Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

TƯỚNG TRẦN ĐỘ NHẬN XÉT VỀ NGUYỄN HUY THIỆP

 


Bài phỏng vấn này được đăng trên tạp chí Cửa Việt số 2 (1990). Tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng trị, ra mắt vào tháng 2-1990, do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng Biên tập. Tạp chí Cửa Việt ra đời trong bối cảnh giai đoạn cuối của phong trào "cởi mở" trong văn nghệ nên thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Người ta thấy Phùng Quán xuất hiện sau mấy chục năm vắng bóng vì án Nhân Văn Giai Phẩm, rồi nhiều nhà thơ nhà văn đã thành danh như Văn Cao, Tô Hoài và cả những tên tuổi kế cận như Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Hoàng...

Tạp chí Cửa Việt có nhiều sáng tác phản ánh những tiêu cực, bức xúc xã hội, đặc biệt chuyên mục "Sự kiện- Đối thoại" luôn thu hút độc giả bởi dám đi thẳng vào các xung đột và vấn đề nóng trong xã hội. Tạp chí Cửa Việt ra mắt được khoảng 18 số thì bị dừng hoạt động để kiện toàn lại. Hơn 1 năm sau, Cửa Việt (loại mới) ra mắt nhưng nội dung không còn như Cửa Việt (cũ) nữa.
Trong bài Phỏng vấn này tướng Trần Độ trả lời nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có nhận xét về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Xin giới thiệu để quý anh chị biết thêm thông tin.
***
4) Xin anh cho biết ý kiến riêng của anh về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp
Trả lời: Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng thật sự, Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn hay. Tôi vẫn mong được đọc Nguyễn Huy Thiệp. Cái hay của Thiệp là ở chỗ Thiệp thẳng thắn, mạnh bạo nói lên nhiều sự thật cay đắng. Đó là những sự thật về đạo đức, về cái ác, về sự tàn nhẫn giữa người với người, về sự suy thoái của các loại người, chứ không phải là chỉ là những sự thật của tin tức, tân văn. Cho nên Nguyễn Huy Thiệp biểu hiện những tư tưởng triết học của mình, đấu tranh cho cái thiện, cái tốt đẹp. Văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn mới mẻ: câu ngắn, ý kiến mạch lạc, vận dụng giỏi ngôn ngữ dân gian. Tôi hoàn toàn không chấp nhận loại ý kiến phê bình Thiệp là không có tâm, là ác, là ăn cắp văn. Tôi cho đó là những ý kiến thiên lệch, thiên lệch đến vớ vẩn. Tôi cảm thấy Thiệp đau đớn, cay đắng sâu sắc trước những trái khoáy của cuộc đời. Đọc Thiệp tôi cũng bị lây cái quằn quại trăn trở về cuộc đời nhiều hơn cái mức độ quằn quại vốn có của tôi. Vậy là Thiệp đầy trách nhiệm với đời. Tôi được biết nhiều người (kể cả những người yêu Thiệp, thừa nhận tài năng của Thiệp) chê văn Thiệp là tục tĩu, quá tục. Tôi không phản đối ý kiến chê này. Nhưng riêng tôi thì tôi không chê. Có đôi chữ tôi đọc, tôi không thích lắm. Nhưng tôi cho rằng văn chương hay, không phải là không được dùng chữ tục nào. Tục ở trong văn chương cũng là cách văn chương nói thẳng trúng tên những sự vật những việc trong một văn cảnh nào đó lại là một âm thanh rất đắt nói trúng một tâm trạng, một tư tưởng. Ví dụ vài từ “Cứt” trong truyện Trương Chi mới đây.
Vậy tục không nên coi là một tội của văn chương mà nó là một kiểu văn chương thôi. Nhiều câu ca dao, câu đối trong văn chương dân gian, nếu bỏ những chữ tục đi thì còn gì là hay, là thấm thía nữa.
Tôi cho là ai không thích, ai chê thì cứ việc. Nhưng không nên kết tội và không nên bắt Thiệp không được viết tục nữa.
Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học mới thật sự, là một hiện tượng đáng mừng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả ở nước ngoài chú ý và quan tâm ngay đến Nguyễn Huy Thiệp. Vì những gì Nguyễn Huy Thiệp quan tâm có một cái gì chung với những mối quan tâm của nhân loại. Đó là hiện tượng đáng tự hào. Những ý kiến người nước ngoài không thể coi là những căn cứ duy nhất để đánh giá, nhưng cũng không thể coi thường và chế diễu một cách hằn học. Chẳng lẽ lại có thể chế diễu cả những sự cho điểm của ban giám khảo thế giới đối với tài năng Đặng Thái Sơn và các phim, các ca sĩ của ta hay sao.





Nguồn: FB Tạ Thu Phong ( một người chuyên sưu tầm sách báo và tư liệu cổ)
Ảnh: Tạ Thu Phong và sưu tầm
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1995. Ảnh sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét