mạnh nhưng lão thì coi nó như cái gai trong mắt, lão không coi nó là con, trong khi đó càng lớn nó càng giống lão như đúc.
Rồi lão thành người nát rượu cả ngày chỉ vùi vào trong những cơn say, cơn ghen, u phải hứng chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của lão. U ra đường hay đi đâu chỉ cần thấy đàn ông nhìn u là về lão lôi u ra đánh, cứ mỗi lần vợ chồng gần gũi nhau xong lão lại đạp u xuống đất rồi hỏi .
_ Mày ngủ với tao là thằng thứ bao nhiêu ?
U nói thì lão đánh , im lặng thì lão chửi, u bảo nhiều lúc chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng nghĩ đến con u nuốt nhục để sống ...
U bảo u cũng thương lão, vốn đã mặc cảm vì khuyết tật, lại phát hiện ra u có con riêng, lão hậm hực như bị đánh lừa. Lão tự nghĩ mình là kẻ đổ vỏ cho người ta ăn ốc, nên tìm đến rượu để trả thù đời, rồi trở thành kẻ nát rượ, chỉ tại u giấu lão chuyện đứa con riêng mà lão trở thành như vậy.
Rồi đứa thứ hai ra đời cuộc sống càng túng thiếu hơn, lão thì vẫn đắm chìm trong những cơn say. U đi làm thuê làm mướn, nhà có mấy sào ruộng, một hai giờ đêm, tháng giêng rét như cắt thịt, u một mình lủi thủi giữa cánh đồng cấy lúa, để ban ngày còn đi làm mướn kiếm đồng công. Đứa con gái thứ hai mắc bệnh đao, cứ ngu ngơ không bao giờ lớn. Gặt được tí thóc, ban ngày u đi làm thuê làm mướn cho người ta, lão ở nhà gọi người bán hết thóc để lấy tiền uống rượu dần. Một lần trong cơn say không biết gì lão đã cầm dao chém vào đứa con lớn, may hàng xóm trông thấy họ vội đưa đi cấp cứu.
Mấy năm sau vì uống rượu quá nhiều lão bị xơ gan cổ trướng chết, tiếp đó đứa con gái thứ hai bị ngã xuống ao đuối nước chết theo. Cứ tưởng hai bố con lão mất đi u đỡ được gánh nặng, nhưng thằng con của u với lão lớn lên học hành thì dốt nát, rượu chè trộm cắp rồi đánh nhau, không chịu làm ăn gì, ngoài ba mươi tuổi mà chỉ biết ăn bám mẹ với phá phách.
U khóc bảo, có lẽ nó sống trong gia đình không ra gì, lại bị sự ghẻ lạnh của chính bố mình nên nó thành ra vậy. Đã bao lần nó đi ăn trộm ăn cắp bị bắt rồi lấy trộm sổ bìa đỏ nhà đem đi cắm, anh Quang lại phải bỏ tiền ra trả cho người ta để chuộc về, u mới có chỗ nương thân. Từ ngày anh Quang về tìm nhận mẹ, nó làm khổ anh không ít lần.
Nhìn người đàn bà gầy khô như que củi, mái tóc bạc phơ, hai bàn tay chai sần gân guốc tôi hỏi:
U ơi? Đến bây giờ u còn giận mẹ cả không ?
U bảo! Lúc đầu u hận bà ấy lắm, bà ấy đã bắt mẹ con u phải rời xa nhau. Ngày ấy u cứ nghĩ, là một nhà giáo sao bà ấy lại độc ác như vậy, nhưng khi u về dò hỏi và thăm trộm con thấy con mình khỏe mạnh ai cũng khen bà ấy yêu thương con u còn hơn con đẻ của bà ấy, u cũng thấy yên tâm và hiểu ra; bà ấy làm vậy với mẹ con u cũng vì muốn giữ cho gia đình, cho các con. Giờ thì u thấy mình phải biết ơn bà ấy mới đúng, nếu ở với u, anh Quang chắc sẽ không được như hôm nay con ạ.
Chuông đồng hồ điểm ba giờ sáng, tôi với u vẫn trằn trọc không ngủ. Trong suy nghĩ của tôi, u chắc đều nghĩ về anh. Tôi thấy thương mẹ, thương u, thương anh, thương những số phận cuộc đời nhiều biến cố ....
Phú Hào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét