Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Giới thiệu một bài “hành” nổi tiếng thời chinh chiến – Biên cương hành

 


Nếu tính từ năm 1940 đánh dấu sự ra đời bài “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính và ba năm sau, năm 1943 là bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm thì mãi 29 năm sau, những người yêu thơ miền Nam thời ấy mới được đọc “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư, đăng tải lần đầu trên tạp chí Văn, xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1972!

“Hành” là một thể loại thơ không phổ thông lắm, nhưng nó từng giữ một vị trí đáng kể trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Bài “hành” là một thể thơ cổ phong có từ đời Đường của truyền thống thi ca Trung Hoa, thường được sử dụng để sự biểu đạt không bị gò bó, ràng buộc… mang khẩu khí của tác giả, thường đề cập đến những vấn đề chung, những sự kiện mới lạ, bất ngờ hay những đồng cảm tạo ấn tượng mạnh mẽ. Chủ thể bài “hành” trữ tình thường kể lại sự việc với tâm trạng bức xúc, có thể bày tỏ thái độ, chính kiến…

Trong lịch sử thi ca Việt Nam thì hai nhà thơ tiền bối là Cao Bá Quát và Nguyễn Du là những người tiên phong, để lại cho đời sau, một số bài “hành” tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương vĩ đại của mình.
Đến thời tiền chiến, sự phát triển của dòng “Thơ Mới” khá rầm rộ nên thể thơ cổ phong như “hành” này ít được các thi sĩ tiền chiến chú ý nhưng không phải không có.

Đến thời Chiến tranh Việt Nam (1955 -1975), nhìn cuộc chiến dai dẳng chưa biết kết thúc khi nào nên tâm trạng một số nhà thơ thời ấy mang tâm trạng bi quan, chán chường và lo âu tuyệt vọng. Nhiều bài thơ được sáng tác vào thời kỳ này chỉ có thể phản ảnh một phần, một góc độ của chiến tranh chứ không thể nào ghi nhận hết toàn bộ cuộc chiến do những thể loại các thi sĩ thời ấy sử dụng thường bị gò bó về số câu chữ trong mỗi bài.

Đến khi “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư ra đời, do không bị gò bó như những thể loại thơ khác nên có thể nói bài “hành” này đã không chỉ nói lên tâm trạng não nề, tuyệt vọng của thi sĩ mà nó còn ghi lại được toàn cảnh chiến tranh, phân ly, tang chế do cuộc chiến tranh phi nhân chụp xuống, bao trùm thân phận nghiệt ngã của toàn thể dân Việt.
Phạm Ngọc Lư, còn có bút hiệu khác là Phạm Triều Nghi, sinh năm 1946 ở Vinh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên.
Anh đã từng theo học tại Trường Quốc Học, Viện Hán học và Ðại học Văn Khoa Huế. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn, anh về dạy học ở Tuy Hòa.
Theo lệnh động viên, anh nhập ngũ khóa 5/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Ðức. Sau khi mãn khóa, anh lại được biệt phái trở về ngành giáo dục.
Anh có truyện, thơ trên các báo văn nghệ Sài Gòn: Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi Ngọc … . Có 2 tập thơ của anh đã xuất bản là Đan Tâm (Thư Ấn quán 2004) và Mây nổi (tự in 2007)
Sau biến cố tháng 4/1975, anh bỏ nghề dạy học, phiêu bạt nhiều nơi và Đà Nẵng là nơi anh dừng chân cuối cùng, và qua đời tại đây vào ngày 26/5/2017 thọ 72 tuổi.

Xin giới thiệu bài “Biên cương hành” dưới đây của anh đã đăng trên tạp chí VĂN ở Sài Gòn vào tháng 5/1972
----------------------------------------------
Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
*
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
*
Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương
*
Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường !
*
Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.
*
Phạm Ngọc Lư (tháng 5.1972)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét