Xứ Mỹ Tho tỉnh Định Tường là đất cố cựu của Nam Kỳ lục tỉnh.
Năm 1679 tướng Dương Ngạn Địch trốn nhà Thanh, đem 3000 quân cùng 50 tàu chiến sang nước ta làm dân xứ Việt, được chúa Nguyễn Phúc Tần cho định cư tại thôn Mỹ Chánh (Mỹ Tho), ông đã tạo nền tảng lập ra một thành phố Mỹ Tho sầm uất bậc nhứt lúc đó có mỹ tự là "Mỹ Tho đại phố".
Hồi thế kỷ 17,18, Mỹ Tho đại phố là một trong những 3 trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhứt Nam Kỳ (Cùng với Cù Lao Phố Biên Hòa và Hà Tiên) .Lúc này Gia Định chưa có vai trò gì.
Trịnh Hoài Đức chép : “Phía nam trị sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói chạm cột phủ, đinh cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo”.
Mỹ Tho tên Khmer là Peam Mesor. Mesor phát âm riết thành M’Tho, và người Việt đọc trại thành Mỹ Tho.
Người Mỹ Tho là người lai giữa người Tàu và người Việt, vì lính ông Dương Ngạn Địch lấy vợ người bản xứ mà định cư.
Mỹ Tho đại phố tọa lạc ở làng Mỹ Chánh nằm dọc theo bờ trái của rạch Mỹ Tho, bắt đầu từ bến Tắm Ngựa (Cầu Quây đường Phan Thanh Giản) chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức, Chợ Cũ đến cầu Vĩ, Gò Cát
Nhưng tiếc thay năm 1688 chỉ 9 năm từ ngày định cư ở Mỹ Tho, tướng Dương Ngạn Địch bị phó tướng Huỳnh Tấn đảo chánh giết chết ở cửa biển Mỹ Tho.
Tuy vậy Mỹ Tho vẫn phát triển rực rỡ.
Năm 1741 chúa Nguyễn Phước Khoát cho mở ra chín trường biệt nạp (sở thuế) để thâu thuế. Riêng khu vực Mỹ Tho có tới bốn trường biệt nạp là Tam Lạch, Bả Canh, Qui An, Qui Hóa thì bạn đủ biết xứ này giàu cỡ nào.
Năm 1785 quân Xiêm chiếm Mỹ Tho cướp bóc,chém giết, sau đó quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ vào đánh trận Rạch Gầm-Xoài Mút nhơn tiện tay cũng hốt của ở Mỹ Tho một vố lớn làm "Mỹ Tho đại phố" sụm bà chè. Thương nhân lần hồi bỏ đi, sau đó Mỹ Tho từ từ gầy dựng lại. Rốt cuộc chính chúa Nguyễn Ánh sau đó trở lại Mỹ Tho, dời lị sở, đắp thành cao, trị an Mỹ Tho, tạo điều kiện bán buôn, phát triển lại.
Thành ra Mỹ Tho là một thành phố đứng giữa ngã ba đường trong lịch sử, giữa Nguyễn Huệ và Gia Long.
Tại Mỹ Tho, trước 1975 có hai tên đường của hai vị này.
Đường Nguyễn Huệ là đường ngắn nằm đối diện nhà lồng chợ Mỹ Tho, kéo dài từ rạp Vĩnh Lợi tới ngã ba Alexandre De Rhôdes, chạy ngang mặt tiền trụ sở xã Điều Hòa, tòa thị chánh Mỹ Tho.
Đường Gia Long là đường ở bờ sông Tiền có công viên Lạc Hồng, có ga xe lửa.
Gia Long là đường đẹp nhứt Mỹ Tho, chạy dài từ đầu vàm Bảo Định tới ngã tư Nguyễn Trung Long (ngã tư Cầu Bắc), trên đường này có dinh tỉnh trưởng Định Tường.
Người Nam Kỳ rất rốt ráo, sòng phẳng.
Đến năm 1826, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang bên kia sông thuộc 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo, là khu chợ Mỹ Tho ngày nay.
Người Pháp qua, Mỹ Tho với vị trí quan trọng, nằm trên yết hầu của 3 con đường thủy độc đạo về Sài Gòn nên vai trò rất quan trọng. Mỹ Tho có những cái sớm nhứt mà Sài Gòn không có.
Nơi đây có ngôi trường trung học đầu tiên của Nam Kỳ, Pháp đến Mỹ Tho vào năm 1861, đến năm 1879 là xây trường Collège de Mỹ Tho nay là Nguyễn Đình Chiểu.
Đường Xe Lửa Mỹ Tho-Sài Gòn được khởi công năm 1883 là con đường xe lửa đầu tiên của Đông Dương.
Trong cuốn "Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ" chép như sau:" Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mãi.."
Mỹ Tho là nơi trung chuyển khách từ Sài Gòn về miệt dưới lục tỉnh nên trên bờ có ga xe lửa, dưới sông có cầu tàu lục tỉnh, thành ra vô cùng sầm uất.
Con đường dựa mé sông Mỹ Tho tên là Quai Galliéni mà sau 1954 đổi thành Trưng Trắc kéo dài từ vàm Bảo Định với sông Tiền, nơi có ga xe lửa Mỹ Tho cùng 2 cầu tàu lục tỉnh kéo dài qua cầu Quay sang chợ Mỹ Tho được mệnh danh là con đường không ngủ vì ban ngày ban đêm đều có người.
Chợ Mỹ Tho là chợ sỉ lẻ về nông sản, khô cá. Vai vế ngang hàng chợ Bến Thành.
"Cúc mọc bờ sông kêu rằng cúc thủy
Sài Gòn xa, chợ Mỹ ( Mỹ Tho) đâu xa
Anh đi đâu sao không ghé lại nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em".
Thương Mỹ Tho vì mê tô hủ tíu Mỹ Tho
Mỹ Tho là kinh đô hủ tíu của Lục Tỉnh, ở đây có đủ món hủ tíu từ mặn tới chay,món nào cũng ngon tê tái.
Ðặc điểm riêng của hủ tíu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai, trong bóng như bột củ năng. Sợi hủ tíu dai là của Mỹ Tho, nó là nét đặc trưng không lẫn với hủ tíu ở một nơi nào khác của hủ tíu Mỹ Tho.
Hủ tíu dai làm từ gạo Gò Cát là trường phái Mỹ Tho, ẩm thực rặc Nam Kỳ, không dính gì hủ tíu Tàu.
“Sớm mơi đi chợ Gò Cát
Cây cao bóng mát, cát nhỏ dễ đi
Gái như em, mặt tròn như bông hoa lý
Trai như anh, thấm ý vừa lòng
Em với anh thương thiệt, sao ông tơ hồng không se?”
Là vì khi bạn đi ăn quán của người Hoa thì họ xài hủ tíu mềm không hà, bạn kêu "cho tô hủ tíu" thì sẽ được bưng ra một tô hủ tíu cọng mềm, sợi mềm là như cọng phở vậy, trong khi quán người Việt chỉ thích xài cọng hủ tíu dai.
Mỹ Tho đã chế biến ra thành sợi hủ tíu dai, sợi dai là của người Việt, đặc trưng Việt.
Cũng nói luôn, người Hoa không ăn hủ tíu giò heo, họ chỉ xắt xá xíu và lòng heo vô thôi, dân Lục Tỉnh mới ăn với giò heo. Nhưng hủ tíu Mỹ Tho gốc không có giò heo nha.
Hủ tíu Mỹ Tho có nồi nước lèo phải được hầm bằng xương heo và củ cải trắng, tôm khô, mực khô, củ cải muối để lấy vị ngọt. Hủ tíu Mỹ Tho sau này còn có thêm thịt nạc, thịt bằm, sườn non, tim, gan, phèo, tôm, mực, giá, hẹ, bò viên, trứng cút, giò heo, cải xà lách, chanh, ớt.
"Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tây lủng đáy anh mới đành xa em"
Mỹ Tho là xứ không thiếu đồ ăn, từ sáng tới tối ăn không ngớt cái miệng, đủ món từ chay tới mặn.
Ẩm thực Mỹ Tho là trung hòa giữa Sài Gòn và Miền Tây, nó không quá ngọt như ở mé Hậu Giang, giá cả Mỹ Tho rẻ hơn Sài Gòn rất nhiều.
Đừng quên xứ Mỹ Tho là xứ nhà vợ của TT Nguyễn Văn Thiệu.
Mỹ Tho lúc nào cũng mát rượi gió sông Tiền và chưa có khi nào bị kẹt xe
Mỹ Tho là thành phố sông nước, an bình bên bờ sông cái.
Thương nhớ Mỹ Tho vì nơi đó có rất nhiều kỷ niệm đẹp.
Bước qua những con đường ngoắt ngoéo từ Mỹ Phong qua Chợ Cũ về Cầu Quay, chợ Mỹ, qua Giếng Nước về Vòng Nhỏ, Hùng Vương, Trưng Trắc, Lạc Hồng.
Ai từng ngồi chờ ai ở cửa sau trường Nguyễn Đình Chiểu? Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông?
Ngẫm về xứ Mỹ đôi lúc thảng thốt mà giựt mình cái đụi, ờ, có lẽ quá nhanh, thời gian tên bắn. Lòng ta bổi hổi bồi hồi, phố xá, đường lộ vẫn còn đây, gió Mỹ vẫn còn đây mà người thì ai còn ai mất.
"Hò ơ .... hò!
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu"
Có rất nhiều thứ vẫn mãi chỉ còn trong kỷ niệm, những hoài vọng cả đời này không bao giờ thấy được.
Nguyễn Gia Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét