Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Chuyên mục: THƠ - NHẠC VỚI LỜI BÌNH

 


Vương Khả Sơn
Cũng đã khá lâu, từ khi ca khúc "Về xứ Nghệ cùng em", thơ Phương Thảo, nhạc Xuân Hòa được phát hành và ra mắt khán, thính giả đã tạo nên một "Cơn bão mạng" và "sốt cao" trong cộng đồng xã hội và cộng đồng mạng suốt hơn một năm qua. Tuy nhiên, khi được biết nhạc phẩm này phổ thơ Phương Thảo, tôi đã ngờ ngợ và qua tìm hiểu mới hay đó là Phương Thảo - cô bạn thân, đã từng đến thăm gia đình chúng tôi nhiều lần cũng như rất nhiều gia đình bạn bè, đồng nghiệp và giới văn nghệ sỹ của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong nhiều năm qua. Đặc biệt Phương Thảo dành một tình cảm nồng ấm và vô cùng thân thiện cho con người và mảnh đất xứ Nghệ; hết lòng yêu mến dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được UNESCO công nhận.
Tôi nhấc máy gọi cho Thảo thì được biết đó chính là thơ của em. Tôi liền nhã ý với Thảo:
- Hay là để anh viết ít lời bình cho ca khúc phổ thơ em của nhạc sỹ Xuân Hòa, bởi ca khúc này hiện đang rất "hot" trên mạng xã hội. Phương Thảo chỉ cười:
- Em từng đọc tất cả các bài viết, trong đó có "Chuyên mục: Thơ - Nhạc với lời bình" trên facebook của anh. Thấy quá hay và bài nào cũng sắc sảo cả. Còn bài thơ của em xét ở khía cạnh nào đó cũng có chút thành công, tuy nhiên chủ yếu vẫn do yếu tố nhạc làm thăng hoa cho thơ, nhưng quả thật, bài thơ cũng giàu nhạc tính như anh đã biết.
Tôi tiếp:
- Vậy để anh viết một bài bình, dù hay, dở thế nào nhưng sẽ góp thêm tiếng nói riêng của một người yêu ca hát nhằm bày tỏ lòng ái mộ của mình trước hiện tượng Thơ Nhạc này.
Đáp lại ý kiến tôi, Phương Thảo vui vẻ:
- Vậy thì anh cứ viết giúp em nhé, nhưng nói thật, sự thành công này chủ yếu từ Nhạc sỹ Xuân Hòa....(?!)
Câu trả lời thật thông minh của một phụ nữ, đầy tự tin nhưng khiêm tốn. Và với tôi đó là một câu nhờ không được quyền từ chối.
Khoan hãy nói đến mối quan hệ thân thuộc, gần gũi như người trong nhà giữa Phương Thảo với đại gia đình chúng tôi nói riêng và Xứ Nghệ nói chung của cô gái gốc Hà Nội, sống tại Hà Nội nơi quê cha đất tổ của cô từ bao đời nhưng lại đem lòng yêu mến và gắn bó với mảnh đất và con người xứ Nghệ vốn nắng lửa mưa dầu, gió Lào (phơn) khét nắng cùng gió bấc, mưa phùn rét cắt da thịt.
Về Phương Thảo, em có khá nhiều sáng tác thơ nhưng thật ra thơ em chưa có những bài đạt đến độ chín, độ viên mãn của một "lều thơ". Vậy nhưng đến "Về Xứ Nghệ cùng anh", thì cái tên Phương Thảo đột ngột tỏa sáng trên mạng xã hội như một vệt sao băng. Và nó được xem như một hiện tượng Thơ - Nhạc gây "sốt" cho cộng đồng mạng trong suốt hơn một năm qua khi nó được thăng hoa trên bầu trời âm nhạc Việt Nam.
Còn người viết nhạc cho bài thơ này là nhạc sỹ xứ Nghệ - Xuân Hòa. Với Xuân Hòa thì tôi chưa hề được diện kiến anh một lần dù chỉ là gián tiếp, mà chỉ là "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình". Thật ra, tôi đã được biết anh qua một số sáng tác, nhưng chủ yếu là viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng (nhạc thiếu nhi) khá thành công, còn ca khúc trữ tình thể loại này cũng đã có một số tác phẩm nhưng có lẽ ca khúc phổ thơ Phương Thảo "Về xứ Nghệ cùng em" (cùng anh) là ca khúc gây tiếng vang lớn và được xem là một "hiện tượng" trong các ca khúc viết về xứ Nghệ. Nó vượt trội hơn về số lượng ca sỹ thể hiện và đã đạt mức kỷ lục. Phải chăng duyên kỳ ngộ đã đưa "thi sỹ" và nhạc sỹ đến với nhau và hòa trong một cảm xúc đa chiều cùng một tâm hồn đồng điệu. Hai trái tim nghệ thuật có cùng biên độ và nhịp đập cùng nhau trong lồng ngực nghệ thuật...(?!).
Cũng hãy khoan nói về cái chung và cái riêng của hai tâm hồn nghệ sỹ. Mà các bạn hãy chú mục, chú thính vào "đứa con" chung của họ - ca khúc Thơ - Nhạc VỀ XỨ NGHỆ CÙNG ANH (CÙNG EM) để có những cảm nhận của riêng mình.

Mở đầu bài thơ là một lời mời, nhưng thoạt nghe, lời mời sao có vẻ như hơi "sỗ sàng" thế! Thiếu tế nhị và có ít "phong cách ngoại giao" ban đầu thế! Bởi dân gian vẫn có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ" kia mà. Vả lại lời mời chào ấy lại xuất phát từ cửa miệng của một cô gái Hà Nội gốc, cô gái Tràng An: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Chẳng là thanh lịch cũng ngài Tràng An" hóa thân vào nhân vật trữ tình là người xứ Nghệ để thể hiện:
"Anh có về Xứ Nghệ với em không?"
Không màu mè, không mào đầu bằng những lời có cánh vốn là nét văn hóa thanh lịch của người Tràng An xưa mà "bỗ bã như đá ném côộc (gốc) tre" một phong cách ngôn ngữ thường ngày của người Xứ Nghệ!
Đó! Các bạn thấy chưa. "Ngài Xứ Nghệ bầy tui" có vô lý không? Ai mà chịu nổi lời mời như vậy chứ!
Ấy vậy mà đó lại là lời mời mộc mạc, chân chất và thành tâm nhất mà Phương Thảo đã vào vai người Xứ Nghệ để mô phỏng và đem ra mời khách thập phương "đàng ngoài", "đàng trong" đấy!
Sự lịch lãm, từng trải của cô gái Hà Thành đã làm dịu đi cái khó chịu có phần bức xúc của khách được mời.
Và đến đây, nhân vật trữ tình là vị khách mời kia (cũng chính là tác giả Phương Thảo) đã bắt đầu nhận ra cái bỗ bã, thật lòng đến mức không thể thật hơn bằng cách gọt bỏ tối đa cái hình thức xã giao ban đầu bởi cái vỏ âm thanh ngôn ngữ hoa lá cành để đi thẳng vào nội dung cần thể hiện. Đó là tấm chân tình của người Xứ Nghệ mà khi hiểu ra thì thêm yêu thêm quý con người quê tôi.
"Anh có về xứ Nghệ với em không
Đất miền Trung mưa dầm nắng gió..."
Không cần ý tứ, không cần dè dặt, không cần giấu diếm, đậy che cái khốn khó, cái khắc nghiệt đến tận cùng của dải đất miền Trung xứ Nghệ bầm dập trước thiên tai, họa địch, nắng lửa, bão giông theo kiểu "tốt khoe, xấu che" thường thấy để nhân vật trữ tình - cô gái mồi chài, rủ rê, mời gọi.
Tuyệt nhiên không!
Và không ngần ngại khẳng định "cú một" đầy tự tin, không úp mở:
"Về đó rồi anh thương nhiều hơn nữa
Bởi nơi em thắm đượm tình quê..."
Rồi hình như đọc được cái lạ lẫm, ngỡ ngàng của vị khách khi nghe lời mời bỗ bã có vẻ không hợp "khẩu vị" đối với người Tràng An (Hà Nôi) - vị khách khả kính của mình. Nhân vật trữ tình "áp đảo" vị khách bằng một điệp câu lặp lại:
Anh có về xứ Nghệ với em không?
Và để cho người khách không bị thất vọng nên liền ngay đó là lời giới thiệu rất gợi cảm về một vùng quê có Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca, Ví giặm cùng với vẻ đẹp thuần khiết hoang sơ của con người và mảnh đất có sông, núi, biển hữu tình.Vùng đất địa linh, nhân kiệt, "nặng nghĩa ân tình câu ví dặm người ơi..."
"Về đi anh, về với quê em
Nước biếc non xanh, đường quanh quanh xứ Nghệ..."..
Đang giới thiệu về cảnh sắc quê hương, nhân vật trữ tình (cô gái) đột ngột chuyển hướng sang một chủ đề mới mà có lẽ trong "kịch bản" của mình cô ấy đã sắp sẵn, bởi cô ta đã "phải lòng" chàng trai đất Hà Thành văn vật.
"Về bên em nghe lời thương của mẹ...
Anh về đây mần rể (*) thương thầy mẹ cùng em
Em mần du(**) xứ Nghệ nỏ ham kẻ giàu sang"

Thảo nào mà cô ta rốt ráo gọi mời, rốt ráo giới thiệu, rốt ráo lôi kéo chàng trai vào với xứ Nghệ nhà mình; vào với mảnh đất "mưa dầm nắng gió" nhưng "thắm đượm tình quê" để "mần rể" cha mẹ mình.
Quả là một sự manh động, táo gan vượt khỏi khuôn phép truyền thống Nho giáo "cọc đi tìm trâu" vốn dĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của mọi người dân đất Việt xưa, nay đầy táo bạo, thông minh và quyết đoán, đầy tự tin và bản lĩnh của một "phái yếu", quyết dẫn dắt và ý định "bắt cóc" cho bằng được chàng trai mà cô đã đem lòng yêu dấu từ lâu về làm rể xứ Nghệ.
Đến đây thì ta hiểu được nguyên cớ sâu xa cùng sự bạo liệt của nhân vật trữ tình.
Đoạn cuối của bài thơ như là sự giải tỏa tâm lý cho chàng trai của mình khi biết anh ta "không thể thoát" khỏi lưới tình yêu nàng đã bủa từ lâu nên lời thơ như giãn ra, nhẹ nhàng hơn, tha thiết hơn, mời gọi và động viên hơn:
Dù một nắng hai sương
Nhưng ấm bao tình nghĩa
Rằng gừng cay muối mặn
Tiếng nói nỏ (***) giống ai
Giừ (****) đã nói yêu anh,
Lời yêu thương còn mãi...
Cái khéo léo của cô gái là biết vận dụng cái chất tục ngữ "muối mặn, gừng cay" trong câu ca dao xứ Nghệ để khẳng định lòng thủy chung như nhất của mình:
"Muối ba năm, muối đang còn mặn
Gừng chín tháng, gừng hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Dù xa nhau chăng nữa
Ba vạn sáu ngàn ngày nỏ xa..."
Đó cũng là thứ "vũ khí" có sức mạnh tự vệ giúp cô gái cuối cùng đã ở thế thượng phong, chắc thắng. Do vậy mà giọng điệu và âm ba của lời thơ trở nên dịu dàng tha thiết bằng hai điệp cú pháp đồng hiện cuối cùng của bài thơ:
"Anh thương...anh về xứ Nghệ với em không!?
Anh thương, theo em về xứ nghệ cùng em...?"

Câu trước chỉ là câu hỏi mang tính thủ tục, ướm hỏi cho có lệ mà thôi bởi câu sau chính là lời khẳng định của cô gái xứ Nghệ bướng bỉnh mà dễ thương lẫn cả quả của chàng trai Hà Thành lịch lãm. Khi cả hai đã ý hợp, tâm đầu...
Bài thơ nếu chỉ dừng lại ở những câu thơ thì dù có giàu nhạc tính đến đâu cũng chỉ là bài thơ với hiệu ứng lan tỏa không nhiều như ý muốn.
Tuy nhiên, khi các ca từ được nhạc sỹ khoác lên nó "chiếc áo âm nhạc" với giai điệu, tiết tấu, âm hưởng, nhịp điệu... thì hiệu năng của nó sẽ tăng theo cấp số nhân bởi tính đặc thù của loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

Ở ca khúc này Xuân Hòa đã khéo léo vận dụng tối đa lối hát như nói. Chẳng hạn cụm ca từ "Về đó rồi.. rồi, anh thương nhiều hơn nữa" hoặc "giọng nói nỏ giống ai" sử dụng các phương ngữ "nỏ" và "giừ" trong "Giừ đã nói yêu em" hay "mần du", "mần rể" một cách tinh tế, vừa phải nhưng đậm đặc âm sắc xứ Nghệ. Nhạc sỹ đã khéo léo lồng âm hưởng của Ví và Giặm trong giai điệu của ca khúc phát triển trên nền ca từ và cụm câu với nét nhạc chủ yếu mang tính tự sự (kể và tả) cùng yếu tố trữ tình (bộc lộ tình cảm) đan xen nghe như tỷ tê, thủ thỉ, rủ rê, gọi mời...
Tôi đã nghe ca khúc này qua nhiều giọng ca chuyên và không chuyên như Tố Nga, Thanh Tài, Kenbi Trần, Thiên Huế ... Bởi bài hát này bên cạnh kỹ thuật thanh nhạc cần phải xử lý âm thật chuẩn giọng xứ Nghệ mới đạt độ viên mãn của giọng ca.
Song hành trên đôi cánh của nền nhạc Xuân Hòa, thơ Phương Thảo đã vút bay lên tự tin, tự hào trên bầu trời âm nhạc Việt Nam cho cả hai chất giọng nam và nữ bởi ca khúc "Về xứ Nghệ cùng anh" hoặc "Về xứ Nghệ cùng em".

Cái hay, cái đẹp của ca từ, tiết tấu và nhịp điệu, âm điệu và âm sắc của ca khúc phổ thơ "Về xứ Nghệ cùng em".
"Về xứ Nghệ cùng anh" sẽ mãi neo đậu trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam yêu âm nhạc. Đặc biệt là ca khúc để đời này lâu nay gây "sốt" trên mạng xã hội sẽ luôn đồng hành trong đời sống âm nhạc của chúng ta.
Nghệ Tĩnh (xứ Nghệ) tự hào có thêm một tác phẩm âm nhạc đã được xếp vào hàng những ca khúc trữ tình hay nhất trong giai đoạn hiện nay.
Xin được đồng chúc mừng hai nghệ sỹ yêu quý của chúng ta.
Một là "Lều thơ" dễ thương Phương Thảo và một là nhạc sỹ tài hoa Xuân Hòa!
TP. Hà Tĩnh, 27/8/2018
Vương Khả Sơn
*****
Chú thích:
(*) Mần rể: Làm rể
(**) Mần du: Làm dâu
(***) Nỏ: Không, chẳng, hổng
(****) Giừ: giờ, bây giờ...
Ảnh Phương Thảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét