Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2022

VÌ SAO NGƯỜI TRUNG QUỐC ĐỤC RỖNG NÚI TRÀ PHƯƠNG

 


Người Trung Quốc đã đục rỗng núi Trà Phương như thế nào?

Núi Trà Phương còn có tên nôm là núi Chè, ở xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, đất Hải Phòng quê tôi.

Làng Trà Phương nằm ngay chân núi Chè. Núi Chè với núi Đối (ven sông Đa Độ, nơi người ta thường bắt được những con ba ba nặng mấy chục ký) như hai anh em sinh đôi. Thật kỳ lạ, giữa vùng đồng bằng mênh mông chỉ có ruộng và đầm lầy, ao chuôm, tự dưng nhô lên hai ngọn núi đá sừng sững. Hồi nhỏ, nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đá đi lấp biển Đồ Sơn - Bàng La, chỗ gần cửa sông Văn Úc, để mở mang đất đai bờ cõi, đến đây thì gãy đòn gánh, đành phải bỏ lại thành 2 ngọn núi. Thời học đại học, tôi đùa với bạn bè rằng mình là người miền núi, cũng giống như mấy anh chị người Tày, Nùng... trên Thái Nguyên, Cao Bằng vậy, thế mà ối đứa tin.

Núi Chè cao hơn 5 chục mét, chạy dài gần cây số, tinh đá là đá, rất ít đất cát. Trên núi phía nam có hang Bà Chúa, phía bắc núi gần làng Xuân La, xã Thanh Sơn có hai cây quéo cổ thụ to cả mấy người ôm, lại có cái miếu thiêng lắm. Sau này hồi giữa những năm 60, công binh Trung Quốc sang đục rỗng quả núi làm hầm chứa đại bác chĩa nòng ra biển để bắn tàu chiến Mỹ. Nhưng tôi chưa thấy bắn được phát nào, chỉ nghe đồn rằng họ sang đào bới của cải do tổ tiên chôn giấu từ thời xửa thời xưa. Nếu đúng vậy thì quả là kỳ công bởi đục rỗng cả hòn núi đâu phải chuyện đùa, chút nữa tôi sẽ kể kỹ.

Hôm tiết lập xuân năm ngoái tôi lên núi thăm lại cảnh cũ. Lúa xuân chân ruộng ven núi xanh ngắt mơn mởn. Tôi buột miệng mưa xuân thế này thì lúa tốt là phải, nhưng đứa cháu tôi nó bảo cậu ạ, mưa này lúa tốt nhưng cũng sinh ra nhiều sâu bọ lắm. Ừ nhỉ. Sực nhớ sau tiết lập xuân khoảng 1 tháng là tiết kinh trập (sâu bọ), công nhận người xưa khiếp thật, họ biết hết, tính hết, không đểnh đoảng nông cạn như người thời nay.

Con đường mòn ven núi được thay bằng đường bê tông xe ô tô vào được. Chỉ còn dấu tích cái giếng ngoài, còn giếng trong thì đã mất dạng. Hồi xưa, giếng trong (tức là nằm sâu phía trong) lúc nào cũng đầy nước, mát ngọt như nước đường. Người cả làng lên núi gánh về dùng, có hôm nhiều người lên lấy quá phải xếp hàng, giếng sâu gần chục mét, ngập cả mấy mét nước bị múc cạn đến đáy. Nhưng chỉ chờ một lát là nước từ trong núi lại chảy ra tràn đầy. Thày tôi sinh thời bảo nước giếng núi Chè pha chè (trà) ngon hơn nước mưa nhiều.

Người ta vừa xây ở chân núi cái miếu nhỏ thờ Linh quy đại vương. Vốn ngày xưa chỗ này có cái miếu thờ thần rùa, nhưng bị đập bỏ từ hồi cải cách ruộng đất, đả thực bài phong, chỉ còn dấu tích. Núi Chè nhiều rùa lắm. Nhà ông bà ngoại tôi ở xóm núi, xóm ngay sát chân núi. Ông tôi từng kể rằng lên núi nếu đi không khéo là dẫm phải rùa. Rùa lẫn trong đá, bò lổm ngổm khắp nơi. Nhưng không ai bắt, hình như người ta ngại đụng chạm đến con cháu của Ngài. Lúc tôi còn bé, đầu thập niên 60, mỗi lần lên núi đều thấy rùa ở các bụi dứa dại trên bờ ruộng sát chân núi. Những con rùa vàng ươm, rất đẹp. Vậy mà khi xảy ra chiến tranh Mỹ ném bom miền Bắc, xe cộ ào ào kéo về trận địa tên lửa Mả Đò, rồi công binh Trung Quốc sang, ì ầm khoan đục núi, rồi dân quân trực chiến trên núi, rồi tàu bay Mỹ thả bom bi vào trận địa của dân quân, thế sự tanh bành, tự dưng lũ rùa kéo nhau biến dần. Giờ thì chả ai có thể nhìn thấy chúng nữa. Miếu Linh Quy đại vương thu hút nhiều khách thập phương đến cúng vái, cầu xin Ngài phù hộ. Tuy nhiên, chỗ lập miếu cũng là chỗ mà bên quân sự lâu nay nhắm để làm nơi tập bắn, thế là họ về giải tỏa miếu mất tiêu, bàn ghế, đồ thờ bị thu hết gom lên huyện, chỉ còn chỏng trơ chiếc bát nhang lạnh lẽo trên hòn đá hình cụ rùa.

Thuở nhỏ hầu như ngày nào tôi cũng lên núi Chè, hôm thì đi gánh nước, hôm tắm sông máng rồi tiện leo núi chơi. Có hôm đi sớm gánh nước, giấu thùng và đòn gánh vào bụi dứa rồi trèo hẳn lên đỉnh núi. Nhìn về biển Đồ Sơn, Bàng La, Cổ Tiểu… thấy gần xịt, tưởng chỉ vươn tay là sờ được những cánh buồm nâu ngoài ấy. Những cánh buồm nâu, đẹp không thể tả trong thời gian dài từ nhi đồng tới thanh niên. Vậy mà suốt hơn 2 chục năm từ lúc được thày bu sinh ra, tôi không hề đặt chân đến Đồ Sơn, bởi phải đi học và tranh thủ phụ giúp người nhớn làm ruộng, rồi đận chiến tranh bom đạn, máy bay Mỹ ầm ì suốt ngày, xe đạp không có, lội bộ thì ngại, nhưng cơ bản là không tiền, nên Đồ Sơn chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Nghe người ta bảo Đồ Sơn cảnh đẹp lắm, con gái Đồ Sơn rất đẹp, nổi tiếng đến mức đi vào thành ngữ dân gian “...cam Đồng Dụ, gà Văn Cú, vú Đồ Sơn”, tắm biển thích hơn tắm sông Đa Độ nhiều… Chỉ ao ước thôi, thèm quá thì lại lên đỉnh núi nhìn và mong có một ngày được tới tận nơi biết Đồ Sơn nó thế nào. Sau này lớn rồi thì lại nghe câu “Không đi không biết Đồ Sơn/Đi rồi lại thấy không hơn đồ nhà”.

Quay về chuyện đục núi Trà Phương. Hồi tôi gần 10 tuổi, năm 1964 tự dưng thấy bộ đội công binh kéo về đầy làng. Ban chỉ huy dựng lán trại ngay sân ủy ban, còn các chú bộ đội thì chia nhau vào ở nhà dân. Nhà tôi có chú A, chú Ngưỡng, chú Quát, bên nhà chú Chung hàng xóm cũng 3-4 chú, nhớ một chú tên Đận. Các chú đều là lính thợ, thợ mộc, suốt ngày hì hục xẻ gỗ thành từng tấm dài lớn, sau đó xe ô tô chở lên núi. Bọn trẻ tò mò hỏi chú Đận để làm gì hở chú, chú đằng hắng, bí mật, tao nói chúng mày nghe, biết nhưng nghe xong bỏ đó, đừng có bép xép. Chờ mỏi tai, chú mới ra vẻ bí mật bảo gỗ đó là cốp pha, dùng đổ bê tông làm hầm xuyên núi, chống được cả bom nguyên tử. Trong hầm chứa đạn, cửa hầm thì đặt đại bác tầm xa, bắn tận ra hạm đội 7 Mỹ, nếu nó bắn lại thì pháo ta sẽ tụt vào hầm an toàn. Hèn chi gỗ chở về bao nhiêu cũng hết.

Có điều, bộ đội công binh ta chỉ được làm phần bên ngoài, như chú Đận chứ Ngưỡng chẳng hạn, còn khoan núi, chở đất đá ra, dựng hầm bên trong thì tất tật do lính công binh Trung Quốc đảm nhận. Họ không quan hệ với bên ngoài, không ở nhà dân, chỉ đóng trong doanh trại riêng. Suốt hơn 2 năm ròng rã, họ đã đục rỗng ruột quả núi, ở phần chân núi phía nam họ mở 5 miệng hầm lớn, xe tải ra vào được, còn phần sườn núi phía tây có 3 miệng hầm đều trên lưng chừng núi, trẻ con từ đó bị cấm không cho trèo lên nữa, ngay cả chăn trâu cũng không được leo lên. Lạ là bao nhiêu đất đá khoét từ lòng núi, nhiều vô kể, không hề biết lính Trung Quốc chở đi đâu bởi họ không đổ tí ti nào ra nên ngoài. Cứ đêm đêm xe tải rì rầm chở đi, không ai thấy, không ai biết chúng đi đâu. Mãi khoảng cuối năm 1967 thì chỉ trong gọn một đêm, họ bịt hết 5 cửa hầm để bàn giao, sáng ra mọi người mới biết. Họ cũng không quay trở lại lần nào nữa.

Sau này có nhiều dư luận về chuyện đào hầm khoét núi Trà Phương. Có người bảo rằng các bố nhà mình làm chuyện tào lao, đại bác mà đặt trong hầm chĩa nòng về hướng biển thì bắn thế chó nào được, chỉ nổ vài phát thì tai đã điếc bà nó hết, còn bắn biếc gì. Ngoài biển, pháo giặc nếu căn trúng cửa hầm, nó bùm cho một phát có mà chạy đằng giời. Còn ông em rể tôi lại nghi ngờ hay người Tàu chỉ cốt tìm của cải chôn giấu từ hồi xưa, biết đâu tổ tiên nó giấu, ém ở núi Chè, giờ bày ra chuyện làm hầm chứa pháo rồi lấy cớ đó khoét núi, chở hết về Trung Quốc rồi, còn ta thì được quả núi rỗng vô tích sự. Cũng có người nghi quả núi này chứa chất khoáng sản quý hiếm gì đó, chúng biết nên chúng bày trò hầm pháo để khoét rỗng núi, lấy đồ hiếm đem về...

Giờ đây, ai đi qua núi Chè-Trà Phương chỗ nga ba Đại Hà ít để ý đến mấy cái cửa hầm bởi nó chả còn dùng vào việc gì, dân địa phương đã làm nhà kín đặc phía trước, che chắn mất cả hầm hiếc. Quả núi rỗng vẫn nằm trầm mặc, chứa trong mình nó bao bí ẩn của một thời.

Nguồn: Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét