Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

CHUYỆN BỐ TÔI


ảnh minh họa


Vừa đổ xăng xong chưa kịp lên xe, tôi bỗng giật mình vì nghe tiếng gọi giật giọng.
- Hải !
Tôi quay lại, thì ra là bà cô của tôi.
- Cô đi đâu đấy ?
- Tao ra đây có việc. Mày về thăm bố à? Mà sao hôm nay sớm vậy? Mọi bận tao nghe bố mày nói cứ khuya mới về .
- Tối nay cháu có cuộc hẹn với bạn ở dưới này. Nên đi làm về cháu đi thẳng luôn, thăm bố cháu tí rồi đi.
Tự nhiên cô đi sát lại gần tôi thì thầm, có vẻ rất bí mật:
- Mày biết chuyện tí Khoai thọt chưa ?
- Chị Khoai con ông Tánh hả cô ?
- Còn ai vào đây nữa
- Thế chị ấy làm sao?
- Về hỏi bố mày ấy

Tôi ngạc nhiên, chả hiểu chuyện gì. Nhưng cô đã tất tả đi ngay, nên tôi rất tò mò và hơi lo lắng vì lại liên quan đến bố tôi.

Chị Khoai bằng tuổi chị gái kế trên tôi năm nay gần 60 tuổi. Hồi nhỏ chị bị sốt bại liệt nên đi hơi tập tễnh. Ở làng họ gọi vụng nhau là "Khoai thọt". Bù lại, chị có gương mặt khá xinh và nước da trắng hồng.
Chị Khoai không họ hàng bà con với gia đình tôi, nhưng theo vai vế từ thời các cụ tôi phải gọi là cô. Vì ông Tánh bố của chị ngang vai với ông nội tôi. Ông bà Tánh sinh năm người con nhưng giờ chỉ còn lại hai người. Chị là con út và anh cả kém bố tôi có mấy tuổi. Chị chơi rất thân với chị tôi, nhưng chúng tôi vẫn gọi là cô. Sau khi chúng tôi lớn lên, ông bà nội tôi và vợ chồng ông Tánh mất, chúng tôi thay đổi cách xưng hô với chị và chị cũng gọi bố tôi là chú.

Chị học rất giỏi, nhưng bị dị tật nên mặc cảm, hết cấp hai chị ở nhà vào hợp tác xã thêu tay của xã. Chị rất khéo tay, thêu đẹp nổi tiếng ở làng. Anh trai cả vào mang gia đình vào Tây Nguyên làm ăn, nhưng không khá giả nên ít về quê. Bà mất trước, nên khi biết mình không qua khỏi, ông gửi gắm chị cho bố mẹ tôi và gia đình đã coi chị như người trong nhà. Anh cả có lần về đón chị vào trong đó nhưng chị không đi. Sau khi hợp tác xã thêu giải tán, chị sống bằng nghề đan rổ rá, cót, và nhận hàng thêu tay gia công về làm, tiền công ít ỏi nhưng cũng đủ để sống qua ngày.

Tôi để xe ngoài đường mở khóa cổng bước vào sân. Nhà chỉ có bố tôi nên lúc nào cũng vắng vẻ. Thấy cửa sau vào bếp mở, tôi lại mua ít đồ ăn sẵn cho bố nên bước xuống.

Gần tới nơi nghe tiếng vòi nước chảy, tôi nghĩ bố đang nấu cơm. Nhưng khi bước vào cửa bếp, tôi chợt sững sờ, người đứng ở vòi nước không phải là bố, mà là một phụ nữ đang rửa bát. Thấy tôi bước vào đột ngột, người phụ nữ quay ra giật nảy mình. Choang! Cái bát trên tay rơi xuống vỡ tan tành. Tôi đã nhận ra chị Khoai, gương mặt biểu diễn rõ sự hốt hoảng, ngại ngùng. Chị vội ngồi xuống cúi gằm mặt dọn mớ mảnh bát. Bố tôi đang lau bàn ăn cũng đứng đơ ra lúng túng, cái giẻ lau rơi xuống đất. Nhìn thái độ của hai người, theo linh cảm tôi cũng lờ mờ đoán ra một điều ...

Cả ba người đều im lặng, một không gian trầm lắng bao phủ. Tôi nhớ đến vẻ bí mật úp, mở của cô tôi ở cây xăng và mấy chuyện rất lạ gần đây. Tôi thừa biết rửa bát và dọn dẹp bếp núc với bố tôi chả khác gì cực hình. Mỗi lần ăn xong ông chỉ rửa nồi cơm và nồi xào, nấu. Còn bát đũa, ông để dồn vào một đống, con cháu về đứa nào gặp thì rửa. Không ông cứ để đó khi người lau dọn nhà đến nhờ họ rửa rồi cho thêm tiền.

Mỗi tuần, tôi thường về ngủ với bố 2 đêm. Có hôm 9 giờ tối rời phòng khám, về đến nhà nhìn chiến trường ông bày ra, tôi ngán đến tận cổ, nhưng cũng phải cố gắng dọn dẹp sạch sẽ, bởi biết tính ông từ lâu rồi vẫn thế.

Thời gian gần đây, tự nhiên lại khác hẳn, tôi hỏi
- Sao dạo này bếp núc sạch sẽ vậy bố ?
- Thì bố cũng phải tập làm dần cho quen .
Nhìn thần thái của bố, tôi cũng thấy vui và yên tâm hơn khi cứ để bố sống một mình. Thực ra tôi cũng đã dự định, sau khi về hưu, tôi để phòng khám cho con trai, rồi vợ chồng tôi sẽ về quê, mở phòng khám nhỏ, cũng có thu nhập lại chăm sóc được bố.

Chợt bố tôi phá không gian yên lặng bằng một giọng lúng túng, lắp bắp:
- Sao hôm nay con lại về giờ này?
Đang miên man trong suy nghĩ, tôi giật mình, nhìn lên đồng hồ treo trên tường, không trả lời câu hỏi của bố mà hỏi lại
- Sao bố ăn cơm sớm thế ?
- Bố bây giờ già, mỗi ngày sinh một tật tự nhiên dạo này thích ăn cơm sớm
Bố tôi trả lời mà trong ánh mắt có gì vui lắm.
Sực nhớ tới túi đồ ăn đang cầm trên tay, tôi bước vào lấy bát tô bỏ thức ăn ra.
- Con mua gà hầm thuốc bắc mà quên không nói với bố trước để giờ bố ăn cơm mất rồi (món ăn của quán nổi tiếng trên thành phố bố tôi rất thích).

Lúc tìm sọt rác, tôi chợt nhớ đến chị Khoai, ngó lại chị đã về từ lúc nào. Mọi chuyện xảy bất ngờ quá, tôi quên không chào hỏi ai cả, đoảng thật.
Chuyện hôm nay của bố, choáng một lúc, tôi cũng bình tĩnh lại và cảm thấy cũng không có gì phức tạp lắm. Nếu hai người họ có tiến tới cũng tốt thôi vì chị em tôi hiểu về cô ấy rất rõ, không phải lo lắng gì cả. Cô Khoai kém bố tôi 20 tuổi nhưng vai vế lại ngang hàng, chúng tôi thay đổi về lại ngày xưa là xong. Gia đình cô chắc cũng đồng ý, vì sẽ có chỗ cho cô ấy dựa khi tuổi tác mỗi ngày một cao. Bố tôi lại là người đàn ông đàng hoàng tử tế. Tuy không có lương nhưng cuộc sống của bố chúng tôi lo chu đáo, không hề thiếu thốn cái gì. Cô về ở với bố tôi sẽ rất yên tâm. Hai người dựa vào nhau lúc cuối đời cũng rất hợp lý mà. Có điều tôi hết sức hết sức tò mò không hiểu bắt đầu từ bao giờ, như thế nào. Vậy là mất hết cả hứng tụ tập với mấy đứa bạn, tôi gọi điện thoại xin lỗi. Lấy chai rượu thuốc, hai bố con ngồi nhâm nhi và nói chuyện.
- Chuyện này là sao hả bố
Thấy tôi không có ý phản đối bố tôi đã bớt căng thẳng, nhưng cũng hơi dè dặt
- Thì cô ấy thích bố và bố cũng thích cô ấy.

Tôi bắt đầu tò mò hơn
- Nhưng mà từ bao giờ, bắt đầu như thế nào hả bố ?
Thấy tôi hỏi dồn với thái độ sốt ruột nhưng rất thiện chí, bố tôi kể :
- Con biết rồi đấy bố đâu có biết đi chợ mua thức ăn nên cứ hay gửi cô ấy mua hộ (Chuyện này chúng tôi đã biết). Thỉnh thoảng bố vẫn mua thêm thịt hoặc cá cho cô ấy, cô ấy vẫn nghèo mà, tội lắm. (ngày còn sống mẹ tôi vẫn thường làm nhưng hay cho cô thức ăn mẹ đã nấu rồi ). Một lần nồi cá kho bố ăn mãi không hết, bố cho cô ấy luôn (mẹ tôi ngày trước cũng vẫn làm như thế), cô ấy ăn rồi cười chê bố không biết nấu ăn. Vậy là từ đó bố lại nhờ cô ấy kho thịt, kho cá hộ để bố ăn dần. Còn mấy món xào, nấu cô ấy hướng dẫn để bố làm, không ngon nhưng cũng hơn dạo trước. Cô ấy nấu ăn ngon giống mẹ con ngày trước, hợp khẩu vị của bố nên bố rất thích. Bố vẫn coi cô ấy như con gái nên rất tự nhiên, thoải mái. Nhưng dù vậy bố và cô ấy vẫn giữ ý tứ, hiếm lắm mới qua lại nhà nhau, rồi nhanh chóng về.
Nhưng dần dần, có một cảm giác gì đó rất lạ xen vào khiến bố ngại. Bố muốn tránh vì sợ cô ấy biết sẽ coi thường xa lánh, có khi sợ hãi nữa và chuyện đến tai mọi người thì xấu cả mặt con cái. Nhưng càng tránh bố càng nhớ và muốn gần cô ấy hơn. Cho nên bố muốn lấy vợ để cho xong (À thì ra đây là lý do bố tôi đòi lấy vợ).

Mẹ tôi bị bệnh mất ba năm trước, dù có năm người con (chị gái lớn nhất gần 60 tuổi lấy chồng làng, nhưng lại đang sống ở Hà nội. Sau đó đến tôi, là bác sĩ ở bệnh viện của tỉnh, gia đình ở trên đó, lại có phòng khám ngoài giờ nên rất bận rộn. Chú em kế tôi ở tận Sài gòn. Còn hai cô dưới lấy chồng khác xã, trước làm ruộng giờ làm công ty ), giờ bố tôi vẫn phải ở một mình.

Từ hôm mẹ tôi mất bố buồn lắm, sa sút trông thấy cứ rầu rĩ suốt, nhìn rất tội.
Một trăm ngày đầu, bố tôi ở nhà có cô em gái tức cô của tôi sang giúp việc nhà và cúng cơm cho mẹ tôi. Chúng tôi chạy đi chạy về. Sau đó tôi đón bố lên ở cùng, được vài tháng, bố chán. Con gái ở Hà nội lại đón đi. Rồi cuối cùng giữ mãi ông mới ở được với con trai trong Sài gòn đến ngày giỗ đầu mẹ tôi. Sau giỗ đầu, ông kiên quyết không đi đâu nữa .Bà cô tôi lại có thêm cháu nhỏ không sang giúp được nên rất khó. Bố tôi làm ruộng rồi chạy vạy làm thêm buôn bán rất giỏi nhưng không làm việc nhà bao giờ. Hồi mẹ còn sống, ông hiếm khi cầm cái chổi quét nhà, giặt quần áo.

Kinh tế chị em tôi khá giả nên xây căn nhà khá lớn, tiện nghi đầy đủ để những lúc con cháu ở xa về còn có chỗ ăn ở tử tế. Giờ căn nhà rộng lớn chỉ còn một mình bố .
Chúng tôi bàn cách thuê người đến dọn nhà cửa tuần vài lần, còn bố tự nấu ăn. Được một thời gian, bố tôi chán, bỏ ra ngoài quán ăn. Nhưng có một lần, bị tào tháo rượt phải đi cấp cứu, chúng tôi sợ quá không cho bố ăn quán nữa.
Cuối cùng chúng tôi nghĩ hay là tìm vợ cho bố để có người chăm sóc bố. Thương mẹ lắm, nhưng đằng nào mẹ cũng mất rồi mà bố cần có người bên cạnh. Nhưng bố kiên quyết từ chối, một mực sẽ sống một mình đợi tôi vài năm nữa sẽ về hưu. "Già rồi, lấy vợ cho thiên hạ họ cười cho thối mũi à", bố tôi luôn luôn nghĩ như vậy.

Nhưng một thời gian sau, tự nhiên ông lại bảo muốn lấy vợ. Thật bất ngờ nhưng chúng tôi rất mừng. Tưởng bố đã có đám nào rồi, nhưng bố lại bảo mọi người đi tìm hộ. Vậy là mấy anh em và bà cô tôi tích cực tìm kiếm. Người đầu tiên dù đã 65 tuổi nhưng nhìn vẫn rất trẻ trung. Trên gương mặt còn đọng lại những nét xinh đẹp của thời con gái. Trước bà làm thợ may nên cũng biết ăn mặc làm đỏm. Bà đã ly hôn từ khi còn trẻ, con cái trưởng thành từ lâu, nhưng đứa nào cũng ở xa, mà bà không muốn theo con, ở nhà một mình, cô đơn, buồn ... Người thứ hai 62 tuổi, chồng mất không có con, sống một mình, là giáo viên cấp một đã nghỉ hưu, nhìn rất hiền lành phúc hậu.
Nghe giới thiệu, ai cũng thích muốn gặp để tìm hiểu, nhưng bố không chịu đến gặp ai cả. Chúng tôi nghĩ bố chê già, vì bố tôi tuy đã gần 80 tuổi nhưng còn rất mạnh khỏe, phong độ, vậy là kiếm bà thứ ba chưa tới 60, chưa lấy chồng bao giờ. Bà còn tham gia câu lạc bộ khiêu vũ thể thao của xã bên, nhìn rất nhanh nhẹn tháo vát. Bà này và bố có biết nhau, tưởng bố đồng ý ngay, ai ngờ bố còn gắt lên :
- Cứ từ từ, đi đâu mà vội !
Nhưng rồi bố cũng lặng thinh luôn. Thấy bố thật là khó hiểu, nên chúng tôi cũng đành mặc kệ.

Bố tôi vẫn đang kể :
Một hôm, thấy cô ấy ở gần hàng rào, bố bảo
- Từ mai, Khoai không phải mua thức ăn hộ chú nữa nhé.
- Sao vậy chú
- Nhờ vả cháu nhiều, phiền quá.
- Có gì đâu chú đã coi cháu như con cái, cháu giúp chú một tí có gì đâu. Chú thím giúp đỡ cháu nhiều rồi mà.
- Thôi để chú tập đi cho quen

Quyết định vậy bố ngỡ sẽ nhẹ nhàng, nhưng mà không phải, bố thấy rất buồn và cô đơn. Bố đã kiếm cớ gặp cô ấy bằng cách mua con cá rất to định gọi cô ấy cho một nửa. Nhưng vừa đến cửa nhà sang bên đó thì bố phát hiện ra, cô ấy đã rào kín lại rồi(Chả là nhà tôi với nhà cô Khoai gần nhà nhưng xa ngõ, đất quê rất rộng, muốn qua lại nhà nhau đi hơi lâu, nên từ ngày xưa hàng rào là một dãy toàn cây duối, nhưng có vài cái lỗ để chui qua chui lại. Đến khi xây tường gạch vẫn để lại chỗ để hai nhà thông nhau)
Bố không hiểu chuyện gì nhưng cũng không hỏi. Vài lần nữa bố lại thấy hình như cô ấy muốn tránh không muốn gặp bố thì phải. Bố đang băn khoăn suy nghĩ không biết là thế nào thì, bỗng một hôm, đi chợ về, bố gặp cô ấy ở chỗ đầu đường lối rẽ vào ngõ, rất vắng vẻ, thay vì chào hỏi thân mật như mọi lần, cô ấy lại nhìn bố với ánh mắt rất lạ, rồi nói giọng hờn giận trống không.
- Người ta sắp lấy vợ rồi mà nên đâu cần nhờ ai nữa.

Nghe xong bố giật mình, ngây người một lúc, bố đã cảm nhận được một điều gì đó không rõ ràng lắm. Nhìn theo cái chân cố gắng bước nhanh của cô ấy bố thương quá.

Về nhà, bố suy nghĩ rất nhiều, chắp nhặt mọi sự kiện, bắt đầu từ hôm bố lên tiếng muốn lấy vợ. Hay là cô ấy cũng thích bố nên mới vậy. Nhưng bố lại gạt nhanh những suy nghĩ của mình cho đến một hôm ...
Cô ấy hát hay và hay hát lắm nhưng mấy hôm nay bố để ý không thấy cô ấy hát nữa. Hôm ấy bố ngó sang rất nhiều lần, vẫn không thấy bóng cô ấy đi lại ở sân, vườn. Tự nhiên bố có cảm giác lo lắng. Bố gọi điện thoại mấy lần, không thấy cô ấy nghe. Sốt ruột quá bố phá chỗ cô ấy rào lại, bước sang nhà. Cửa mở, bố nhìn vào thấy cô ấy đang ngồi dưới đất dựa vào bàn, dáng vẻ mệt mỏi bơ phờ, mặt biến sắc nhợt nhạt. Bố hốt hoảng chạy vào.
- Cháu làm sao vậy ?
Cô ấy cũng giật mình ngẩng đầu lên, mắt chợt ánh lên một niềm vui rồi lại vội vàng vụt tắt, nhưng cứ nhìn bố như trách móc, não nề.
Bố đưa tay định đỡ cô ấy dậy. Tự nhiên cô ấy ôm chầm lấy bố, nức nở ...
Bố muốn lấy vợ cũng vì cô ấy. Rồi bố từ chối tất cả cũng vì cô ấy (Tôi thầm nghĩ). Tôi thật không ngờ, ở cái tuổi này, bố còn có một tình yêu, thực sự tôi không biết dùng từ nào để diễn tả.

Kể xong một hồi với tâm trạng hết sức xúc động, bố nhìn sang tôi, ngập ngừng hỏi
- Ý con thế nào ?
Không trả lời thẳng câu hỏi của bố, tôi hỏi lại
- Nhưng bố và cô ấy yêu nhau như vậy sao bố không nói ?
- Bố sợ, vì lâu nay bố coi cô ấy như con cháu. Cô ấy với chị mày (tự nhiên, bố đời cách xưng hô) lại rất thân nhau. Giờ lấy bố, cô ấy lên làm mẹ kế, bọn bay không chịu. Hơn nữa, còn cái chân của cô ấy, rồi lại bà cô mày với làng xóm nữa, bố ngại lắm nên cứ để từ từ xem sao đã.
- Ngày nào hai người cũng ăn cơm chung vậy à?
- Đâu có thỉnh thoảng thôi. Hôm nào cô ấy ăn ở đây, bố cứ phải ăn sớm, vì giờ ấy mọi người đều bận không ai đến thăm bố nên đỡ ngại (bố cũng tính toán kỹ nhỉ, nhưng nào có giấu được đâu).

Vẫn tránh câu hỏi của bố về chuyện này, tôi mời bố thêm chén rượu, ăn bát cơm rồi hối bố đi ngủ vì cũng khuya rồi.

Tôi về nhà, nói chuyện với vợ con và điện thoại báo cho chị và các em biết câu chuyện của bố. Chỉ vài ngày sau, chị em tôi đã tập trung và có cuộc họp trực tuyến với em trai tôi đang ở Sài gòn không về được.
Mọi người đều ngỡ ngàng, nhưng rồi tất cả đều đồng ý vì cô Khoai là người hiền lành chịu khó sẽ chăm sóc bố tôi rất chu đáo. Gia đình tôi lại có thể lo được cô ấy luôn như lời đã hứa với ông bà Tánh. Như vậy là thuận tiện đôi đường, chị em tôi mừng lắm. Bố tôi thì khỏi phải nói, hình như ông trẻ lại chỉ sau vài tiếng đồng hồ. Còn bà cô, tôi cũng rất lo sẽ phản đối nhưng cô lại cười rất lớn:
- Tao mà không thích tao phá ngay từ hồi nghe hàng xóm xì xầm .

Không lâu sau, một đám cưới nho nhỏ được diễn ra với đầy đủ con, cháu và cả chắt ngoại của bố tôi nữa. Cô Khoai mặc áo cô dâu màu trắng ngập tràn trong hạnh phúc. Anh trai và chị dâu của cô Khoai đứng khóc, vì mừng cho cô em gái.

Lâu lắm rồi gia đình tôi mới có một ngày vui đến thế. 


Tác giả Hoàng Quí Phi

2 nhận xét: