Ông Chín Tầng Mây mặc cái áo bộ đội K82 cũ sờn, đội mũ cứng. Ông có một cái bàn ngăn đựng cái bánh như bánh da lợn bây giờ, bánh của ông có ba hoặc bốn màu chia thành từng lớp. Trên mặt bàn có một cái bàn tròn nhỏ xoay được, có những chiếc đinh đóng và những con số. Một cái cọc nhọn nhỏ có dây chun buộc như cái nỏ. Khi trẻ con đưa tiền, ông xoay cái bàn tròn nhỏ, đứa trẻ sẽ kéo cái nỏ buông tay, mũi nỏ lao vào vòng xoay bị những cái định chặn lại, vào ô nào ông sẽ tuỳ cắt cho chúng.
Thỏi bánh được cắt ra khuôn dài như hai ngón tay, trúng hay trượt đều có phần, trúng thì nhỉnh hơn trượt một tí.
Ông Kẹo Kéo lại có trò sợi chỉ thòng qua cái cột, cắt một nhát mà đứt cả hai sợi chỉ thòng qua là trúng thưởng, không cắt được tất nhiên vẫn có kẹo. Điệu nghệ nhất là đoạn ông kéo kẹo dài ra, búng tay tách một cái, kẹo gẫy gọn gàng. Ông kẹọ mạch nha cũng có trò cắt chỉ như ông kẹo kéo, thích ông ở chỗ ông cầm que cuốn kẹo màu nâu trong cái liễn, rồi ông đan hai cái que vào mẩu kẹo thoăn thoắt, lát sau nó biến thành màu trắng.
Ông Kẹo Bông thì không có trò chơi gì cả, vì cái xe ông đẩy mất quá diện tích bởi cái nồi to bên trong có cái bếp lửa nhỏ, thường là bếp dầu. Nhưng trò làm kẹo bông của ông cũng thu hút bọn trẻ con như ảo thuật, ông múc thìa đường bỏ vào quay một lúc, những sợi tơ trắng bắn ra, ông cầm cái que vừa quẹt vừa xoay tay là có cái kẹo bông trắng nhìn to tướng.
Ông bán lạc rang, hạt dẻ có cái thùng sắt gắn quai đeo. Ông quấn giấy thành hình phễu loa kèn, múc lạc rang hay hạt dẻ vào rồi gói lại rất đẹp.
Ông bán táo dầm không đi rong như các ông kia, chắc tại ông chứa táo trong cái lọ thủy tinh mà hồi ấy người ta hay nuôi cá vàng, loại lọ như quả bầu, nếu di chuyển nhiều sợ vỡ, nên ông thường đứng bán một chỗ. Táo dầm là táo trộn với nước đường hoá học, ăn ngọt sâu tận cuống họng mãi không tan.
Ông tào phớ nặng nhọc và vất vả hơn, ông phải gánh hai cái chạn gỗ nhỏ, một bên là đựng thùng tào phớ, một bên đựng bát, thìa, nước đường và một cái chậu nhỏ đựng nước rửa bát. Ông có miếng sắt mỏng để hớt tào phớ, nhìn ông hớt tào phớ mà mê mẩn, những lát tào phớ mỏng manh. Tào phớ mà hớt dày không ngấm nước đường, ăn không ngon.
Có những bà bán ngô nướng, ngô luộc, mực nướng, kê.....nhưng mấy món này thường các bà, các mẹ hay ăn chứ trẻ con chỉ thích đồ mấy ông bán.
Các ông bán món vặt cho trẻ con đều nhang nhác giống nhau, mặt mũi nhầu nhĩ nắng mưa, quần áo sờn cũ, ông nào cũng nhẹ nhàng, ít nói và lúc không có khách hay trầm ngâm, suy tư.
Tôi không biết các ông nhà ở đâu, có lần trời mưa, ông kẹo kéo trú dưới hiên mái nhà đối diện, ông nghĩ gì đó rồi lẩm nhẩm tính bằng cách bấm các đốt tay.
Phố phường Hà Nội dạo ấy vắng vẻ, thưa người, ở khu 36 phố hàng, lúc nào cũng có ông bán rong như thế.
Ông tào phớ mặc bộ quần áo nâu, đội mũ lá, đi dép cao su. Tôi chú ý vì ông là người gánh nặng nhất và ông mặc giống bố tôi nhất, chỉ khác là bố tôi đi dép nhựa và cái mũ bố tôi giống ông nhưng nó bằng nhựa trắng. Món tào phớ cũng là món bố tôi thích ăn.
Một hôm có một xe ô tô Zin ba cầu đậu trước cửa nhà tôi, trên xe chở toàn những cục đá. Ông lái xe đậu xe đó và đi vào phố bên trong thăm người nhà, ông nhờ tôi trông cái xe đá cho ông. Lúc ông ra lấy xe, ông vần một cục đá xuống vỉa hè và nói cho tôi.
Tôi chẳng biết cục đá ấy là gì mà ông cho tôi, nó rất mềm, lấy cái que chọc vào ngoáy, nó như cục bột cứng. Tôi đập một mẩu vạch xuống đất nó như phấn bảng, tôi nghĩ chắc đây là loại đá làm phấn ông cho tôi chơi. Tôi vần cục đá về nhà, lúc chơi lò cò hay ô ăn quan lại mang ra vẽ ở hè.
Đang vẽ thì ông tào phớ nhìn thấy , ông gọi tôi đưa cục đá ông xem, ông gại móng tay vào cục đá và hỏi tôi lấy ở đâu, tôi kể có ông lái xe cho tôi để làm phấn vẽ, ông hỏi cục đá còn không, tôi dẫn ông vào nhà chỉ cục đá ở trong bếp. Ông xem và hỏi tôi bán không.
Tôi không nhớ đã bán cục đá giá bao nhiêu, đại khái tôi áng lúc đó được 3 hay 4 chục bát tào phớ. Ông khiêng lên cái xe đạp nhà tôi, buộc dây cẩn thận để tôi dắt xe theo đôi quanh gánh ra bãi Phúc Tân. Có mấy ông tào phớ ở trọ trong một cái nhà cấp 4 cũ, tường lở vữa loang lổ, rêu xanh mọc chân tường. Các ông nhìn hòn đá mừng lắm.
Tôi về kể lại cho bố là bán được hòn đá, bố tôi bảo đó là đá thạch cao, người nấu tào phở phải mài cái bột ấy ra cho vào tào phớ mới đông đặc lại được. Tôi sợ quá, hỏi bố thế mình ăn cả đá à, bố tôi bảo ít thì chẳng sao.
Từ khi bán hòn đá cho ông tào phớ, tình cảm ông với tôi có hơn chút, mỗi lần ăn tào phớ, ông đưa bát tào phớ đã chan nước đường cho tôi, tôi vừa ăn thì ông hớt thơm một hai thìa cho vào bát tôi. Nếu mà ông hớt trước thì tôi không biết là ông cho thêm, ông phải xong đưa cho tôi ăn rồi, mới hớt thêm mới rõ là ông quý tôi.
Rồi qua một mùa đông, qua tiếp mùa xuân. Nắng hè tràn ngập trên những con phố, không thấy ông tào phớ đi qua nhà. Tôi thắc mắc với bố, bố tôi bảo các ông ấy mùa đông ít ai ăn tào phớ, nên các ông về quê làm ruộng, cấy gặt, chắc vài bữa nữa sẽ lên Hà Nội bán và đi qua nhà mình.
Mùa hè trôi qua, ông tào phớ không đi qua cửa, tôi chợt nhớ ra chỗ ông ở, tối đó tôi đạp xe đến.
Mấy ông bạn ở cùng bảo, ông ấy chết rồi, chết từ mùa hè năm trước. Ông đi bán hàng gặp trời mưa, tối về đắp chăn nằm, mọi người nghĩ ông dính mưa chút chỉ cần nghỉ một hôm ngủ là khỏi, đến chiều tối hôm sau về thấy ông vẫn nằm, lay gọi ông ăn uống gì chưa thì thấy ông chết rồi. Lúc đó xác ông đã cứng nhắc.
Tuổi thơ của con nhà nghèo là quãng thời gian trôi đi nhanh nhất trong cuộc đời. Nếu là con nhà khá giả, sẽ được chăm nom đến tận 18-20 thậm chí là hơn thế nữa. Nhưng con nhà nghèo thì khác, chỉ mới chớm lớn đã phải vật lộn với mưu sinh, kiếm tiền. Thế nên tuổi thơ của chúng qua đi rất nhanh, chẳng kịp nhớ gì.
Vì thế, 40 năm sau, nếu có người đàn ông nào ngồi nhớ lại tuổi thơ, dù chỉ là những thứ vụn vặt tầm thường, nhưng với anh ta đó là những điều rất đáng nhớ.
Tôi thương lắm những phận người lao động nghèo khổ Cảm ơn tác giả và Non sông gấm vóc
Trả lờiXóa