Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

XUẤT BẢN TRẠI SÚC VẬT: VÀI LỜI CUỐI

 


Tạ Duy Anh
(Chỉ liên quan đến Hữu Thỉnh và tôi)
Hồi kí “Lách qua luật ngầm” dày khoảng 400 trang in, thì có tới 50 trang chân dung Hữu Thỉnh. Những gì bạn đọc vừa thấy về ông, chỉ là một nét rất sơ khai. Ông hấp dẫn, phức tạp, kỳ lạ hơn thế nhiều. Chân dung ông là một phần không thể thiếu của cuốn sách, bởi chính ông đã “vượt qua mọi nỗi sợ hãi” để đưa bằng được tôi về Nhà xuất bản Hội nhà văn, như ông từng làm thế khi nhận Bảo Ninh về báo Văn Nghệ; như ông đã làm thế và hơn thế để cứu Trần Huy Quang khỏi án hình sự mười mươi trong vụ Linh Nghiệm. Biết tôi quyết định về hưu, chính ông cử người thuyết phục tôi ở lại. Tôi tin là ông chân thành.
Nhưng tôi chọn về Ở ẨN tại gia.
Hữu Thỉnh có những ứng xử rất kì lạ, có lẽ chỉ với riêng tôi. Không bao giờ tên tôi được nhắc đến, gắn với sự ra đời của một cuốn sách nào đó, trên tất cả các tờ báo của Hội do ông lãnh đạo. Thậm chí, khi Hội nhà văn Hà Nội dưới thời nhà văn Hồ Anh Thái, tổ chức hội thảo cuốn “Thiên thần sám hối”, và 4 năm sau, khi Viện Văn học tọa đàm cuốn tiểu thuyết “Giã biệt bóng tối” ông đều cho người đến dự, nhưng một dòng tin, trên toàn bộ các ấn phẩm của Hội, thì tuyệt đối không.
Nhưng không dưới 3 lần ông nài nỉ tôi làm hồ sơ để xét Giải thưởng nhà nước. Tất nhiên là tôi từ chối. Không dưới ba lần khác ông mời tôi sang Hội nhận “tài trợ sâu”, tức ở mức cao nhất, cho việc sáng tác. Lần nào ông cũng rào đón “Biết bây giờ chú giầu rồi, không cần vài chục triệu đồng, nhưng đây là tấm lòng của Hội với chú”. Khi tôi lịch sự từ chối, ông vẫn không nản. Lần khác khi mời tôi, ông nói như giãi bày: “Có đứa năm nào cũng đòi tài trợ, nhưng không viết nổi một trang cho tử tế. Chú chả nhận gì thì cứ ra sách gây sóng gió ầm ầm. Không thể bất công thế được”.
Hoặc một lần ông gọi cho tôi, nói là ông rất cô độc, muốn mời tôi đi ăn tối và “chỉ hai anh em”. Nhưng đó lại là lần ông khiến tôi ê chề. Thậm chí nếu không phải là tôi, mà là ai khác, có thể họ sẽ tổn thương và hận, tránh xa Hữu Thỉnh đến lúc chết!
Mỗi lẫn ra sách, tôi đều mang tặng ông. Nhưng một lần, đúng vài lúc ông đang bức xúc với tôi liên quan đến cuốn sách của ông Nguyễn Trần Bạt, khi tôi đưa tặng ông cuốn sách mỏng, ngay trước mắt tôi, ông liệng một phát vào cái đống sách tặng to lù lù ở góc phòng làm việc của ông mà tôi tin không bao giờ ông sờ tới. Kể từ bấy tôi không bao giờ tặng sách ông nữa. Nhưng bi kịch ở chỗ, dù không tặng, nhưng những cuốn sách sau này của tôi ông đều PHẢI đọc. Sự thật thì không một cuốn sách nào của tôi ra đời lại không khiến ông bị liên lụy. Ông đã “mệt muốn chết”-lời ông-Trong vụ tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật” của tôi. Ông “mệt bã người”-cũng lời ông-trong vụ Mối chúa…
Nhưng chuyện này mới cho thấy sự phức tạp của Hữu Thỉnh. Trong phần tôi viết về chân dung ông, có một đoạn thế này:
“Hữu Thỉnh chỉ thờ ơ, không quan tâm đến những người thực lòng yêu quý ông, sống quân tử với ông. Ông thờ ơ nhưng trong lòng thì kính nể. Ông thờ ơ không phải vì ông thiếu tình người, mà vì ông không bị bức bách phải lo về họ. Ông biết dù ông có làm gì họ thì họ cũng không hại ông. Trong khi đó những kẻ bu lấy ông hàng ngày, nịnh bợ ông bằng những lời lẽ khiến ai cũng phải phát ngượng, luôn được ông ban lộc lá (ông dùng thẳng từ THÍ CHO, “Thí cho nó cái giải thưởng”), trở thành thân cận, thì với ông thực chất chỉ đáng là thứ giẻ lau chân .Trên thực tế, đó cũng là những người mà ông tuyệt đối canh chừng cảnh giác, coi như rắn độc. Đáng phải cảnh giác bởi vì họ bất tài mà lại háo danh, háo lợi, sẵn sàng tráo trở khi có món lợi lớn hơn. Ông biết hết và ông biết cả cách dùng họ vào việc gì”.
Một lần ông sang NXB dự lễ tổng kết cuối năm gì đó. Rượu ngà ngà, tôi bảo với ông là tôi viết về ông. Ông háo hức hỏi: “Thế à?” Tôi hỏi: “Bác có muốn nghe một đoạn không?” Ông bảo: “Tốt”.
Và ông vào phòng tôi, nghe tôi đọc cái đoạn vừa trích ở trên. Đang nghe ông bắt tôi dừng lại, xua tay:
-Chú sai. Không phải “giẻ lau chân”, mà là…LAU ĐÍT.
Suốt đời Hữu Thỉnh có một nỗi sợ mà tôi tạm gọi là SỢ CẤP TRÊN NGHI NGỜ.
Không bao giờ tôi chọn hoặc chấp nhận sống như ông.
Nhưng bạn muốn phán xét về ông, cũng như tôi muốn làm điều đó, hoàn toàn không dễ.
Tôi là người ngay thẳng, sòng phẳng và công bằng. Với tôi mỗi người đều phải chịu trách nhiệm của mình trước lịch sử, về những việc mình làm. Vì thế, bạn hãy chờ đọc toàn bộ 50 trang tôi viết chân dung Hữu Thỉnh, hãy bày tỏ ý kiến của mình về ông, nếu bạn thật lòng tin vào ngòi bút của tôi.
Giờ chưa phải lúc. Giờ là lúc chúng ta quay lại đoạn kết của câu chuyện về xuất bản Trại súc vật.
Trung Trung Đỉnh và Trần Quang Quý bị Hội nhà văn cảnh cáo, không xét tăng lương một năm (khi hai ông đều kịch khung lương từ lâu). Nhận thông báo, Trung Trung Đỉnh cười như vớ được hoa hậu, còn Trần Quang Quý cũng cười nhưng kèm câu chửi thề.
Hội nhà văn giao cho Nhà xuất bản quyết định hình thức kỉ luật tôi. Gặp tôi, Trung Trung Đỉnh bảo: “Lão Thỉnh đá quả bóng xử lý mày sang cho tao, tao đéo dại nhé. Dại gì động vào chú. Nhỡ chú thành nhân vật lịch sử thì bỏ mẹ anh hà hà…Hội thích thì cứ chơi thẳng”.
Rồi cười tít mắt.
Chờ mãi không thấy NXB báo cáo hình thức kỉ luật tôi, Hội vài lần thúc giục. Nhưng lãnh đạo NXB vẫn cứ “ì” ra, khiến cũng có một số người hậm hực, nóng mắt. Nhưng rồi chả thấy ai nói đến nữa.
Vốn đã ít gặp nhau, sau vụ Trại súc vật, Hữu Thỉnh và tôi gần như tuyệt giao. Nghe nói cứ ai vô tình nhắc đến tên tôi là ông lại giận sôi lên, coi tôi là nguyên nhân của biết bao rắc rối mà ông phải chịu lây. Tôi thì đương nhiên là bất cần. Ông muốn làm gì tôi để đẹp lòng cấp trên thì cứ làm.
Cũng có vài lần bất đắc dĩ chúng tôi chạm mặt nhau khi họp về sách dự án. Nhưng hoặc là tôi chủ động lảng đi, hoặc là ông không thèm nhìn mặt tôi. Họp xong tôi về luôn, không chào bất cứ ai.
Chắc lần này thì cạch mặt nhau đến chết.
Nhưng hóa ra Hữu Thỉnh vẫn luôn khiến người khác bất ngờ. Trong một dịp tổng kết cuối năm, khi vết thương tai nạn do Trại súc vật gây ra đã liền miệng (nhưng không bao giờ lành hẳn), Hữu Thỉnh-trái với lời thề không bao giờ sang Nhà xuất bản nữa để lại phải thấy mặt chúng tôi-đã nhận lời mời của Trung Trung Đỉnh, dự bữa cơm liên hoan. Có lẽ ông muốn chứng tỏ, miệng ông nói thế nhưng lòng ông không thế.
Lúc ông từ trên xe bước xuống thì tôi đang đứng trước cổng Nhà xuất bản. Tôi cố ý quay mặt đi để ông khỏi bị làm khó và cũng do tôi không thấy có nghĩa vụ phải làm lành với ông. Tôi sẽ chờ ông đi qua rồi mới quay lại. Nhưng hóa ra ông nhìn thấy tôi từ khi còn ở trong xe. Ông chứng kiến toàn bộ hành động của tôi. Vì thế, ông đến đứng phía sau tôi, dùng hai tay đặt lên vai tôi xoay mạnh người tôi lại. Mặt chạm mặt, ông nhìn sâu vào mắt tôi, như nhìn một thằng em ngốc, dứ dứ ngón trỏ, cười rất thân thiện. Tay kia ông lần tay tôi, bóp chặt:
-Chú em sao định tránh anh? Tao chưa thấy đứa nào dốt như mày. Sao mày lại giận anh nhỉ? Anh Thỉnh đã làm gì chú? Anh Thỉnh dọa đánh chú nhưng đã đánh chưa? Người ta bảo giơ cao đánh khẽ, nhưng ngay cả giơ roi với chú anh Thỉnh cũng chưa? Hớ hớ…
Nói rồi, ông quay sang mọi người cười to, ý muốn bảo, các vị xem, tôi đã làm gì nó mà nó giận tôi.
Ông lại lắc tay tôi một cái, bóp mạnh hơn như ra ám hiệu: “Xong. Tôi với chú vẫn là anh em”.
Thành thật thì chính tôi cũng không hiểu vì sao Hữu Thỉnh vẫn quý tôi, sau những gì phiền muộn mà tôi gây cho ông. Lúc nào người ta cũng nhắc ông phải làm gì đó mạnh tay với tôi (Kỉ luật, đưa khỏi Nhà xuất bản…) nhưng ông đã tìm mọi cách để lờ những yêu cầu đó đi. Thậm chí ông còn đấu lại thẳng thừng.
Như trường hợp một cán bộ của một Ban “quan trọng” nào đó cứ nhân danh Ban liên tục ép Hữu Thỉnh phải bằng cách nào đó đưa tôi đi khỏi Nhà xuất bản Hội nhà văn. Lúc đầu ông cũng à ừ cho qua. Nhưng rồi cứ bị ép quá, một lần Hữu Thỉnh gay gắt hỏi lại: “Ông bày cho tôi cách làm việc đó đi. Áp cho Tạ Duy Anh tội gì để thực hiện việc đó. Phải gọi được ra tội chứ. Nói mồm với nhau thì nói gì chả được. Muốn đưa Tạ Duy Anh đi khỏi NXB mà không thể viện ra được lý do, không đủ căn cứ pháp lý thì ít ra cũng phải có nơi nào cho ông ta và phải xem ông ta có đồng ý không? Đừng đùa!”
Khi kể lại với tôi chuyện đó trong một bữa trưa với chủ ý dàn hòa, tôi hỏi ông:
-Thằng cha đó là ai hả anh?
Ông gạt đi:
-Chú quan tâm làm gì?
-Chỉ là em muốn biết vì sao ông ta lại ghét em đến thế. Em hỏi thôi, không có ý thù hận gì đâu, tính em anh biết mà.
- Tôi chỉ nhớ nó tên là T., vụ phó gì đó. Mà chú để tâm làm gì.
Rồi, vừa trả lời tin nhắn ai đó, Hữu Thỉnh nói như tôi không hề có mặt:
-NÓ KHÔNG ĐÁNG RỬA CHÂN CHO THẰNG TẠ DUY ANH.

T.D.A

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét