Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

NHÀ VĂN KIM LÂN NÓI VỀ TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”

 


(Nguyễn Quyến ghi)
Dịch đói năm 1944-1945 thật khủng khiếp. Nhiều gia đình vừa có người chết đói, vừa có người bỏ đi, dần dần mất hẳn. Tôi tận mắt chứng kiến người chết đói nằm rải rác khắp nơi. Khi con người bị đẩy đến bờ vực cuối cùng của sự sống thì toàn bộ số phận và tính cách của con người họ sẽ biểu lộ ra. Chết đói là một thực tế khốc liệt. Đó là chết từ từ, hao mòn dần, quằn quại dần. Tôi được biết nhiều chuyện qua những năm tháng đó. Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự.

Truyện “Vợ nhặt” khai thác khía cạnh sau cùng của cái bi kịch ấy.
Ban đầu tôi viết một truyện dài có tên là “Xóm ngụ cư”. Tôi viết đến chương V thì dừng lại. Sau khi hòa bình lập lại, tôi và Nguyên Hồng làm tờ báo Văn. Trong bản thảo “Xóm ngụ cư” có một đoạn luôn ám ảnh tôi là đoạn viết về những người đói, về những buổi sáng ở vùng quê người ta phải ra chợ nhặt xác người đi chôn. Tôi viết lại chương đó thành truyện ngắn “Vợ nhặt” mà không đọc lại bản thảo cũ.
Chuyện “Vợ nhặt” hoàn toàn không có thực mà do tôi sáng tạo ra. Không thể có một bà mẹ như thế, một cô con dâu như thế trong đời sống thực. Tôi muốn phân tích tâm trạng và thân phận của con người trong cái hoàn cảnh cùng đường ấy, nơi mà cuộc sống dường như không có lối thoát. Tôi muốn hướng họ vào sự sống, sự yêu thương nhau, không phải là sự giành giật nhau. Hoàn cảnh đặc biệt quá nên câu chuyện là lạ đó lại hiện ra với vẻ chân thật. Bối cảnh của truyện là khi cái đói hoành hành khắp nơi. Nhưng các nhân vật của truyện thì đứng ở ngưỡng cửa của cái đói. Nơi ngưỡng cửa khốn khó đó, họ sẽ chứng tỏ số phận, tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ bắt đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù rất mong manh.

Tràng là anh chàng kéo xe bò thuê, công việc bấp bênh. Trong thời buổi bấy giờ, hẳn Tràng chẳng dám nghĩ đến chuyện lấy vợ, vì thủ tục cưới cheo hồi đó rườm rà, tốn kém lắm. Vậy mà tự dưng anh chàng lại “nhặt” được vợ. Sự kiện “nhặt vợ” quá buồn cười. Chỉ là một câu đùa, ai cũng biết đùa, vậy mà cô kia cũng theo. Điều đó chứng tỏ cô ta cùng đường và sẵn sàng xông vào, bấu víu vào bất cứ cái gì có thể bấu víu được. Còn Tràng, tại sao lại dẫn cô ta về? Vì Tràng là một người nông cạn, không biết tính toán như người khác, cũng không ý thức được về hoàn cảnh của mình. Anh ta chỉ chậc lưỡi theo đúng cách của một người hay “ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch”. Đến lúc về tới xóm, trước ánh mắt, thái độ của dân xóm, Tràng mới kịp nhận ra sự thay đổi trong cuộc sống của mình. Anh ta chỉ cảm nhận được sự thay đổi, còn ý nghĩa của nó như thế nào thì anh ta chưa thể hiểu.

Trước kia, chiều nào Tràng cũng đi về qua xóm, nhưng hình ảnh đơn độc của Tràng không gây ra bất kì một sự xao động nào trong đời sống của cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy. Sự biến đổi chốc lát như thế phụ thuộc vào hình ảnh người đàn bà bên Tràng. Mọi người bàn tán và cũng đôi phần đoán ra được câu chuyện của Tràng. Họ đoán được bằng chính hoàn cảnh của họ. Việc lấy vợ lấy chồng luôn là một niềm vui và quan trọng, nó chuẩn bị cho một cuộc sống khác, cuộc sống tương lai của đứa con. Nhìn Tràng và người đàn bà, bất chợt họ cũng mơ đến tương lai của chính họ. Tràng đã khiến họ tin vào cuộc sống thêm một chút. Nếu họ ý thức được niềm vui của mình trong giây lát, họ sẽ nghĩ rằng: “Đó, anh ta không những còn sống mà còn nuôi thêm được một người nữa trong hoàn cảnh này”. Nhưng niềm vui trôi qua rất nhanh. Một tiếng “ôi chao” và lời thở than đưa họ về với thực tại cuộc sống đói khát, cùng quẫn, “họ nín lặng”.

Người Việt rất coi trọng tình nghĩa, tuy nhiên để có tình nghĩa người ta cần phải có thời gian để thấu hiểu nhau. Đặt trong hoàn cảnh khốn khó lúc bấy giờ, khi mỗi người cần đến sự giúp đỡ nhiều hơn của người khác cả về vật chất lẫn tinh thần, thì Tràng là cái phao cuối cùng, là tất cả hy vọng của người đàn bà. Vậy cái “nghĩa” của Tràng là sự gắn kết giữa con người với con người trong một hoàn cảnh cấp bách. Hơn nữa đó còn là “nghĩa” của một người đàn ông nghèo không có khả năng lấy vợ bỗng dưng được một người đàn bà “ưng thuận về không” làm vợ thì sự đối diện của Tràng với chị ta không còn đáng sợ nữa.
… Chúng ta nên hiểu tâm trạng của bà mẹ. Bà cụ Tứ ngay khi về nhà đã bị ngạc nhiên vì sự vui vẻ và chờ đợi “nóng cả ruột” của con trai mình. Bà càng ngạc nhiên khi có người đàn bà lạ ở trong nhà mà lại đứng ở “đầu giường thằng con”. Người đó lại chào bà bằng u. Cái cảnh đó chưa được giải thích, đến nỗi bà cụ tưởng nhầm mình đang mơ thấy cái Đục – cô con gái đã chết hiện về. Và khi Tràng giải thích, bà “nín lặng” hiểu ra mọi chuyện. Bà tủi phận vì đã không xứng đáng là một người mẹ, không lo cho con một cách đàng hoàng như người khác. Hơn cả đứa con, bà hiểu rõ hoàn cảnh của chúng. “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được, bà nghĩ. Có thể bà hơi ngao ngán về chuyện đó một chút nhưng cảm giác “hàm ơn” đối với người đàn bà là nhiều hơn, người đã giúp bà “lo” cho con trai bà bằng cách làm vợ anh ta. Bà không dám tin rằng “chúng nó nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này”. Ý nghĩ về cuộc sống tương lai và hiện tại gian nan có người đàn bà tham dự vào là một cách bà đồng ý với Tràng. Cuộc sống không cho họ đòi hỏi nhiều hơn. Dù họ có vật lộn, có làm khó dễ, có khó tính đòi hỏi điều này điều nọ thì câu trả lời cho họ vẫn là cái đói treo lơ lửng trước mắt.

Ở đây tôi không chủ tâm diễn tả cái đói mà là muốn thể hiện cuộc sống của một cặp vợ chồng mới trong nạn đói. Cho nên cuộc sống đói khổ chỉ là cái nền thôi. Tuy nhiên chính vì nó mà niềm vui của cặp vợ chồng luôn bấp bênh. Ở đây có một ẩn ý: Cả ba người đều không quên thực tại và cố gắng của họ là tìm niềm vui trong cuộc sống tối tăm. Cái bữa ăn đầu tiên ba người ngồi ăn chung mang ý nghĩa như bữa tiệc cưới tội nghiệp: “Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”. Sự tồi tàn của bữa ăn tương phản với niềm vui của họ. Họ đều ăn rất ngon lành và vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn gia cảnh. Họ gắn bó với nhau và yêu thương nhau hơn. Tràng trở nên ngoan ngoãn và nghe theo lời mẹ. Nhưng “tiệc cưới” kéo dài không lâu, mỗi người chỉ được hai lưng cháo lõng bõng. Màn cuối của bữa ăn hoàn toàn phũ phàng khiến mọi người nhớ đến thực tại khắc nghiệt. Cô dâu đón lấy bát ăn và “đưa lên mắt nhìn” rồi “hai con mắt thị tối lại” vì cảm nhận tận cùng cái cơ cực của cuộc sống mới. Nhưng thị đã “điềm nhiên và vào miệng”. Đấy dù sao cũng là lối thoát tốt nhất cho cuộc đời của thị.

Thực ra với tứ truyện “Vợ nhặt”, truyện nên kết thúc ở đây. Thâm tâm tôi cũng quyết định thế, nhưng do điều kiện của tờ báo bấy giờ, truyện mới được kéo dài ra thêm. Tôi muốn độc giả thấy dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa thì tình người vẫn vượt lên trên tất cả. Có tình người là có cuộc sống. Có tình người là có hy vọng vào tương lai. Phần gây xúc động nhất cho tôi khi đọc lại truyện là đoạn bà cụ Tứ trở về. Ở đây tình của người mẹ thật lớn. Bà nhanh chóng hiểu rõ hoàn cảnh và chấp nhận ngay. Bà không chỉ thương con trai mà còn đầy lòng thương xót với người đàn bà cùng quẫn kia dù hoàn cảnh bà cũng đói kém. Đó chính là bản chất nhân đạo trong tâm hồn con người Việt. Đó cũng là chủ đề của câu chuyện.
(Văn nghệ Trẻ - Số 13 (174), Chủ nhật (ngày 26.03.2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét