Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

"PHỐ PHÁI"

 


Đỗ Phấn (Do Ballantines )
1/
Lũ học trò Trường Cao đẳng Mĩ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam) thế hệ chúng tôi (1975 - 1980), có được một may mắn mà nhiều thế hệ sau không thể có, đó là còn được trực tiếp thụ giáo những hoạ sĩ bậc thầy như Trần Văn Cẩn, Trần Đình Thọ, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Bình, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Trọng Hợp, Bùi Xuân Phái, ...

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là một người thầy đặc biệt. Các thế hệ học trò đã được thầy dạy theo một cách rất riêng, đó là học trong các cuộc chuyện trò hoặc lúc đi vẽ ngoài trời. Lối học ấy, thật ngạc nhiên, đã giúp chúng tôi rất nhiều kĩ năng trực tiếp vô cùng bổ ích, những kĩ năng mà nhà trường chẳng bao giờ đề cập đến.

Cuộc đời nghệ thuật của Bùi Xuân Phái cũng vất vả chẳng khác các danh hoạ Nghiêm, Liên, Sáng là bao. Chỉ khác các hoạ sĩ kia ở chỗ Bùi Xuân Phái có một gia đình riêng. Vợ Ông là con một gia đình Hà Nội thuộc hàng "trâm anh thế phiệt". Thế nhưng cũng chính gia đình là mối lo lắng thường trực của Ông vào những tháng năm chiến tranh, bao cấp. Chạy ăn, chạy mặc cho cả một gia đình Hà Nội lúc ấy dường như là việc làm quá sức với một hoạ sĩ mảnh khảnh gầy gò và có phần lơ đễnh trong giao tiếp.

Công việc bán chính thức của Bùi Xuân Phái lúc ấy chỉ là vẽ minh họa cho một tờ báo duy nhất là tờ Văn Nghệ. Báo Văn Nghệ lúc ấy may mắn có hoạ sĩ Lê Chính làm trình bày. Hoạ sĩ Lê Chính dựa vào mối quen biết từ trước với Bùi Xuân Phái và Văn Cao, để đặt vẽ minh hoạ, cũng là một cách giúp bạn, tuy rằng nhuận bút cũng chỉ có giá bằng hai bát phở là cùng. Thế nhưng, họa sĩ Lê Chính cũng không ngờ hai người bạn Văn Cao, Bùi Xuân Phái của mình đã làm nên một kì tích ở báo Văn Nghệ. Minh hoạ báo chí và trình bày bìa sách của hai ông, đã tạo ra những phong cách riêng biệt mà nhiều hoạ sĩ các thế hệ sau vẫn lấy làm chuẩn mực cho một bức vẽ minh hoạ. Đó là những bài học về bố cục, phân mảng, đi nét, điều chỉnh sắc độ vô cùng phong phú với chỉ duy nhất một màu đen.

2/
Sinh thời, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái được xem là mang đậm phong cách người Hà Nội. Các bức chân dung còn lại hiện nay cho thấy, đó là một người đàn ông có gương mặt gầy gầy, có phần khắc khổ nhưng vẫn toát lên nét quý phái. Tranh của Bùi Xuân Phái cũng giống như cuộc đời của Ông vậy - lặng lẽ ẩn náu sau đền miếu, vài ô cửa ván màu nâu của những tên phố thân quen : Hàng Mắm, Hàng Bồ, Đồng Xuân, ngõ Phất Lộc, đình Yên Thái, đình Hàng Than, ...

Nhìn những bức tranh ào ạt cảm xúc của Ông khi vẽ phố phường Hà Nội, rất ít ai có thể hình dung ra cách thức tác giả thực hiện nó. Ông không mấy khi nhìn phố để vẽ thành tác phẩm. Lúc sáng tác cũng hiếm thấy Ông giở những kí hoạ ghi chép tài liệu ra dùng. Nhiều lúc trên những con phố cổ nội thành, người ta hay bắt gặp một người đàn ông gầy gò có vẻ mặt tương đối lãnh đạm với cuốn sổ nhỏ bìa cứng và chiếc bút chì mòn vẹt trong tay. Ông tỉ mẩn ghi chép từng vuông cửa sổ, từng dấu gạch trên đầu hồi những ngôi nhà cũ lam nham khói bếp, ... Những tác phẩm bất hủ của Ông trên căn gác xép 87 phố Thuốc Bắc chỉ rộng chừng mươi mét vuông đã ra đời theo cách ấy.

Cũng chính vì cách làm việc này, tranh vẽ phố của Bùi Xuân Phái có một cấu trúc đặc biệt logic. Những khuôn cửa, những bức tường, những mái ngói, ... lắp ghép vào nhau theo một trật tự viễn cận hoàn toàn chính xác, đến ngay cả giới kiến trúc cũng khó lòng bao quát được đến thế. Bên cạnh đó, “Phố Phái” còn mang đậm dấu ấn của một bàn tay tài hoa. Những bố cục cắt cảnh hết sức bất ngờ. Những nét đen khỏe khoắn khúc chiết gần như áp đặt cho những con phố Hà Nội, quanh co một trật tự hoàn toàn mới mẻ. Những mảng hòa sắc khi u buồn tĩnh lặng khi hân hoan rực rỡ hoàn toàn tùy vào tâm trạng của hoạ sĩ và ... người xem.

Không phải vô cớ mà người ta dùng thuật ngữ "Phố Phái" từ nhiều năm trước, khi hoạ sĩ còn sống. "Phố Phái" ở đây chính là cái hồn cốt phố cổ thấm đẫm trong từng nét vẽ, mảng màu. Đó có thể là trong veo mơ mộng những sớm tinh sương hồ như nghe thấy cả tiếng chuông của chiếc xích lô khuất dần trong góc phố. Là trầm mặc ngói nâu phủ buồn lên mái phố xô lệch của Hà Nội ngày chiến tranh. Là thưa thớt hàng liễu trầm mặc bên Hồ Gươm với bóng tháp Rùa trắng xa tít tắp. Là những đầu hồi nhà xám đen vệt nước chảy, những con đường cong lượn vào ngõ vắng chênh chao, chiếc cột đèn nghiêng ngả ... Những câu chuyện dài, ngắn bò lan theo từng góc phố, nghe như có tiếng thở dài mệt nhọc của bác xích lô đang gò lưng đạp xe lên dốc, ... Hồn cốt của Hà Nội một ngày chưa xa là như thế. Và cứ như chính Bùi Xuân Phái là người khai sinh ra nó vừa mới hôm nào đây rất gần.

Có thể nói Bùi Xuân Phái như ông thợ xây bền bỉ dựng nên diện mạo của thành phố này. “Phố Phái” mang tầm tư tưởng chứ không đơn thuần chỉ là tả thực. Ông buồn vui với phố. Thương xót phố và dằn vặt khôn nguôi vì những đổi thay kệch cỡm của nó. Khi cần, Ông có thể đặc tả nó đến độ làm cho người xem thán phục. Khi không, Ông khái quát nó như một vệt bóng mờ trong tâm tưởng mà hình như đã chạm được đến bản chất của một Hà Nội thanh lịch. Một cái gì đó như rất nồng nhiệt mà không vồn vã. Đằm thắm đấy mà không hề lả lơi. Nghiêm nghị rất mực mà không khô cứng giáo điều. Trong tranh phố của Bùi Xuân Phái, ta không khó để nhận ra một phần hồi ức của lịch sử Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX. Có thể đó là những hình ảnh duy nhất được Bùi Xuân Phái ghi chép lại bằng kí ức của mình. Những hình ảnh ấy ngạc nhiên thay đọng lại trong tâm trí người xem như một khẳng định mà chẳng cần đến sách sử nào cả.

3/
Ngoài phố cổ, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái còn vẽ các mảng đề tài khác như chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật, ... và cũng rất thành công. Suốt hơn 40 năm, Bùi Xuân Phái dành cho Hà Nội tất cả tình yêu của mình. Ông sống chỉ để vẽ, và có thể vẽ vào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu.

Tôi còn nhớ, năm 1983, khi Trịnh Công Sơn và Trần Long Ẩn ra Hà Nội chơi, hoạ sĩ Vũ Dân Tân mời Bùi Xuân Phái sang uống rượu với hai nhạc sĩ. Trong những lúc Trịnh Công Sơn ôm đàn hát những ca khúc mình mới sáng tác hoặc Trần Long Ẩn say sưa thuyết giảng về âm dương ngũ hành, thì Bùi Xuân Phái ngồi lui vào một góc. Vẫn cuốn sổ tay và chiếc bút máy nét to, ông phác những kí họa rất nhanh về tất cả mọi người. Thần thái ai ra người ấy.

Say mê hết mình như thế nhưng Ông rất ngại ngần ai đó gọi là "hoạ sĩ". Chính Ông cũng chỉ luôn tự nhận mình là người học vẽ mà thôi. Với Ông, hai từ "hoạ sĩ” hết sức thiêng liêng. Ông thường dặn dò chúng tôi nên thận trọng khi gọi ai đó là "hoạ sĩ". Và tất nhiên chớ có bao giờ tự nhận.

Sinh thời, nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân từng viết : “Hà Nội mấy triệu dân nhưng thực ra chỉ có vài người. Bùi Xuân Phái là một trong những người ấy !”. Ông Vân muốn nói đến một tấm lòng. Phải có một tấm lòng yêu Hà Nội như Bùi Xuân Phái, thì mới có thể sáng tạo ra một Hà Nội còn bâng khuâng ghi dấu trong lòng thị dân như vậy. Hà Nội may mắn thay đã có người con ưu tú Bùi Xuân Phái, người đã lưu giữ cho đời sau những hình ảnh một thời của mình tràn đầy rung cảm thẩm mĩ.
(Báo điện tử Hànộimới - Ngày 27/01/2020)
***
ảnh: Danh hoạ Bùi Xuân Phái
(1920 - 1988)
Chân dung tự hoạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét