Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

Trăm năm Đặng Đình Hưng

 

Năm nay Giáp Thìn 2024, trong số nhiều bậc tài danh văn nghệ sinh ra một trăm năm trước – Giáp Tý 1924, không thể không nhắc tới kỳ nhân Đặng Đình Hưng.

Làng Thụy Hương thuộc Chương Mỹ, Hà Đông (nay là Hà Nội và là điểm cuối của đường sắt trên cao Cát Linh – Yên Nghĩa) là nơi Đặng Đình Hưng đã được sinh thành ngày 9/3/1924. Là con nhà danh gia vọng tộc nên ông và em trai Đặng Đình Áng được ra Hà Nội vào học trường Bưởi. Năm 18 tuổi, tốt nghiệp trường Bưởi, Đặng Đình Hưng vào học trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Ông nhập ngay vào hoạt động đoàn thể ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến, ông theo Việt Minh lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền. Năm 1947, ông vào công tác tại Ban Tuyên Huấn Trung ương. Năm 1951, ông được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân Trung ương. Cũng ở thời điểm trên, em ông – Đặng Đình Áng ở lại Hà Nội học chuyên toán rồi trở thành giáo sư, sang học ở Mỹ và về Sài Gòn sau năm 1954 dạy toán. Giữa hai ông có điểm chung là đều say mê âm nhạc. Ông Hưng thì viết nhạc. Còn ông Áng thì là nghệ sĩ thổi sáo flute rất hay.

Cuộc đời ông Hưng bắt đầu có nhiều biến động là từ cái mốc thời gian nói trên. Về lãnh đạo một đoàn văn công của một chính thể kháng chiến cùng các bậc tài danh như Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Học Phi, Lưu Hữu Phước v.v.. Ngay từ đầu Đặng Đình Hưng đã cùng Nguyễn Xuân Khoát – Một nhạc sĩ gạo cội – lập ra bộ phận nghiên cứu thanh nhạc dân tộc. Đây là một ý tưởng có bản chất, khoa học nhất cho nền kịch hát mới Việt Nam. Nếu biết cách nắm vững chất dân tộc trong nhả chữ, trong “Con âm Việt Nam” thì sẽ không xảy ra sự phá nhau giữa thanh nhạc dân tộc và thanh nhạc phương Tây (cộng minh – Belcanto). Chính Đặng Đình Hưng là người thị phạm luôn cả hai phương pháp này: Kiểu hát cộng minh và kiểu hát truyền thống đã được nâng cao cho tiếng trong vang khỏe, mà chèo vẫn ra chèo, vẫn tròn vành rõ chữ, vẫn đủ luyến láy, kể cả láy hột. Trong vở kịch hát Chị Tấm, anh Điềm, Đặng Đình Hưng đã sắm vai anh Điềm. Cái chất khỏe “sang sảng” mà Đặng Đình Hưng được trời phú đã khiến cho Đặng Đình Hưng tôn vinh vai diễn lên một tầm vóc. Sự thông minh đã khiến cho ông kế thừa được kỹ thuật vận dụng ngữ khí trong hát bội, là kết quả nghiền ngẫm cái mềm, cái khỏe từ cổ điển châu Âu tới cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, không phải thử nghiệm nào cũng thành công. Thử nghiệm hát chèo cộng minh trên phần đệm piano thì chèo trở thành “lơ lớ”, “ngọng nghịu”. Nhưng thể nghiệm thì thất bại, còn tình duyên thì lại chớm nở giữa ông và nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên vừa từ Tiệp Khắc trở về công tác tại Đoàn Văn công. Bà Liên lúc ấy đã là một quả phụ của nhà cách mạng Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng bí thư Trần Phú) mất ở Việt Bắc do bệnh nặng. Bà đã có hai con, một gái và một trai. Ông lúc ấy cũng đã có một cậu con trai và ít hơn bà chừng 6 tuổi. Nhưng tình yêu đâu có tuổi tác. Sự thăng hoa giữa hai tâm hồn đã khiến bà Liên sáng tạo tiểu phẩm Ru con Nam Bộ cho dương cầm từ dân ca Nam Bộ, còn ông Hưng thì viết ra khúc rondo Mừng chiến thắng Tây Bắc với phần lời của Đào Vũ và Thái Ly. Uy tín lãnh đạo văn nghệ của ông không vì thế mà giảm sút.

Trở về Hà Nội ngày hòa bình, chàng trai Đặng Đình Hưng đã vào tuổi “tam thập nhi lập”, cặp trai tài gái sắc đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung” khi vượt qua mọi rào cản. Nhưng điều quan trọng hơn là ngay trong những ngày ấy, các văn nghệ sĩ kháng chiến hàng đầu Việt Nam đã chung khát vọng nâng tầm vóc văn nghệ Việt Nam lên tầm nhân loại. Họ khát vọng cách tân tìm đến nghệ thuật đích thực giữa nghệ thuật đại chúng. Khởi sự cho khát vọng cách tân nghệ thuật đầu tiên là cách tân thơ, chính là cuộc phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu do Phòng Văn nghệ quân đội chủ xướng bởi nhạc sĩ Tử Phác, nhà thơ Trần Dần và nhà thơ Hoàng Cầm. Ngày đầu năm 1956, họ lại tung ra tạp chí văn nghệ Giai phẩm mùa xuân và đến cuối năm là báo Nhân văn. Lúc này, Đặng Đình Hưng lãnh trách nhiệm làm tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông không tham gia các diễn đàn nói trên nhưng ủng hộ các thân hữu triệt để, thậm chí rất quyết liệt. Lực cản lớn nhất lúc ấy chính là tư tưởng Mao –it đã bắt đầu bén rễ ung nhọt trong cơ thể chính trị Việt Nam. Và các nhà “cách mạng văn nghệ” đã phải trả giá bằng chính số phận của họ. Ông Hưng tuy có ý kiến riêng nhưng cũng cùng rời khỏi hội đoàn, “đi thực tế” cùng các thân hữu. Song điều quan trọng nhất là khát vọng cách tân văn nghệ mà đầu tiên là cách tân thơ thì vẫn cháy bỏng trong những tâm hồn này, không cường quyền nào có thể dập tắt, không đau khổ nào khiến họ chùn bước, thậm chí còn là nguồn năng lượng vô tận để họ bật lên vô tận như cái lò xo bị nén chặt. Họ tiếp tục đóng góp âm thầm cho thơ thời chống Mỹ của Việt Nam. Thơ họ không viết về đề tài chống Mỹ, nhưng khi xuất hiện thì Mỹ cũng thấy cần nghiên cứu. Khác với Văn Cao đã tam hành thơ – họa – nhạc từ đầu, Đặng Đình Hưng dần tam hành từ nhạc đến thơ đến họa. Trong số các kỳ nhân này, Đặng Đình Hưng là người “chín muộn” hơn cả. Để tìm ra hướng cách tân riêng của mình, Đặng Đình Hưng đã tự dấn thân, tự lột xác, tự nhúng mình nhức nhói trong những thể nghiệm đầy giông bão của một thời đại.

Căn nhà phố Tống Duy Tân hàng ngày chở khát vọng Đặng Đình Hưng đi tới những chân trời mơ ước cùng những tiếng tàu xe lửa sau lưng. Ông bắt đầu ngược về quá vãng bằng giọng riêng mình: “Đêm/ Làng vỡ - những con kiến/ bồng bế nhau đi cao su – đất/ đỏ - mỏ - lính thú - ở vú…/ Một đứa bé khuya ra đứng cửa/ thị thành “lập chí”. Giống như các thân hữu, sống trong một hoàn cảnh không lương, không tem phiếu như thế suốt mấy chục năm ròng, các ông đã sống bằng nguồn năng lượng nào để tồn tại, để nuôi dưỡng khát vọng của mình. Nguồn dinh dưỡng tinh thần như một thứ tiên thiên với Đặng Đình Hưng chính là cậu quý tử Đặng Thái Sơn – một kết quả mỹ mãn cuộc tình duyên thế kỷ giữa ông với bà Liên vào năm 1958. Nhờ mang gien ông bà giao hòa và sự giáo dưỡng của người thầy – người mẹ, Đặng Thái Sơn đã báo hiệu một tài năng tầm vóc như đã vận vào từ cái tên khai sinh. Còn nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đấy là những giao lưu thầm kín giữa các thân hữu cùng chí hướng và khát vọng với nhau trong những tháng ngày thắt ngặt và đen tối ấy. Ở các ông luôn là sự xác tín rằng mình luôn “đúng” và “mới”. Còn một nguồn dinh dưỡng như xăng máy bay để các ông có những thăng hoa, cất cánh chính là “rượu cuốc lủi” thì chính ông Hưng đã là một phần căn bản để cung cấp nhiên liệu này. Ông về làng Thụy Hương của mình, mua “rượu lậu” ở các lò rượu rồi “chở lậu” bằng xe đạp ra Hà Nội, bỏ cho các quán “rượu chui”, lấy ra phần lời lãi quy thành rượu đãi bạn bè, thân hữu. Biết đâu trong những thăng hoa ở Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, Bài thơ Việt Bắc của Trần Dần, Những trang trắng của Văn Cao, Bóng chữ của Lê Đạt lại chẳng thơm nồng mùi “cuốc lủi” của Đặng Đình Hưng.

Giờ ngẫm lại, mới thấy lộ sáng một Đặng Đình Hưng cực kỳ bản lĩnh, cực kỳ lỳ lợm. Ông cứ thế âm thầm thể nghiệm cách tân thơ qua những bài thơ viết từ 1958, rồi LyrikCômikKhóc Mỵ Châu. Năm 1974 xơ xác, năm Đặng Đình Hưng bước vào “ngũ thập tri thiên mệnh”, thì cũng là năm ông phát hiện ra mình bị u phổi. Hoàng Cầm đã rơm rớm viết về giai đoạn giằng xé này của ông: “Hồi đó, anh chưa biết đau. Ngã thì anh đứng dậy bình tĩnh (tuy có vẻ run run), anh nhìn bốn phía, anh vẫn tìm hướng bay, quậy cựa trong cái áo thùng thình mà hóa ra chật chội, anh đâm cáu kỉnh, phẫn nộ với cả những người thân yêu nhất, đã có lúc anh phẫn nộ với cả chính mình. Anh đã biết, trong ngực anh và cả trên cái “lưng nilon các tông của định mệnh” (thơ Đặng Đình Hưng) có một khối u… Thuở ấy… Hưng ơiNhưng chính khi ấy, khi nằm trên giường bệnh, cận kề cái chết, ở chỗ lùi không thể lùi hơn, ở thế “cùng tắc biến”, thơ Đặng Đình Hưng đã lộ sáng ra một siêu phẩm mang tên Bến lạBến lạ được tu chỉnh trong những ngày tháng kỳ diệu khi khối u nơi ông nhỏ lại dần qua những điều trị hết lòng, tử tế của lương y thời đại ấy để rồi “song kiếm hợp bích” cùng vinh quang đoạt giải thưởng cuộc thi dương cầm thế giới, mang tên F.Chopin lần thứ 10 của con trai Đặng Thái Sơn mùa thu 1980. Chỉ có khác vinh quang của Đặng Thái Sơn là sự nổi tiếng, còn vinh quang của Đặng Đình Hưng là sự chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi cô đơn, nghiễm nhiên đưa tên mình vào “từ điển văn học” với tư cách một nhà thơ, đóng góp trong cuộc cách tân thơ Việt Nam hiện đại. Trong từ điển tác giả Vũ Thanh đã viết: “Đó là thơ văn xuôi có nhạc tính, cách biểu hiện hiện đại nhưng vẫn chứa đúng chất dân gian dân tộc… thơ Đặng Đình Hưng là những thể nghiệm mới nhằm cách tân tiếng Việt, góp phần làm phong phú thêm thơ ca Việt Nam”.  Sự đăng quang của Đặng Thái Sơn ở sân chơi quốc tế đã góp phần vào sự nhìn lại Đặng Đình Hưng. Dù đã phân ly với nghệ sĩ dương cầm, ông vẫn được phân một căn buồng ở khu tập thể Giảng Võ ngay trên Intershop miễn thuế qua chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngay cuối năm 1980. Ông bắt đầu giai đoạn cuối đời chung sống với cô đơn. Ngay lập tức xen giữa cô đơn là những cuộc giao lưu thân hữu tại chiếu rượu trắng nhà ông.

Có một nghịch lý ở con người là không ai muốn chung sống với nỗi cô đơn. Nhưng chính nỗi cô đơn là nguồn năng lượng giúp con người lớn lên. Với các nhà văn nghệ có thể nói nỗi cô đơn là bi kịch của họ. Nhưng với bi kịch ấy, họ đã khẳng định tầm vóc của mình. Một tầm vóc không quyền uy nào có thể khuất phục, phủ nhận nổi. Các kỳ nhân đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng thơ ca của thế hệ mình bằng những sáng tác dằng dặc cô đơn. Nếu Hoàng Cầm là chất Thủy Hử thì Văn Cao là chất Thổ, Trần Dần là chất Hỏa, Lê Đạt là chất Mộc thì Đặng Đình Hưng là chất Kim rất ứng với mệnh Hải Trung Kim (dương) của ông. Các kỳ nhân vừa tạo nên một ngũ hành tương sinh về tư tưởng, lại vừa tạo nên một ngũ hành tương khắc về biểu hiện. Hà Đồ - Lạc Thư nơi họ dựng lên một khát vọng tự do trong sáng tạo đến cùng cực. Chính trong những năm tháng này, Đặng Đình Hưng đã đi tới siêu phẩm cuối cùng của đời thơ mình là Ô mai mà ông gọi là “Romance Poem”. Song hành là vẽ ra một lối vẽ tối giản kiểu Đặng Đình Hưng.

Tự hành trình ngược vào mình để tìm kiếm tới mức vô vọng từ “khắc biết” đến “hề biết”, Đặng Đình Hưng đã tạo nên một thi pháp hết sức độc đáo. Trong lời mở tập Bến lạ người đại diện Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã viết: “Có lẽ cái cảm giác khó hiểu khi tiếp xúc lần đầu với thơ Đặng Đình Hưng cũng từ đó. Lại thêm lối nói nhiều chiều dấp dính, lừng chừng, mâu thuẫn, xa xôi, hàm xúc, vốn là lối nói thường ngày của ông. Thơ ông là những đợt sóng ngược xuôi, ngang dọc của trí tuệ. Mỗi hình ảnh, mỗi cách nói đều có sự lấp lánh, lại lắm khi lời, chữ tự động cuốn nhau đi như dẫn dắt bởi một hấp lực giấu mặt, tạo ra một trường gợi tưởng hơn là ý tưởng. Và trong những dòng tâm thức triền miên thỉnh thoảng lại nhói lên một vết đau khiến ai cũng phải cảm thươngTôi đã đọc Bến lạ theo cách cầm kinh lầm rầm, lì rì, thấy lời và chữ như dâng dần sóng âm ra không gian xung quanh. Và tự nhiên thấy mình như cộng hưởng cùng ông trôi một nơi nào đó ở ngoài cả thể phách. Nhịp điệu cầu kinh đã dịch chuyển Bến lạ loang xa, loang xa như không cùng. Những an pha, bê ta, mê ga, tê ta cứ thế trôi nổi như một dao động sóng của những “hột khuya”.

Trong số các kỳ nhân một thời, tôi lại có may mắn được tiếp xúc với Đặng Đình Hưng sớm nhất, từ ngay đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Cũng là duyên ngộ. Khi ấy, tôi đang là bộ đội, làm việc ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Thông tin đóng tại chùa Hào Nam - Giảng Võ. Tôi hay sang một quán rượu ở gần đấy nhâm nhi. Đấy là nơi Đặng Đình Hưng ngồi nhâm nhi và chiêm nghiệm đời sống hàng ngày. Tôi nhìn thấy một ông già ngồi uống rượu mà chén rượu luôn được đậy bằng miếng bìa cac tông nhỏ. Sau này quen rồi, hỏi ông vì sao thế, ông bảo để rượu khỏi bay hơi. Anh em cứ im lặng quan sát nhau vài lần và rồi một hôm, tôi được ông gọi sang ngồi cùng bàn. Khi ông biết tôi là bộ đội nhưng làm văn nghệ thì ông vui quá. Thế là được ông mời rượu. Vừa uống rượu, ông vừa thỉnh thoảng lại đọc một chầu thơ. “Thèm quá. Thèm cả một cái chợ”, “Tôi đi xa ra phố nửa giờ”, “tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày”. Và rất thân phận “tôi già rồi – tôi không làm gì được quyển lịch”. May nhất là ông cũng muốn nghe thơ tôi. Khi tôi đọc Những giọt mưa đồng hành vừa gửi dự thi báo Văn nghệ năm 1991-1992, ông thích lắm. Đến khi tôi được giải thưởng thì chính ông lại là người đưa tôi đến gặp Văn Cao ở quán “Tiên Điền” (đầu ngã tư Nguyễn Du – Quang Trung) theo yêu cầu của Văn Cao. Còn ông thì lúc ấy vẫn đang chìm trong Ô mai. Do hay uống rượu cùng ông nên những hiện thực mà ông chuyển vào Ô mai đều rất quen thuộc với tôi. Nhưng lạ, khi qua thơ ông những hiện thực ấy đều lấp lánh một ánh sáng khác thường chiếu rọi từ tinh thần cách tân thơ nơi ông. Vẫn là căn buồng thân thuộc ông viết: “Sống khuôn nhịp tới mức người cùng các ngôi nhà năm tầng này như thuộc. Thuộc giờ đi, về, sức nặng, nhẹ, dài, ngắn bàn chân cầu thang”. Cái buồng mà ông đã từng bao năm “thường ngồi giờ dài. Chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Chỉ cảm bằng da. Da của mặt – bàn tay. Chủ yếu là lưng”. Tới lúc toàn thân gắn hẳn vào không khí đồ vật, tường, buồng? Khi vào thường thấy khác lạ nhường bao. Vẫn là căn buồng “siêu hầm” nhưng với Đặng Đình Hưng đó là cõi thiền để Đặng Đình Hưng siêu thoát tất thảy mọi cô đơn trong suốt cuộc đời rong rêu phận người gớm ghiếc và lạnh lẽo. Cái hầm của Đặng Đình Hưng, cái ghế Trần Dần ngày nào cũng ngồi đến lõm cả tường, cái gác xép của Hoàng Cầm, cái ghế mây của Văn Cao, cái góc tối của Lê Đạt, tất cả đều trở thành sân bay nơi các ông cất cánh từ nỗi cô đơn đề hòa nhập vào vô cùng.

Tôi nhớ mùa thu 1989, Đặng Đình Hưng lại vào nằm viện. Khi tôi đến thăm, tuy còn mệt nhưng ông rất vui. Rì rầm trò chuyện, ông lại đọc nghe vài đoạn Ô mai. Nếu Bến lạ mang nhịp điệu cầu kinh thì Ô mai mang nhịp điệu nhạc Rap”.

Đặng Đình Hưng sinh ra Đặng Thái Sơn danh cầm và có một truyền nhân là họa sĩ tối giản Lê Thiết Cương. Lê Thiết Cương là con trai nhà thơ Lê Nguyên, nổi tiếng với bài thơ Hà Nội – Huế - Sài Gòn mà Hoàng Vân phổ nhạc rất hay và là con nữ quay phim biên kịch điện ảnh Đỗ Phương Thảo. Sau khi giải ngũ, Lê Thiết Cương về ở với mẹ cũng khu tập thể Giảng Võ gần nhà ông Hưng. Vì bà Thảo thân ông Hưng nên Lê Thiết Cương được sang hầu chiếu rượu của ông hàng ngày sau giờ đi học ở Trường Đại học Sân khấu – Điện Ảnh. Ở vai của mình, Lê Thiết Cương đã bao lần đi đón các thân hữu của ông Hưng đến chiếu rượu. Với Cương, mỗi cuộc rượu là một lần thụ giáo của anh. Nhờ thế, tuy là họa sĩ nhưng Lê Thiết Cương đã đi theo con đường của họa phái này và thành công. Anh là một trong không nhiều họa sĩ thành danh của lứa họa sĩ thời đầu đổi mới. Lê Thiết Cương coi ông Hưng là người thầy ruột thịt của mình. Anh tự làm nhiều chương trình để tưởng nhớ ông. Gần đây nhất là cùng Đặng Thái Sơn, Hoàng Hưng, Đặng Hữu Phúc làm chương trình “Đặng Đình Hưng – một bến lạ” ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội kỷ niệm 3 năm ngày mất.

Nhiều năm, cứ đến ngày 21/12 là ngày ông “tạ mùa đi”, Lê Thiết Cương và tôi cùng mấy người anh em thân thiết bao giờ cũng về nghĩa trang làng Thụy Hương thắp hương trên mộ ông – một ngôi mộ bình dị của một kỳ nhân giữa làng quê Việt Nam. Tôi có ghi lại khoảnh khắc ấy trong bài thơ Trưa bến lạ.

Ông đi xa bao nhiêu năm

để lại một bến lạ

đơn sơ ngôi mộ

tối giản nghĩa trang làng

*

hương vừa khói gió bắt đầu lan

ngỡ ông về chứng giám

kỷ niệm lùa qua hàng duối xanh xao xuyến

đám khoai nước thầm thì những câu

*

thấy ông cười trên mọi cơn đau

nam quạt chả guitar hát rock

“gõ cửa thiên đường” Whisky thơm nhức

những vui buồn nồng thuở “siêu hầm”

*

trưa bến lạ bỗng dưng lãng quên

mọi nhỏ nhặt đời thường chồng chất

than thản như ông dạt về đây ẩn dật

bến lạ không cùng…

Cũng là duyên ngộ. Ông là người đầu tiên làm tạp chí Âm nhạc. Năm ông “tạ mùa đi” 1990 cũng lại là năm tôi về làm ở tạp chí này. Với duyên ấy, tôi viết về trăm năm Đặng Đình Hưng.

Nguyễn Thụy Kha

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét